Du lịch nghỉ dưỡng Nha Trang – Ninh Thuận – Đà Lạt

Thứ hai - 22/07/2019 10:18
Mùa hè 2016, trường THCS Hoàng Xuân Hãn đã tổ chức cho đoàn cán bộ giáo viên đi du lịch nghỉ dưỡng bằng hành trình về miền cực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Kì nghỉ kéo dài từ ngày 9/7 đến 15/7/2016 (7 ngày 6 đêm), hành trình đi về bằng đường hàng không theo các chuyến Vinh – Nha Trang và Đà Lạt – Vinh.
Mùa hè 2016, trường THCS Hoàng Xuân Hãn đã tổ chức cho đoàn cán bộ giáo viên đi du lịch nghỉ dưỡng bằng hành trình về miền cực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Kì nghỉ kéo dài từ ngày 9/7 đến 15/7/2016 (7 ngày 6 đêm), hành trình đi về bằng đường hàng không theo các chuyến Vinh – Nha Trang và Đà Lạt – Vinh.
 

Nha Trang
 

      Điểm đến đầu tiên là thành phố Nha Trang. Trước khi hạ cánh ở cảng hàng không Cam Ranh, qua cửa sổ máy bay, đoàn tham quan được nhìn ngắm vịnh Nha Trang, một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Cũng từ khoảnh khắc này, đoàn cán bộ giáo viên thấy rõ hơn vị trí chiến lược của Cam Ranh – cái tên được nhắc đến rất nhiều trong các thông tin về an ninh quốc phòng, nhất là trong bối cảnh thế giới và khu vực những năm vừa qua.
 
      Đoàn dừng chân ở Nhà Trang 2 ngày 2 đêm, nghỉ ngơi tại khách sạn Goldon Tulip. Cũng giống như Bắc Trung Bộ, thời tiết Nam Trung Bộ những ngày này nóng nực. Vì vậy bãi biển Nha Trang chiều và đêm gió lộng là điểm đến rất lý tưởng cho những vị khách suốt mấy tháng qua vô cùng nhớ biển. Mọi người đã được vẫy vùng, đắm mình cùng sóng biển, thưởng thức đặc sản biển, tham quan và mua sắm đặc sản ở Chợ Đầm, quây quần ngắm phố biển về đêm,…
 
     Cũng tại Nha Trang, chúng tôi được gặp lại những đồng nghiệp cũ và những người bạn… Nâng những cốc bia nơi phố biển, chúng tôi được nghe những hoài niệm tuổi học trò thơ mộng qua cuộc gặp gỡ và trò chuyện của nhà thơ Trần Chấn Uy, thầy giáo Dương Thế Vinh, cô giáo Lê Thị Hương (những người bạn cùng lớp)…
 
     Ngày thứ hai tại Nha Trang, đoàn tham quan hướng về khám phá vịnh Nha Trang và “thiên đường giải trí” Vinpearl. Trên con tàu Chim Sẻ Tre, hướng về các hòn đảo Hòn Mun – Hòn Tre xinh đẹp và thơ mộng, lướt trên sóng biếc Nha Trang, nhiều cán bộ giáo viên “có được” trải nghiệm hiếm có: say sóng. Vượt lên những thử thách ấy, mong muốn khám phá vẻ đẹp của quê hương đất nước khiến những gương mặt lại bung nở những nụ cười.
 
     Những cảm nhận với Vinpeal có lẽ không cần phải nói nhiều, bởi điểm du lịch này đã quá nổi tiếng, những trải nghiệm của mọi người có nhiều điểm thú vị giống nhau: những trò giải trí, đắm mình trong công viên nước, vẫy vùng ở bãi biển nhân tạo, tham quan “thủy cung”,.v.v.. Chúng tôi muốn nói thêm về trải nghiệm Hòn Mun. Hòn Mun hiện rõ dần từng dáng nét trong tầm mắt, nước biển biếc xanh và trong suốt, những bãi cát mịn, những bờ đá sạch bóng, phía dưới tầng nước sâu kia là những rặng san hô kì ảo,… Vậy nhưng, chỉ một lúc sau khi đặt chân lên hòn đảo xinh này, có ai đó trong đoàn chúng tôi thốt lên câu thơ của cố thi sĩ Lưu Quang Vũ “Ôi Tiếng Việt như bùn và như lụa…”. Câu thơ đang được cộng đồng chú ý mổ xẻ những ngày qua (từ đề thi THPT quốc gia 2016) bỗng đánh thức nhiều cảm xúc nghẹn ngào. Ở Hòn Mun, chúng tôi thấy ngập tràn du khách Trung Quốc, tiếng Trung xôn xao như át cả tiếng sóng vỗ ghềnh đá. Du khách Trung Quốc lũ lượt chụp ảnh, làm dáng, gọi nhau loảng xoảng; du khách Trung Quốc vùng vằng nhăn mặt văng tục khi một vị khách người Việt vô tình chạm phải… Nghĩ về những cảm giác ấy, chúng tôi chợt nhớ về những thông tin báo chí đưa gần đây về những lùm xùm ngang ngược liên quan đến du khách Trung Quốc ở Đà Nẵng, chợt nhớ cảnh báo của một tác giả rằng “hãy cẩn thận với đường lưỡi bò văn hóa” (khi đoàn chúng tôi đến Nha Trang cũng là lúc PCA có những phán quyết chính nghĩa, Philippin thắng kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông)…
 
     Đoàn chúng tôi quyết định rút bớt những điểm đến trong thời gian ở Nha Trang, bởi những niềm vui và những trải nghiệm đã có đủ để suy ngẫm những ngày dài. Phía trước là Ninh Thuận và Đà Lạt.
 

Ninh Thuận
 
      Ninh Thuận – điểm đến tiếp theo - là nơi có nhiệt độ trung bình năm cao nhất Việt Nam. Hướng dẫn viên của công ty du lịch lên dây cót tinh thần cho chúng tôi về sự khắc nghiệt của cái nóng nơi đây. Nhưng cái nóng với những người con miền gió Lào như chúng tôi chẳng có gì lạ lẫm.
 
     Chúng tôi dừng chân ở Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, thưởng thức cơm niêu Ninh Thuận rồi dừng chân nghỉ ngơi bên bãi biển Ninh Chữ. Biển Ninh Chữ mát lạnh. Đây là một trong 9 bãi tắm đẹp nhất của Việt Nam, có chiều dài 10km, bờ biển thoai thoải hình vòng cung, cát trắng mịn,… Hệ thống khách sạn không nằm quá gần bờ biển, giữ cho khung cảnh bãi biển vẻ hoang sơ, trong lành. Nghỉ ngơi và tắm biển Ninh Chữ, mọi người có được cảm giác yên bình thư thái ngay giữa những ngày hè vẫn được coi là khắc nghiệt.
 
     Giữa khoảnh khắc nghỉ ngơi ở Ninh Chữ, đoàn chúng tôi có ghé thăm Đầm Nại. Một không gian khoáng đạt mà yên bình, thơ mộng. Chúng tôi đi qua cầu Tri Thủy bắc qua eo Đầm Nại, dừng chân thưởng ngoạn cảnh sắc sông núi nơi đây, chụp ảnh kỉ niệm,… và hình dung về một vùng địa linh, nơi sản sinh những nhân vật lịch sử nổi tiếng.
 
     Phan Rang – Tháp Chàm từ lâu đã trở nên quen thuộc với thầy trò trường THCS Hoàng Xuân Hãn và nhiều bạn đọc xa gần. Địa danh này gợi nhớ mạch hoài niệm trong thơ của thầy giáo Dương Thế Vinh, Hiệu trưởng nhà trường. Thầy cô từng có thời gian công tác ở mảnh đất Thuận Hải nắng gió.
 
     Có nhiều người trong đoàn lần đầu đến Ninh Chữ. Thế nhưng, chắc chắn những cảm nhận về Ninh Thuận – Ninh Chữ sẽ ngấm sâu hơn cả đặc sản Vang Nho mà mọi người được nếm thử nơi đây.
 

Đà Lạt
 
     Chúng tôi tạm biệt Ninh Thuận, không phải theo kiểu “rời đi” mà là “xa dần”. Trên hành trình hướng về miền cao nguyên Đà Lạt, chúng tôi đi trên con đường êm ái, hai bên đường là những hàng me tỏa bóng mát lành. Hình bóng của đường phố Phan Rang mộc mạc lùi dần lùi dần mà màu xanh những hàng me còn dài mãi. Lâm Đồng – Đà Lạt chỉ cách Ninh Thuận có một con đèo. Đèo Ngoạn Mục. Khen cho ai khéo đặt tên! Đường đèo, sức khám phá và khai phá của người xưa quả là ngoạn mục. Sau phút ghỉ chân trên đèo Ngoạn Mục, những luống rau xứ lạnh, những vườn hoa, những rặng mây bảng lảng dần hiện ra, chúng tôi biết mình đang đến với Đà Lạt.
 
     Đà Lạt mát lạnh, châu Âu giữa lòng nước Việt, điểm nghỉ ngơi hoàn hảo cho những người miệt mài căng thẳng suốt năm với lớp với trường, sau mùa thi giữa mùa hè cháy nắng. Người Đà Lạt rất biết làm du lịch. Những điểm đến trên đất nước này ít nơi được yêu chuộng như Đà Lạt, lòng yêu của du khách trăm miền thể hiện ngay trong cách gọi tên Đà Lạt – xứ sở ngàn hoa, xứ sở ngàn thông, xứ mộng mơ, thành phố sương mù, xứ lạnh, rồi năm không – ba không gì đó nữa… Đến Đà Lạt, rồi rời đi, hình như ai đó cũng còn giữ một chút niềm riêng của mình, cho mình, không phải là cái cảm giác chung chung. “Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách”, hình như có một nhà văn trẻ vừa xuất bản một cuốn sách có tựa đề như thế.
 
     Hành trình khám phá Đà Lạt rất thú vị. Đoàn tham quan nhiều địa chỉ lịch sử văn hóa – tâm linh như Thiền Viện Vạn Hạnh, Thiền Viện Trúc Lâm Đà Lạt, nhà thờ Domaine de Marie, Dinh Bảo Đại, Ga Đà Lạt,… tham quan nhiều cảnh sắc nổi tiếng thơ mộng như Vườn hoa thành phố, Thung lũng Tình yêu, trải nghiệm với nghệ thuật đường phố,… Những ngày ở Đà Lạt, mọi người dần khám phá những vẻ đẹp của thành phố du lịch, thưởng thức nhiều đặc sản phố núi, tự cho phép mình hào phóng với các món rau giữa “thời thực phẩm không sạch”, gặp gỡ bạn bè mình đang sinh sống và làm việc ở nơi đây.
 
     Một trải nghiệm đặc biệt chúng tôi muốn nhắc đến chính là đêm nhạc ở quán Diễm xưa. Vào quán, chúng tôi gặp ngay câu quảng cáo đầy vẻ “kích thích”: “Chưa đến Diễm xưa là chưa đến Đà lạt!”. Nhiều người thầm nghĩ: “Để rồi xem!”. Và rồi ai cũng phải gật gù. Đúng thật. Trong một không gian ấm cúng, thanh tĩnh, chỉ có ánh sáng của nến và ánh sáng của… âm nhạc, những vẻ thơ mộng huyền ảo của Đà Lạt hiện lên. Đến với Diễm xưa có nghĩa là chúng tôi lựa chọn đến với Trịnh, đến với thế giới ảo huyền của những giai điệu đẹp, nơi hòa quyện những ca từ vừa giản dị vừa quyến rũ đến mê lòng. Đêm chúng tôi cùng có mặt ở quán Diễm xưa, chúng tôi không chỉ gặp Trịnh mà được gặp thế giới tâm hồn của những con người như Trịnh: thế giới của những ca khúc thanh khiết gợi những tình cảm sáng trong. Những bài hát của Trịnh Công Sơn (Góp lá mùa xuân), của Phạm Duy (Cây đàn bỏ quên), của Nguyễn Ánh 9, của Ngô Thụy Miên,… đánh thức một trời mỹ cảm. Người nghe không còn quan tâm đến đồ uống mà mình đang dùng nữa, chỉ chú tâm vào những giai điệu miên man mê đắm thiết tha. Cũng những ca khúc ấy, nghe ở Đà Lạt thật đặc biệt. Chợt nghĩ, hèn chi những ai từng qua mảnh đất này tâm hồn họ vô cùng giàu có!
 
     Hành trình du lịch Nha Trang – Ninh Thuận – Đà Lạt để lại trong mỗi thành viên của đoàn những cảm nhận khác nhau, góp phần làm đẹp thêm thế giới tinh thần của mỗi người vốn vô cùng phong phú. Bởi thế, những ghi chép của chúng tôi chỉ là vài nét điểm xuyết trước bức tranh muôn màu. Bạn đọc quan tâm có thể đến với những trải nghiệm cá nhân thú vị, đặc sắc bằng cách ghé qua các trang facebook cá nhân được các thầy cô chia sẻ, như trang của các cô giáo Lê Thúy Đào, Đinh Lệ Hòa, Thái Thị Bích Vân, Nguyễn Thị Hoàng Yến,… của thầy giáo Phan Đăng Nhân, Nguyễn Như Sang, Phan Quốc Việt, Nguyễn Ngọc Hùng, Nguyễn Công Anh,…


                                                           Vườn hoa Đà Lạt

Tác giả bài viết: Nguyễn Ngọc Hùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập174
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm157
  • Hôm nay41,564
  • Tháng hiện tại1,091,706
  • Tổng lượt truy cập29,617,080
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây