Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Tùng Ảnh – những chặng đường công tác

Thứ sáu - 15/11/2019 02:19
Do sơ suất của BBT nên bài viết của thầy giáo Lê Chí Thành - Nguyên Trưởng phòng GD & ĐT Đức Thọ không đến được với Tập san. BTC thành thật xin lỗi và xin được trân trọng giới thiệu bài viết đến các thế hệ GV, HS và các bạn đọc
Tùng Ảnh – những chặng đường công tác

                    Lê Chí Thành – Nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo
                                  Nguyên Hiệu trưởng các nhà trường


1- Phổ thông cơ sở Tùng Ảnh 2 (1987-1989)
      Sau 9 năm ở Nghi Lộc, Nghệ Tĩnh, tháng 8 năm 1987 chuyển về quê hương công tác, tôi được tổ chức phân công làm hiệu trưởng trường PTCS Tùng Ảnh 2, một ngôi trường mới tái lập do sáp nhập các trường cấp 1, cấp 2 Đức Sơn từ năm học 1986-1987. Học sinh của trường phần đông là con em trên địa bàn Tùng Sơn và một số từ Đức Hòa đến học. Cơ sở vật chất trường lớp còn nhiều thiếu thốn, tạm bợ. Các phòng học là nhà cấp 4 xuống cấp, mái ngói lượn sóng, phòng thư viện - thiết bị nghèo nàn, văn phòng chật hẹp. Hơn nữa, đây là thời điểm vào những năm đầu Đất nước bước vào công cuộc đổi mới, nên đời sống nhân dân, trong đó có giáo viên còn nhiều khó khăn. Nhằm cải thiện phần nào đời sống, ngoài thời gian lên lớp, chúng tôi phải tổ chức làm hương trầm, liên hệ với Ban quản trị HTX Tùng Sơn tham gia lao động trồng cây trên đồi trọc Rú 30, nạo vét mương thủy lợi để có thêm quỹ phúc lợi cho nhà trường, và anh em có chút quà góp cùng gia đình ăn Tết. Mặc dù vất vả là vậy, song với ý thức được trách nhiệm của mình vì sự phát triển của nhà trường; tập thể cán bộ, giáo viên và các em học sinh đã nổ lực phấn đấu, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy-học. Cũng tại đây, cô giáo Phan Thị  Thủy, lần đầu tiên tham gia dự thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh đã đoạt giải. Với những kết quả đạt được trong các hoạt động, năm học 1988-1989, trường được Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh tặng bằng khen. Đây là sự ghi nhận, là sự động viên kịp thời đối với một đơn vị trường học mới tái lập.
     Hai năm công tác tại trường, đã để lại trong tôi về một tập thể sư phạm đoàn kết, sống hòa đồng, không hề có sự phân biệt giáo viên cấp này, cấp khác; tình cảm nhân dân, phụ huynh học sinh với nhà trường được gắn bó, sẽ chia.


2- Trường Năng khiếu Đức Thọ (1989-1993)
      Mới ngày nào đó, trường Năng khiếu Đức Thọ nay là trường THCS Hoàng Xuân Hãn đã 30 năm rồi. 
      Là người được sống và làm việc với trường từ những ngày đầu tái lập, tôi không khỏi bồi hồi, xúc động, vui mừng trước sự phát triển của một mái trường mà ở đó để lại trong tôi bao kỉ niệm khó phai mờ.
      Xuất phát từ yêu cầu phát triển của sự nghiệp giáo dục, tháng 8 năm 1989, Ủy  ban nhân dân huyện có quyết định thành lập trường Năng khiếu Đức Thọ, cấp trên điều động tôi về giữ chức vụ Hiệu trưởng. Đây là một vinh dự, đồng thời cũng là một nhiệm vụ hết sức nặng nề đối với tôi và Hội đồng nhà trường.
      Cầm quyết định trên tay, chúng tôi hết sức băn khoăn. Gọi là trường, nhưng chưa có địa điểm, cơ sở vật chất, chưa có học sinh; mà duy nhất chỉ vẻn vẹn 13 cán bộ, giáo viên, nhân viên được điều động từ các trường học trong huyện. Đó là những khó khăn, thách thức lớn đối với trường khi thực hiện nhiệm vụ quan trọng là phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi các cấp, góp phần đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước. Quá trình xây dựng, tổ chức để trường đi vào hoạt động nền nếp, có chất lượng đọng mãi trong ký ức tôi cái buổi ban đầu ấy.
      Do chưa có nơi làm việc, kỳ sinh hoạt Hội đồng nhà trường đầu tiên, không biết nên tổ chức ở đâu; may thay, cô giáo Trần Thị Thân đã mời anh chị em về chỗ ở của gia đình mình (tá túc tại khu tập thể trường PTCS Yên Trấn) để họp. Kể từ đấy, mỗi khi gặp gỡ trao đổi công tác, tổ chức hội họp lại phải nhờ đến căn phòng trọ chật hẹp, với bộ bàn ghế, tấm phản mộc đơn sơ, chén trà suông, nhưng đầy ắp tình đồng chí, đồng nghiệp.
      Đã có đội ngũ giáo viên, nhưng điều quan trọng là học trò, thì phải làm sao đây? Được sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo, anh em trong Hội đồng chia nhau về các trường PTCS để làm công tác tuyển sinh. Mặc dù, đã đến tất cả các đơn vị trong huyện, từ những trường vùng trung tâm như Yên Trấn, Tùng Ảnh đến những trường xa như Bồng Lĩnh, Hồng Lĩnh; kỳ thi vào trường (tổ chức tại các phòng học Unicef của trường THCS Yên Trấn) diễn ra, nhưng chỉ tuyển được 97 học sinh vào học ở ba lớp 5, 7, 8.  Và công việc tuyển sinh được hoàn tất vào đầu tháng 10 năm 1989.
Như một sự ngẫu nhiên, đến thời điểm này, trường được Huyện cho tiếp quản cơ sở vật chất của Mặt trận Tổ quốc huyện, Huyện Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện (gọi tắt là Khối dân) ngụ trên một diện tích khiêm tốn vùng Châu Phong - Tùng Ảnh, với hai dãy nhà cấp 4 đã xuống cấp, không có hàng rào, cổng trường. Tuy nhiên, được như thế này anh em động viên nhau là đã may mắn lắm rồi (vì có lúc chúng tôi tưởng chừng như trường sẽ khó tồn tại).
      Với “ngôi trường mới”, thầy trò bắt tay vào tổ chức các hoạt động dạy học với một tinh thần phấn chấn, đầy quyết tâm. Các tiết học đầu tiên được thực hiện trong những phòng học chật hẹp, không đủ ánh sáng, trang thiết bị dạy học thiếu thốn; vẫn cuốn hút sự say sưa giảng bài của giáo viên, sự hứng thú học tập của học sinh. Phong trào thi đua phấn đấu trở thành giáo viên giỏi, học sinh giỏi đi vào tiềm thức, hành động của thầy và trò. Kết thúc năm học 1989-1990, có 13 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, 51 em đạt học sinh giỏi cấp huyện, trên 75% học sinh xếp loại học lực khá giỏi. Đây chính là nguồn động viên, khích lệ rất lớn đối với nhà trường.
      Từ những kết quả của năm học đầu tiên, trường đã tạo được hành trang cho mình để thực hiện nhiệm vụ các năm học tiếp theo. Điều vui mừng là số lượng học sinh ngày càng tăng và đủ ở tất cả các khối từ lớp 5 đến lớp 9; cho đến năm học 1992-1993, mỗi khối THCS đã tách ra có lớp Văn, Toán riêng và một lớp 5 với gần 170 em. Đội ngũ giáo viên được chọn lọc bổ sung từ các trường bạn, từ các trường Đại học, Cao đẳng. Mặc dù, về cơ sở vật chất, điều kiện dạy-học đang còn gặp rất nhiều khó khăn; nhưng chất lượng các hoạt động ngày càng có bước phát triển cao hơn, đặc biệt là có được đội ngũ học sinh giỏi các cấp đông đảo. Và sau nhiều năm kiên trì, nổ lực phấn đấu, đến năm học 1992-1993, trường có em Nguyễn Trường Thủy đạt được danh hiệu học sinh giỏi cấp Quốc gia môn Toán lớp 9 và em Nguyễn Xuân Trường học sinh lớp 7  đạt giải nhì Cuộc thi văn thơ tuổi học trò Hà Tĩnh lần thứ nhất. Thành công bước đầu này đã tạo đà cho trường đạt được nhiều kết quả to lớn ở những năm học tiếp theo.
      Nhìn lại những tháng năm công tác tại trường, tôi không khỏi bùi ngùi, nhưng cũng thật từ hào về một mái trường mà ở đó mình đã được làm việc với một tập thể đội ngũ cán bộ, giáo viên đoàn kết, đầy năng lực, thực sự tâm huyết, tận tuỵ với học sinh. Điều mà tôi tâm đắc nhất, ấn tượng nhất là tình cảm thầy trò gắn bó, sâu nặng. Hình ảnh các em học sinh xưng hô ông, cháu với thầy giáo Nguyễn Hữu Điền; mẹ, con với cô giáo Trần Thị Nhuần ..thật là thân yêu, trìu mến. Đội ngũ nhà giáo là niềm tự hào, là sự ngưỡng mộ của các em học sinh, cũng từ mái trường này nhiều người đã trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý trong và ngoài ngành giáo dục.
      Đặc biệt, các thế hệ học sinh thời kỳ ấy, phần lớn đã thành đạt trên mọi lĩnh vực công tác; đã và đang đóng góp trí tuệ, sức lực của mình vào công cuộc đổi mới quê hương, đất nước. Đó là hạnh phúc của các em, là niềm tự hào của thầy cô. Các em chính là những người khẳng định sự tồn tại, đi lên ngày càng vững mạnh của nhà trường.


3- Trung học cơ sở Tùng Ảnh (1993-2002)
      Tháng 10/1993, tôi được tổ chức phân công làm hiệu trưởng trường THCS Tùng Ảnh, lúc đó trường mới được di dời từ địa điểm Công an huyện cũ (thôn Châu Tùng) về tiếp quản CSVC trường THPT Minh Khai tại làng Đông Thái. Như một cơ duyên, từ huyện ngoài về, tôi đã 2 lần chuyển đổi đơn vị công tác, nhưng tất cả đều ở trên vùng quê Tùng Ảnh, một mảnh đất địa linh nhân kiệt, nơi có sĩ phu yêu nước Phan Đình Phùng - lãnh tụ phong trào Cần vương; có đồng chí Trần Phú -Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng; quê hương của các danh nhân văn hoá, các nhà khoa học. Về trường, được gặp lại những giáo viên đã từng một thời cùng công tác tại trường PTCS Tùng Ảnh 2 và bạn bè đồng nghiệp; đây là thuận lợi lớn cho tôi.
      Mặc dù, được chuyển về địa điểm mới, nhưng cơ sở vật chất trường học đã hư hỏng nhiều, khuôn viên, cảnh quan còn lộn xộn, hàng rào chưa có, trăm ngã có thể ra vào. Với sự nổ lực cố gắng của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và các em học sinh, trong thời gian ngắn bộ mặt trường lớp đã có nhiều thay đổi, chất lượng các hoạt động giáo dục từng bước đạt kết quả cao.
      Đến tháng 8/1995, 2 trường Tiểu học Đông Thái và THCS Tùng Ảnh lại hoán đổi địa điểm học cho nhau. Như vậy, trong vòng 2 năm đã có 2 lần chuyển trường. Trường THCS Tùng Ảnh đã được trở lại học tại vị trí quen thuộc trước đây. Thật là vất vả, nhưng rất vui, giáo viên và học sinh phấn khởi. Mặc dù, các phòng học, phòng chức năng là các dãy nhà cấp 4, nhưng trường có một khuôn viên rộng rãi, thoáng mát. Đây chính là yếu tố thuận lợi để Ban Giám hiệu có điều kiện chỉ đạo, tổ chức các hoạt động trong trường một cách đồng bộ, toàn diện, và giành được nhiều kết quả đáng tự hào, đáng trân trọng. Hai năm học 1995-1996,1996-1997, trường đạt danh hiệu đơn vị tiên tiến xuất sắc cấp Huyện. Năm học 1997-1998 đến năm học 2001-2002, liên tục được công nhận là Đơn vị tiên tiến xuất sắc được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tặng bằng khen. Từ đây, vị thế của trường tiếp tục được khẳng định, sánh vai với các đơn vị tiên tiến dẫn đầu trong toàn tỉnh.
      Sở dĩ có được kết quả như trên, bởi nhà trường đã xây dựng và phát huy có hiệu quả một đội ngũ cán bộ, giáo viên có tiềm lực, có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm công tác cao, tận tuỵ, bám trường, bám lớp, chịu khó học hỏi, được nhân dân tin yêu giúp sức. Chính tập thể này đã tạo ra những bước đột phá để phấn đấu, xây dựng trường trở thành đơn vị tiên tiến xuất sắc cấp tỉnh, và là một trong những trường THCS đầu tiên của Hà Tĩnh đạt Chuẩn Quốc gia giai đoạn 2001-2010. Lăn lộn trong phong trào đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, như cô giáo Phan Thị Thuỷ - liên tục nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp Tỉnh; cô giáo Phan Thị Cúc - một Chủ tịch Công đoàn gương mẫu, trách nhiệm; cô giáo Phan Thị Mai, Trần Thị Hồng Vân, Mai Thị Liễu, thầy giáo Lê Đức Thắng... Tất cả đều ngời lên ý chí, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, gian nan thử thách xây dựng phong trào nhà trường không ngừng lớn mạnh.
      Những kết quả to lớn mà nhà trường đạt được còn gắn liền với không khí thi đua học tập sôi nổi của nhiều thế hệ học sinh. Các em đã tạo cho mình một phong cách học sinh Tùng Ảnh chăm chỉ, chuyên cần, hiếu học, nguyện phấn đấu trở thành con ngoan trò giỏi. Nhiều tập thể lớp, tiêu biểu là lớp 9A, năm học 1996-1997 và nhiều em học sinh mãi mãi là hình ảnh đẹp, là bài ca về sự nổ lực trong học tập, rèn luyện.
      Sau hơn 15 năm làm cán bộ quản lý ở các trường học trên địa bàn xã Tùng Ảnh, từ tháng 10 năm 2002, tôi được về công tác tại cơ quan Phòng Giáo dục và Đào tạo Đức Thọ cho đến ngày nghỉ hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội (1/9/2017). Được chứng kiến sự phát triển một cách toàn diện, vững chắc của các nhà trường, tôi hết sức vui mừng và tự hào về những mái trường đã từng gắn bó.
      Từ đáy lòng mình, tôi xin chân thành cảm ơn tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên qua các thời kỳ, các thế hệ học sinh, các bậc phụ huynh đã cộng tác, chia sẽ, dành cho tôi tình cảm nồng ấm, chân tình, giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức phân công. Tôi xin cảm ơn cấp ủy, chính quyền, các ban ngành đoàn thể xã Tùng Ảnh đã quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho tôi trên những chặng đường công tác.
      Với truyền thống hơn nữa thế kỷ xây dựng và phát triển, trên bước đường đi tới, tôi tin tưởng trường THCS Hoàng Xuân Hãn sẽ phát huy được vai trò tiên phong, đi đầu trong phong trào thi đua của ngành Giáo dục và Đào tạo Đức Thọ nói riêng và Hà Tĩnh nói chung. Xứng đáng là trường trọng điểm chất lượng cao của huyện nhà.

 

Tác giả bài viết: Lê Chí Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 6 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 3 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập310
  • Hôm nay37,356
  • Tháng hiện tại1,321,551
  • Tổng lượt truy cập39,792,698
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây