Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Một số danh nhân tiêu biểu

Thứ bảy - 20/07/2019 06:56
Tên thật là Ngô Xuân Diệu, quê ở xã Trảo Nha( Đại Lộc), huyện Can Lộc, sinh ra tại quê mẹ xã Tùng Giang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Lớn lên ở Trường trung học Bảo Hộ ở Hà Nội với bằng tú tài bán phần, và học trường trung học Khải Định ở Huế
Mai Thúc Loan (thế kỷ VIII). Đế hiệu là Mai Hắc Đế. Quê ở làng Mai Phụ, nay là xã Mai Phụ, huyện Thạch Hà. Bà mẹ dời ra vùng Ngọc Trừng (thuộc Nam Đàn, Nghệ An). Ông là người tổ chức và chỉ huy cuộc khởi nghĩa chống nhà Đường đô hộ năm 722. Lúc đầu lực lượng chỉ có vài trăm người thợ săn và nông phu, về sau thu hút đông đảo dân chúng  khắp Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh. Căn cứ ở núi Vệ, phía bắc thị trấn Sa Nam (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Ngoài ra còn có căn cứ Hùng Sơn (rú Đụn) ở phía tây Sa Nam và phía nam núi Hồng Lĩnh. Sau khi hoàn tất việc xây dựng lực lượng, căn cứ và hệ thống chiến luỹ, liên hệ với Chăm Pa, Chân Lạp để có thêm đồng minh, liên kết với các hào trưởng ở Giao Chỉ, Mai Thúc Loan lần lượt tấn công trụ sở đô hộ nhà Đường từ Hoan Châu ra Ái Châu, giành thắng lợi, rồi tiến về Tổng Bình (nay là Hà Nội). Viên quan đô hộ Quang Sở Khách bỏ Tống Bình chạy về nước. Khởi nghĩa giành thắng lợi giải phóng đất nước khỏi ách đô hộ. Mai Thúc Loan xưng đế gọi là Mai Hắc Đế, đóng đô ở Vạn An, trước sức mạnh của quân giặc Mai Hắc Đế tổ chức chiến đấu, không may ông bị rắn độc cắn chết. Cuộc kháng chiến thiếu lãnh tụ, cuối cùng thất thủ ở Vạn An và các căn cứ khác lần lượt bị tiêu diệt.

Sử hy Nhan(? – 1421) Quê ở Ngọc Sơn, xã Bình Lãng, huyện Phi Lộc nay là xã Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh.Vốn là họ Trần ( cũng có tài liệu nói là họ Đào) học giỏi, chăm đọc sách, thi đỗ trạng nguyên năm 1363 ( năm Đại Trị thứ 6 đời vua Trần Dụ Tông), làm quan đến chức Hành Khiển. Là một người thông hiểu lịch sử và là tác giả của bộ “ Đại Việt sử Lược” chép lịch sử nước ta từ khởi thuỷ cho đến hết đời vua Lý Chiêu Hoàng (1225). Sách hoàn thành dâng lên vua  được ban cho họ Sử, từ  đó gọi là Sử Hy Nhan. Khi nhà Minh đưa quân vào xâm lược nước ta ông dời nhà từ Ngọc Sơn lên vùng núi Kê Quan, huyện Đỗ Gia cùng gia đình khai phá lập làng ở vùng Trại Đầu, nay là vùng xã Ân Phú, huyện Vũ Quang. Sau khi ông mất, Hoàng Phúc tướng nhà Mimh đến càn quét và lấy đi nhiều của cải trong đó có sách “ Đại việt Sử Lược” của ông, mang về Sơn Đông (Trung Quốc), sau này con cháu của Hoàng Phúc nhiều đời làm Thủ Hiếu Sơn Đông, đã nộp sách “ Đại Việt Sử Lược” đưa vào “ Tứ Khố Toàn Thư “ của Trung Quốc. Con ông là  Sử Đức Huy cũng đỗ Trạng Nguyên cuối đời Trần.

Đặng Dung( thế kỷ XIV0 XV) Quê ở làng Tả Hạ, xã Tả Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Là con của Đặng Tất. Lớn lên cùng cha giúp Trần Ngỗi, góp phần quan trọng giải phóng từ Tân Bình, Thuận Hoá, Nghệ An, Thanh Hoá khỏi ách đô hộ của nhà Minh và làm nên chiến thắng Bô Cô vào cuối năm 1408. Sau đó ông đem lực lượng vào Nghệ An, lập Trần Quý Khoáng làm Minh chủ, xây dựng “ Thủ đô kháng chiến “ ở Bà Hồ (nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ), lực lượng ngày một mạnh, ông được phong là Đồng Bình Chương Sự. Quân giặc tăng cường đàn áp, lực lượng nghĩa quân lui dần vào hoá Châu, nhưng rồi ông bị bắt, giặc giải ông đi Yên Kinh, trên đường ông nhảy xuống sông tự tử  vào khoảng năm1414. Ông để lại bài thơ Cảm Hoài nổi tiếng. Tại xã Tùng Lộc có đền thờ hai cha con Đặng Tất - Đặng Dung.

Nguyễn Biểu (?-1413). Quê ở Nộ Diên,  xã Bình Hồ. Đỗ Thái học sinh vào cuối thế kỷ XIV, làm quan đến chức Điện Tiền thị Ngự Sử dưới thời nhà Hậu Trần. Khi giặc Minh sang xâm lược, phò giúp Trần Quý Khoáng tổ chức lực lượng khởi nghĩa nhà hậu Trần. Năm 1413, quân Minh vào uy hiếp, Trần Quý Khoáng cử đi đàm phán với Trương Phụ để hoãn binh tiếp tục chiến đấu, bị Trương Phụ giữ lại, để thử lòng Trương Phụ dọn cỗ Đầu người, ông ung dung móc mắt ăn và tức cảnh làm bài thơ “ Ăn cỗ đầu người “ nổi tiéng. Thấy thế Trương Phụ tha cho đi, song Phan Liêu đã can ngăn phu không được thả trở về. Cuối cùng ông bị buộc vào chân cầu bên sông Lam để thuỷ Triều dâng lên dìm chết, đó là ngày 1/7 năm Quý Tỵ(1413). Vua Lê Thái Tổ cho lập đền thờ ông ở Nội Diên, phong là Nghĩa Liệt Hiển Ứng Linh trợ Thuận Đại Vương tức Nghĩa sỹ Đại Vương, gọi là đền Nghĩa Vương.

Nguyễn Biên ( Thế kỷ XIV). Người làng Phù Lưu Thượng, nay là xã Hồng Lộc, huyện Can Lộc. Đi vào lập cư ở xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên. Tại đây ông tổ chức lực lượng chống giặc Minh trước khi lực lượng nghĩa quân Lam Sơn tiến về phía Nam, thời gian liền sau khởi nghĩa của Trần Ngỗi - Trần Quý Khoáng (1407-1414) và liền trước khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1428). Căn cứ đặt tại Động Choác( núi Kình Thốc, nay thuộc xã Cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên), sở chỉ huy đặt tại Kẻ Cấm (nay thuộc xã Cẩm Hưng). Nghĩa quân ngày một lớn mạnh, uy hiếp các lỵ sở đô hộ và tiêu diệt các cuộc hành quân đàn áp của địch, cuối cùng giải phóng và làm chủ hai huyện Kỳ La và Hà Hoa (nay là 2 huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh). Sau rời Sở chỉ huy từ  Kẻ Cấm về làng Cát Thiên (nay thuộc xã Cẩm Huy, huyện Cẩm Xuyên), biến vùng thung lũng quanh căn cứ Động Choác thành ruộng đồng cung cấp lương thực cho nghĩa quân. Về sau, khi Lê Lợi tiến vào giải phóng Nghệ An, nghĩa quân của Nguyễn Biên gia nhập nghĩa quân Lam sơn. Ngày nay quanh vùng Động Choác còn nhiều vết tích về cuộc khởi nghĩa. Đền Thượng Tướng ( xã cẩm Huy) thờ Nguyễn Biên, phần mộ ông cũng được toạ lạc trong nền đền.

Nguyễn Tuấn Thiện (1401-1494). Cũng gọi là Lê Thiện. Quê ở làng Phúc Dậu, nay là xã Sơn Phúc, huyện Hương Sơn. Xuất thân trong một gia đình nghèo, sống bằng nghề làm ruộng, mồ côi cha từ nhở, cần cù làm ăn nuôi mẹ. Khi lớn lên có sức khoẻ chí lớn tụ tập lực lượng trong vùng tập luyện võ nghệ, bảo vệ xóm làng. Khi nghĩa quân Lam Sơn tiến vào vùng Hương Sơn, ông đem lực lượng tham gia và lập nhiều chiến công chống giặc Minh. Tục truyền Lê Lợi kết nghĩa anh em với Nguyễn Tuấn Thiện và sau thắng lợi ông được ban họ Lê, tức là Lê Tuấn Thiện.

Bùi Cầm Hổ (1390-1483) Quê ở xã Đậu Liêu thuộc thị xã Hồng Lĩnh. Tương truyền  khi sinh ra ông, trong nhà như có tiếng hổ gầm nên đặt tên là Bùi Cầm Hổ. Làm quan Ngự  sự đời vua Lê Thái Tông (1443-1442), Tham Tri Chính Sự đời vua Lê Nhân Tông(1443-1459). Ông tính tình cương trực, không sợ uy quyền, và chỉ trích những hành vi sai trái của vua và các đại thần, đồng thời cũng rất bao dung và có lòng nhân đạo cao cả. Trong dân gian lưu truyền việc ông minh oan cho người phụ nữ nọ trong vụ án giết chồng do người vợ đã không phân biệt được lươn và rắn lươn ( rắn lươn độc giống lươn, nhưng khi bò ngóc đầu lên) nên mua phải rắn lươn (hoàng xà) về nấu cháo cho chồng ăn, ngộ độc chết. Với quê hương ông tổ chức đào mương dẫn nước từ khe trong núi Hồng Lĩnh về tưới cho ruộng đồng. Sau khi mất dân làng lập đền thờ dưới chân núi Bạch Tỵ, gọi là đền Đô Đài, là di tich văn hoá lịch sử  được xếp hạng quốc gia.

Nguyễn Nghiễm (1708-1755)  Tự là Hi Tư, hiệu là Nghi Hiên, biệt hiệu Hồng Ngư cư sỹ. Quê ở làng Tiên Điền, nay là xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Thân phụ Nguyễn Khản, Nguyễn Du. Năm 1731 đỗ Hoàng giáp, làm quan trải các chức: Tham Chính sứ  Sơn Nam, đến Tế Tử Quốc tử Giám, Hàn lâm thừa chỉ tước Xuân Lĩnh bá, Thăng hữu tham tri bộ Công Tước Xuân Lĩnh hầu, đặc cách thăng Bồi tụng tước Xuân Quận công. Sau khi mất nước ban tên thuỵ là Trung Cần, dân làng lập đền thờ và được phong Thượng đẳng phúc thần. Là một nhà chính trị mẫn cán, có đầu óc kinh bang, có những đóng góp xây dựng kinh tế như lập đồn điền, mở các công xưởng khi làm quan ở Nghệ An, Thanh Hoá và hệ thống giao thông dịch trạm ở Bắc  Hà. Còn là nhà trước tác với các tác phẩm chủ yếu như: Việt sử bị lãm, Lạng sơn Đoàn thành đồ, Xuân trung liên vịnh, Xuân Đình tạp vịnh bằng Hán văn và nhiều thơ phú Nôm.

Lê Hữu Trác (1720-1791). Có tên là Lê Hữu Huân thường gọi Chiêu Bảy, biệt hiệu là Hải Thượng Lãn Ông. Quê ở làng Liêu Xá, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên. Thủa nhỏ theo văn chương, lại theo võ bị, vào lính, tham gia nhiều trận mạc, lập công sắp được thăng cấp thì lấy cớ anh mất, mẹ già, cháu dại xin về quê mẹ làng Thượng Phúc, xã Tình Diệm nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn sinh sống cho đến cuối đời. Chuyên về nghề thuốc đông y truyền thống từ nghiên cứu y lý của các danh y trung Hoa và Việt Nam, kết hợp với thực tế bệnh tật mà ông chạy chữa và sưu tầm  dược liệu phong phú từ trong rừng núi Hương Sơn. Lê Hữu Trác tổng kết lại trong bộ sách lớn: “Hải Thượng y tông lĩnh” gồm 66 quyển, đây là công trình kéo dài gần 40 năm lao động. Ngoài sách thuốc ra, ông còn yêu thơ văn, nhân chuyến ra Thăng Long chữa bệnh cho Trịnh Cán, ông để lại tác phẩm “Thượng Kinh ký sự”. Là một thầy thuốc nổi tiếng, từ chối mọi vinh hoa phú quý, tự coi mình là ông già lười như biệt hiệu của ông.

Nguyễn Huy Oánh (1713-1789). Tự là Hữu Tri, hiệu là Uẩn Trai. Quê ở làng Trường Lưu nay xã Trường Lưu, huyện Can Lộc. Là con nguyễn Huy Oánh thân phụ của nguyễn Huy Hỗ. Năm 1759 đỗ giải nguyên, theo cha về Thăng Long giúp việc trong phủ chuá Trịnh rồi được bổ làm Tri phủ Quốc Oai. Năm 1770, được thăng Hiến sát phó sứ  Sơn Nam. Năm 1774, xin chuyển sang võ chức được nhà nước công nhận là bậc tiến triều coi ngang trình độ Tiến Sỹ, lần lượt giữ các chứ Hiến Sát sứ Sơn Tây và ân thăng Hàn Lâm viện hiệu lý. Có tài quân sự được ban tặng 4 chữ: “Võ khố hùng lược”. Thời gian loạn kiêu binh nổi lên ở Thăng Long, lấy cớ có tang Nhạc mẫu xin về cư tang, cùng thân phụ dạy học. Năm 1789 vào Phú Xuân giúp Quang Trung, làm Hữu thị lang bộ Binh 1 năm thì  mất. Tác phẩm nổi tiếng của ông là Truyện Hoa Tiên, truyện thơ Nôm lục bát, được lưu truyền rộng rãi có ảnh hưởng lớn từ xưa đến nay.

Nguyễn Thiếp ( 1723- 1804). Thường gọi là La Sơn phu tử, tự là Khải Xuyên, biệt hiệu là Hạnh Am, cũng gọi là Lục Niên tiên sinh, quê ở Nguyệt Ao, nay thuộc xã Kim Lộc, huyện Can Lộc. Năm 1773, đỗ Hương Giải, sau chỉ ham thích đọc sách, chuyên về tính lý, thích ngao du sơn thuỷ. Năm 1948, theo lời khuyên của thầy là Nguyễn Nghiễm thi hội nhưng chỉ đỗ được tam trường. Năm 1756 được bổ làm Huấn Đạo Anh Đô ( Nghệ An), rồi tri huyện Thanh Giang( Thanh Chương) . Năm 1768, từ quan về ở ẩn trên núi Thiên Nhẫn. Khi Nguyễn Huệ ra bắc (1786), sai người đem lễ vật song ông từ chối, nhưng sau khi Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Đế, ông chấp nhận ra giúp Quang Trung, làm viện trưởng Viện Sùng Chính để truyền bá chính học theo phép của Chu Hy, nhiều sách Kinh truyện Nho giáo được dịch ra chữ Nôm. Ông còn giúp Quang Trung tìm đất và xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô tại núi Quyết (thành phố Vinh hiên nay). Quang Trung mất, ông từ chối cộng tác với nhà Tây Sơn và cả nhà Nguyễn sau này. Tác phẩm chủ yếu là “Hạnh Am Thi Cảo” và một số thơ Nôm và thư tấu gửi Quang Trung. Sau khi qua đời được an táng trên ngọn Bùi Phong, nơi ông ở ẩn.

Nguyễn Huy Tự (1743-1790). Tự là Hữu tri, hiệu là Uẩn Trai. Quê ở làng Trường Lưu, nay là xã Trường Lưu, huyện Can Lộc. Là con trai của Nguyễn Huy Oanh và thân phụ Nguyễn Huy Hổ. Năm 1759, đỗ giải nguyên, theo cha về Thăng Long giúp  việc trong phủ chúa Trịnh  rồi được bổ làm Tri phủ Quốc Oai . Năm 1770, được thăng hiến sát phó sứ  Sơn Nam. Năm 1774 xin chuyển sang võ chức được nhà nước công nhận là bậc tiến triều coi ngang trình độ Tiến Sỹ , lần lượt giữ các chức Hiến Sát sứ Sơn Tây, rồi Đốc Đồng Sơn Tây và ân thăng hàn Lâm viện hiệu lý. Có tài quân sự được ban tặng 4 chữ: Võ khố hùng lược. Thời gian loạn kiêu binh nổi lên ở Thăng Long, lấy cớ có tang nhạc  mẫu xin về cử tang, cùng thân phụ dạy học. Năm 1789 vào Phú Xuân giúp Quang Trung, làm Hữu Thị Lang bộ Binh 1 năm thì mất. Tác phẩm nổi tiếng của ông là truyện Hoa Tiên, truyện thơ Nôm Lục bát, được lưu truyền rộng rãi và có ảnh hưởng lớn từ xưa đến nay.

Phan Huy Ích(1750-1822). Trước có tên là Công Huệ, vì cùng tên với Trịnh Sâm phải đổi, tự là Dụ Am. Là con Phan Huy Cẩn, cha Phan Huy Chú. Quê ở Thu Hoạch, nay là xã Thạch Châu, huyện Thạch Hà, ra ở Yên Sơn (nay là xã Thuỵ Khê, huyện Quốc Oai, Hà Tây). Năm 1775, đỗ tiến sỹ. Làm quan trải các chức: Hàn Lâm Thừa chỉ, Thừa Chính Sơn Nam, Đốc Đồng Thanh Hoá dưới thời Lê Trịnh. Vì chống lại Nguyễn Hữu Chỉnh nên bị bắt, rồi về quê dạy học. Sau lại làm việc cho nhà Tây Sơn từ Thị lang bộ hình đến Thượng thư bộ lễ, tước thị Nham hầu. Nhà Nguyễn lên, bị bắt đem đến văn miếu đánh đòn, rồi được trở về quê dạy học. Ông có tài ngoại giao, nhất là thời gian làm việc với nhà Ngô Thời Thậm dưới thời Tây Sơn. Năm 1790, được theo đoàn sứ bộ cùng đi với vua Quang Trung giả sang thăm viếng vua Càn Long, có dịp xướng hoạ với Càn Long. Trước  tác có : Dụ Am ngâm lục, Dụ Am văn tập, Tinh Sà Kỷ hành, cũng là người dịch “Chinh Phụ Ngâm” của Đặng Trần Côn sang quốc âm, làm nhiều văn tế, chiêu dụ bằng văn Nôm.

Bùi Dương Lịch( 1757-1828). Tự là Tồn Thành, hiệu là Thạch Phủ và Tồn Trai. Quê ở làng Yên Đồng, nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Đỗ hương cống năm 1774, ra Thăng Long dạy học, đỗ Hoàng Giáp năm 1787, làm nội hàn viên Cung phụng sứ ngoại lang. Sau nhà Lê mất về ở ẩn tại quê mẹ ( xã Đồng Môn, huyện Thạch Hà). Năm 1790, làm việc dịch sách ở viện Sùng Chính do Nguyễn Thiếp làm viện trưởng. Vua Gia Long triệu ra làm đốc học Nghệ An. Năm 1813 cáo quan về nhà dạy học và biên soạn sách. Ông đã soạn các tác phẩm: Bùi gia huấn tài( giáo khoa), Nghệ An Ký (địa chí), Nghệ An phong thổ thoại (địa chí), Lê Quý dặt sử ( văn), Yên Hội thôn chí (địa chí)..

Nguyễn Du (1765-1820). Tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên, biệt hiệu là Hồng Sơn Liệp Bộ. Quê ở xã Tiên Điền, nay là xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân. Xuất thân trong gia tộc có truyền thống khoa bảng và nhiều đời làm quan to. Năm 19 tuổi, đỗ Tam trường, rồi tập tước quan võ làm chánh thủ hiệu ở Thái Nguyên. Kể từ khi nhà Tây Sơn thay thế nhà Lê-Trịnh, trở về sống trong cảnh sa sút. Năm 1802, ra làm quan với nhà Nguyễn, từ tri huyện Phu Dực, Tri Phủ Thường Tín, đến Đông Các Đại học sỹ, Chánh sứ sang nhà Thanh, rồi Hữu Tham tri bộ Lại. Năm 1820, được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh cầu phong cho vua Minh Mạng, chưa kịp đi thì bổ bệnh qua đời. Sự nghiệp lớn lao của Nguyễn Du là văn chương, với 3 tập thơ chữ Hán: Bắc hành tạp lục, Nam Trung tạp ngâm, Thanh Hiên thi tập. Các tác phẩm thơ Nôm có: Văn tế sống hai cô gái Tràng Lưu, Văn tế thập loài chúng sinh, Thác lời con trai phường Nón. Nổi bật nhất là Truyện Kiều, tức Đoạn Trường Tân Thanh, truyện thơ Nôm theo thể lục bát gồm  3.254 câu, xứng đáng đưa ông lên vị trí là Đại thi hào dân tộc. Năm 1965, nhân kỷ niệm 200 năm sinh, UNESCO phong tặng ông là Danh nhân Văn hoá thế giới.

Nguyễn Công Trứ.( 1778-1857). Tự là Tồn Chất, hiệu là Ngộ Trai, biệt hiệu là Hy Văn. Quê ở làng Uy Viễn, nay thuộc xã Xuân Giang, huyện Nghi Xuân. Sinh ở Thái Bình, (nơi cha là Nguyễn Công Tấn làm Tham tán Sơn Nam). Đỗ giải nguyên khoa thi Hương năm 1818, làm quan trải 2 triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị,  làm các chức hành tẩu ở Sứ quán, tri huyện Đường Hào, Lang Trung bộ lại, Tư nghiệp quốc Tử Giám, Thiêm sự bộ hình, phủ thừa Thừa Thiên ... cho đến chức Thự thượng Thư bộ Binh. Trong quan trường ông cũng là người bị giáng, bị cách nhiều, có khi bị cách tuột mọi chức quan để làm lính thú ở Quảng Ngãi. Đầu đời Tự Đức, ông xin về trí sỹ, kết thúc gần 30 năm làm quan (1820-1848). Về chính trị ông là một người tài ba, đầy may mắn và cũng lắm rũi ro. Về quân sự, ông là nhà chỉ huy có tài. Về kinh tế ông là người có nhiều đóng góp to lớn, có công thành lập hai huyện Kim Sơn ( Ninh bình) và Tiền Hải (Thái Bình) đầu thế kỷ XIX. Về văn học, ông để lại cho đời một khối lượng lớn thơ Hán và thơ Nôm xuất sắc và tiêu biểu trên thi đàn Việt Nam thời Nguyễn. Về Nghệ thuật, ông là bậc tài danh lãng tử  đặc biệt là lối hát Ca Trù truyền thống của quê hương. Mười năm cuối đời sau khi về trí sỹ, ông có nhiều hoạt động phong phú về văn hoá- xã hội, nhất là lúc về ở bên chùa Cảm Sơn ở núi Nài (xã Đại Nài, thị xã Hà Tĩnh).

Phan Đình Phùng(1847-1895). Hiệu là Châu Phong. Quê ở Đông Thái, nay xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Đỗ cử nhân 1876, đỗ Đình nguyên tién sỹ năm 1877. Được bổ làm tri phủ Yên Khánh (nay thuộc tỉnh Ninh Bình). Năm 1778 về kinh sung chức Ngự Sử Đô Sát viện. Khi vua Tự Đức mất, phản đối hai quan phụ chính Nguyễn Vân  Tường  và Tôn Thất thuyết  phế Dục Đức  lập Hiệp Hoà làm vua, không theo di chiếu của Tự Đức, bị cách chức lưu hồi nguyên quán. Hàm Nghi ra dụ Cần Vương, ông là người hưởng ứng tích cực nhất, tìm đến bái kiến và được phong làm Tán Lý Quân Vụ  lãnh trọng trách thống lĩnh các đạo quân Cần Vương, rồi tổ chức lực lượng xây dựng căn cứ  tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, gọi là khởi nghĩa Phan Đình Phùng hay khởi nghĩa Vũ Quang cũng gọi là khởi nghĩa Hương Khê, thanh thế lẫy lừng khắp 4 tỉnh miền Trung và ảnh hưởng  đến cả nước. Chỉ huy cuộc kháng chiến đến cuối cùng, mặc cho quân pháp vây chặt căn cứ, tìm mọi cách tiêu diệt nghĩa quân. Ông mất cuối năm 1895 vì bệnh kiết lỵ, thi hài ông được an táng ở núi Quạt. Xưa nay có thuyết nói rằng Nguyễn Thân đào thi thể ông nhồi vào súng đại bác bắn xuống sông La theo lệnh của pháp và sau đó ở núi Châu (tức Châu Phong)  quê ông  có đắp phần mộ giả để tưởng niệm, gần đây phát hiện tư liệu cho hay, vì có quan hệ với ông mà Nguyễn Thân làm động tác giả để che mắt người Pháp? Ông để lại một số tác phẩm chữ Hán như : Việt sử địa dư vựng sách, Hịch kêu gọi đánh Pháp. Thư trả lời Hoàng Cao Khải, và một số thơ văn khác.

Lê Ninh (1857-1887). Tục gọi là Ấm Ninh, hiệu là Mạnh Khang. Quê làng Trung Lễ, huyện Đức Thọ. Thủa nhỏ không theo đường khoa cử, mà chuyên về binh thư, binh pháp và nghiên cứu trận đồ, bí mật lấy của nhà chiêu tập lực lựng và luyện tập võ nghệ. Khi vua Hàm Nghi ra dụ Cần Vương (1885), ông liền ứng nghĩa, nhanh chóng, bí mật tiến quân vào hạ thành Hà Tĩnh, bắt bố chính Lê Đại và thuộc lại đền tội, rồi lên đón Hàm Nghi, được phong làm Bang biện quân vụ. Lực lượng lấy làng Trung Lễ làm căn cứ, có đại đồn và cơ sở hậu cần được bố phòng cẩn thận. Đầu năm 1886, quân Pháp tấn công vào căn cứ, đại đồn thất thủ buộc nghĩa quân rút lên vùng núi Bạch Sơn (Hương Sơn) tiếp tục hoạt động. Sau chiến thắng Dương Liễu (nay thuộc xã Nam Dương, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Đầu năm 1877, ông bị bệnh nặng rồi mất ở quê vợ làng Phú Long ( Hưng Nguyên) cuối năm 1887.

Cao Thắng (1863-1893). Cao Thắng quê ở làng Yên Đức, nay thuộc xã Sơn Lễ, huyện Hương Sơn. Sinh trưởng trong một gia đình nông dân nghèo, lúc bé theo Trần Quang Cán trong khởi nghĩa Giáp Tuất (1874), sau về làm con nuôi Phan Đình Thuật (anh ruột của Phan Đình Phùng). Khi bố đẻ và bố nuôi mất, về quê nội, do một vụ kiện, bị bắt giam ở nhà lao Hà Tĩnh, ông trốn thoát trở về quê cùng em là Cao Nữu tập hợp lực lượng theo Phan Đình Phùng, được cụ Phan tin cậy, giao cho trọng trách chỉ huy quân sự. Là người tổ chức binh xưởng và đã chế được súng trường kiểu 1874 của Pháp cho nghĩa quân. Là người có tài chỉ huy quân sự, đánh thắng nhiều trận, lập nhiều chiến công, thanh thế vang dội khắp 4 tỉnh miền Trung. Cuối năm 1893 trong một cuộc tiến quân xuất phát từ Hương Sơn rẽ qua  Thanh Chương, Nam Đàn đánh vào Vinh, sau khi san phẳng đồn giặc, đến đồn Nổ tức  là vùng  Rào Nổ ( trong tiếng Pháp người ta viết Nổ thành NOU (NU) nên nhiều người nhầm là đồn Nu ở Thanh Chương, Nghệ An) Cao Thắng bị trọng thương, đưa về căn cứ và hy sinh vào ngày 21/11/1893.

Lê Văn Huân (1876-1929). Hiệu là Lâm Ngu, quê làng Trung Lễ, huyện Đức Thọ. Mồ côi cha từ nhỏ, theo học chữ Hán và đậu giải  nguyên khoa  thi hương Bính Ngọ(1906) thường gọi là Giải Huân. Năm 1907 tham gia mở Triều Dương thương điếm ở Vinh, bán hàng nội địa, là địa chỉ liên lạc của hội Duy Tân, các phong trào yêu nước. Năm 1808, bị bắt đi đày Côn Đảo. Năm 1917, tự do, trở về quê và tiếp tục hoạt động. Năm 1925 cùng tham gia sáng lập hội Phục Việt ( tại Vinh) sau cải tổ là Tân Việt). Năm 1929, bị pháp bắt, lần lượt bị giam ở Vinh, Hà Tĩnh, bị tra tấn cực hình, tuyệt thực cho đến chết trong nhà lao Hà Tĩnh.

Nguyễn Hằng Chi (1884-1908). Quê ở làng Ích Hậu, nay thuộc xã Ích Hậu, huyện Can Lộc. Xuất thân từ một gia đình  Nho học yêu nước, nên từ sớm tham gia vào các hoạt động xã hội truyền bá tư tưởng dân chủ, đọc sách báo mới, liên lạc với các sỹ phu trong phong trào Duy Tân. Khi khởi phát phong trào chống thuế  của nhân dân Quảng Nam, chính ông đã gủi tờ thông tri đến các huyện gọi dân chúng hưởng ứng và phong trào lại nổi lên ở Hà Tĩnh, tự thân ông dẫn đầu đoàn biểu tình kéo tận vào thị xã Hà Tĩnh  chất ván viên tuần  phủ, đòi chính quyền giảm sưu thuế cho dân. Ông bị kẻ địch bắt và kết án tử hình.

Võ Liêm Sơn ( 1888-1949). Hiệu là Ngọc Am, quê ở Thiên Lộc, nay thuộc xã Thiên Lộc, huyện Can Lộc. Học ở Trường Quốc học Huế đỗ Thành Chung, năm 1912 lại đỗ cử nhân Hán học ở trường thi Bình Định, được bổ tri huyện Duy Xuyên ( Quảng Nam), sau bị huyền chức, dạy học ở Phan Thiết, ở Quốc học Huế, cuối những năm 1920 tham gia đảng Tân Việt. Năm 1927, vì viết cuốn Hài Văn nên bị thực dân Pháp cách chức và quản chế. Năm 1934, sáng lập ra Tân Văn Việt Nghệ tùng thư, bị thực dân khám nhà và bắt giam. Năm 1944, tham gia hoạt động Việt Minh giành chính quyền ở Phan Rang. Năm 1947 làm Chủ tịch mặt trận Liên Việt Hà Tĩnh, rồi uỷ viên UB Kháng chiến Hành chính Liên Khu IV, Chủ tịch mặt trận Liên Việt khu IV. Năm 1948, ra Việt Bắc tham dự  Hội nghị  văn hoá  toàn quốc, được gặp Hồ Chủ Tịch và được Người tặng thơ. Về đến nhà, ông bị đau nặng và mất năm 1949. Ông sáng tác thơ văn và chuyên luận như: Hài Văn, Bức thư gửi chị Liên Tâm, Cò Lâu Mộng ( Tiểu Thuyết).... Thơ ông có nhiều, đến năm 1957 mới in thành tập Ngắm Non Hồng. Thơ văn Võ Liêm Sơn (1993).

Lê Thước (1900-1975). Quê làng Lạc Thiện (tức Trung Lễ), nay thuộc xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ. Đỗ giải nguyên khoa thi hương Mậu Ngọ (1918) trường Nghệ An, năm 1921 tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư phạm Hà Nội, được bổ làm Giáo sư trường Quốc học Vinh ( Nghệ An ) về các môn Pháp văn, Việt văn và Lịch sử. Từ năm 1945 tham gia cuộc khởi nghĩa kiến quốc, là: Uỷ viên Trung uơng Mặt trận Liên Việt, làm việc ở ban Tu thư bộ Giáo dục và ở Vụ Bảo tồn Bảo tàng Bộ Văn hoá. Trong cuộc đời dạy học, nghiên cứu văn hoá dân tộc, ông đã biên soạn thơ văn Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Thượng Hiền, Trần Tế Xương và nhiều tài liệu lịch sử dân tộc.

Nguyễn Phan Chánh (1892-1984). Hiệu là Hồng Nam. Quê xã Trung Tiết, nay thuộc phường Tân Giang thị xã Hà Tĩnh. Tốt nghiệp trường sư phạm  Huế, dạy học ở trường Tiểu học Đông Ba, năm 1925 vào học khoá I,  trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương tại Hà Nội. Năm 1928, đoạt giải thi vẽ tem ở Hà Nội. Năm 1931, tham gia triển lãm tranh ở Pa Ri, với bức tranh lụaChơi ô ăn quan được dư luận Pháp ca ngợi. Sau khi ra trường, về quê vẽ truyền thần ( hiện nay rất nhiều vùng ở Thạch Hà và Cẩm Xuyên đã giữ được nhiều chân dung do ông vẽ). Sau năm 1945, tham gia hoạt động trong hội Văn hoá Cứu quốc ở Hà Tĩnh, là Uỷ viên Ban chấp hành, tích cực vẽ tranh phản ánh đời sống sản xuất của công nông phục vụ kháng chiến. Sau năm 1954,  dạy tại trường Cao đẳng Mỹ Thuật  Hà Nội, là uỷ viên Ban chấp hành hội Mỹ Thuật Việt Nam, đại biểu Quốc hội khoá III ( 1960- 1964). Đóng góp của ông là tranh lụa, nhiều cuộc triển lãm tranh lụa của ông được tổ chức  trong nước và ngoài nước. Được tặng thưởng Giải thưởng Hồ Chí Minh năm 1995.

Hoàng Ngọc Phách: ( 1896- 1973). Hiệu là Song An, quê làng Đông Thái, xã Yên Hạ, nay thuộc xã Tùng ảnh huyện Đức Thọ. Năm 1919 học Cao đẳng sư phạm  Hà Nội, năm 1922 tốt nghiệp được bổ làm giáo sư dạy văn  và lần lượt dạy ở các trường Nam Định, Hải Phòng, Lạng Sơn, Bắc ninh, làm hội trưởng hội truyền bá Quốc Ngữ Bắc Ninh. Từ năm 1945 vẫn công việc giảng dạy, làm hiệu trưởng và Giám đốc giáo dục Tỉnh, khu và trường Cao đẳng Trung ương, làm việc ở ban Tu Thư của Bộ Giáo dục, và trước khi nghỉ hưu  công tác tại viện văn học . Là người thầy dạy văn học, ông là một nhà văn vào lớp đầu của Việt Nam  với tiểu thuyết Tình ái  Tố Tâm (1922) mở đầu cho dòng văn học lảng mạn đầu thế kỷ X X. Ông viết cho nhiều tờ báo và tạp chí trước và sau năm 1945 như Nam Phong. Nghiên cứu văn sử địa...Đặc biệt biên soạn nhiều công trình về văn học chữ hán, văn học yêu nước cách mạng (4 tập). Thơ văn Nguyễn Công trứ, Thơ văn Tú Xương, văn thơ Nguyễn Khuyến, thơ văn Phan Châu  Trinh

Trần Phú ( 1904 – 1931). Quê ở làng Tùng Ảnh, nay thuộc xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ. Sinh tại huyện Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi. Năm 1922 đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp Cao Đẳng Tiểu học Huế, được bổ về dạy tại trường Tiểu học Cao Xuân Dục- Vinh( tỉnh Nghệ  An). Là một trong những người sáng lập Hội Phục Việt ngày 14/7/1925( sau đổi thành Hưng Nam rồi Tân Việt Cách Mạng Đảng). Năm 1926, đi sang Quảng Châu để bàn việc hợp nhất  Tân Việt với Việt Nam TNCMDDCH, gặp Nguyễn Ái Quốc. Năm 1927 sang Mat-skơ-va (liên Xô cũ) học Đại Học Phương Đông. Tháng 4/ 1930 về nước được bổ sung vào Ban chấp hành Trung ương ĐCSVN, khởi thảo luận cương Chính Trị, được thông qua tại Hội nghị Trung ương lần thứ nhất tháng 10/1930. Tại Hội nghị này đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí Thư. Tháng 3/1931 chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ hai. Tháng 4/ 1931, có kẻ phản bội khai báo, bị bắt tại Sài Gòn, bị tra tấn cực hình, rồi ốm nặng buộc địch đưa sang nhà thương Chợ Quán điều trị  và mất tại đây. Năm 1998 đã tìm thấy mộ và hài cốt, đưa về an táng tại núi Quần Hội, xã Tùng Ảnh.

Hoàng Xuân Hãn ( 1908- 1966). Quê ở Nhân Thọ ( Kẻ Trổ) xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ. Thủa nhỏ học chữ Hán và Quốc ngữ, lần lượt học tại trường tiểu họcVinh, trường Trung học Bưởi ( Hà Nội ), sau chuyển sang học trường An –be- Xa - Rô (ALbert Saraut) và đỗ hai bằng tú tài. Năm 1928, du học tại Pháp, lần lượt học ở Đại học Bách Khoa, rồi Đại học cầu đường với các học vị Cử  nhân Toán( 1935), Thạc sỹ Toán( 1936). Trở về nước  dạy tại trường Bưởi và giảng dạy Toán ở số 1 trường Đại học ở Hà Nội. Năm 1938 là một trong những người sáng lập Hội truyền bá Quốc Ngữ, giữ chức trưởng ban Tu Thư. Sau cách mạng tháng 8/ 1945 tham gia hoạt động xã hội . Tháng 4/1996 giữ chức tiểu ban chính trị của đoàn Đại biểu nước Việt Nam DCCH trong hội nghị Đà Lạt. Kháng chiến chống pháp bùng nổ, ở lại Hà Nội. Năm 1950, sang Pháp sinh sống, tiếp tục học và đạt bằng kỹ sư  nguyên tử (1956). Làm viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm của Pháp nhiều năm, hoạt động tích cực trong phong trào Việt Kiều yêu nước. Ông là một nhà khoa học Đa ngành và ở ngành nào cũng có những đóng góp  xuất sắc, là tác giả của hàng chục công trình lớn như: Danh từ khoa học (1942), La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp ( 1952), Lý thường Kiệt (1949), Lịch và Lịch Việt Nam (1982).... Được truy tặng Huân Chương Độc Lập hạng Nhì, được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh( đợt 2-2000)

Nguyễn Khắc Viện (1913-1997) Quê ở xã Sơn Hoà, huyện Hương Sơn. Xuất thân trong một gia đình khoa bảng, thân phụ là Tiến sỹ Nguyễn Khắc Niêm. Lớn lên du học ở Pháp, tốt nghiệp Bác sỹ Y khoa và Cử nhân Văn chương ở Pa Ri. Tham gia ĐCS Pháp và là Chủ tịch hội Việt kiều yêu nước ở Pháp. Cuối năm 1959, trở về nước, hoạt động trong ngành xuất bản, làm Giám đốc nhà xuất bản Ngoại Văn ( nay là Nhà xuất bản Thế Giới), Tổng Biên tập Tạp chí “ Nghiên cứu Việt Nam” bằng tiếng  Anh và Pháp. Ông tinh thông nhiều lĩnh vực, từ y học, văn học, sử học, văn hoá, Tâm lý, dưỡng sinh cho đến giáo dục và có nhiều công trình nghiên cứu khoa học như bộ sách: Tìm hiểu trẻ em( 5 tập), Lịch sử Việt Nam bằng Pháp ngữ, ông còn dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Pháp.

Nguyễn Đổng Chi ( 1915-1984). Quê làng Ích Hậu, nay thuộc xã Ích Hậu, huyện Can Lộc. Từ nhỏ học chữ Hán , Quốc ngữ đến hết bậc trung học. Từ giữa những năm 30, viết cho các báo:Bạn trẻ, Thanh Nghệ Tĩnh Tân văn, Tiểu Thuyết thứ hai và viết truyện. Tham gia hoạt động Việt Minh năm 1943 và tham gia giành chính quyền ở huyện năm 1945, sau đó phụ trách hội Văn hoá Cứu quốc Nghệ An. Năm 1946 ra Hà Nội tham gia tự vệ kháng chiến. Năm 1947, về khu IV hoạt động. Năm 1950, làm Giám đốc nhà Xuất bản Dân Chủ Mới. Năm 1952, chuyển sang dạy học. Từ năm 1954 trở đi lần lượt công tác ở: Ban nghiên cứu Văn Sử Địa, Viện Sử học, năm 1978 làm Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm, năm 1981 công tác tại Viện văn hoá dân gian cho đến khi mất. Hoạt động chủ yếu là trước tác, ngoài một số sách văn học như:Túp lều nát, Phạm Hồng Thái, Gặp lại một người bạn nhỏ...thì hàng chục công trình của ông là nghiên cứu văn hoá, lịch sử, sưu tầm văn hoá dân gian trong đó có bộ sách Kho Tàng chuyện Cổ tích  Việt Nam gồm 5 tập là tiêu biểu. Được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I ( 1995)

Xuân Diệu ( 1916-1985) Tên thật là Ngô Xuân Diệu, quê ở xã Trảo Nha( Đại Lộc), huyện Can Lộc, sinh ra tại quê mẹ xã Tùng Giang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Lớn lên ở Trường trung học Bảo Hộ ở Hà Nội với bằng tú tài bán phần, và học trường trung học Khải Định ở Huế với bằng tú tài toàn phần. Năm 1938, dạy học ở trường tư  Thăng Long Hà Nội. Năm 1940, làm ở sở Đoan Mỹ Tho, năm 1943, bỏ nghề ra Hà Nội sống với Huy Cận, rồi tham gia hoạt động Việt Minh. Năm 1946, là đại biểu Quốc hội khoá I (1946- 1960) và tích cực hoạt động trong các cơ quan văn hoá văn nghệ như ở Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Văn nghệ Việt Nam, Báo Văn Nghệ, là uỷ viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam nhiều khoá. Năm 1983, được bầu làm Viện sỹ Thông tấn Viện Hàn lâm Nghệ thuật nước CHDC Đức (Đông Đức cũ). Hoạt động và lao động chính là văn thơ, đã in tập Thơ Thơ  từ năm 1938. Là người tiêu biểu cho phong tràoThơ Mới  trước 1945, công bố nhiều truyện ký. Một đóng góp lớn nữa là viết gần 20 tập sách tiểu luận phê bình văn học nước nhà với những đại diện tiêu biểu cho văn học các thời đại. Đồng thời còn là một dịch giả thơ tài ba, dịch sang tiếng Việt thơ của một số nhà thơ lớn của thế giới như: Tago, Mai- a -cốp -xki... Được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I.

Lê Văn Thiêm (1918- 1991) Quê xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ. Thủa nhỏ thông minh, lớn lên thi đỗ vào trường Cao Đẳng Sư Phạm Paris (Escole Normale Suppes rieue de Paris) nổi tiếng ở Pháp  và nhận học vị Tiến sỹ Toán học năm 1948, sau đó là giáo viên toán ở Đại học Zuy- rích( Thuỵ Sỹ) năm 1948-1949.  Năm 1949, trở về nước, lần lượt giữ các chức vụ: Hiệu trưởng trường Đại học  khoa học cơ bản và Sư phạm Cao cấp khu học xá Trung ương (1951- 1954), Giám đốc Trường Đại học khoa học Hà Nội (1954- 1957), Hiệu trường Đại học Tổng hợp (1957-1970), Viện trưởng Viện Toán học ( 1970- 1980), cố vấn Trung tâm Toán học và ứng dụng Tin học thành Phố Hồ Chí Minh (1980- 1989). Ông là đại biểu quốc hội khoá II, III, là Tổng Biên tập đầu tiên của Tạp chí Toán học Việt Nam, Đại biểu toàn quyền  của Việt Nam tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đúp - Na ( Liên Xô cũ ) từ năm 1956-1980. Đóng góp chủ yếu của ông là hàng chục công trình toán học cao cấp, trong đó có 2 chuyên khảo : Một số vấn đề toán học trong lý thuyết đàn hồi ( 1970) và Một số vấn đề toán học chất lỏng nhớt ( 1970). Được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I năm 1995.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập211
  • Hôm nay44,229
  • Tháng hiện tại1,328,424
  • Tổng lượt truy cập39,799,571
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây