Trước giờ tổ chức lễ kỷ niệm, mưa tầm tã khiến Ban tổ chức và đông đảo đại biểu vô cùng lo lắng. Một cựu TNXP địa phương đứng bên cạnh tôi nói lớn: “Yên tâm đi, năm nào cũng vậy, mưa to đến mấy thì đến giờ tổ chức chương trình đều không có mưa đâu. Các O thiêng lắm đó!”
Mọi người đều bình thản “đội mưa” chờ đợi đến giây phút tổ chức lễ kỷ niệm. Đúng như dự đoán của chị, trước giờ diễn ra lễ kỷ niệm, mưa ngừng rơi và trời quang mây tạnh, ánh trăng lấp ló trên nền trời huyền ảo. Vài cánh chim câu chao liệng trên nền trời thăm thẳm và huyền hoặc như hồn các anh chị đang quần tụ về với ngày hội lớn. Và giây phút âm thanh ánh sáng nổi lên, mọi người như hòa cùng tiếng nhạc, âm thanh, ánh sáng, đặc biệt là màn nhạc nước làm cho không khí Đồng Lộc vừa thiêng liêng, vừa sâu lắng và đầy xúc động!
Về với Đồng Lộc hôm nay có hàng trăm người là cựu TNXP, cựu chiến binh của Trung đoàn 210, những người từng lao động, chiến đấu ở Đồng Lộc và hàng nghìn người dân của 6 xã từng góp sức người sức của để thông người thông xe ra tiền tuyến 45 năm trước. Những gương mặt đã sạm đen, nước da nhăn nheo vì tuổi tác, những chiếc áo quân phục lấp lánh huân chương và ánh mắt vẫn tươi trẻ như những năm nào.
Từng tham gia chiến đấu tại Ngã ba Đồng Lộc, ông Đào Duy Quát – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng văn học nghệ thuật T.Ư, nguyên là chiến sỹ Trung đoàn 210 xúc động kể lại: “Vào tháng 6 năm 1968, Ngã ba Đồng Lộc trở thành chiến địa ác liệt. Mỗi ngày, máy bay Mỹ có hơn 200 lần ném bom oanh tạc. Chiến thắng Đồng Lộc không chỉ ở việc quân dân ta bắn rơi nhiều máy bay của địch mà còn là thắng lợi khi bảo vệ thành công tuyến đường huyết mạch, đảm bảo chi viện cho miền Nam. Chiến thắng này là biểu tượng của sức mạnh lực lượng tổng hợp: Bộ đội , TNXP, dân quân địa phương, đặc biệt là đoàn thanh niên. Chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc còn là nút thắt quan trọng để chúng ta giành chiến thắng miền Nam, thống nhất đất nước”. Cũng trong cuộc chiến ác liệt này, chỉ trong vòng 147 ngày, Trung đoàn 210 đã hi sinh 125 chiến sỹ. Tên tuổi các anh đã được lưu lại ở Nhà bia tưởng niệm nơi đây, góp phần làm nên khúc tráng ca bất tử về một Ngã ba Đồng Lộc anh hùng.
Đồng Lộc không chỉ có trong trái tim những người từng sống và chiến đấu ở đây mà có trong trái tim của nhân dân cả nước. Ông Nguyễn Minh Trung – Bí thư Huyện ủy huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định cho biết: “Trong thời chiến, huyện Tuy Phước và huyện Can Lộc là 2 huyện kết nghĩa. Lớp lớp các thanh niên Hà Tĩnh đã vào chiến đấu và hi sinh trong chiến trường Bình Định. Quân và dân Hà Tĩnh cũng kiên cường chiến đấu, giữ vững huyết mạch giao thông để chi viện cho miền Nam nói chung và Tuy Phước nói riêng. Hôm nay, về Đồng Lộc, tôi thấy như được về lại quê hương của mình”.
Chương trình giao lưu nghệ thuật “Đồng Lộc – Khúc tráng ca bất tử” với 3 chương: Tiếng gọi non sông, Những đóa hoa bất tử, Hà Tĩnh niềm tin và khát vọng với sự tham gia của các diễn viên, nghệ sỹ đến từ Học viện âm nhạc quốc gia VN, Vũ đoàn Biển Xanh và các nghệ sỹ: NSND Thu Hiền, Trọng Tấn, Anh Thơ, Đăng Dương… đã đưa người xem đến với những năm tháng hào hùng ở Ngã ba Đồng Lộc cũng như tấm lòng tri ân của những người hôm nay đối với các anh hùng liệt sỹ của đất nước.
Khán giả bồi hồi xúc động khi được sống lại với những trang sử vẻ vang của mảnh đất Đồng Lộc linh thiêng nói riêng và cả nước nói chung trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ hào hùng của dân tộc và cùng chìm đắm trong những giai điệu, vũ điệu. Hình ảnh những cựu chiến binh, cựu TNXP hòa mình hò reo cùng lời ca “Cô gái mở đường” khiến những người chứng kiến không khỏi nghẹn ngào mường tượng về không khí một thời chiến đấu.
Ông Lê Viết Lương ở phường Nam Hồng, TX.Hồng Lĩnh chia sẻ: “Những thước phim tái hiện hình ảnh 10 nữ TNXP, về cuộc chiến tranh ác liệt tại chiến trường Nga ba Đồng Lộc lúc đó khiến tôi thực sự xúc động”.
Khúc tráng ca Đồng Lộc mãi sẽ còn ngân vọng, bất tử trong tâm hồn của những người dân Hà Tĩnh cũng như người dân nước Việt hôm nay và mai sau.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn