Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Nguyễn Quang Sáng bước vào nghiệp viết văn thế nào?

Thứ bảy - 20/07/2019 12:30
VOV.VN - Hay tin tác giả Chiếc lược ngà qua đời tại nhà riêng vào khoảng 17h00 ngày 13/2/2014, nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ tiếc thương.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa sửng sốt và lặng người đi khi nghe chúng tôi cho biết tin nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã ra đi. Bao nhiêu kỷ niệm ùa về lộn xộn trong tâm trí khiến một người được tiếng là nói trôi chảy như “thần đồng” Trần Đăng Khoa lần đầu tiên đã phải đưa ra đề nghị cho ông vài phút tĩnh tâm…
      Vào khoảng 17h00 ngày 13/2/2014 nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã qua đời tại nhà riêng ở TP HCM vì tuổi già, hưởng thọ 83 tuổi.
      Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, ông gia nhập quân đội và hoạt động ở chiến trường miền Nam. Sau đó thì tập kết ra miền Bắc.
      Ông có bút danh Nguyễn Sáng và đã từng làm việc ở VOV (Đài Tiếng Nói Việt Nam). Thời gian làm việc tại VOV, từ năm 1955 của thế kỷ trước, chính là lúc Nguyễn Quang Sáng phát huy tốt khả năng sáng tác của mình. Kể từ đó sự nghiệp viết văn của ông được bắt đầu và có nhiều tác phẩm nổi tiếng.
      Đến những năm kháng chiến chống Mỹ, ông được tổ chức phân công về miền Nam, tham gia cuộc kháng chiến và tiếp tục viết văn.
      Nhà văn Nguyễn Quang Sáng là tác giả của nhiều tác phẩm văn chương và kịch bản phim nổi tiếng, trong đó phải kể đến Nhật ký người ở lại (1961), Đất lửa (1963), Chiếc lược ngà (1966), Mùa gió chướng (1975), Bàn thờ tổ của một cô đào (1985), Cánh đồng hoang (1978), Mùa nước nổi (1986), Như một huyền thoại (1995)…
      “Tôi thực sự bàng hoàng, đây là một tổn thất không gì bù đắp được. Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn lớn. Ông từng đoạt giải thưởng Hồ Chí Minh – giải thưởng cao nhất về văn học nghệ thuật” – mất khá lâu Trần Đăng Khoa mới tiếp tục câu chuyện dang dở về một nhà văn mà ông mến mộ và có may mắn nhiều dịp được tiếp xúc.
      Trần Đăng Khoa thú nhận mình là một trong những người rất yêu những trang văn của Nguyễn Quang Sáng. Nhà thơ còn nhớ như in bài viết đầu tiên của mình về Nguyễn Quang Sáng là bài phỏng vấn nhân dịp nhà văn đoạt giải thưởng Hội nhà văn năm 1993 với tác phẩm Con mèo Fujita. Cho dù đó chỉ là một cuộc phỏng vấn chớp nhoáng nhưng cũng đủ để lại trong lòng nhà thơ Trần Đăng Khoa những ấn tượng tốt đẹp.
      “Sau này tôi có nhiều dịp được tiếp xúc với ông, đặc biệt là trong lần tôi và ông cùng làm ban giám khảo chung khảo cuộc thi sáng tác chuyện chủ đề đạo đức trong ngành giáo dục do NXB Giáo dục và Bộ Giáo dục tổ chức” – nhà thơ Trần Đăng Khoa nhớ lại: “Tôi cùng Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Đăng Mạnh, Nguyễn Khắc Trường và một số nhà văn nữa tham gia trong ban chung khảo. Sau này tôi có dịp cùng với ông tham dự một lớp bồi dưỡng cho các thày cô giáo ở miệt vườn ĐBSCL do Trường Đại học Đà Nẵng tổ chức. Nhờ đó tôi có nhiều cơ hội được tiếp xúc với Nguyễn Quang Sáng”.
      Nhà thơ Trần Đăng Khoa đã rất bất ngờ khi được nhà văn Nguyễn Quang Sáng kể chuyện về chính cuộc đời cầm bút của ông và càng bất ngờ hơn khi biết cuộc đời cầm bút của ông bắt đầu sau khi ông vào công tác ở Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN). Trước đó ông là nghệ sĩ của một đoàn văn công quân giải phóng.
      Nguyễn Quang Sáng kể rằng ông không hợp lắm với việc làm nghệ sĩ sân khấu bởi vì hát đi hát lại vẫn bài hát ấy, kéo đi kéo lại vẫn nốt nhạc ấy thế là ông xin về Đài TNVN và được phân công công tác ở mảng văn hoá – văn nghệ do nhà thơ Bảo Định Giang – tác giả của câu thơ rất nổi tiếng Tháp Mười đẹp nhất hoa sen/Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ, làm phụ trách”.
      Nhà thơ Bảo Định Giang hồi đó đã quyết định mở thêm chuyên mục Tổ quốc ta tươi đẹp. Ngoài việc chọn tác phẩm in trên báo để phát trên làn sóng quốc gia thì các phóng viên của Đài TNVN trực tiếp đi viết và hồi đó là bác Bảo Định Giang, Nguyễn Quang Sáng… là người được tham gia đi viết những tác phẩm như thế này. Những tác phẩm đầu tiên của nhà văn Nguyễn Quang Sáng chính là những phóng sự về vẻ đẹp của tổ quốc và sau đó là ông đến với văn chương.
      “Nguyễn Quang Sáng là một nhà văn độc đáo, chất Nam Bộ sâu đậm. Ông là tác giả của nhiều truyện ngắn nổi tiếng trong những năm tháng chiến tranh như Chiếc lược ngà, Bông cẩm thạnh, Quán rượu người câm…” – Nhà thơ Trần Đăng Khoa tấm tắc cho rằng tác phẩm mang đậm chất của Nguyễn Quang Sáng là Một chuyện vui.
      Đó là một truyện rất ngắn đọc thì rất hay mà kể lại thì rất khó. Câu chuyện chỉ xoay quanh một anh du kích ở vùng Đồng Tháp Mười. Anh ấy đã chống lại cuộc tập kích của giặc Mỹ bằng không quân. Một bên là kẻ thù với vũ khí tối tân là máy bay trực thăng và một anh du kích chỉ có một cái xuồng trên mênh mông sông nước.
Anh du kích biết địch chỉ có 4 quả đạn. Địch đã bắn đến quả thứ 4 mà không giết được anh nhưng không chịu buông tha con mồi. Anh cũng đã bắn đến hết đạn mà không bắn cháy được chiếc trực thăng.
      “Chuyện chỉ có vậy mà được miêu tả sinh động và hài hước ai cũng phải cười. Qua đó để thấy rằng ông viết rất giỏi, ta thấy được mùi bùn đất và tính khí phóng khoáng của người dân Nam bộ và sự khốc liệt của chiến tranh chống quân xâm lược hùng mạnh là Đế quốc Mỹ” – nhà thơ Trần Đăng Khoa nhận xét.
Về sau cũng chính từ truyện này Nguyễn Quang Sáng đã triển khai thành bộ phim rất nổi tiếng được giải thưởng quốc tế, đó là bộ phim Cánh đồng hoang (đạo diễn Nguyễn Hồng Sến). Nội dung là vợ chồng người du kích chống lại kẻ thù tàn bạo tấn công bằng trực thăng và những vũ khí tối tân. Họ là những người lính chỉ có chiếc xuồng ba lá. Đó là một tác phẩm rất độc đáo mà khi vào phim mới thấy được hết sự tài nghệ của ông.
      “Có thể nói chất của Nguyễn Quang Sáng đã được bừng sáng trong các tác phẩm đó. Trong đó có chi tiết rất độc đáo đó là khi địch ào đến thì vợ chồng du kích và đứa con mới vài tháng tuổi phải lặn xuống nước để trốn. Đứa trẻ nhỏ phải cho vào trong túi ni lông rồi túm lại để cho xuống nước. Đó là một chi tiết rất đắt và vô cùng ấn tượng. Đó là chi tiết đã ăn sâu trong tâm trí tôi khiến tôi nhớ nhất trong toàn bộ bộ phim đó. Đó là bộ phim bộc lộ rõ nhất tài năng đến từng chi tiết đều rất độc đáo của Nguyễn Quang Sáng” – Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết.
Mỗi lần gặp gỡ, nhà văn Nguyễn Quang Sáng luôn khiến nhà thơ Trần Đăng Khoa cảm thấy bất ngờ về sự minh mẫn, thông minh của mình. Trong tâm trí của mình, nhà văn Nguyễn Quang Sáng luôn là một con người khoẻ khoắn, luôn cập nhật tình hình đời sống và ông viết rất khoẻ. “Có cảm tưởng như ông sống để viết. Tôi không thể nghĩ ông là người ra đi một cách đột ngột như thế. Năm nào ông cũng có tác phẩm. Tác phẩm nào cũng gây được ấn tượng” - Nhà thơ Trần Đăng Khoa ngậm ngùi tiếc thương tác giả Cánh đồng hoang./.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập298
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm297
  • Hôm nay37,585
  • Tháng hiện tại1,321,780
  • Tổng lượt truy cập39,792,927
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây