Mọi sự gặp gỡ, kết hợp tốt lành giữa con người, sự kiện trong cuộc đời này là có nguyên nhân từ môt một yếu tố vô hình sâu xa ràng buộc. Phải chăng đó là cái DUYÊN. Chữ duyên có vị trí đặc biệt trong đời sống tâm thức người Việt. Nó có thể là trong tình cảm lứa đôi trai gái, vợ chồng, cũng có thể là trong sự nghiệp. Có nhà văn đã kể vì lúc nhỏ được tặng cuốn sách Truyện cổ Anđecxen, từ đó say mê văn học và trở thành nhà văn có tên tuổi.
Con người ở giữa những mối quan hệ giăng mắc: người với người, người với xã hội. Nếu không có duyên thì khó lòng gặp nhau, hiểu nhau rồi cảm nhau. Với tôi trường Năng khiếu Đức Thọ, trường THCS Tùng Ảnh, Trường THCS Hoàng Xuân Hãn quả là “Hữu duyên thiên lí năng tương ngộ”.
Trở lại một ngày đầu đông năm 1992, trên con đường đất với nhiều ổ gà, ổ voi của một vùng quê nghèo miền núi, tôi với chiếc xe đạp cà tàng vượt 15 cây số để xuống phố huyện- thị trấn Đức Thọ nhận quyết định phân công công tác. Nhận được Quyết định tôi lai bon bon đến trường Năng khiếu để nộp. Sau 5 cây số nữa tôi dừng chân trước cổng trường. Ô! Trường Năng khiếu huyện đây ư? Trước mắt tôi là 3 dãy nhà cấp bốn cũ, tường bong tróc,loang lỗ. Tôi rụt rè bước vào, đón chào tôi là một thầy giáo trẻ, nghiêm nghị. Tôi hơi hoảng cất tiếng lí nhí “Em chào thầy ạ!”. Thầy mỉm cườinhìn tôi và hỏi “Em là giáo viênmới đến nộp quyết định à? Trường mới tái thành lập nên cơ sở vật chất còn thiếu thốn lắm.” Sau khi được thầy Thành – thầy hiệu trưởng hướng dẫn để hoàn thành các thủ tục hành chính, tôi xin phép đi tham quan trường. Quả đúng như lời thầy nói,hầu như cơ sở vật chất không có gì. Vì mới tái thành lập 3 năm, lại tiếp quản cơ sở vật chất Huyện đoàn cũ nên không có dáng dấp của một ngôi trường. Sân trường nhỏ xíu, phòng học nhỏ xíu, vănphòng cũng không. Nắng nóng, mưa dột. Chả có sân chơi, cũng chả có bàng, có phượng....Dãy nhà cấp 4 nằm ngang hướng ra đường có 5 phòng bé xíu, mỗi phòng tầm 15m2.Phòng đầu tiên được ngăn đôi, nửa ngoài là nơi làm việc của BGH còn nửa trong đặt bàn làm việc cho văn thư, kế toán, công đoàn. Bốn phòng còn lại là nơi tá túc cho2 thầy còn độc thân và 4 gia đình thầy cô khác. Hai dãy còn lại là 7 phòng học kích cỡ khác nhau, nền đất, bụi mù mịt bám lên các dãy bàn ghế gỗ xiêu vẹo, tường ngăn giữa các phòng thủng lỗ chỗ tạo điều kiện cho trò sáng tạo đủ kiểu trò chơi…
Tôi được phân công dạy văn của lớp chuyên toán, thỉnh thoảng mới được dạy thay vài tiết ở lớp chuyên văn. Tôi lên lớp với niềm vui, sự hăng hái và cả sự bồng bột của tuổi trẻ. Khi đó có lẽ tôi đã có vài ảo tưởng, tôi chưa thực sự nhận ra sự non nớt của mình, đặc biệt là giọng quê chưa sửa…Đến mãi gần đây, 27 năm sau, nghe một đồng nghiệp (học trò ngày ấy) thuật lại lời giảng bài “hùng hồn” của cô: “Van chương có hai lại, lại đáng thờ và lại không đáng thờ. Lại không đáng thờ là lại chỉ chuyên chú ở van chương. Lại đáng thờ là lại chuyên chú ở con người…”.Thế mà trò năm ấy vẫn lặng nghe, tưởng nhớ kí ức xưa, tôi muốn nói với các em lời cảm ơn và lời xin lỗi muộn…
Từ năm 1994 trường chuyển về Thị trấn Đức Thọ, tiếp quản cơ sở cũ của Công an Huyện. Vẫn là những dãy nhà cũ ẩm thấp, phòng làm việc của các bộ phận trong cơ quan lại trở thành các phòng học với các kích cỡ khác nhau. Bàn ghế học sinh xếp sát với bàn giáo viên, bảng. Nhưng so với địa điểm cũ thì cũng đã khá lí tưởng vì đã đủ phòng học, phòng làm việc. Chuyển về trung tâm nên số lượng học sinh của trường cũng nhiều hơn. Thời gian này tôi lấy chồng, sinh con nên gắn bó với các em không nhiều. Nhưng những học sinh xuất sắc của lớp thầy Học, thầy Minh, thầy Hùng thì tôi vẫn nhớ rõ. Không biết khi gặp lại cô trò có nhận ra nhau? Bốn nămgắn bó với trường Năng khiếu, một quãng thời gian không dài với nghề dạy học nhưng cũng không ngắn với chặng đường THCS của các em học sinh. cảm ơn các anh chị, bè bạn và các em đã đồng hành, giúp đỡ để tôi thấy mình đã “lớn” thêm một chút. Năm tháng đi qua, kỉ niệm chất chồng, vui buồn lẫn lộn. Bỏ rơi, đánh mất, tìm lại, nhặt về… tôi mong sẽ được gặp lại các thầy cô, các emhọc sinh đã từng gắn bó ở trường xưa trong ngày HỘI TRƯỜNG sắp tới.
Tháng 9/1996 chia tay trường Năng khiếu tôi đến nhận nhiệm vụ ở trường Tùng Ảnh. Khi đến nộp công lệnh điều động vẫn là thầy hiêu trưởng của 4 năm trước đã đón tôi ở trường Năng khiếu. Phải chăng đó là cái DUYÊN đầu tiên của tôi trong nghề dạy học. Gặp lại thầy lần này tôi không còn rụt rè nữa, mà còn dám cất lên lời của bài hát “Theo anh em thì về…” Về trường Tùng Ảnh, ngôi trường được thành lập hơn 30 năm, khi mới thành lập trường chỉ có 5 lớp. Do chiến tranh trường phải phân tán các lớp học ở các lán nhỏ thuộc nhiều thôn trong haixã Đức Sơn và Đức Phong. Chiến tranh kết thúc, qua nhiều lần tách nhập năm 1991 Trường THCS Tùng Ảnh được tiếp nhận cơ sở cũ của trường THPT Minh Khai sát với trường Năng khiếu. Năm 1992 tôi dạy ở trường Năng khiếu nhìn sang trường ngôi trường bề thế, rộng rãi mà ước ao. Vì đổi địa điểm cho trường Tiểu học Đông Thái nên trường THCS Tùng Ảnh lại chuyển đến vị trí hiện nay (Đông Thái – Tùng Ảnh – Đức Thọ). Với gần 9km2, địa thế cao mà thoáng, phía sau là hồ Nhà Thánh, phía trước là cánh đồng lúa xanh ngát, không khí trong lành, xóm làng thân thiện, đất khá cao nên nhìn bao quát cả khu vực.Trường có 5 dãy nhà cấp 4với 16 phòng học rộng rãi. Có đầy đủ các phòng làm việc. Và còn có một dãy nhà tập thể ở phía sau và có cả nhà trẻ. Lần này đến trường mới tôi nhanh chóng thích ứng với công việc. Tôi được phân công dạy 3 lớp văn và bồi dưỡng học sinh giỏi khối 6. Có thể nói năm học này là khởi đầu tốt đẹp cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tôi. Cứ thế những năm sau gắn bó với Tùng Ảnh kinh nghiệm dạy học cứ được bồi đắp nhiều thêm. Tôi tham gia các cuộc thi Giáo viên giỏi cấp Trường, cấp Huyện rồi đến cấp Tỉnh. Số học sinh giỏicấp huyện, cấp tỉnh do tôi phụ trách ngày càng tăng. Tôi gắn bó với mái trường Tùng Ảnh 17 năm, một quãng thời gian ấm áp, nghĩa tình. Mười bảy năm tình nghĩa ấy đủ cho tôi trưởng thành, cứng cáp.Tôi chẳng biết gọi tên của cảm xúcnhưng nghe như có chút gì khắc khoải, bâng khuâng, miên man, chợt nhớ… của một thời gắn bó với ngôi trường chan chứa thân yêu này.
Tháng 7/2013 trường Hoàng Xuân Hãn (Trường Năng khiếu cũ) và trường THCS Tùng Ảnh sáp nhập với nhau lấy tên là Hoàng Xuân Hãn và đóng tại địa điểm trường Tùng ảnh. Ngày họp hội đồng chung của hai trường tôi gặp lại thầy hiệu trưởng Dương Thế Vinh (thầy hiệu phó của tôi khi dạy Năng khiếu) có lẽ đây là chữ DUYÊN thứ hai, thứ ba trong nghề dạy học của tôi. Tôi lại thoáng nghĩ đến lời bài hát “Theo em anh thì về…” Những ngày đầu sáp nhập trường khá bề bộn, vừa có học sinh năng khiếu trong toàn huyện lại vừa có học sinh đại trà của địa phương, cơ sở vật chất lại thiếu thế nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của BGH,các tổ nhóm đã phân công nhiệm vụ nhanh chóng, phù hợp, đúng sở trường nên mọi việc sớm đi vào quỹ đạo. Ủy ban nhân dân xã Tùng Ảnh vào cuộc huy động sức dân xây thêm dãy nhà hai tầng 10 phòng học để đảm bảo đủ lớp cho học sinh. Đã hơn 6 năm sáp nhập, phát huy truyền thống của hai nhà trường có tên tuổi với nhiều thành tích, trường THCS Hoàng Xuân Hãn ngày nay có một diện mạo mới với nhiều khởi sắc.
Những cánh chim bay xa thật xa, những học sinh thân yêu ngày cũ sẽ trở về, hòa nhịp đập tim mình với trường xưa đểngày HỘI TRƯỜNG sẽ trở thành ngày hạnh ngộ của thầy xưa, bạn cũ dào dạt tình yêu thương. Ngày hội ấy, dưới mái trường này, trên từng lối đi này, dưới những tán bàng, tán phượng những cái đầu bạc trắng, những mái tóc muối tiêu hay đen mượt đều không có gì quan trọng. Bởi, tất cả chúng ta đều là một phần máu thịt, tinh anh của ngôi trường, là bề dày lịch sử, là ký ức vẫn luôn nằm đâu đó ở nơi đây. Hình dáng, hồn cốt của TRƯỜNG XƯA mãi mãi là dằm trong tim mỗi chúng ta.
Cuộc sống là một hành trình dài, có vui, có buồn, có hờn giận, có khắc cốt ghi tâm. Mọi thứ đến rồi đi, đều là những điều được định sẵn trong cuộc sống. Quên thì coi như mọi thứ chẳng có gì, nhưng khắc sâu trong lòng lại làm ta rơi lệ, trân trọng lại khiến ta xúc động. Tôi thiết nghĩ mình không những có DUYÊN mà còn có NỢ với những mái trường và những con người nơi đây. Vì duyên với nợ tạo dựng được sự gắn kết bền lâu nhất. Tôi vẫn còn ở lại ngôi trường dấu yêu này cùng anh chị em, bè bạn đồng nghiệp và những lớp học sinh đã đi qua. Biết đâu, đó cũng là một chút DUYÊN, một chút NỢ còn lại trong cuộc đời dạy học lắm chuyện vui buồn nhưng cũng không bao giờ quên được. Mai đây, dù có như thế nào đi nữa, tôi vẫn không quên những gì tôi đang nhớ, đã nhớ, rất nhớ!