Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện.

Xem tiếp...

Mái trường và những khu nhà cũ

Thứ bảy - 12/10/2019 23:08
Theo thời gian, chúng tôi dần trưởng thành, đi xa mỗi đứa một phương. Tuy nhiên, trong muôn vàn những kỉ niệm về mái trường Năng khiếu Đức Thọ luôn có một góc cho hồi ức về những khu nhà cũ để rồi mỗi khi tìm về luôn trở thành góc nhớ, bến đậu không thể nào quên…..
      Theo thầy Bùi Năng Tiến, nếu những học sinh đầu tiên của trường Năng khiếu Đức Thọ được gọi là thế hệ 1.0 thì khóa chúng tôi phải chăng làbắt đầu thế hệ 2.0. Hai lớp học trò cách nhau khoảng 10 năm, mười năm với bao thay đổi về thầy cô, về học trò, về nơi trường đặt địa điểm…Tuy nhiên, có lẽ trong tâm thức của mỗi học sinh đều có một điểm chung là muôn vàn kỉ niệm dưới một mái trường Năng khiếu Đức Thọ. Với tôi, nhớ về trường, một trong những hoài niệm khó quên là về những khu nhà cũ.

HXH9


      Lớp 5, lớp 6, lớp 7, ở Tùng Ảnh..
      Những ngày đi học đầu tiên, với một cô nhóc 11 tuổi, ngôi trường để lại cho cô bé một ấn tượng sâu sắc rằng nó….cũ lắm rồi. Sự cũ ấy được in trên bức tường với những vệt tróc loang lổ mà mỗi khi gió mạnh bụi sẽ bay lả tả khắp phòng.Sự cũ kĩ  còn in dấu trên mái ngói rêu mốc, thỉnh thoảng mưa sẽ dột tứ tung, gõ lóc tóc trên nền nhà; rồi thì những khoảng sân đất với cỏ mọc lổm nhổm, vài gốc dừa phất phơ.Những phòng học to nhỏ không đồng đều, có những phòng tối om vì thiếu cửa sổ….Ấn tượng đầu tiên ấy gợi lên trong cô trò nhỏ chút gì đó ngậm ngùi..Sau này, khi vào học đã khá lâu, chúng tôi mới biết trường được “kế thừa” cơ sở vật chất từ một cơ quan cũ của huyện khi họ đã chuyển về địa điểm mới ở trung tâm thị trấn Đức Thọ. Tuy nhiên, cái sự cũ đó không ngăn cản chúng tôi khám phá ngôi trường với cách rất riêng của những đứa nhóc còn nghịch trên cả quỷ ma. Có hề gì đâu, cũ có cái hay của cũ. Chúng tôi làm quen rất nhanh với ngôi trường và xem cái sự cũ kĩ  như là nơi để khám phá và sáng tạo những trò chơi vô tận. Nào là chơi trốn tìm sau cái hào ngăn cách với trường cấp ba bằng một dãy dứa dại cao quá đầu người để gai cào chảy máu; nào là cạy tường móc gạch khắc chữ; nào là trèo lên cái ô có lẽ vốn được làm bồn hoa lơ lửng ngoài cửa sổ để nhảy dù; rồi thì cạy đất, đào bộng chơi đánh khăng, chơi bi ngay phía sau lớp học.. Trong rất nhiều trò được sáng tạo ra từ những điều cũ kĩ đó, thì tôi nhớ nhất là trò ném phao bay qua ô thông gió giữa hai phòng học. (Cái ô bất đắc dĩ mà có do miếng thông gió ngăn giữa hai căn phòng đã long ra vì quá lâu, quá cũ). Có trò đặc biệt này là bởi hồi ấy, chúng tôi chia làm hai lớp toán và văn. Một điều bất thành văn là những đứa học chuyên văn chắc chắn dốt toán và những đứa chuyên toán đa phần chẳng thích văn. Bởi vậy, trong những giờ kiểm tra thường có trò…cứu viện. Hồi ấy, thầy cô thường có một thói quen là sau khi ra đề xong trên bảng thì sẽ lên văn phòng hay đi phòng khác/ làm việc khác trong một khoảng thời gian nhất định nào đó. Và điều gì đến sẽ đến, chúng nó cứu viện cho nhau bằng cách chép đề, giải bài rồi ném qua ô thông gió. Tất nhiên, bài giải thường được bọc ngoài một viên sỏi/ viên đá nhỏ, rồi “vèo” một cái là nó bay sang lớp bên kia với tốc độ tên bắn. May mắn thì những “viên” bài giải sẽ bay nhẹ nhàng và đậu xuống cuối lớp hoặc cạnh đứa nào đấy rồi được nhặt và chuyền cho nhau.  Xui xẻo thì nó sẽ “đậu” lên bàn thầy cô hay bị bắt tại trận, thậm chí là bị truy tận nơi, có khi bị phạt. Mà hình phạt là nộp 1 mét nè gai để gia cố lại hàng rào bao xung quanh trường thường xuyên bị lũ học trò chọc thủng để vượt rào ra chơi.
      Lớp 8, lớp 9…..
      Chúng tôi được chuyển đến trường mới nằm ở trung tâm thị trấn. Lũ học trò háo hức lắm khi tưởng tượng về một ngôi trường với tường trắng, ngói đỏ sạch sẽ và mới tinh. Tuy nhiên, không giống với tưởng tượng, trường mới vẫn đóng tại một..khu nhà cũ, cơ sở cũ của công an huyện. Khu nhà bấy giờ có hai dãy phòng học mà lớp học cũng to nhỏ không đều vì sửa lại phòng làm việc. Mái ngói, tường che cũng rêu mốc và cũ lắm rồi nhưng được cái có đầy đủ phòng học hơn, đáp ứng được số lượng học sinh ngày càng đông của trường. Hai dãy phòng ấy ngăn cách nhau bởi một cái sân bé tí hin mà chỉ cần một trận mưa cóc là ngập băng và trơn trượt. Chính sự đặc biệt này đã khiến cho cái sân trở thành nơi vui chơi…lí tưởng mỗi khi mùa mưa của lũ học trò.Cái sân ấy vốn cũng được ghép gạch, thứ gạch tận dụng từ những bức tường xây cũ. Nắng rồi mưa, gạch dần bở đi lộ ra lớp đất vốn có lổn nhổn cùng với những viên gạch còn sót lại. Tuy nhiên điều đó cũng chẳng ngăn cản chúng tôi chơi. Ờ thì đơn giản nhất là rượt nhau giữa trời mưa, rồi thì thi nhau vồ ếch một cách.. tự nguyện, thậm chí là vật nhau dưới mưa. Tất nhiên, trò này chỉ có bọn con trai háo hức còn lũ con gái trở thành  những nạn nhân bất đắc dĩ vì thỉnh thoảng bị vô ý một cách cố tình đẩy ra giữa trời mưa rồi lóp ngóp lội vô ướt như chuột lột, dở khóc dở cười khi cả gia tài chỉ được vài bộ đồ thì đã ướt mưa sạch sẽ. Và, những hôm trời mưa, thường thì thầy cô vào lớp sẽ được ngửi một mùi chua lòm được phối từ mồ hôi, nước mưa và…thói quen ở bẩn của mấy cậu chàng lười tắm….
      Theo thời gian, chúng tôi dần trưởng thành, đi xa mỗi đứa một phương. Tuy nhiên, trong muôn vàn những kỉ niệm về mái trường Năng khiếu Đức Thọ luôn có một góc cho hồi ức về những khu nhà cũ để rồi mỗi khi tìm về luôn trở thành góc nhớ, bến đậu không thể nào quên…..

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Tú Oanh - HS niên khóa 1990- 1995

Tổng số điểm của bài viết là: 22 trong 6 đánh giá

Xếp hạng: 3.7 - 6 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập177
  • Hôm nay88,979
  • Tháng hiện tại1,623,371
  • Tổng lượt truy cập42,195,444
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây