Sự cảnh báo ảm đạm và nóng bỏng

Thứ bảy - 20/07/2019 00:09
Tiểu thuyết đầu tay của nhà lý luận phê bình Đỗ Ngọc Yên mang tên Mạt vận. Nó là kết quả của sự câu thúc bởi những điều trông thấy mà đau đớn lòng hay mạo hiểm của người cầm bút ?
Có lẽ cả hai. Cuốn tiểu thuyếtluận đề viết theo kiểu hiện thực huyền ảo ít nhiều phảng phất thuyết nhân quả này là hồi chuông cảnh báo ảm đạm và nóng bỏng về thực trạng xuống cấp của đạo đức xã hội Việt Nam hôm nay…

Thời vận gắn với thịnh suy của một quốc gia, một dòng họ, một gia đình, một con người. Quan niệm ấy có từ ngàn xưa. Không còn gì ảm đạm, bi ai, tăm tối hơn khi một quốc gia, một dòng họ, một gia đình, một con người đã đến hồi mạt vận. Trong tiểu thuyết, Đỗ Ngọc Yên kể về sự suy thoái, băng hoại, xuống dốc của dòng họ Trần vốn danh giá một vùng. Họ Trần ấy đã tới hồi mạt vận và theo như câu chuyện được kể trong tiểu thuyết thì nguyên do của nó chính là sự coi thường tổ tiên ông bà, tham lam tiền của, ăn chơi bừa bãi, trọng nam khinh nữ, loạn luân…của con cháu. Gieo gì gặt nấy. Như luật nhân quả, đời cha ăn mặn đời con khát nước, mẹ hư con hỏng. Con đường tham nhũng hối lộ hằn vệt từ bố sang con trai, lối sống đua đòi ăn diện dẫn tới bán rẻ nhân phẩm kéo dài từ mẹ đến con gái…tất thảy quay cuồng nhào trộn trong một xã hội đề cao đồng tiền, lối sống thực dụng đã dẫn tới sự suy vong của dòng họ, gia đình. Sự cảnh báo ấy thật ảm đạm nhưng cũng nóng bỏng và róng riết xiết bao, nếu không kịp chỉnh đốn sửa chữa để phục thiện, để gạn đục khơi trong thì nguy hại muôn vàn.

Thời đoạn mạt vận của dòng họ Trần là điểm tập kết của những hành trình suy thoái đạo đức nhân cách của một số thành viên trong đó. Bắt đầu từ ông Hoằng, vị thứ trưởng tham nhũng bị dính vào vòng lao lý mà theo lời kết tội của hồn ma cụ tổ chín đời họ Trần là: Mê mải theo đường quan lộ mà quên hết dòng tộc, đạo lý làm người. Giàu lên nhờ những đồng tiền tham nhũng, vị thứ trưởng này định tạ ơn tổ tiên bằng việc phá từ đường cũ để xây lại từ đường mới khang trang đẹp đẽ. Khi làm công chuyện hệ trọng đó ông ta không thèm mời thầy xem phong thủy, ngày giờ, không chọn thợ và đúng lúc động thổ, đào móng thì vợ ngã lăn ra chết nhưng vị thứ trưởng vẫn không cho dừng lại mà vẫn tiếp tục. Chuyện trần gian và chuyện tâm linh được trộn lẫn ở đây không nhằm cổ súy mê tín dị đoan mà chỉ là những mách bảo, nhắc nhở về đạo lý làm người.

Thế hệ tiếp theo, con trai ông Hoằng là Trần Thành, tổng giám đốc một công ty xây dựng có hàng ngàn nhân công, có hàng nghìn tỉ đồng tiền vốn. Thành có người vợ hiền lành, cam chịu là Thu Hiền và hai cô con gái xinh đẹp là Thành Hà, Thanh Hằng. Giá như, Trần Thành là một cán bộ liêm khiết và biết dừng lại đúng lúc, đúng chỗ, không xem chuyện phải có một đứa con trai cho cái dòng họ Trần khỏi bị xóa sổ ở vùng này mới là chuyện hệ trọng bậc nhất, cần phải quan tâm và đã đi tìm một cô gái đẻ thuê cho mình một quý tử thì mọi chuyện chắc sẽ khác. Những rối ren, bi kịch gia đình, dòng họ chắc không thể xảy ra sau đó. Không có việc anh quyết định thuê một cô em gái họ cận huyết thống để sinh ra một đứa bé trai có cái mặt ngoảnh về phía sauquay lưng lại với đời; chỉ sống được gần một năm rưỡi trên đời thì vừa bú xong tự nhiên giật đùng đùng, co rúm người lại khóc ré lên rồi tắt thở. Chẳng có chuyện đứa con gái đầu của anh, nữ sinh Thanh Hà rủ bè bạn tìm đến Mỹ Đình đánh tơi tả tình nhân – hay đúng hơn là người đẻ thuê cho bố sau đó trốn qua Trung Quốc và bị biến thành gái mại dâm rồi trở thành vợ lẽ của lão già người dân tộc Choang tên là Lý Lam. Cái giá phải trả của Trần Thành ngoài những quả đắng ấy còn bị thư ký riêng tống đơn kiện và bị bắt giữ để điều tra về việc có dấu hiệu tham nhũng, chiếm dụng tiền và tài sản khu dự án đô thị mới và tội hối lộ. Cuối cùng anh đã bị bắt giữ để điều tra.

Thực ra, thì câu chuyện mạt vận suy vi của dòng họ Trần được dựng lên trong tiểu thuyết lại bắt đầu từ nhân vật chính Thảo Phương, nữ sinh Trường trung cấp Thương mại – Du lịch. Đó là cô gái sinh ra ở vùng rừng Ngày đầu tựu trường làm thủ tục nhập học…ngơ ngác như một con dê con vừa từ trên núi xuống…Học hết năm thứ nhất mà Thảo Phương vẫn còn ngơ ngác lắm nhưng  nếu có ai mặc bộ quần áo đẹp là cô nhận ra ngay và xấn đến làm quen. Uất ức vì câu nói khinh bỉ của một đồng môn có mẹ bán hàng tạp hóa ở chợ Đồng Xuân Rõ là một lũ nhà quê mà Thảo Phương quyết chí trả thù đời. Có lẽ, sự tha hóa về đạo đức nhân phẩm của cô gái này bắt đầu từ suy nghĩ: Học hành bằng cấp làm cái quái gì. Nhiều chữ ở trong đầu ai biết. Cứ ăn mặc những bộ đồ đẹp và đắt tiền là có giá ngày. Với quan niệm đó, Thảo Phương bỏ bê học hành, tự biến mình thành một loại điếm cao cấp, mắc từ sai lầm này đến sai lầm khác mà đỉnh điểm của quá trình băng hoại nhân phẩm là chấp nhận đẻ thuê cho Trần Thành và sau một cuộc ăn uống say sưa trở về phòng trọ đã tự thỏa mãn dục tính bằng cái ấy của em trai mình. Cô gái này, chưa trả thù được ai đã bị đời cho bao quả đắng, bị đánh ghen, bỏ học, sống chui lủi, sinh con dị tật chết sớm và cuối cùng trở thành một kẻ tâm thần thân tàn ma dại. Bi đát hơn, người nhờ cô đẻ thuê, Trần Thành chính là anh họ ba đời của cô. Nói thêm, thế hệ trước Thảo Phương, mẹ cô cũng đã từng mang cái đáng giá ngàn vàng đi bán cho lão cán bộ cung tiêu của hợp tác xã lấy hai yến thóc may cái áo phin nõn mỏng tang.

Ngôi từ đường mà nguyên thứ trưởng Trần Hoằng xây lên bằng đồng tiền tham nhũng cuối cùng cũng bị lửa thiêu cháy xạm đen. Cứ như là tiền định vậy, ngọn lửa thiêu cháy từ đường lại khởi phát từ những bát hương. Thế là đã đủ cho ta hình dung về sự mạt vận của một dòng họ từng chói ngời danh giá. Tiền của không là tất cả, không là trên hết. Mà để bảo tồn, phát triển dòng họ, gia đình cái chính là nhân đức, sự tử tế của con người. Thông điệp ấy lại thêm lần nữa khẳng định trong tiểu thuyết của Đỗ Ngọc Yên.

Một không khí u ám, ảm đảm bao trùm lên hơn bốn trăm trang tiểu thuyết với những xấu xa nhơ bẩn có thật trong xã hội Việt Nam đương đại. Một ít đốm sáng như Thu Hiền, Miềng hầu như chưa đủ sức làm ấm áp tình người trong đó. Phải nói, Đỗ Ngọc Yên đã khá vững tay trong dàn dựng cốt truyện, nhân vật. Nhiều mối quan hệ đan xen nhau nhưng không bị rối, trái lại mạch chuyện đã được khai triển khá hợp lý thoáng đạt, tương đối hấp dẫn người đọc. Cảm giác như quá trình viết tiểu thuyết này, Đỗ Ngọc Yên cố gắng tìm cách trả lời câu hỏi: Tại sao mạt vận? Sự từng trải, nắm bắt hiện thực và những kiến thức xã hội của tác giả được thể hiện khá rõ trong tiểu thuyết. Tuy nhiên, đây vừa là điểm mạnh cũng là điểm yếu của anh, trong sách có nhiều trang qua các nhân vật tác giả say sưa thuyết trình về lịch sử, văn hóa, triết học.... Và, ta có cảm giác đấy không phải là khẩu ngữ, kiến thức của họ. Hình như có sự lệch pha giữa nhân vật và phát ngôn của họ. Chất huyền ảo như một lựa chọn để tác giả gửi gắm vào tiểu thuyết những chiêm nghiệm tâm linh nhưng theo tôi chưa thành công mấy vì nó còn lộ liễu thô tháp quá và đương nhiên chưa tạo ra được ma mị chập chờn mê dụ bạn đọc vào sương khói miên man. Vững vàng trong dựng chuyện nhưng lại chưa thiện nghệ trong xây đắp nhân vật, nhất là phân tích nội tâm và ít có chi tiết làm ta ám ảnh. Đòi hỏi ở anh như thế thật cao, nhất là với một cuốn tiểu thuyết đầu tay, vì đâu dễ có được một Chí Phèo của Nam Cao, Xuân tóc đỏ của Vũ Trọng Phụng, Chị Dậu của Ngô Tất Tố, Giang Minh Sài của Lê Lựu…

Nhưng, Mạt vận dù sao cũng đã chứng tỏ sự cố gắng trong một bước ngoặt sáng tạo văn chương của Đỗ Ngọc Yên. Ít nhất thì đó cũng là một hồi chuông cảnh báo ảm đạm và nóng bỏng về sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Và, hình như anh còn muốn viết thêm một tiểu thuyết nữa về xã hội Việt Nam đương thời. Tôi hy vọng anh sẽ khá hơn…

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập111
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm108
  • Hôm nay22,191
  • Tháng hiện tại844,874
  • Tổng lượt truy cập29,370,248
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây