Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Sự nghiệp giáo dục là nền tảng phát triển của Đức Thọ

Thứ ba - 23/07/2019 05:20
Nhân dịp kỉ niệm 20 năm thành lập trườngNăng Khiếu Đức Thọ nay là trường THCS Hoàng Xuân Hãn, chúng tôi đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với ông Võ Công Hàm –Chủ Tịch UBND huyện Đức Thọ. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi

BBT: Ông đánh giá như thế nào về tiềm lực của Đức Thọ trong xu thế phát triển hiện nay ?

                Ông Võ Công Hàm: Như chúng ta đã biết Đức Thọ là một vùng quê trù phú, có nền kinh tế tương đối phát triển hơn các địa phương khác trong tỉnh. Tuy nhiên tình hình bây giờ đã khác nhiều rồi, hiện nay chỉ thuần về nông nghiệp thì thực sự vươn lên của huyện nhà là hết sức khó khăn.Do đó cần phải có những đổi thay thực sự nhất là nguồn lực con người. Bởi vậy, mặc dù không có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú như các địa phương khác nhưng Đức Thọ của chúng ta vẫn đang có và sẽ có tiềm lực khá tiềm tàng.   

BBT: Đó là nguồn lực nào vậy, thưa ông?

                Ông Võ Công Hàm: Con người. Người Đức Thọ xưa nay nổi tiếng thông minh. Sức mạnh là ở đó. Tiềm năng là ở đó, ở  trí tuệ và nghị lực của người quê ta.

BBT:Đúng là yếu tố con người. Nhưng con người nào, như thế nào mới là đáng bàn nhất. Theo ông chúng ta cần có một hình mẫu người quê ta trong thời đại ngày nay, và ngày mai như thế nào?

                Ông Võ Công Hàm: Mỗi thời một khác, mỗi thời đại phải có một hay nhiều thế hệ đảm nhiệm và họ sẽ phải có những giá trị riêng của mình để đáp ứng với sự phát triển của thời đại đó. Khi đang làm ruộng lúa n­íc cổ truyền với năng lượng cơ bắp là chính thì sẽ có một hệ giá trị, một mô hình nhân cách tương ứng, còn bây giờ thì phải khác, gần như là khác hẳn. Theo tôi nghĩ, vào thời nào cũng vậy, phải là con người hữu ích mới là lực lượng, là nguồn lực cho phát triển. Thời đại ngày nay đòi hỏi Con người phải có sức khoẻ tốt, được giáo dục và đào tạo toàn diện để có tri thức, có năng lực tư duy và thực hành ở trình độ cao, đáp ứng ngày càng cao xu thế phát triển của khoa học công nghệ…Như thế vẫn là chưa đủ, còn phải hội đủ những phẩm chất người khác như tình cảm, đạo đức, ý chí…Xin nói thêm, để thật sự là tiềm năng, là nguồn lực phát triển của Đức Thọ, làm chủ quá trình vận động phát triển của quê hương  thì người Đức Thọ còn phải có tình cảm gắn bó với quê, yêu quê…Tài giỏi tuyệt vời nhưng không nhớ đến quê, không yêu quê, không gắn bó với quê... thì cũng khó có thể nói là nguồn lực, là tiềm năng phát triển của quê.
                Một hình mẫu người quê ta ư? Có nghĩa là xác lập một mô hình nhân cách của con người và cho người Đức Thọ? Khó lắm. Người Đức Thọ nay ở khắp năm châu bốn biển với những không gian văn hoá khác nhau, thật khó có một mô hình chung nào cho mọi người quê ta. Thế hệ thứ hai, thứ ba ở Pháp  rồi mà vẫn nói là quê Đức Thọ thì anh tính sao? Song tôi nghĩ là cần xác định với nhau một mẫu số chung để mà hướng tới sự thống nhất trong ngôi nhà chung là quê hương Đức Thọ.

BBT: Ông có thể nói rõ hơn không?

                Ông Võ Công Hàm: Theo tôi mẫu số chung đó là chịu khó học tập, rèn luyện thành tài, chăm chỉ lao động, đừng để thua kém thiên hạ và phải có nhân cách, có trí tuệ nhưng phải có tâm hồn trong sáng, có đời sống tinh thần phong phú và nhân văn, luôn hướng tới những điều có ích, tốt đẹp, cho bản thân mình, gia đình, bè bạn, và đối với quê hương.

BBT: Tôi còn thấy người Đức Thọ, nếu là con trai còn có chút hào hoa, lãng tử…còn con g¸i thì không những xinh xắn, hạnh thục, đoan trang mà còn  hơi pha một chút kiêu kiêu như để làm duyên. Trở lại câu chuyện, theo ông thì chúng ta cần làm gì để có được những con người như ông và chúng ta mong muốn ?

                Ông Võ Công Hàm: Không thể có gì khác hơn là dạy và học, đào tạo và rèn luyện. Gia đình, nhà trường và toàn xã hội cùng lo dạy dỗ và đào tạo. Các thế hệ con em thì lo học tập và rèn luyện. Dạy và học chữ, những tri thức khoa học phổ thông nền tảng cần thiết cho các em tiếp tục học lên bậc cao hơn; Đào tạo và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho các em có thể tự tin lao động khi bước vào đời. Nhưng tất cả những kiến thức và kỹ năng đó vẫn là chưa đủ để trở thành người tốt, có bản lĩnh và có ích thực sự đối với xã hội và đối với quê hương, gia đình khi mà chưa được giáo dục để  hấp thụ được một nền tảng đạo đức và tình cảm trong sáng, nhân văn. Vẫn là những câu chuyện cũ, dạy người xưa nay đều như thế. Nhưng mà, theo tôi, thời nay việc dạy dỗ, giáo dục khác và khó hơn trước rất nhiều. Ngày xưa chỉ có các thầy, các cô, cha mẹ, ông bà tác động chính đến quá trình giáo dục, còn ngày nay thì thông tin nhiều hơn trước gấp hàng ngàn, hàng triệu lần, tốt xấu đều có. Bởi vậy mà vai trò của nhà trường và gia đình trong giáo dục quan trọng hơn nhiều. Nhà trường, trước khi là nơi truyền thụ tri thức cho các em còn phải làm chức năng bộ lọc, hệ điều tiết thông tin, điều tiết và định hướng văn hoá, đạo đức cho học trò. Nói vậy là tôi muốn khẳng định trách nhiệm của nhà trường ngày càng nặng nề hơn.

BBT: Giáo dục, đào tạo, rèn luyện. Không ai có thể chối cãi điều đó. Nhưng theo tôi có hai vấn đề đặt ra là mục tiêu của giáo dục và để có thể đạt được mục tiêu đó cần có một triết lý giáo dục phù hợp. Nói tóm lại là chúng ta cần xác định giáo dục là kế sách, là giải pháp cơ bản, có ý nghĩa lâu dài và sống còn của huyện. Cá nhân ông nghĩ gì về một triết lý riêng cho giáo dục Đức Thọ?

                Ông Võ Công Hàm: Tôi nghĩ là cá nhân tôi khó có thể đưa ra một triết lý riêng cho giáo dục của Đức Thọ. Song với trách nhiệm của mình tôi cũng đã có nhiều quan tâm và suy nghĩ về vấn đề này. Tôi không cho đó là triết lý mà tôi  cố đi tìm lời giải cho hai câu hỏi: Một là hoạt động giáo dục, bao gồm cả đào tạo, có trách nhiệm gì đối với sự tồn tại và phát triển của huyện; hai là để cho sự nghiệp giáo dục phát triển đúng hướng, đem lại hiệu quả cao thì phải làm như thế nào?

BBT: Ông đã nghĩ như thế nào?

                Ông Võ Công Hàm: Đất đai không còn nhiều, điều kiện phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch không thuận lợi như các địa phương khác nên phải xác định là Đức thọ không giàu, thậm chí còn nghèo. Bởi vậy Đức Thọ chỉ có thể phát triển bằng chính trí tuệ và tài năng, bằng chất xám của mình. Do đó, tôi nghĩ rằng, giáo dục là cỗ máy cái để tạo ra các nguồn động lực cho phát triển của Đức Thọ. Muốn vậy phải xác định  phát triển  giáo dục là con đường cơ bản, xuyên suốt toàn bộ chiến lược phát triển, là con đường sống tất yếu, sự lựa chọn số một của Đức Thọ. Và để cho giáo dục phát triển, theo tôi, trước hết cần xác định dạy và học là để thành người, để làm người; dạy và học một cách thực chất, dạy và học vì mình. Nói theo kiểu cũ, hơi thô một tý nhưng thể hiện đúng bản chất là : Học kiếm gạo, kiếm tiền. Học một cách thiết thực. Cuộc sống cần gì, tương lai cần gì thì ta phải dạy và học cái đó. Dạy và học một cách chủ động nhằm hướng đến một mô hình nhân cách đủ sức gánh vác tương lai.
      Để làm được những điều đó, không gì khác, tất cả chúng ta, Đảng và chính quyền, nhân dân và nhà nước đều phải dốc sức và ưu tiên dành nhiều nhất, tốt nhất cho giáo dục từ sự quan tâm, về tình cảm đến ngân sách và cơ sở vật chất. Ở Đức Thọ, khôn ngoan nhất là đầu tư cho giáo dục. Mặt khác trong tình hình hiện nay số học sinh ngày càng giảm theo tỷ lệ dân số, việc quy hoạch lại hệ thống các trường học nói chung và các trường THCS nói riêng đang phải tính đến. Để phân bố làm sao cho phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

BBT:Ông nhìn thấy những gì từ lịch sử về giáo dục của Đức Thọ khi bàn định về tương lai của sự nghiệp này trên quê hương Đức Thọ?

                Ông Võ Công Hàm: Có thể nói rằng người Đức Thọ có thể tự tin đi ra vì quê mình có truyền thống học hành khoa bảng nổi tiếng cả nước. Hồi trước, có những nơi, có lúc ở Đức Thọ, ta có thể nói là đã hình thành một xã hội học tập. Mọi người ai cũng quan tâm đến việc học, vác cái cày, chăn con trâu mà cũng vẫn nhớ đến việc học, dành mọi thứ cho việc học. Một mảnh đất nho nhỏ nhưng dưới thời Hán học đã có tới 47 vị đại khoa và mấy trăm hương cống, cử nhân thì thật là hiếm. Đức thọ cùng với cả xứ Nghệ vốn là vùng biên viễn của cả nước, có quá trình tụ cư và phát triển chậm hơn so với các vùng miền khác nên thành tựu đó càng khẳng định truyền thống giáo dục của Đức Thọ. Tôi thấy rằng ở vùng nào có nhiều người học cao, đỗ đạt thì ở đó giàu hơn, trù phú hơn. Và vì trù phú hơn, khấm khá hơn nên học hành ngày càng tấn tới hơn. Xưa là vậy và nay cũng vậy. Yên Hồ, Trường Lưu, Yên Đồng, Trung Lễ là những ví dụ có thể làm chứng cho tôi về ý kiến này.

BBT: Ông có tự hào trên quê hương Đức Thọ đã có một trường học chung của huyện mang tên học giả Hoàng Xuân Hãn?

                Ông Võ Công Hàm: Tôi rất tự hào vì Đức Thọ là quê hương của Hoàng Xuân Hãn và nhiều danh nhân khác. Các bậc tiền bối đã làm rạng danh quê hương Đức Thọ. Cụ Hoàng Xuân Hãn là tấm gương sáng nhất trong rất nhiều tấm gương sáng về tài năng và ý chí học tập, nghiên cứu khoa học. Cụ còn là một nhà yêu nước, có nhiều đóng góp với đất nước trên nhiều phương diện. Vì vậy, trên quê hương Đức Thọ có một trường học có tính chất chuyên mang tên học giả Hoàng Xuân Hãn là một sự cần thiết, một vinh dự cho huyện nhà. Mặt khác đây cũng là một sự tôn vinh danh nhân Hoàng Xuân Hãn và khích lệ các thế hệ trẻ học tập theo tấm gương của cụ.

BBT: Ông đánh giá như thế nào về quá trình xây dựng và trưởng thành của trường HXH trong 20 năm qua?

                Ông Võ Công Hàm: Trường Năng khiếu Đức Thọ được thành lập năm 1989, đến năm 1997 thì được mang danh Trường Trung học cơ sở Hoàng Xuân Hãn. Trong hai mươi năm qua các thế hệ thầy giáo, cô giáo và học trò nhà trường đã liên tục phấn đấu vượt khó vươn lên về mọi mặt. Với trách nhiệm là  mũi nhọn về chất lượng giáo dục của huyện, nhà trường đã có nhiều cố gắng nâng cao chất lượng dạy và học. Trong 20 năm qua trường luôn là đơn vị dẫn đầu về chất lượng của huyện, đóng góp quan trọng vào chất lượng giáo dục của huyện nhà.  Hàng năm có 100% học sinh lớp 9 thi đậu vào trường THPT công lập. Đặc biệt trong 2 năm học vừa qua tỷ lệ học sinh thi vào THPT xếp thứ 2/197 trường THCS trong toàn tỉnh, trong đó môn Ngữ Văn xếp thứ nhất. Số học sinh giỏi cấp Quốc gia có 28 em, năm học 2008-2009 toàn tỉnh có 10 em đậu HSG Quốc gia thì trường có 6 em. Học sinh giỏi cấp Tỉnh có 831 em. Hàng năm có trên 300 em đậu HSG cấp Huyện. Đội ngủ giáo viên 100% đạt chuẩn và trên chuẩn, trong đó có 90% CBGV có trình độ Đại học.
                Theo tôi những con số thống kê là khó phản ánh hết toàn diện những cố gắng và thành tích của nhà trường. Chỉ cần thấy một hiện tượng là 100% học sinh của nhà trường đã học tiếp bậc THPT, các học sinh của nhà trường là nòng cốt đội ngũ học sinh giỏi của các trường THPT  và nguyện vọng của hầu hết phụ huynh là muốn cho con em mình vào học ở trường là đã có thể nói đầy đủ nhất về nhà trường. “Hữu xạ tự nhiên hương”, có thể liên hệ thành ngữ này với trường Hoàng Xuân Hãn, tôi nghĩ vậy.

BBT: Ông đánh giá như thế nào về vị trí và đóng góp của nhà trường đối với sự nghiệp giáo dục của huyện?

                Ông Võ Công Hàm: Hình như tôi đã nói rồi đấy thôi. Tôi xin khẳng định trường Hoàng Xuân Hãn là đầu tàu của đoàn tàu trung học cơ sở huyện Đức Thọ, là một vườn ươm những tài năng của huyện nhà.

BBT: Và đối với sự phát triển của huyện?

                Ông Võ Công Hàm: Tôi xin nói là hiện nay đã có hàng ngàn học sinh của trường đã tốt nghiệp đại học, hàng trăm em trên đại học và làm việc ở khắp nơi trong cả nước, có cả ở nước ngoài nữa. Riêng trên địa bàn huyện hiện nay có rất nhiều cán bộ có trình độ học vấn, nghề nghiệp và năng lực hoạt động thực tiễn, là lực lượng quan trọng của đội ngũ cán bộ của huyện nhà. Trường Hoàng Xuân Hãn xứng đáng là một cỗ máy đào tạo nên nguồn nhân lực tiềm tàng cho huyện trong quá trình phát triển.

BBT: Vậy cần làm gì để phát huy những mặt mạnh của trường, tiếp tục xây dựng phát triển trường xứng đáng là một trường điểm  của huyện?

                Ông Võ Công Hàm: Động viên, khuyến khích và đầu tư. Tôi muốn nhấn  mạnh đến việc khẳng định sự có mặt và đóng góp của trường là rất cần thiết và  quan trọng không chỉ đối với sự nghiệp giáo dục mà cả chiến lược phát triển của huyện. Muốn trường phát triển và có nhiều đóng góp hơn, như trên tôi đã nói, phải tăng cường đầu tư toàn diện cho nhà trường. Đầu tư về đội ngũ giáo viên, về cơ sở vật chất, về cơ chế chính sách…Cần phải ưu tiên cho nhà trường những giáo viên giỏi nhất, nhiệt tình nhất; tiếp tục củng cố và trang bị cơ sở vật chất của nhà trường và một điều tôi quan tâm là phải chăng chúng ta cần nghiên cứu để có thể có những cơ chế riêng cho nhà trường để hướng tới phát huy tốt nhất năng lực đào tạo của nhà trường.

BBT: Có ý kiến cho rằng cần xây dựng trường thật vững mạnh toàn diện, đặc biệt là chất lượng đào tạo để xây dựng thương hiệu giáo dục Hoàng Xuân Hãn, coi đó như là một thương hiệu đặc biệt của Đức Thọ để không chỉ làm đầu tàu phát triển sự nghiệp giáo dục của huyện mà còn có thể tiến tới làm các dịch vụ giáo dục, có thể nhận đào tạo cho các địa phương khác chẳng hạn?

                Ông Võ Công Hàm: Tôi nghĩ đây là một suy nghĩ đúng đắn. Tuy nhiên để làm được điều đó không phải là dễ, cần phải có nhiều nỗ lực của tập thể giáo viên, học sinh nhà trường, cả của Phòng giáo dục và các cơ quan hữu quan khác nữa.

BBT: Trở lại câu chuyện ban đầu, từ trường HXH, chúng ta cần nghĩ thêm về giáo dục như thế nào trong chiến lược phát triển của huyện trong tương lai?

                Ông Võ Công Hàm: Giáo dục luôn là một việc hệ trọng và khó khăn đối với xã hội, không chỉ riêng của huyện Đức Thọ chúng ta. Nền giáo dục của nước ta đang trong tình trạng khó khăn và nhất thiết phải cải cách và đổi mới một cách triệt để. Tuy nhiên cải cách, đổi mới như thế nào là một việc khó khăn.  Huyện Đức thọ không nằm ngoài điều kiện chung đó. Nhưng dù sao thì sự nghiệp giáo dục vẫn  là nền tảng phát triển của Đức Thọ, đó là ưu tiên số một của Đức Thọ vì đó là lối đi không thể khác đối với huyện. Với một vài mảnh ruộng, tài nguyên khoáng sản không có, sông thì cạn, núi thì mòn…liệu chúng ta sẽ lớn lên bằng cái gì, bằng cách nào? Không gì khác phải bằng trí tuệ, bằng chất xám. Mà muốn có cái đó thì phải bắt đầu bằng việc dạy và học, bằng giáo dục.

BBT: Xin được cảm ơn và chia sẻ với ông quan điểm này.

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập330
  • Máy chủ tìm kiếm6
  • Khách viếng thăm324
  • Hôm nay84,382
  • Tháng hiện tại1,513,665
  • Tổng lượt truy cập39,984,812
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây