Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện.

Xem tiếp...

Bài thuyết trình của em Nguyễn Thị Quỳnh Trang - 9A

Thứ sáu - 10/01/2020 21:07
Ban biên tập website trường THCS Hoàng Xuân Hãn giới thiệu cùng bạn đọc bài thuyết trình chủ đề "Vẻ đẹp của tình đồng chí đồng đội trong bài thơ Đồng chí của Chính Hữu" của em Nguyễn Thị Quỳnh Trang - 9A tại Lễ chào cờ tuần thứ 18 năm học 2019 - 2020
      Chính Hữu hoạt động trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ và hầu như chỉ viết về hình ảnh người lính và hiện thực chiến tranh. Thơ ông không nhiều, nhưng lại có những bài đặc sắc, cảm xúc dồn nén, ngôn ngữ và hình ảnh chọn lọc, hàm súc. Bài thơ Đồng Chí là điển hình cho hồn thơ Chính Hữu.Viết bài thơ này, Chính Hữu muốn nêu lên vẻ đẹp tinh thần của người lính cụ Hồ mà ông đã từng gắn bó và hiểu về họ một cách sâu sắc là tình đồng chí, đồng đội thiêng liêng cao cả, một tình cảm mới của người lính cách mạng.
      Sáng tác năm 1948 - thời kì đầu kháng chiến chống Pháp hết sức khó khăn, gian khổ và thiếu thốn.Mạch nguồn bài thơ đi từ cơ sở hình thành tình đồng chí của người lính rồi chững lại bởi hai chữ “ Đồng chí”, rồi mạch thơ lại tiếp chảy với những biểu hiện và sức mạnh của tình đồng chí trong cuộc sống của người lính và kết lại mạch cảm xúc bằng hình ảnh ngân vang tuyết đẹp” Đầu súng trăng treo”. Tình đồng chí đồng đội xuyên suốt mạch cảm xúc ấy.
      Tình đồng chí đồng đội của những người lính được hình thành từ những điểm tương đồng qua những hình ảnh gần gũi thân quen mà sâu sắc gợi cảm. Trước hết đó là tình quê hương của những người lính nông dân ở những vùng quê lam lũ vất vả:
                          “ Quê hương anh nước mặn đồng chua
                           Làng tôi nghéo đất cày lên sỏi đá”
      Ở hai câu thơ trên có sự đối nhau giữa “ nước mặn đồng chua” và” đất cày lên sỏi đá”để nói tới sự tương đồng trong cuộc sống còn nghèo khổ, nhọc nhằn của những người lính. Có phải vì thế mà:
                      “ Anh với tôi đôi người xa lạ
                         Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”
      Tại sao “ xa lạ, chẳng hẹn”  mà lại “ quen nhau” ngay được? Có gì màu nhiệm ở đây vậy? Chính là tình giai cấp đã gắn bó những người lính ở những vùng quê nghèo đến với nhau một cách tự nhiên như vốn có là vậy. “Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”thì chỉ có thể là những người cùng chung cảnh ngộ cùng chung giai cấp, cùng nghèo khổ như nhau...Và những cái chung này đã dẫn đến cái chung tiếp theo như một  điều tất yếu - chung lý tưởng chiến đấu. Nhà thơ đã diễn tả điều này bằng một hình ảnh thơ đẹp, hàm chứa ý nghĩa sâu sắc:“ Súng bên súng, đầu sát bên đầu”. Khẩu súng tượng trưng cho lí tưởng chiến đấu của người lính. Và khi “ Súng bên súng, đầu sát bên đầu” thì đó là lúc họ đã hiểu nhau, tâm đầu ý hợp, cùng chung chí hướng để thành tình đồng chí cao cả thiêng liêng. Câu thơ “ Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ” đã lấy một hình ảnh thực trong cuộc sống quân ngũ của người lính để tô đậm khắc sâu tình đồng chí đó là cái rét. Cái rét ở rừng Việt Bắc đã nhiều lần vào thơ bộ đội chống Pháp vì đó là một thực tế mà cũng nếm trải trong những năm chinh chiến ấy. Có điều lạ là  câu thơ nào nói đến cái rét cũng gợi cho người đọc một cảm giác ấm áp của tình đồng chí nghĩa đồng bào. Ba anh bộ đội trong thơ Lê Kim chung nhau một cái chăn hẹp, đắp kiểu gì cũng rét, rét đến không ngủ được... Nhưng cũng chính vào lúc lạnh giá ấy câu thơ lại có biết bao nhiêu ấm áp:
                           “ Ba thằng quặp chặt gió lùa vào đâu
                              Nửa đêm sương gội mái đầu
                             Chòi cao phần phật mấy tàu chuối khô”
      Câu thơ của Chính Hữu cũng vậy, cái rét tạo nên tình tri kỉ của những người lính chung chăn.
      Các ngọn nguồn tình cảm dẫn đến tình đồng chí đã được tác giả nói lên một cách tự nhiên, bình dị bằng những hình ảnh gần gũi, thân quen trong cuộc sống của họ và đặc biệt bằng cách viết cụ thể để hường người đọc đến tình đồng chí , nhận ra tình đồng chí ở họ. Và để rồi cuối cùng bật thốt lên hai tiếng thiêng liêng “Đồng chí”. Đó như là một nốt nhấn vang ngân đầy  xúc động trong đoạn thơ.
      Rất hiểu người lính đông đội của mình, Chính Hữu đã diễn tả tình đồng chí của họ thật đẹp. Đây  là  tình đồng chí của những người lính nông dân nên nó mộc mạc giản dị như lúa như khoai, nhưng cũng từ vẻ mộc mạc giản dị ấy người đọc vẫn nhận ra cái nét cao đẹp của một tình cảm mới mang dấu ấn cách mạng. Nhà thơ đã lấy những hình ảnh trong cuộc sống quân ngũ của người lính để nói lên tình đồng chí một cách thật nhuần nhị tự nhiên. Tình đồng chí của họ được thể hiện một cách rõ nét và sâu sắc. Trước hết đó là sự thấu hiểu nỗi lòng của nhau khi xa quê hương đi đánh giặc:
             “ Ruộng nương anh gửu bạn thân cày
               Gian nhà không mặc kệ gió lung lay
                 Giếng nước gốc đa nhớ người ra lính”
      Ở đây “ Đồng chí” là soi vào nhau, anh hiểu tôi tôi cũng hiểu nỗi lòng sâu kín của anh, hiểu được sự ra đi cương quyết dứt khoát vì nghĩa lớn, lại hiểu được sự gắn bó thiết tha với gia đình, quê hương của anh. Mấy  câu thơ nói về gia cảnh nhà này hóa ra lại diễn dạt được sâu sắc lòng yêu thương của người kia, tình yêu thương ấy lặng lẽ, thấm thía...Từ những hình ảnh thơ xúc động ấy ta lại thấy rõ thêm sự hi sinh âm thầm của người lính, họ đã gửu lại phía sau những gì thân thương nhất, yêu quý nhất.  Hồng Nguyên cũng từng viết:
                      Ba năm rồi gửi lại quê hương
                      Tiếng mõ đêm trường
                      Luống cày đất đỏ
                      Ít nhiều người vợ trẻ
                      Mòn chân bên cối gạo canh khuya.
      Đó là hình ảnh người vợ xa chồng vì chiến tranh, cô đơn “mòn chân bên cối gạo canh khuya”,để vơi bớt nỗi nhớ chồng ở tiền tuyến. Chính Hữu cũng nhắc đến nỗi nhớ quê hương qua hình ảnh hoán dụ - nhân hóa : giếng nước gốc đa nhớ người ra lính. Quê hương nhớ người ra lính hay người ra lính nhớ quê hương?    Dường như gia cảnh của những người lính đều như vậy. Có chung nỗi niềm tâm sự, từ hiểu nhau, nói với nhau lời gan ruột khiến họ đồng cảm sâu sắc và sẻ chia cho nhau nhiều hơn:
                 “Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh
                  Sốt run người vứng trán ướt mồ hôi.”
      Những cơn sốt rét rừng họ cùng nhau trả qua đến nỗi thấm thía và quen thuộc. Họ biết, họ hiểu, họ quan tâm và sẻ chia nỗi đau về thể xác ở nơi rừng thiêng nước độc, những cơn sốt rét đến liên tục, biết bao người lính phải chịu đựng...Rồi những thiếu thốn về vật chất và cả những khắc nghiệt của thời tiết cũng được họ chia sẻ trong yêu thương chân thành:                                        
                     “Aó anh rách vai
                    Quần tôi có vài mảnh vá
                    Miệng cười buốt giá
                    Chân không giày
                    Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”
      Đoạn thơ tái hiện chân thất cuộc sống gian khổ  thiếu thốn  của người lính trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhưng linh hồn và vẻ đẹp của nó lại là tình đồng chí đồng đội ấm áp. Này là sự đồng cảm sâu sắc, là yêu thương chân thành được đúc lại trong một hình ảnh thơ dồn nén cảm xúc “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay”. Chỉ cần “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay” là đủ sức mạnh đê chống chọi lại với cơn sôt rét rừng kinh hoàng, những ngày  “ buốt giá chân không giày”...Cái “ tay nắm lấy bàn tay” đã làm ấm lên nụ cười trong bao khó khăn gian khổ thiếu thốn của cuộc đời người lính.
      Từ hiện thực gian khổ vẻ đẹp bay bổng, lãng mạn của những người lính lại ngân vang trong hiện thực gian khổ :
                         “ Đêm nay rừng hoang sương muối
                            Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới
                            Đầu súng trăng treo”
      Ba câu thơ là hình ảnh có thực ở chiến trường: hình ảnh rừng hoang sương muối trong đêm lạnh giá, hình ảnh những người lính đứng cạnh bên nhau chờ giặc và hình ảnh trăng treo trên đầu khẩu súng. Và không chỉ Chính Hữu mà trong bài thơ Việt Bắc nhà thơ Tố Hữu cũng từng viết” Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan”. Ba hình ảnh này liên kết hài hòa với nhau và kết tinh đẹp đẽ trong câu thơ kết thúc nâng bài thơ lên tầm cao mới: “ Đầu súng trăng treo”.
Đúng như nhà thơ Chính Hữu từng tâm sự: “ Trong chiến dịch nhiều đêm có trăng. Đi phục kích địch trong đêm trước mắt tôi chỉ có ba nhân vật: khẩu súng, vầng trăng và người bạn chiến đấu. Ba nhân vật quyện với nhau tạo ra hình ảnh” Đầu súng trăng treo”. Từ hình ảnh có thực ở chiến trường đã được nâng lên thành hình ảnh khái quát mang ý nghĩa tượng trưng cho vẻ đẹp tinh thần của người lính. Súng là lí tưởng chiến đấu, trăng là tâm hồn người lính; súng và trăng - cứng rắn và dịu hiền; súng và trăng - chiến sĩ và thi sĩ; súng và trăng...là biểu hiện cao cả của tình đồng chí. Chủ đề bài thơ được nâng lên và lắng sâu, ngân vang trong lòng người đọc là nhờ hình ảnh thơ tuyệt đẹp này.
      Với bút pháp hiện thực và lãng mạn,sự sáng tạo hình ảnh thơ... Bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu đã dựng lên một tượng đài vững chắc về hình ảnh người lính trong hoàn cảnh khó khăn gian khổ nhưng tình đồng chí đồng đọi của anh bộ đội cụ Hồ trong thời kì kháng chiến chống Pháp thật thiêng liêng cao đẹp. Họ là niềm tự hào của thế hệ mai sau.
      Sự thành công của bài thơ đồng chí đã tạo nên diện mạo mới cho thơ ca kháng chiến và cũng giúp Chinh Hữu khẳng định tên tuổi của mình trong làng thơ kháng chiến. Người yêu thơ sẽ mãi nhớ về người lính cụ Hồ với biểu tượng giàu chất thơ “ Đầu súng trăng treo”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Quỳnh Trang-9A

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập340
  • Hôm nay88,979
  • Tháng hiện tại1,611,176
  • Tổng lượt truy cập42,183,249
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây