Giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ...”

Giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ...”

BBT website giới thiệu cùng bạn đọc, bài giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh lịch sử cùng dân tộc” do em Trần Thị Phương Nhiên lớp 6C trình bày.

Xem tiếp...

Trí thức văn nghệ sĩ Sài Gòn trước 1975 với Vũ Trọng Phụng

Thứ bảy - 20/07/2019 07:12
Một trong những hoạt động chính của văn học Sài Gòn (nói rộng ra, của văn học trong các thành thị miền Nam) trước 1975 là giới thiệu, đánh giá văn học trước Cách mạng tháng Tám 1945, trong đó giai đoạn 1932 – 1945 (mà các nhà nghiên cứu Sài Gòn qui định là 1932 – 1945) được đặc biệt chú ý.

Hiện tượng này là một tất yếu, vì thành tựu và kinh nghiệm sáng tác của giai đoạn văn học phát triển rất phong phú này quả là cần thiết cho bất cứ ai muốn hiểu biết văn học dân tộc, nhất là lúc nền văn học ấy đang vận hành với công suất lớn trên con đường hiện đại hóa.

Vì vậy hầu hết các tác phẩm có tên tuổi của giai đoạn này được tái bản, và không chỉ một lần. Nhiều nhà văn tiêu biểu của giai đoạn này được giới sáng tác và giới nghiên cứu văn học đi sâu tìm hiểu. Nhưng có thể nói, trừ hiện tượng Nhất Linh rộ lên trong năm 1963 (năm ông tự tử và sau khi Ngô Đình Diệm bị đảo chánh, ông được tổ chức tưởng niệm hết sức trọng thể), thì ít ai được giới trí thức văn nghệ sĩ quan tâm một cách đặc biệt như Vũ Trọng Phụng.

Hầu hết tác phẩm của Vũ Trọng Phụng được tái bản trong đó đáng kể đến nhiều tác phẩm lẽ ra chỉ có thể lục tìm trong các chồng báo cũ của thư viện, như các truyện ngắn (non 40 truyện), các kịch ngắn (non 10 vở) như vở kịch dài Giết mẹ(dịch từ nguyên tác Lucrèce Borgia của V.Hugo), hoặc như 3 chương di cảo, trong tiểu thuyết Người tù được tha.

Các báo chí chuyên ngành văn học như Tập san Văn, tạp chí Văn học, tạp chí Thời nay, Giai phẩm văn học, tạp chíNghiên cứu văn học cho ra những tờ đặc biệt về Vũ Trọng Phụng. Có tờ, như tạp chí Văn học, 3 lần ra số đặc biệt để tưởng niệm nhà văn quá cố.

Bên cạnh những bài viết mới, các tập san, báo chí nói trên còn cho đăng lại rất nhiều bài viết về Vũ Trọng Phụng, đã công bố trên báo chí Hà Nội trước năm 1945 của Ngô Tất Tố, Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Tam Lang, Lưu Trọng Lư, Lan Khai, Nguyễn Triệu Luật, Lê Văn Trương, Ngọc Giao, Trương Tửu, Nguyễn Thanh, Thanh Châu, Lê Thanh, v.v…

Đã có nhóm văn nghệ sĩ tổ chức những đêm kịch Vũ Trong Phụng. Một số vở hài kịch ngắn của ông cũng như hai tiểu thuyết Giông tố, Số đỏ được chuyển thể, được lên sàn diễn.

Xem lại danh sách những trí thức văn nghệ sĩ viết về Vũ Trọng Phụng, chúng tôi thấy có thể phân thành ba nhóm. Thứ nhất, đó là những nhà văn đã thành danh từ trước năm 1945, vì những lý do khác nhau, tập trung sống và viết ở Sài Gòn như Vũ Bằng, Tam Lang, Nguyễn Vỹ, Đinh Hùng, Thiết Can, Lê Tràng Kiều…

Thứ hai, đó là các nhà nghiên cứu như Nguyễn Duy Diễn, Phạm Thế Ngũ, Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Bùi Xuân Bào…

Thứ ba, đó là các nhà văn hoặc những người vừa sáng tác vừa hoạt động nghiên cứu, như Doãn Quốc Sỹ, Mai Thảo, Dương Nghiễm Mậu…

Nếu căn cứ vào quan điểm nhân sinh, thái độ chính trị của các cây bút này, chúng ta thấy họ khá khác biệt, thậm chí đối lập nhau. Có người chống đối cách mạng từ căn bản ý thức hệ, như Doãn Quốc Sỹ. Có người không nhất quán về chính trị như Dương Nghiễm Mậu. Số đông đậm sắc thái “trung tính”, ngược lại có một số người giác ngộ cách mạng, và với các vị ấy văn học là mặt trận đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân mới, tất nhiên bằng những phương cách khác nhau, với những tư thế khác nhau, như Vũ Bằng, Lữ Phương, Vũ Hạnh…Có người đã hy sinh trên chiến trường Tây Ninh năm 1986, lúc đã thoát ly khỏi vùng giải phóng như Trần Triệu Luật.

Trong số 46 bài báo và cuốn sách mà chúng tôi có trong tay, viết về Vũ Trọng Phụng ở Sài Gòn trước năm 1975 (một con số chắc chắn chưa đầy đủ so với thực tiễn hoạt động của xuất bản báo chí ở một địa bàn rất nhộn nhịp và phức tạp như Sài Gòn và các thành thị miền Nam suốt 21 năm trước ngày giải phóng), có thể phân ra hai loại:

Loại thứ nhất, gồm 17 bài viết dưới dạng hồi ức, kỷ niệm. Người viết đều là các bạn văn, thậm chí chí cốt với Vũ Trọng Phụng lúc sinh thời. Đáng chú ý là các bài viết của Tam Lang (Vài kỷ niệm về Vũ Trọng Phụng - Giai phẩm văn học số 170, ngày 05/8/1973), Nguyễn Vỹ (Vũ Trọng Phụng, chương 4 cuốn Văn thi sĩ tiền chiến, trang 49-66, Nhà xuất bản Khai Trí, Sg, số 1969), Đinh Hùng (Nhớ Vũ Trọng Phụng, Tạp chí Văn học, Sg, số 44, ngày 15/8/1965) và sáu bài viết của Vũ Bằng đăng trên các Tạp chí Văn học (Sg) (15/10/1969), Giai phẩm văn học (05/8/1973) hoặc in trong các cuốn Bốn mươi năm nói láo (Phạm Quang Khai xuất bản, Sg, 1971). Ngoài ra còn có các bài viết khác của Lê Tràng Kiều, Thiết Can, Đồ Nam, v.v…

Loại thứ hai, gồm 29 bài hoặc chương sách nghiên cứu về sự nghiệp sáng tác của Vũ Trọng Phụng. Có những bài khảo sát dưới góc độ thể loại, như của Doãn Quốc Sỹ (Văn học và tiểu thuyết – Nhà xuất bản Sáng tạo, Sg, 1973), Vũ Bằng (Khảo về tiểu thuyết – Phạm Văn Tươi xuất bản, Sg, 1955), v.v… Có một số bài nghiên cứu căn cứ khuynh hướng nghệ thuật của ông, như các bài Vũ Trọng Phụng nhà văn tả chân bất hủ (Nguyễn Duy Diễn – Tạp chí Hiện đại, Sg, tháng 4/1960), Vũ Trọng Phụng, nhà văn hiện thực xã hội (Bùi Ngọc Dung – Tạp chí Văn học, Sg, số 44, ngày 15/8/1965), Kỹ thuật tả chân của Vũ Trọng Phụng (Đỗ Long Vân, Tạp chí Nghiên cứu văn học, Sg, 5/1968), Nhóm tả chân xã hội (Nguyễn Văn Trung, trong Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết – Nam Sơn xuất bản, Sg, 1965). Cũng có một số nhà nghiên cứu dưới góc độ văn học sử, như Phạm Thế Ngũ (Vũ Trọng Phụng, trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, tập III, Quốc học tùng thư xuất bản, Sg, 1965).

Xin hãy nói về các bài hồi ký. Thể ký đặc sắc này hấp dẫn người đọc trước hết vì với tư cách là người trong cuộc, hay ít nhất là chứng nhân, người viết đã lọc lựa trong kho kỷ niệm những chi tiết vừa xác thực, gợi cảm, vừa có ý nghĩa sâu sắc, giúp cho độc giả hiểu được sự việc, con người mà họ đang quan tâm – các thiên hồi ký chỉ có thể được coi là thành công khi nó làm người đọc giàu có thêm nhận thức xã hội và phong phú thêm về tình cảm đậm chất nhân văn.

Mười bảy bài hồi ký nói trên, chất lượng không phải đều cao. Có bài vụn vặt và tẻ nhạt (Đồ Nam – Năm cái bí mật của Vũ Trọng Phụng). Không ít chi tiết trùng lặp trong năm bài viết của Vũ Bằng. Nhưng điều đáng quý là ở chỗ, các nhà văn nhà báo cựu trào này đã làm rõ một cách xúc động hai vấn đề lớn của con người nghệ sĩ Vũ Trọng Phụng. Đó là nhân cách vàtài năng.

Cái cốt lõi nhất của nhân cách Vũ Trọng Phụng theo Vũ Bằng là “Một điều tưởng như vô lý, tưởng như không thể thực hiện được, nhưng Vũ Trọng Phụng đã đem áp dụng trong suốt cả cuộc đời: Dù không đủ ăn, không đủ mặc, không đủ ở, Vũ Trọng Phụng vẫn âm thầm sống để mà viết” (Cảm nhớ Vũ Trọng Phụng). Vũ Trọng Phụng vượt lên mọi eo sèo phiền toái, thậm chí cực nhọc của nợ áo cơm, trước hết vì trách nhiệm của ông với bốn thế hệ phụ nữ mà ông phải cưu mang: bà, mẹ, vợ và con gái còn thơ dại. Cho nên “Vũ Trọng Phụng không mấy tán thành nếp sống của chúng tôi lúc đó: nhiều khi anh em đi hát hay chè, rượu, phiện phò thì anh ngồi uống nước, hút thuốc lào một mình và viết bài cho báo khác để kiếm thêm giúp bà, nuôi mẹ” (Vũ Bằng – Tôi, thằng vô lại). Vì vậy, như Nguyễn Vỹ nhớ lại một chi tiết xúc động: có khi Vũ Trọng Phụng đau khổ chỉ vì một chuyện quá nhỏ nhặt, đó là không có lấy năm hào chỉ để mua cho người con gái độc nhất chiếc đèn con cá trong dịp tết Trung Thu, để cháu khỏi thèm thuồng khi nhìn đồ chơi trong tay các trẻ hàng xóm.

Nét đẹp của nhân cách Vũ Trọng Phụng còn là ở chỗ, dù bị sự nghèo túng ghì sát đất nhưng ông vẫn sống trong sạch, thanh cao, không để các ông chủ kinh doanh chữ nghĩa coi thường, xúc phạm. Với những tay chủ xuất bản keo kiệt, nhập nhằng việc thanh toán nhuận bút, Vũ Trọng Phụng đòi ráo riết, thậm chí khi cần ông đã giáng đòn sâu cay, ê ẩm (Nguyễn Vỹ - Văn thi sĩ tiền chiến). Để đối phó với loại chủ báo, chủ xuất bản tàn nhẫn thiếu lương tâm, lạnh lùng bóc lột những nhà văn cộng tác, Vũ Trọng Phụng cùng các văn hữu đấu tranh đến cùng (Đinh Hùng – Nhớ Vũ Trọng Phụng). Ông sẵn sàng từ chối chỗ làm lương cao bổng hậu, khi đã biết rõ chất trọc phú của người mời nhưng trái lại rất sẵn sàng xin bạn một hào đi xe, “vì quần áo diện như thế này mà đi bộ trông ê lắm” (Vũ Bằng – Cái tài, cái tật của Vũ Trọng Phụng). Nói là “diện”, nhưng như các bạn văn của ông cho biết, Vũ Trọng Phụng không bao giờ có một bộ quần áo đẹp. Mùa rét có một bộ tím kẻ sọc, mùa nực chỉ có hai bộ trắng.

Với tư cách là tri kỷ với người đã khuất, các nhà văn cao niên còn giúp người đọc hiểu rõ hơn những chuyện “bếp núc” trong suốt 10 năm cầm bút của Vũ Trọng Phụng. Tài năng của nhà văn được các bạn ông chân thành ca ngợi. Chẳng hạn, năm 1971, Tam Lang nhắc lại một ý ông đã từng viết năm1939, lúc Vũ Trọng Phụng qua đời “Vũ Trọng Phụng viết sau tôi, mà sắc bén hơn tôi” (Tam Lang – Vài kỷ niệm về Vũ Trọng Phụng). Sắc bén là phải, bởi vì Vũ Trọng Phụng lao động hết sức cần mẫn, nghiêm túc. Vũ Bằng làm ta ngạc nhiên, cảm phục khi kể lại cung cách viết văn như đánh vật của Vũ Trọng Phụng “nằm phủ phục xuống mà viết”, “suy nghĩ kỹ trước khi viết, đến khi cầm bút là chỉ việc viết thôi”, “lúc viết, mắt anh liếng, miệng anh há ra viết nhanh, nhưng tướng trông rất vất vả, nên anh em thường đùa gọi là bộ Việt Nam vong quốc sử” (Vũ Bằng – Cái tài, cái tật của Vũ Trọng Phụng).

Đồ Nam, trong bài viết của mình cũng cho ta rõ cách thức tích lũy vốn sống của Vũ Trọng Phụng, ngoài cái vốn sống trực tiếp, ông đã rất có tài trong việc khai thác tư liệu từ các nguồn gián tiếp, từ ông anh họ Trưởng Ca thạo nghề cờ bạc để viếtCạm bẫy người; từ người bạn Nguyễn Như Hoàn rất gần gũi và hiểu biết các me Tây để viết Kỹ nghệ lấy Tây, từ những câu chuyện của Ngô Tất Tố - con đẻ của đồng ruộng - để có những trang viết sinh động về thực trạng bi đát, đáng phẫn hận của nông thôn trong Giông tố v.v…

Vũ Bằng, cũng như Lê Tràng Kiều, Thiết Can, cho chúng ta biết tinh thần tự học rất đáng ca ngợi của Vũ Trọng Phụng “Dù bận rộn viết lách đến mấy đi nữa, tuần nào anh cũng đọc hàng chục tờ báo Pháp để học thêm. Trong anh em, có thể nói anh là người hiểu rõ tinh thần của giọng văn Canard Enchainé (Con vịt bị xiềng, tên một tờ báotrào phúng nổi tiếng của Pháp - THT) nhất, mà anh cũng am hiểu nhất chính trị ở nước Pháp và thế giới lúc bấy giờ” (Vũ Bằng - Tôi, thằng vô lại).

Tóm lại, có thể nói, cùng với các bài viết dưới dạng cảm xúc, hồi tưởng, viết lúc Vũ Trọng Phụng qua đời của Nguyễn Tuân, Tam Lang, Lan Khai, Ngô Tất Tố… và những bài hồi ký công bố rải rác trong những năm miền Bắc chống Mỹ của Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng; đặc biệt những bài viết trong những năm đầu đất nước ta đổi mới (1987 – 1990) của Bùi Huy Phồn, Lưu Trọng Lư, Đỗ Tất Lợi, Mạnh Quỳnh, Thanh Châu, Vũ Ngọc Phan v.v… chùm hồi ký của các nhà văn nhà báo Sài Gòn viết trước 1975 giúp người đọc hôm nay và mai sau hiểu chính xác về con người công dân và con người nghệ sĩ Vũ Trọng Phụng. Tất nhiên có ngoại lệ, nhưng quả là tính cách phẩm hạnh của người viết đã quyết định giá trị những trang viết của ông; sâu xa hơn, từ những hiểu biết tích cực ấy người đọc tin vào sự trong sáng, chân thành của những đứa con tinh thần của người nghệ sĩ.

Xin được nói về chùm bài nghiên cứu. Dễ nhận thấy tình trạng chất lượng không đồng đều của những bài này. Một số bài, sức khái quát chưa cao, công phu khảo sát chưa đạt đến độ sâu cần có, còn thiên về ấn tượng, cảm tưởng. Ít có công trình nghiên cứu nào thực sự qui mô, đầy đặn, có tầm cỡ của chuyên luận.

Tuy vậy giới nghiên cứu Sài Gòn trước đây cũng đã có những đóng góp rất đáng ghi nhận về thành quả lao động nghệ thuật của Vũ Trọng Phụng. Để khảo sát, nhận định, nhiều người có những định hướng tiếp cận khác nhau. Từ góc độ tư tưởng nghệ thuật, Nguyễn Văn Trung so sánh Vũ Trọng Phụng và các nhà văn trong nhóm tả chân với Tự lực văn đoàn để thấy sự khác biệt chủ yếu. Theo ông, “Trong ý hướng viết của nhiều nhà văn trong Tự lực văn đoàn, người ta ghi nhận sự tự giác của nhà văn, sự ý thức được quyền lợi cá nhân của cái tôi và họ đã thể hiện sự ý thức đó trong hầu hết các nhân vật của họ”. Thế còn Vũ Trọng Phụng và nhóm tả chân? Theo Nguyễn Văn Trung “Ý hướng viết không còn bao hàm một lo lắng phục vụ một cái tôi vị kỷ, nhưng chan chứa một nỗi băn khoăn về số phận của người khác, về quyền sống của tha nhân” (Xây dựng tác phẩm tiểu thuyết, tr. 98, NXB Nam Sơn, 1965).

Từ góc độ chính trị, với suy nghĩ của một thanh niên giác ngộ cách mạng đang hoạt động hăng say trong phong trào tranh đấu của sinh viên thành phố, Trần Triệu Luật ca ngợi tác phẩm của Vũ Trọng Phụng, cả phóng sự lẫn tiểu thuyết, đặc biệt là hai kiệt tác Giông tố và Số đỏ. Anh khẳng định tác dụng của tác phẩm trong việc tố cáo hiện thực xấu xa tệ hại trước 1945 và theo anh dù ba thập kỷ qua đi, đối với người đọc sống giữa Sài Gòn những tác phẩm ấy hoàn toàn giữ nguyên giá trị thời sự. (Vũ Trọng Phụng – Hiện diện cần thiết của xã hội ngày nay – Tạp chí Văn học (Sài Gòn, số 44, ngày 15/8/1965). Một số nhà nghiên cứu như Lê Văn Siêu, Doãn Quốc Sỹ tiếp cận Vũ Trọng Phụng từ góc độ thể loại.

Trong Văn học sử thời kháng Pháp (1858 – 1945), Lê Văn Siêu lần lượt nhận xét tác phẩm của Vũ Trọng Phụng ở hai thể loại.

Về phóng sự, theo Lê Văn Siêu, Vũ Trọng Phụng khác Tam Lang, Trọng Lang ở “cái duyên kể chuyện hiếm có”, ở “ngòi bút thật đáo để chanh chua”, nghĩa là ở “cách điệu văn riêng của Vũ Trọng Phụng”. Nét độc đáo của Vũ Trọng Phụng, theo Lê Văn Siêu còn vì “văn của ông còn chất dâm, một chất muối đậm, hơi có phần tục tĩu để đùa dai, đùa nhả, nó khiến độc giả có hứng thú theo dõi câu chuyện cho đến hết, như cái hứng thú đọc thơ Hồ Xuân Hương hay truyện tiếu lâm” (Sdđ, tr 310).

Về tiểu thuyết, nhà nghiên cứu này xếp Vũ Trọng Phụng cạnh Nguyễn Công Hoan, Vũ Bằng, Nguyên Hồng và đánh giá không cao. Ông nhận xét về sự hòa hợp giữa chất phóng sự và chất tiểu thuyết, về thành công của Vũ Trọng Phụng trong việc xây dựng nhân vật điển hình, ông tán thưởng kỹ thuật tả chân của Vũ Trọng Phụng “đã dựng nổi cho hư thành thực”, “sắc sảo khi nhận xét thực tại xã hội và diễn biến tâm lý cùng sự việc trong cuộc sống” . Nhưng Lê Văn Siêu tỏ ra nghiệt ngã khi khái quát “nhiều đoạn thì gần như quanh quẩn ở vụ tình dục bỡn cợt nhố nhăng, vụng dại. Nó là sự cố ý pha trò cho đại chúng, hay những người dễ tính đọc lấy vui qua một lúc thì thôi”. Và vì thế, theo Lê Văn Siêu: “Nói rằng nó đồng loại với những truyện cổ Trạng Quỳnh, Tú Xuất, Ba Giai hay những truyện mới về Lý Toét, Xã Xệ của Phong hóa, thì có lẽ cũng chỉ sai lệch ở phần sỗ sàng, tục tĩu…” (Sđđ, tr. 311).

Nhiều nhà nghiên cứu tiếp cận tác phẩm Vũ Trọng Phụng từ trào lưu nghệ thuật, từ khuynh hướng tả chân. Nổi trội, có nhiều ý kiến chín chắn, sắc sảo hơn cả là ba bài viết của Phạm Thế Ngũ, Nguyễn Duy Diễn và Dương Nghiễm Mậu.

Bài viết của Phạm Thế Ngũ là một chương trong bộ lịch sử văn học khá qui mô bề thế - bộ Việt Nam văn học sử giản ước tân biên (3 tập). Nhà nghiên cứu này có cách viết chân phương, qui phạm. Ông chủ yếu đi sâu vào hai lĩnh vực thành công nhất của Vũ Trọng Phụng – phóng sự và tiểu thuyết để từ đó phân tích hai phương diện vừa tách bạch vừa gắn bó: Vũ Trọng Phụng – nhà văn xã hội và nhà văn tả chân. Ông đánh giá cao Vũ Trọng Phụng, vì nhà văn “dám phanh phui những nhơ nhớp xã hội, nêu cao lá cờ tả chân triệt để vào một lúc mà cơn gió lãng mạn êm đềm vẫn còn thổi lên nhiều tâm trí” (Sđđ, Tập 3, tr. 516). Nhưng theo Phạm Thế Ngũ, chỗ đứng của Vũ Trọng Phụng khá chông chênh và giao động – “Sự mỉa mai căm hờn (của nhà văn) không phải chỉ hướng vào lớp thượng lưu trưởng giả mà hướng vào tất cả những kẻ xấu xa trong xã hội. Ông lố bịch hóa hạng người bé nhỏ với một ngòi bút cũng tàn ác như khi ông chửi bọn bệ vệ giàu sang. Ông chế giễu những cái hủ lậu của xã hội cũ và cũng ác liệt như ông chế giễu những lố lăng của xã hội mới” (Sđđ, tr. 518) cho nên nhiều lúc Vũ Trọng Phụng quyết liệt dữ dội, nhưng “nhiều chỗ lại nghĩ và viết như các cụ lớp trước vậy, như Tản Đà, Tương Phố, hơn nữa như Nguyễn Bá Học trong những đoản thiên cảnh thế” và Lời khuyên học trò – Phạm Thế Ngũ đã khái quát: “Đó là cái cảm tưởng rõ rệt của người đọc đi từ Giông tố đến Lấy nhau vì tình” (Sđđ, tr. 519).

Hai bài của Nguyễn Duy Diễn (Vũ Trọng Phụng – nhà văn tả chân bất hủ - TạpchíHiện đại, số1/1960) và Dương Nghiễm Mậu (Viết về Vũ Trọng Phụng – Tạp san Văn, số 67,ngày 01/10/1966) có phong cách viết khá tương đồng: cảm xúc chân thành, nhận xét tinh sắc, giọng điệu tâm sự. Hai ông ca ngợi khả năng khái quát, tái hiện hiện thực bậc thầy của Vũ Trọng Phụng. Theo Dương Nghiễm Mậu, người đọc có thể “thấy những lạc hậu, nghèo đói khổ ải, những tráo trở, biến động, thét gào trong các tác phẩm của Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Lạp, Nam Cao, Ngô Tất Tố…nhưng để lại cho chúng ta một bức họa sâu sắc, đầy đủ hơn hết tình trạng xã hội ấy thì phải nói đến những tác phẩm của Vũ Trọng Phụng. Có người nói rằng khi còn ở Pháp, Tạ Thu Thâu đã nói muốn biết xã hội Việt Nam ra sao chỉ cần đọc Vũ Trọng Phụng thì biết. Nếu thế thì quả Tạ Thu Thâu đã có con mắt tinh đời”.

Nguyễn Duy Diễn còn nhấn mạnh hơn “Quái lạ! Trong bất cứ hoàn cảnh nào, trong xã hội nào, tiền chiến, đương chiến cũng như hậu chiến, cái hay của Vũ Trọng Phụng đã không hề bị suy giảm mà còn, với thời gian, tăng gấp lên mãi”.

Tại sao vậy? Theo nhà nghiên cứu, vì Vũ Trọng Phụng đã “trình bày bằng cái cười trào lộng, cả một xã hội mục nát, đểu cáng mà ở bên ngoài đã được sơn phết bằng một nước sơn “văn minh” bóng loáng. Cái xã hội đó không chỉ là xã hội tiền chiến, mà còn có thể là xã hội ở mọi nơi và trong mọi thời đại – Thực vậy, khi nào mà một số phụ nữ vẫn còn tấp tểnh động cỡn, một số người vẫn dựa vào uy thế để bợ đỡ quan trên và hống hách với người dưới, khi mà còn có những thằng người vô liêm sỉ, coi sự nhục nhã vì tiền là một danh dự, coi sự lừa lọc là một thắng lợi, coi việc hiếp được một thiếu nữ quê mùa chất phác là một chiến công oanh liệt, v.v… thì ngày ấy tư tưởng căm hờn của Vũ Trọng Phụng trong Giông tố,Số đỏTrúng số độc đắc,v.v… vẫn còn đủ những lý do để tồn tại, để đứng vững”.

Hai ông đều đặc biệt lưu ý đến thành công của nhà văn trong việc xây dựng những điển hình bất hủ, “không điển hình cho một thời đại mà là điển hình cho mọi thời đại” (Nguyễn Duy Diễn) cũng như tỏ ra rất tâm đắc với “ngòi bút trào lộng hiếm có” của Vũ Trọng Phụng. Với những thủ pháp nghệ thuật  độc đáo, nhà văn “đã trở nên một ảo thuật gia đảo lộn mọi tình tiết, bày đặt và phóng đại tất cả những sự việc, mà người đọc vẫn không hề thấy dấu vết của sự bịa đặt, phóng đại” (Nguyễn Duy Diễn).

Hai nhà nghiên cứu này còn gặp nhau, khi nhấn mạnh giá trị cơ bản của tác phẩm Vũ Trọng Phụng: giá trị nhân văn. Theo Nguyễn Duy Diễn “Vũ Trọng Phụng đã lật tẩy tất cả những cái mặt nạ của đời để chúng ta nhìn thẳng vào mà suy nghĩ. Bởi vì, đúng như Chúa Cơ Đốc đã phán: “Chỉ có sự thật mới giải thoát được cho chúng con mà thôi”.

Còn với Dương Nghiễm Mậu, thì “Tác phẩm của Vũ Trọng Phụng như một bức thông điệp nhân đạo gửi cho nhân loại với cả yêu thương và tin tưởng của một con người đã sống và chết đi trong đau khổ, đói rét, bệnh tật. Chắc Vũ Trọng Phụng không muốn loài người phải như thế nữa”.

Khi đọc lại những bài viết về Vũ Trọng Phụng của tri thức văn nghệ Sài Gòn trước 1975, một câu hỏi cứ như treo lơ lửng trong tôi: tại sao các vị ấy lại quan tâm một cách đặc biệt, rất nhiều cảm tình với Vũ Trọng Phụng đến như thế?

Có động cơ thương mại chăng, bởi vì đây là món hàng văn chương đất khách? Chắc cũng có, nhưng chỉ là sự toan tính của các ông chủ xuất bản.

Trí thức văn nghệ sĩ Sài Gòn đánh giá cao Vũ Trọng Phụng một cách chân thành. Cũng như đánh giá cao Nhất Linh, Khái Hưng, Nam Cao, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Thạch Lam… một cách chân thành. Hơn thế nữa, họ muốn tìm ở đây một bài học quý giá về lao động nghệ thuật, vì nói như Dương Nghiễm Mậu, thành công của Vũ Trọng Phụng “minh chứng rằng một tác phẩm bám sát thời đại, cuộc sống của một xã hội nào đó không có nghĩa chỉ sống trong một thời, một hoàn cảnh mà nó vẫn vượt thoát ra, vẫn thành công”.

Ở một cấp độ cao hơn, một số tri thức văn nghệ sĩ yêu nước tiến bộ như Trần Triệu Luật mà chúng tôi trình bày ở trên, muốn qua tác phẩm Vũ Trọng Phụng để nhìn rõ bản chất xã hội Sài Gòn, nói rộng ra xã hội thành thị miền Nam lúc đó. Nhìn rõ để có thể xác định thái độ sống đúng đắn. Tự nhiên tôi lại nhớ đến phát biểu của nhà thơ Tố Hữu trong Hội nghị tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc năm 1949: “Vũ Trọng Phụng không phải là nhà cách mạng, nhưng cách mạng cám ơn Vũ Trọng Phụng”.

Làm công việc “kiểm toán” nhũng thành tựu nghiên cứu văn học dân tộc nói chung, từ ngày Đất nước đổi mới đến nay, chúng ta không quên sự đóng góp của những trí thức Sài Gòn chân chính trong 21 năm đất nước cắt chia (1954 – 1975).

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập417
  • Hôm nay95,199
  • Tháng hiện tại1,493,383
  • Tổng lượt truy cập42,065,456
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây