Thắng cảnh Đèo Ngang, Hoành Sơn Quan. Cũng gọi là Đèo Nậy. Vắt qua dãy Hoành Sơn, trên trục quốc lộ I A ở cây số 82 về phía nam thị xã Hà Tĩnh (cách Hà Nội 423 km), có toạ dộ 1757 vĩ bắc và 10628 kinh đông, là điểm giáp giới 2 tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình. Đèo Ngang mới mở cùng Quốc lộ I A, còn vị trí Đèo Ngang cũ trên đường quan dịch trạm thời Nguyễn, cách 200m về phía đông cùng vĩ độ Bắc. Đèo Ngang cao 256m. Đường qua dãy Hoành Sơn được khai phá từ năm 992 bởi Ngô Tử An và có quá trình trải hơn 1000 năm. Từ thời Đại Việt và Chiêm Thành, từng đụng độ nhau, hay thời Trịnh- Nguyễn phân tranh thì Đèo Ngang là cứ điểm hiểm yếu về quân sự. Ngày nay, Đèo Ngang là điểm nối thông Nam- Bắc. Vị thế Đèo Ngang được các thời chú ý, nhà Nguyễn xây “ Hoành Sơn Quan” năm 1834, khắc hình Đèo Ngang – Hoành Sơn vào Huyền Đỉnh( dặt trước Thế Miếu - Đại Nội Huế) năm 1938. Năm 1942, khi ngự giá Bắc tuần, vua Thiệu Trị làm thơ về nơi này. Khách từng làm thơ vịnh Đèo Ngang như: Bùi Huy Bích, Phạm Quí Thích, Cao Bá Quát, Nguyễn Thiếp, Hà Tông Quyền, Bùi Dương Lịch, Nguyễn Nể, Nguyễn Trường Tộ... Trong đó bài: “ Qua Đèo Ngang tức cảnh” của Bà huyện Thanh Quan là phổ biến nhất. Ngoài Hoành Sơn Quan ở Đèo Ngang còn có luỹ Lâm Ấp, miếu thờ Liễu Hạnh và nhiều giai thoại lịch sử và dân gian.
Bãi biển Xuân Thành (Nghi Xuân) Thuộc xã Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, theo đường 22-12 đi 4 km đến xã, và đi về phía đông 1km là gặp bãi biển. Bãi dài 5000m, thoai thoãi, cách bờ 300m, nước biển an toàn vì không có dòng xoáy. Sát bãi tắm là rừng phi lao chạy dài hàng chục km; trước khi vào rừng phi lao là một lạch nước ngọt trong vắt chạy dọc theo, sâu có chỗ đến 1,5m, rộng từ 10- 20m, lạch nước ngọt có nguồn từ trong núi chảy ra và không nhiễm mặn. Nước biển ở Xuân Thành có độ mặn tương tự như ở Cửa Lò ( cách Cửa Lò 12km về phía nam). Đặc sản biển ở Xuân Thành phong phú, không thua kém gì Cửa Lò. Hiện nay bãi biển Xuân Thành đang được khai thác để trở thành một khu du lịch, nghỉ mát biển có giá trị và hấp dẫn.
Hồ Kẻ Gỗ. Tại xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, gồm có hồ, đập và hệ thống mương máng. Khởi công xây dựng năm 1976, hoàn thành năm 1979, Trung ương bàn giao cho tỉnh quản lý cuối năm 1990. Đập Kẻ Gỗ đắp chắn ngang sông Rào Cái ở khoảng Vực Chòng, thuộc làng Kẻ Gỗ ( xã Cẩm Mỹ ), nên có tên gọi như vậy. Đập chính dài 1100m, cao trình đập 36,4m, cống đập chính cao trình 10,54m, lưu lượng nước 28m3/ giây; đập tràn cao trình 26,5 m, xã lũ lượng 1200m3/ giây; 3 đập phụ dài 2600m. Hồ Kẻ Gỗ rộng 21.136 ha (chạy dài 29km), nhưng thực tế là 13.000 ha, chứa đựng 345 triệu m3 nước, lúc thấp nhất là 25 triệu m3 nước và trung bình là 320 triệu m3 nước. Nước từ sông, khe đổ vào hồ từ: Rào Bưởi, Rào Pheo, Rào Trâm, Rào Trường, Khe Môn... mức nước cường là 33m và bình thường 32,51m. Hồ có lưu vực rộng 223km2. Hệ thống mương máng gồm : Kênh nhánh C2- C3 dài 640 km, trên hệ thống kênh mương có 596 công trình như cầu, cống, máng và bộ phận điều tiết. Nước hồ theo kênh có thể tưới cho 21. 136 ha ruộng, nhưng thực tế đạt 15.200 ha đất ruộng của huyện Cẩm Xuyên và Nam Thạch Hà. Hồ Kẻ Gỗ ngăn chặn lũ lụt của sông Rào Cái, tưới cho ruộng đồng màu mỡ, là nguồn thuỷ điện có thể phát 2.100 KW/h với 3 tổ máy. Ngoài ra còn là khu du lịch hấp dẫn.
Danh thắng Quỳnh Viên Cũng gọi là núi Sót, lại có tên là núi Quỳnh Viên( hay Quỳnh Sơn), dân trong vùng gọi là rú Nam Giái thuộc 2 xã Thạch Bàn và Thạch Hải, huyện Thạch Hà. Mạch núi hướng bắc- nam, toạ độ 105 56’4” kinh đông và 1840’ vĩ bắc, đỉnh cao nhất 374,4m( gọi là đỉnh “ Treo cờ”vì được treo cờ thời Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930- 1931 và trong cách mạng tháng Tám 1945). Phía cực bắc là Mũi Ót, tục gọi Hòn Lố, cao 68m, cạnh Hòn Lố có Hòn Môi nổi lên mặt nước như nóc nhà, lại có Hòn Tượng chồng cao, trên có Khe Nghiêng, có đá Am, đá Lố, đá Ngứa chìm trong nước. Lại có “Hòn Trống”, “ Hòn Mái” mà dân gian gọi là “ Hươu Đá” “ Trập Cu Cu”. Phía nam Hòn Lố là Eo Lói lúc triều lên ngập nước có nhiều hình thù đá kỳ dị như: Đá Rồng, đá Hến, đá Giường, đá Nhọn, đá ổ Trứng Gà. Qua Eo Lói là Hòn Long Ngâm, cao 57m. Bên ghềnh Long Ngâm có “ Đá Thiêng” tức hai hòn “ Đỏ Lộng” và “ Đỏ Khơi” rất nghuy hiểm cho thuyền bè, nếu ai để thuyền va vào đá phải làm lễ cầu cúng mới yên. Phía tây ngọn Long Ngầm có ao. Trên bờ có hai nền nhà, tương truyền Chữ Đồng Tử và Tiên Dung tu tiên đắc đạo ở đây và có tên là Quỳnh Viên. Phía nam Long Ngâm là đỉnh Nam Sơn, cao 246m, có đền Thánh Mẫu tức đền Nam Sơn. Cạnh là ngọn Hoả Hiệu nơi đốt lửa làm hiệu khi có nguy cấp, dưới núi có “Áng Cát”, trong núi có miếu thờ Cá Voi linh thiêng. Chính giữa núi là đỉnh cao 374,4m, phía đông nam là đỉnh cao 266m. Trên núi có nhiều khe suối, có tiếng nhất là khe Hau Hau, nước ngọt là một trong 3 nguồn nước ngon ở Hà Tĩnh xưa. Núi Nam Giới còn cung cấp đá cho xây dựng, đá được khai thác chuyên chở đi các nơi, núi Nam Giới là một khu du lịch- văn hoá có giá trị.
Núi Hồng. Tên Nôm là Ngàn Hống hay Rú Hôống, cũng đọc là Hống, tên chữ là Hồng Sơn (núi Hồng) hay Hồng Lĩnh, nằm trên đất 2 huyện Can Lộc và Nghi Xuân. Toạ độ từ 105 41’ đến 105 55’ kinh đông và từ 18 28’ đến 18 39’ vĩ bắc. Mạch núi chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, từ nam bến thuỷ vào đến bắc Cửa Sót. Chia làm 3 nhóm núi: Nhóm Thiên Tượng và nhóm Đụn ngăn cách nhau bởi tuông Eo Bầu. Hồng Lĩnh là đợt cuối chót của sơn khối kéo dài từ Pu-lây-Leng( tây bắc Nghệ An), có kiến tạo từ 200 triệu năm trước, với độ cao 2711m ( Rào Cỏ). Hồng Lĩnh có nhiều đỉnh, tục truyền là 99 đỉnh và theo truyền thuyết Ông Đùng xếp núi thì đỉnh thứ 100 là Rú Rum( Lam Thành) ở bờ bắc sông Lam, chưa kịp dắt về để cho đủ 100 ngọn núi Hồng. Thực tế đo đạc địa lý có hơn 60 đỉnh nhô cao lên từ mấy chục mét và cao nhất là 676m. Tính từ tây bắc xuống có các đỉnh: Nam Bàn, Yên Xuân, Đà Hồng, Cột Cờ, Thiên Tượng, Mồng Già ( có 2 ngọn), Bạch Tỵ, Hương Tích, Tai Voi , Mũi Rồng, Ông, Tháp Cờ, Chân Tiên ....Nhiều ngọn được mang tên kỳ thú do người đời đặt và lưu truyền. Có 8 cửa truông thuận tiện cho đi lại qua Hồng Lĩnh từ tây sang đông và từ bắc xuống nam, như truông: Cộng Khánh, Vắn (Cố Ghép)... Trong núi có nhiều hang động như: động 12 cửa, động Chẻ Hai, động Đá Hang, động Hàm Rồng... Có đến 26 khe suối chảy từ trong núi ra và ngày nay có hàng mấy chục đập nước ở chân núi Hồng Lĩnh, một số ao hồ ở lưng núi và chân núi như Bàu Tiên, Vực Nguyệt, Ao Núi Lân, Bàu Mỹ Dương. Tài nguyên ở Hồng Lĩnh có rừng thông hơn 11.000 ha do Lâm trường Hồng Lĩnh quản lý. Rừng phòng hộ theo dự án 327 ngày một phủ xanh đồi trọc, cùng với rừng cây thì chim muông về theo ngày càng đông đúc hơn. Nổi tiếng của Hồng Lĩnh là bề dày của các di sản văn hoá- lịch sử, từ các di tích như: đỉnh Tháp Cờ, nơi hoàng tử, con Mai Thúc Loan xây căn cứ, Núi Lầu có hành cung của Lý Thánh Tông , Luỹ Đá của Ngô Quảng nổi lên chống Pháp và nhiều huyền thoại, truyền thuyết liên quan đến núi Hồng như: Ông Đùng xếp núi, truyền thuyết về kinh đô của Vua Hùng.... và bao nhiêu giai thoại, thần thoại khác. Hình tượng Núi Hồng là một trong những danh thắng của cả nước được khắc trên Anh Đỉnh ở Kinh thành Huế (Năm Minh Mạng Thứ 7-1836). Ngày nay Hồng Lĩnh đang được phủ xanh, đang được làm đẹp để xứng đáng là danh sơn muôn đời của quê hương, đất nước.
La Giang - Tùng Lĩnh. Là con đê lớn nhất Hà Tĩnh, đê đắp bằng đất ở bờ nam sông La, được xây dựng từ năm 1934 và có quy mô như hiện nay phải qua nhiều lần tu bổ nhất là vào những năm 1990-2000 dài 19,3 km. Đê nằm ở bờ nam La Giang, từ chân núi Tùng Lĩnh đến chân núi Hồng Lĩnh. Đê có các cống Đức Bùi, Trung Lương.