Giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ...”

Giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ...”

BBT website giới thiệu cùng bạn đọc, bài giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh lịch sử cùng dân tộc” do em Trần Thị Phương Nhiên lớp 6C trình bày.

Xem tiếp...

Tưởng niệm Thanh Tâm Tuyền

Thứ bảy - 20/07/2019 12:23
Nhà thơ, nhà văn Thanh Tâm Tuyền qua đời trưa ngày 22 tháng 3-2006, tại thành phố Saint Paul, Minnesota, Hoa Kỳ, thọ 70 tuổi

Thanh Tâm Tuyền là một tác gia chính yếu đã làm mới nền văn học miền Nam, trước 1975, và góp phần tạo nên một khúc quành cho văn học Việt Nam nói chung trong nửa sau thế kỷ 20. Ông đã làm mới câu thơ, bài thơ, ý thơ và quan niệm thi ca Việt Nam. Ông cũng làm mới câu văn xuôi, cách kể chuyện bắt đầu từ truyện Bếp lửa.

Ông du nhập nghệ thuật phương Tây bằng cách đọc trực tiếp, không kinh qua trường học Pháp thuộc như các nhà văn nhà thơ lúc trước. Ảnh hưởng phương Tây do đó có tính cách trực tiếp, tự do và sáng tạo. Ngược lại, ông có khả năng thiết lập quan hệ hữu cơ và mật thiết giữa các bộ môn văn học và nghệ thuật: Thơ, Văn, Nhạc, Hoạ, như ở các nước phương Tây.
Về nội dung chính yếu, chất liệu trong thơ văn Thanh Tâm Tuyền là ý thức thất bại. Thất bại của con người trước định mệnh nói chung, cụ thể là sự bất lực của giai cấp trí thức tiểu tư sản Việt Nam trước thời cuộc. Viết văn, làm thơ, làm nghệ thuật nói chung, là cố gắng vượt qua sự thất bại đó, biến nó thành nghệ thuật.
Thanh Tâm Tuyền là người sâu sắc, uyên bác, tài hoa, nghiêm túc, tư cách và tiết tháo.

Thanh Tâm Tuyền tên thật là Dzư văn Tâm, sinh ngày 13 (có nơi ghi 15) tháng 3 năm 1936, tại Vinh, Nghệ An. Học hết trung học tại Hà Nội Trong bài «Thơ mừng năm tuổi», làm năm Nhâm Tý 1972, ông đã kể chi tiết tiểu sử [1]. Từ 1952, ông đã đi dạy học, trường Minh Tân, Hà Đông và có truyện đăng báo Thanh Niên, Hà Nội.
1954 vào Nam, hoạt động trong Tổng hội Sinh viên Hà Nội di cư, cùng với những người sẽ trở thành bạn văn nghệ về sau: Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Trần Thanh Hiệp, cùng chủ trương nguyệt san Lửa Việt.
Tại Sài Gòn, 1955, ông viết cho các tuần báo Hoà Bình, Dân Chủ, Người Việt và nổi tiếng từ những tác phẩm đầu tay, tập thơ Tôi không còn cô độc, 1956, và truyện Bếp lửa, 1957. Thời điểm này, ông tích cực tham gia biên tập báo Sáng Tạo (1956-1959) do Mai Thảo đứng tên, và ông thường được xếp vào «nhóm» Sáng Tạo, có ảnh hưởng lớn trên văn học miền Nam suốt một thập niên. Ngoài nhật báo Tiền Tuyến của quân đội, ông viêt thường xuyên cho nhiều tạp chí  văn học, như Văn, Bách Khoa, Vấn Đề 1962, bị động viên vào Trường Sĩ quan Thủ Đức, được giải ngũ, rồi tái ngũ trong Quân lực Việt Nam Cộng hoà, phụ trách chủ yếu việc huấn luyện văn hoá, và làm báo quân đội, «tám năm quân ngũ chưa nổ một phát súng với địch» (1972), cấp bực cuối cùng là đại uý. Sau 1975, bị bắt đi học tập, trong 7 năm, tại nhiều trại cải tạo từ miền Nam ra  miền Bắc. Cuổi cùng sang định cư tại Hoa Kỳ từ đầu thập niên 1990. Ông qua đời vì ung thư phổi, tại nơi cư ngụ.
Thanh Tâm Tuyền là tác giả khoảng mười đầu sách; ba tập thơ: Tôi không còn cô độc (1956), Liên - Đêm - Mặt trời tìm thấy (1964, Sài Gòn), Thơ ở đâu xa (1990, Mỹ). Ba truyện: Bếp lửa (1957), Khuôn mặt (1964), Dọc đường (1967). Bốn tiểu thuyết: Cát lầy (1966), Mù khơi (1970), Tiếng động (1970) Một chủ nhật khác (1975). Một vở kịch ngắn: Ba chị em (1965),. Một phiếm luận Tạp ghi (1970). Ông còn nhiều tác phẩm chưa xuất bản, ví dụ như tiểu thuyết Ung thư đăng nhiều kỳ trên báo Văn, từ 1964, là một tác phẩm quan trọng.
Miền Nam Việt Nam những năm 1955 -1960 bừng lên một sinh khí văn hoá. Hằng triệu người từ Bắc di cư vào Nam, những người từ nông thôn bước vào, hay trở về thành thị sau chiến tranh, tình hình an ninh và giá cả ổn định, các trường trung và đại học phát triển, sách báo, điã nhạc, nhập khẩu ào ạt với giá rẻ nhờ ngoại viện. Thơ Thanh Tâm Tuyền xuất hiện trong bối cảnh đó. Ít người mua và cầm trong tay tập thơ Tôi không còn cô độc, nhưng nhiều người, nhất là giới thanh niên, đọc thơ ông trên tạp chí Sáng Tạo, bên cạnh thơ hiện đại khác của Tô Thuỳ Yên, Quách Thoại, Nguyên Sa, Trần Thanh Hiệp, Người Sông Thương.
Người đọc theo dõi, tìm hiểu, chứ thật sự yêu thích thì không nhiều; cũng có người, có bài báo chê trách là thơ lập dị, bí hiểm, hũ nút.
Mười lăm năm sau, 1973, khi sự nghiệp thơ văn Thanh Tâm Tuyền đã an vị, báo Văn đã ra một số đặc biệt về đề tài này, ngày nay là tư liệu hiếm quý. Trên báo này, Lê Huy Oanh, nhà biên khảo chuyên về thơ, có hai bài: một bài kể lại quá trình tiếp xúc thơ Thanh Tâm Tuyền, từ chỗ ghét bỏ đến yêu thích; một bài giải thích «lối thơ Thanh Tâm Tuyền» qua bài «Phục sinh» nổi tiếng trong sự khen chê, với những câu: «Tôi buồn khóc như buồn nôn… Tôi buồn chết như buồn ngủ…»
Tôi không còn cô độc có lẽ chỉ là lời tâm nguyện như khi nhà thơ nói «tôi gọi tên tôi cho đỡ nhớ», hay «có người cầm súng bắn vào đầu / đạn nổ nhịp ba / không chết». Người đọc bực mình vì những lời lạ lẫm như thế thì ít, nhưng nhiều người phẫn nộ vì lời thách thức in ở đầu sách:
«Ở đây tôi là hoàng đế đầy đủ quyền uy. Bởi vì người vào trong đất đai của tôi, người hoàn toàn tự do. Để cai trị tôi có những luật lệ tinh thần mà người phải thần phục nếu người muốn nhập lãnh thổ. Người hoàn toàn tự do. Và có thể ném cuốn sách ra cửa sổ.»
Lê Huy Oanh kể lại rằng: «Trước đó tôi đã quẳng tập thơ qua cửa sổ, rồi lại nhặt lên, trân trối nhìn nó một hồi lâu trước khi từ từ, rất từ từ ấp nó vào ngực» (báo Văn đã dẫn, tr. 8). Dĩ nhiên đây là cách nói tượng trưng.
Trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp, Thanh Tâm Tuyền nhất định phải biết câu thơ phá thể thời 1946, như «Nhớ máu» của Trần Mai Ninh, «Đèo cả» của Hữu Loan, «Sáng mát trong như sáng năm xưa» của Nguyễn Đình Thi. Nhưng dù phá thể, câu thơ này vẫn còn giữ vần điệu. Thanh Tâm Tuyền phá vỡ cái vỏ ngữ âm của câu, hay bài thơ: loại trừ vần, không theo nhịp của ngôn ngữ, xáo trộn thanh điệu bằng trắc; muốn như thế, ông phải sắp xếp lại ý tưởng, hình ảnh, để làm mới ngôn ngữ. Thơ xưa đem tư tưởng ra «diễn ca», còn Thanh Tâm Tuyền tháo gỡ guồng máy ngôn ngữ ra từng bộ phận rồi lắp ghép lại thành những chức năng mới, trong văn bản mới.
Dựa trên lời Nietzsche, ông gọi đây là quan niệm nghệ thuật Dionysos đối lập với quan niệm Apollon, «nghệ thuật phá vỡ những hình thức sẵn có hỗn loạn trong những niềm cảm xúc, một nghệ thuật của say sưa, một vẻ đẹp hãi hùng mọi rợ, nghệ thuật bắt nguồn từ một nhân sinh quan bi thảm».
Câu này trong bài «Nỗi buồn trong thơ hôm nay», Thanh Tâm Tuyền viết năm 1955 - khi ông 19 tuổi - là một văn kiện cơ bản, trong lý luận về thơ. Trong chừng mực nào đó, nó tiếp nối bài «Mấy ý nghĩ về thơ» của Nguyễn Đình Thi năm 1949, về nguyên tắc và lý thuyết. Về mặt nội dung và thực tiễn sáng tạo, Thanh Tâm Tuyền đi xa hơn.
Chất hiện đại trong thơ ông một phần do ảnh hưởng thơ thế giới, chủ yếu là thơ Pháp, từ Rimbaud, Lautréamont đến Apollinaire, nhất là thơ siêu thực của nhóm Bréton, Eluard, mà ông tiếp thu trực tiếp, mà không kinh qua nhà trường Pháp thuộc như thế hệ đi trước. Thanh Tâm Tuyền không học đúng bài bản như Xuân Diệu, Vũ Hoàng Chương, cho nên tự do hơn. Xuân Diệu, về già, vẫn mơ ước làm một Ronsard. Thanh Tâm Tuyền thạo tiếng Pháp, ham đọc, nên tiếp xúc được với nhiều tác giả trên thế giới từ Gorki, Plekhanov, Marx, Trosky đến những tác giả mới hơn như Lawrence Durrell hay Solzhenitsyn qua tiếng Pháp. Từ đó, thơ ông có chất quốc tế, trong nền Cộng hoà Thế giới:

Các anh Cộng hoà đã chiến đấu cho Tây Ban Nha
Xứ sở Lope de Vega Garcia Lorca
Một Bréton tình điên còn nức nở
Mà Hy vọng Malraux còn thổn thức
Và mãi Ernest còn tiếc thương
Andalousie đói quên khiêu vũ
Việt Nam ốm yếu quên ca dao

Câu «quốc tế ca» của Thanh Tâm Tuyền nhiều người thuộc nhất có lẽ là hai câu đầu dùng làm tựa đề cho bài thơ, đăng trên báo Sáng Tạo, số 4 tháng Giêng 1957:

Hãy cho anh khóc bằng mắt em
Những cuộc tình duyên Budapest

Bài này làm vào tháng 12-1956, một tháng sau khi Hồng quân Liên Xô, nhân danh khối liên minh quân sự Warszawa tràn ngập Hungary và thủ đô Budapest. Sau đó ông còn làm tiếp «Bản anh hùng ca Budapest» cũng đăng trên Sáng Tạo.
Thanh Tâm Tuyền chưa bao giờ ra khỏi Việt Nam cho đến ngày sang Hoa Kỳ định cư vĩnh viễn. Nhưng thơ ông đầy những thành phố: Warszawa, Berlin, Bình Nhưỡng, Bắc Kinh, Moskva, Praha, Paris, Madrid, Brussel, Genève. Nhưng không có lũy tre, con đò, bờ dâu, nương sắn. Thơ Thanh Tâm Tuyền là thơ thành phố: thơ Pháp, đến Prevert là hoàn toàn đô thị hoá; thơ Việt Nam, đến Thanh Tâm Tuyền cũng quành vào đô thị. Xưa kia, Nguyễn Bính đã mơ Phường chèo làng Đặng; gần hơn, Đinh Hùng còn nhớ tháng giêng quê bạn hội đêm rằm; đến Thanh Tâm Tuyền «Tôi không còn cô độc» là tên một bài thơ dưới dạng hợp xướng hiện đại, với nhiều giọng hát, và có giọng thi sĩ:

Tôi đã chết nghẹn ngào
ôm tình yêu tự do chật ngực
tôi chết và chối từ
đừng ai gọi tôi là thi sĩ
(…)
Hôm nay tôi dự hội
hôm nay dùng mắt nhìn
hôm nay dùng lời dịu
cô độc phút tan tành
tôi không còn cô độc

Ông già: tôi không còn cô độc
Hợp xướng: tôi không còn cô độc
Em gái: tôi không còn cô độc
Hợp xướng: không ai còn cô độc
không ai còn cô độc


Thơ Thanh Tâm Tuyền khi ngân vang hợp xướng, khi u uẩn tiếng kèn đồng:

Một người da đen một khúc hát đen
Bầu trời đen sâu không cùng

Những dòng nước mắt:

Xé nát thân thể bằng tiếng kèn đồng
Bằng giọng của máu của tuỷ của hờn bắt đầu ngày tháng
Giữa rừng không lối rừng mãi trống không
(…)
Vì blues không xanh, vì điệu blues đen
Trên màu da nức nở

(«Đen», Sáng Tạo, số 8, tháng 5-1957)

Nhìn lại thơ Thanh Tâm Tuyền, tự nó, là một thế giới, và đồng thời một không gian nhìn ra thế giới. Đây là đặc tính của thơ Thanh Tâm Tuyền, ở những nhà thơ khác dù rất hiện đại, cũng không có, hoặc không rõ nét. Ví dụ trong thơ Tô Thuỳ Yên, chủ yếu ta thấy thảm kịch Việt Nam; thơ Lê Đạt chủ yếu phản ánh tâm cảnh người dân châu thổ Sông Hồng; thơ Dương Tường đưa vào nhiều tiếng nước ngoài, thảnh thót giọt mưa dương cầm tím mộng scheherazade, vẫn là cái liếc nhìn ra thế giới, không phải là tầm nhìn sâu thẳm, xâu xé, xoáy vào thân phận làm người, chủ yếu là người nhược tiểu. Nói như vậy, không có ngụ ý rằng thơ Thanh Tâm Tuyền nhẹ tính cách dân tộc. Phân biệt dân tộc với nhân loại là phiến diện: trong thế giới có Việt Nam và trong Việt Nam có thế giới. Trong «Guernica» của Picasso có Bến Tre, trong tranh khắc gỗ đình làng Việt Nam có Picasso. Tôi nói thơ Thanh Tâm Tuyền trong hình thức và nội dung là một bước ngoặt trong nghệ thuật và tâm thức Việt Nam là vậy.
Tuy nhiên cũng phải ghi nhận với ít nhiều tiếc rẻ là lối thơ Thanh Tâm Tuyền không có người thừa kế. Bản thân Thanh Tâm Tuyền về sau, trong tập Thơ ở đâu xa cũng trở về với những thể thơ truyền thống. Nhưng đây là những bài thơ làm trong lao lý, trong những hoàn cảnh đặc biệt, không cho phép chúng ta suy diễn về lý thuyết. Dù sao ông đã mở ra những chân trời mới và cách tân quan niệm thi ca.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập426
  • Hôm nay69,773
  • Tháng hiện tại1,467,957
  • Tổng lượt truy cập42,040,030
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây