Nguyễn Tạo – người cộng sản được tôn làm Thành Hoàng làng

Thứ bảy - 20/07/2019 06:31
Ông Nguyễn Tạo, trong quá trình hoạt động cách mạng còn có tên Trần Châu Phong, Nguyễn Phủ Doãn, sinh năm 1905 tai làng Thái Yên huyện Đức Tho, tỉnh Hà Tĩnh, trong một gia đình nho giáo, có nghề đông y gia truyền và giàu lòng yêu nước.

Ông nội là cụ Nguyễn Trọng Tốn đậu tú tài, được bổ làm tri huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên, là bạn tâm giao của cụ Phan Đình Phùng cùng tham gia phong trào Cần vương, được vua Hàm Nghi phong hàm Tu Vũ và sau đó bị Pháp bắt giam một thời gian rồi đưa về quản thúc ở quê nhà. Thân sinh là cụ Nguyễn Trọng Tấn, đỗ tú tài, được phong tước Hàn lâm đại chiếu năm Giáp Ngọ triều Nguyễn, bà con trong vùng thường gọi là “cụ Tú Thái Yên”. Năm 1936 cụ là một trong vài nhà đông y sáng lập ra Hội đông y Trung kỳ, mà cụ là người phụ trách phần chuyên môn. Cụ từng được vời vào kinh đô chữa bệnh cho Hoàng tộc nhà Nguyễn  và đã chữa cho bà Từ Cung - mẹ vua Bảo Đại. Sống trong một gia đình có truyền thống nho học và giàu lòng yêu nước thương dân như vậy, lại được chứng kiến cuộc sống cơ cực cuả mọi tầng lớp nhân dân dưới chế độ thực dân phong kiến tàn bạo, Nguyễn Tạo đã sớm giác ngộ, trốn nhà ra đi hoạt động cách mạng tìm đường cứu nước.

Những chặng đường hoạt động cách mạng

Năm 1923, khi vừa tròn 18 tuổi, Nguyễn Tạo đã trốn nhà thoát ly hoạt động cách mạng. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, dấu chân của ông đã để lại khắp mọi miền đất nước, từ thành thị đến nông thôn, từ vùng núi, trung du đến đồng bằng, từ miền Bắc, miền Trung đến miền Nam. Có khi ông như là một viên chức nhà nước, có khi ông lại là một người nông dân chân lấm tay bùn, có khi là một công nhân trong công xưởng hay trong hầm mỏ hoặc một nông phu đồn điền. Có thể nói ông là một con người thiên biến vạn hóa, nhưng tinh thần kiên cường bất khuất của một người Cộng sản thì không bao giờ thay đổi.

Cuộc đời hoạt động của ông Nguyễn Tạo có thể phân làm ba thời kỳ. Từ năm 1923 cho đến Cách mạng tháng Tám là thời kỳ hoạt động cách mạng trong bí mật. Buổi đầu tham gia Tân Việt Cách Mạng Đảng rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếp đấy là những chuyến đi khắp các vùng ở Bắc kỳ và bắc Trung kỳ xây dựng cũng cố tổ chức cơ sở Đảng, chuẩn bị lực lượng cho Cách mạng tháng Tám. Thời kỳ thứ hai là sau cách mạng tháng Tám, suốt cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược Pháp cho đến năm 1957 là thời kỳ ông Nguyễn Tạo hoạt động trong ngành điệp báo và công an. Từ năm 1958 cho đến trước lúc về hưu ông Nguyễn Tạo phục vụ trong ngành Nông Lâm với hàm Thứ trưởng Bộ Nông Lâm và Tổng cục trưởng Tổng cục lâm nghiệp, Phó chủ nhiệm Ủy ban nông nghiệp Trung ương.  Ở bất cứ thời kỳ nào, cương vị nào ông Nguyễn Tạo cũng hết lòng phục vụ và đều có những thành tựu để đời, những chiến công hiển hách.

Trong buổi đầu tham gia cách mạng, Nguyễn Tạo đã sớm tham gia vào tổ chức Phục Việt cùng các thanh niên trí thức yêu nước ở Vinh và Trung kỳ  như Trần Phú, Hà Huy Tập, Tôn Quang Phiệt, Đặng Thái Mai, Đào Duy Anh, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Thị Minh Khai. Cho đến năm 1925- 1926, trước ảnh hưởng của những hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc ở nước ngoài dội vào Việt Nam, tổ chức Phục Việt chuyển hóa thành Tân Việt Cách Mạng Đảng, và năm 1926 Nguyễn Tạo đã là một yếu nhân của đảng này.

Năm 1927 Nguyễn Tạo ra hoạt động ở Hà Nội và được cử phụ trách Kỳ bộ của Tân Việt Cách Mạng Đảng tại Bắc kỳ và Hà Nội. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong hồi ký của mình  đã viết: “ Năm 1929, lần đầu tiên ra Hà Nội, tôi được anh Tôn Quang Phiệt đưa tôi đến gặp anh Nguyễn Tạo (còn gọi là Tạo rỗ) ở số nhà 24 Phố Huế” để bàn với ông chuyển Tân Việt cách mạng đảng thành một tổ chức cộng sản. Đến năm 1929, những đảng viên Tân Việt cách mạng Đảng theo xu thế cộng sản, trong đó có Nguyễn Tạo đã thống nhất thành lập Đông Dương cộng sản Liên đoàn.

Đầu năm 1930, tại Hương Cảng Trung Quốc, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Ái Quốc hai tổ chức Đông Dương cộng sản Đảng và An Nam cộng sản Đảng hợp nhất thành Đảng cộng sản Việt Nam.

   Ngày 24 – 2 – 1930, theo yêu cầu của Đông Dương cộng sản Liên đoàn, Ban chấp hành Trung ương lâm thời Đảng cộng sản Việt Nam họp và ra quyết nghị chấp nhận Đông Dương cộng sản Liên đoàn gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Và từ đây, Nguyễn Tạo và các đồng chí của ông trong Đông Dương cộng sản Liên đoàn trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam.

Trở thành đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam, người đảng viên trẻ Nguyễn Tạo, luôn mang trong mình sứ mệnh thiêng liêng là đem hết sức mình phục vụ sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Dưới sự lãnh đạo cuả các tổ chức Đảng, Nguyễn Tạo đã đi xây dựng cũng cố các tổ chức cơ sở của Đảng ở Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Đầu năm 1933, đang hoạt động ở Ninh Bình bị bại lộ, bị kẻ địch truy bắt, Nguyễn Tạo đã lên Phúc Yên làm việc và trú ngụ trong đồn điền Đỗ Đình Thông tại Đa Phúc (nay là thôn Tân Yên, xã Hồng Kỳ, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội). Tại đây ông đã đào tạo được một số cốt cán, xây dựng cơ sở cách mạng khắp 24 ấp của đồn điền và đến giữa tháng 3 năm 1933 ông đã triệu tập hội nghị thành lập chi bộ đầu tiên ở khu Lò Bát gồm 6 đảng viên do ông làm bí thư chi bộ. Để có tài liệu tuyên truyền giáo dục đảng viên, hội viên nông hội, ông đã cho ra đời tờ báo “Tia sáng”. Tuy chỉ ra được 3 số, song có thể nói đây là tờ báo của Đảng đầu tiên ra đời ở địa phương.

Sự kiện thành lập chi bộ Tân Yên - Đa Phúc được xem là chi bộ đầu tiên của tỉnh Phúc Yên lúc đó và cũng là chi bộ đầu tiên cuả huyện Sóc Sơn và của vùng nông thôn phía bắc Hà Nội, là bước mở đầu rất vẻ vang của phong trào cách mạng ở địa bàn này và nhiều vùng lân cận.

Tháng 10 năm 1933, sau khi vượt ngục thoát khỏi nhà tù Hỏa Lò, Nguyễn Tạo đang hoạt động tại Thái Bình thì được Xứ ủy cử vào Thanh Hóa tham gia khôi phục tổ chức Đảng tại đây. Tại Hậu Lộc, Nguyễn Tạo cùng đồng chí Đinh Chương Dương tiến hành huấn luyện, đào tạo cán bộ, cũng cố cơ sở, tổ chức quần chúng

Tháng 2 năm 1934 các đồng chí Nguyễn Tạo, Lê Chủ tổ chức hội nghị ở làng Yên Lộ, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa kiểm điểm tình hình, định ra chương trình hoạt động phát triển cơ sở Đảng và phong trào quần chúng trong tỉnh Thanh Hóa.

Tháng 3 năm 1934, hội nghị đại biểu các cơ sở cách mạng trong tỉnh họp ở làng Thuần Hậu, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Tạo và đồng chí Lê Chủ. Hội nghị đã bầu ban chấp hành Tỉnh đảng bộ lâm thời để lảnh đạo phong trào cách mạng. Hội nghị Thuần Hậu đánh dấu sự phục hồi và phát triển của Đảng bộ và phong trào cách mạng tỉnh Thanh Hóa.

Tong cuốn “ Lịch sử Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 1930 – 1954” (Nhà xuất bản Thanh Hóa, tháng 9 năm 2010, trang 79) ghi: “Nhờ sự giúp đỡ của đồng chí Nguyễn Tạo (một trong 7 chiến sĩ cách mạng vượt ngục Hỏa Lò), các chi bộ cộng sản được xây dựng, củng cố, đặt nền móng cho việc khôi phục lại Đảng bộ Thanh Hóa vào tháng 3 năm 1934”.

Cũng chính trong khi đang hoạt động ở đây, đồng chí Nguyễn Tạo cùng 2 công nhân đã bị mật thám Pháp bắt tại đồn điền Vạn Lạc, ấp Hải Mao, huyện Thọ Xuân.

Trong thời kỳ hoạt động bí mật trước Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Tạo trong quá trình đi xây dựng, cũng cố cơ sở Đáng khắp mọi miền ở Bắc kỳ và Bắc Trụng kỳ đã 2 lần bi giặc Pháp bắt giam và cả hai lần ông đã cùng các đồng chí trong tù tổ chức vượt ngục thành công, trở về tiếp tục hoạt động cách mạng. Nói đến ông Nguyễn Tạo không thể không nói đến hai cuộc vượt ngục xuất qủy nhập thần, khiến kẻ thù phải lo sợ. Đó là cuộc vượt ngục ở nhà tù Hỏa Lò Hà Nội và cuộc vượt ngục ở nhà tù Đăk Mil nay thuộc tỉnh Đăk Nông.

Về cuộc vượt ngục ở nhà tù Hỏa Lò, nơi bộ máy thống trị của kẻ thù dày đặc cho thấy quyết tâm và tài năng của các chiến sĩ cách mạng trong đó Nguyễn Tạo đóng vai trò quan trọng.

Tháng 3 năm 1931, Nguyễn Tạo bị mật thám Pháp bắt tại Hải Phòng, bị chính  quyền thực dân kết án 20 năm tù và giam tại nhà tù Hỏa Lò Hà Nội. Vào những năm 1930 – 1931 nhiều đồng chí là các vị lãnh đạo Đảng và nhà nước như Lê Duẫn, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự, v.v. đều bị giam trong nhà tù Hỏa Lò. Khoảng cuối năm 1931 đầu 1932 chi bộ đảng cộng xản trong nhà tù Hỏa Lò được thành lập, do đồng chí Hạ Bá Cang ( Hoàng Quốc Việt) làm bí thư.

Cuối năm 1932, phong trào cách mạng trong nước dần được phục hồi, các cơ sở Đảng tại các địa phương được xây dựng lại. Trước tình hình đó, các chiến sĩ Cộng sản trong nhà tù Hỏa Lò lập kế hoạch vượt ngục. Lúc đầu dự kiến có 10 đồng chí vượt ngục, trong đó có Lê Duẩn, Nguyễn Chí Hiền, Nguyễn Tuấn Thức, nhưng bất ngờ địch dịch chuyển các đồng chí trên sang các xà lim khác nhau, nên 3 đồng chí trên phải ở lại. Nhóm chiến sĩ cách mạng do Nguyễn Lương Bằng và Nguyễn Tạo lãnh đạo vẫn quyết tâm chuẩn bị vượt ngục. Nguyễn Tạo đã bàn bạc với Nguyễn Lương Bằng và các đồng chí khác như Bùi Xuân Mẫn, Nguyễn Trọng Đàm, Hào Lịch, Lê Đình Tuyển, Võ Duy Cương bằng cách giả ốm để được đưa sang bệnh viện Phủ Doãn (tức bệnh viện Việt Đức ngày nay). Người nhà Hào Lịch dấu lưỡi cưa trong đáy hộp đựng đường chuyển vào. Các đồng chí dùng lưỡi cưa cưa song sắt cửa thông gió sát trần nhà tù, 7 chiến sĩ cộng sản thoát khỏi buồng bệnh, vượt tường ra phố quán sứ  vào đúng tối 24 – 12 – 1932 . Chính từ cuộc vượt ngục này mà Nguyễn Tạo có thêm biệt danh là Nguyễn Phủ Doãn. Cuộc vượt ngục táo bạo này đã bổ sung cho Đảng những cán bộ hết sức quý báu trong hoàn cảnh cách mạng đang bị khủng bố trắng.

Về cuộc vượt ngục ở nhà tù Đăk Mil  năm 1943 cũng có ý nghĩa vô cùng to lớn, nói lên lòng quyết tâm và tài năng của các chiến sĩ cách mạng trong đó có Nguyễn Tạo

Bị bắt ở Thanh Hóa, Nguyễn Tạo bị đưa về Hà Nội xét hỏi, tra tấn, rồi kết án 5 năm tù, cộng với án cũ 20 năm, tổng cộng đồng chí phải chịu mức án 25 năm tù. Ban đầu chúng giam ở nhà tù Lao Bảo - Quảng Trị, rồi nhà tù Buôn Ma Thuật, năm 1941 - 1942 chuyển lên nhà tù Đăk Mil, nay thuộc tỉnh Đăk Nông .

Ngay sau khi bị đày tới nhà ngục Đăk Mil, Nguyễn Tạo được các tù chính trị bầu vào Ban chỉ đạo đầu tiên của nhà ngục, trong đó có đồng chí Trần Văn Quang và một số đồng chí khác. Nhiệm vụ chính trong thời gian này ngoài việc chuẩn bị đấu tranh chống đàn áp, bảo vệ quyền lợi tù nhân còn phải tổ chức vượt ngục. Cuối năm 1942, Nguyễn Tạo là bí thư chi bộ Đảng nhà ngục Đăk Mil. Đây cũng là chi bộ đầu tiên ra đời tại Buôn Ma Thuật. Chi bộ nhà tù đã tổ chức đấu tranh kiên cường chống chế độ tù đày lao dịch hà khắc, chống đàn áp. Đêm 5 tháng 12 năm 1942, Nguyễn Tạo, Trương Văn Lĩnh, Chu Huệ, Trần Ngọc Oánh đã tổ chức vượt ngục thành công. Sau khi vượt ngục, Nguyễn Tạo và Trương Văn Lĩnh phải luồn rừng vượt suối, ăn trái cây rau rừng mấy tháng trời ra tới Hà Tĩnh, Nghệ An, bắt liên lạc với các tổ chức cách mạng địa phương tiếp tục hoạt động chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám.

Trong cuộc kháng chiến chống Pháp đồng chí Nguyễn Tạo chủ yếu hoạt động trong ngành công an với các chức vụ khác nhau như phụ trách Ty trinh sát Nghệ An, Giám đốc Nghệ An công an Cục, Phó giám đốc Sở công an Bắc bộ, Trưởng ban trinh sát Sở liêm phóng Bắc bộ, Trưởng ty điệp báo Nha công an, Trưởng ty công an Hà Nội. Sau ngày miền Bắc hoàn toàn giải phóng, từ năm 1954 đến năm 1957 đồng chí Nguyễn Tạo là Cục trưởng Cục chấp pháp Bộ công an.

Trong thời gian công tác trong ngành công an đồng chí Nguyễn Tạo đã để lại dấu ấn nổi bật trong quá trình chỉ đạo phá vụ án phố Ôn Như Hầu Hà Nội ngày 12 tháng 7 năm 1946.

Một chiến công khác có phần đóng góp rất quan trọng của đồng chí Nguyễn Tạo là trực tiếp chỉ đạo lực lượng điệp báo đánh đắm chiếc tàu chiến Amiôđanhvin tại vùng biển Sầm Sơn Thanh Hóa vào rạng sáng ngày 19 – 5 – 1950, tiêu diệt 200 binh lính và sĩ quan Pháp, bắt 3 tên phản động đầu sõ, góp phần đập tan âm mưu của Pháp và tay sai hòng xây dựng “chiến khu quốc gia” đánh chiếm vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh.

Cuộc đời hoạt động của ông Nguyễn Tạo từ sau năm 1958 gắn với sự phát triển của ngành lâm nghiệp. Với cương vị Tổng cục trưởng ông đã có nhiều chủ trương mạnh bạo bảo vệ và phát triển rừng, biến những đồi núi khô cằn thành những cánh rừng bốn mùa xanh tưới. Đó là việc xây dựng các vườn quốc gia, mở đầu với vườn quốc gia Cúc Phương [được đánh giá là vườn quốc gia thuộc hạng sớm nhất trên thế giới]; Đó là việc chỉ đạo ngành lâm nghiệp hưởng ứng Tết trồng cây do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động; là việc kiên quyết đề nghị Chính phủ thành lập Cục kiểm lâm để ngăn chặn việc tàn phá rừng. Nhà thơ Cù Huy Cận trong dịp mừng thọ Nguyễn Tạo 90 tuổi đã tặng nhà cách mạng lão thành Nguyễn Tạo  mấy vần thơ chân tình:           

                           Có cây nên mới có rừng,

                           Như cây Nguyễn Tạo là cây anh hùng,

                           Giữ non giữ nước giữ rừng.

                           Xói mòn sao được đất Hùng vua xưa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập144
  • Hôm nay33,148
  • Tháng hiện tại1,105,681
  • Tổng lượt truy cập28,406,155
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây