Giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ...”

Giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ...”

BBT website giới thiệu cùng bạn đọc, bài giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh lịch sử cùng dân tộc” do em Trần Thị Phương Nhiên lớp 6C trình bày.

Xem tiếp...

Liệu có cần ghi chú với nhiều câu thơ của Phạm Tiến Duật

Thứ bảy - 20/07/2019 12:14
Thế hệ 7X, 8X, 9X khi tiếp xúc với thơ của Phạm Tiến Duật, liệu các em, các cháu có khám phá ra hết, có hiểu đến tận cùng nhiều câu thơ của anh không , khi các em, các cháu hoàn toàn xa lạ với nhiều thực tế chiến tranh, chiến trường ?
Đặt bút định viết những dòng dưới đây, tôi có đầy đủ ý thức rằng, thật may mắn,  cho đến thập kỷ này, vẫn còn sống cả triệu những chiến sỹ đã từng trực tiếp phục vụ trên tuyến đường Trường Sơn, hoặc có dịp qua lại con đường máu lửa này trong những năm chiến tranh chống Mỹ. Tôi đinh ninh tin rằng những đồng chí, đồng đội, đồng trang lứa của tôi sẽ là những ai thẩm thấu và rung cảm đầy đủ, sâu sắc nhất với từng câu thơ của thi sỹ Trường Sơn này.
    Nhưng còn những thế hệ 7X,8X, 9X, khi tiếp xúc với thơ của Phạm Tiến Duật,  liệu các em, các cháu có khám phá ra hết, có hiểu đến tận cùng nhiều câu thơ của anh không , khi các em, các cháu hoàn toàn xa lạ với nhiều thực tế chiến tranh, chiến trường. 
     Đây, tạm dẫn ra vài ví dụ: 
             Muỗi bay rừng già cho dài tay áo
    Sao ở rừng già, muỗi bay tay áo lại dài ra? Sự thật đơn giản như thế này: trong rừng, bộ đội, thanh niên xung phong thường vén tay áo sơ mi quân phục lên cao cho tiện công việc. Nhưng vào ngày mưa, hoặc khi tới những khu rừng già, muỗi rất nhiều, tự nhiên chiến sỹ gái, trai buộc phải thả tay áo xuống cho muỗi đỡ đốt. Cái tài tình của Phạm Tiến Duật là nhìn ra trong nét sinh hoạt bình thường đó một điều gì rất thơ, rất đẹp, lại như giàu tính thẩm mỹ. 
     Đây nữa:
                      Nước khe cạn bướm bay lèn đá
     Ừ thì dưới khe không còn nước bướm bay ra chứ sao? Bạn trẻ có thể bình thản tiếp nhận câu thơ này. Nhưng cánh lính già chúng tôi thì hiểu khác hơn. Vào những ngày mưa rừng tầm tã, suối khe ào ạt nước chẩy thì trong rừng không hề có bướm. Và chỉ khi suối khe cạn nước-tức mùa khô đã tới, những đàn bướm rừng từ đâu mới túa về. Và những cánh bướm nhiều sắc màu và mùa khô -với Trường Sơn, với các mảnh đất chiến trường khác -là thời điểm náo nức, chộn rộn-tức “ thời điểm làm ăn “ trong một năm trận mạc lại bắt đầu. 
     Hoặc đây nữa: 
              Mai ngày giã bạn ta về, 
              Nghe tiếng kẹt cửa, nhớ tre rừng Lào
     Bạn trẻ đọc lướt qua, thấy vần điệu vui vui, thuận chiều thế thôi. Nhưng suy ngẫm một tý, chắc bạn sẽ hỏi: Là sao?. Sao đây, tan cuộc chia tay nhau, lại nhớ đến tre của nước Lào? Sự thể là như sau, trên những cung đường Trường Sơn, phía Bắc tỉnh Atôpư, đang đeo nặng, leo dốc cao bằng thang tre, thang giây, có khi đi từ sớm tửng đến tẩn sập chiều chưa qua hết vài đường bình độ, lính ta bỗng gặp giữa rừng một đoạn đường bằng, cát mịn mát dưới chân, và hai bên đường là những bụi lồ ô, bụi bương, giữa trưa gió hây hẩy thổi, khiến thân bương, thân lồ ô cọ vào nhau phát ra những âm thanh quen thuộc của quê hương buổi nào. Lòng lính lâng lâng, bồi hồi khi nhẩm tính mình đã đi xa làng xóm, xa người yêu từng ấy ngày, từng ấy tháng. Liệu rồi, trong đời mình còn được nghe lại tiếng cót két, cọt kẹt của bụi tre làng nữa hay không đây?Hiểu và nắm bắt được buồn vui ấy của lính, nhà thơ gắng diễn tả qua vần điệu. Và cái lãng mạn, chất thơ của Duật là ở chỗ, ném mọi cảm xúc ấy về phía tương lai, về ngày chiến thắng, khi đã về tới trước cổng hoặc trong mảnh sân nhà, run run đưa tay đẩy cánh cửa liếp, cánh cổng tre, anh lính nghe tiếng cánh cổng, cánh cửa kêu, chợt nhớ tới đoạn đường bằng phẳng, có bóng tre phủ mát rượi trên đoạn đường Trường Sơn qua đất Lào thuở nào. 

    Liệu tôi có nôm na, mách qué nhũng câu thơ, những bài thơ của Duật không đây? Tùy bạn sánh thơ phán xét. 
    Vẫn xin nêu thêm một ví dụ khác: 
                     Anh lên xe trời đổ cơn mưa, 
                     Cái gạt nước xua đi nỗi nhớ.. 
     Ừ thì trời mưa, nước mưa hắt ào ạt lên tấm kính trước buồng lái, buồng lái sẽ tối lại, nỗi buồn sẽ tràn vào. Và cái gạt nước quạt qua quạt lại, làm giảm bớt bụi nước đi cho buồng lái sáng ra, lòng lính vui lên. Có gì khó hiểu đâu? Ấy thế nhưng ai đã theo các đoàn xe vận tải quân sự vượt qua những tuyến đường khu IV cũ, hoặc đường Trường Sơn đều hiểu rằng, để tránh sự dòm ngó của máy bay trinh sát Mỹ, xe mới, xe cũ chỉ được phép khởi hành vào lúc trời đã sập tối hẳn. Và tuyệt đối không được bật đèn pha, chỉ được bật đèn gầm mà đi trong đêm thôi. Đương nhiên, vào thời khắc ấy, cả trong buồng lái, cả phong cảnh rừng núi hai bên đường chìm ngập trong bóng tối, còn nhìn thấy gì đâu  khiến anh lái xe bùi ngùi thương nhớ nữa? Ấy thế, nhưng phá quy định chung, vào những hôm trời đổ mưa lớn, rừng bỗng mau tối, khí núi dâng lên mờ mịt, máy bay địch thưa vắng hẳn, lính ta tranh thủ mới ba, bốn giờ chiều đã cho các “ chú tuấn mã “ phóng ra đường. Trong thời khắc, trong điều kiện thời tiết cụ thể ấy tậm trạng buồn nhớ mới nẩy sinh và cái gạt nước mới sắm vai trò của nó. 
    Này đây:
                         Cái nhành cây gạt mối riêng tư
    Này đây:
                          Lộp độp cơn mưa bi sắt đuối tầm
Này đây:
                         Cũng vương tóc rối chân gà
                         Cũng tiếng chó sủa chiều tà sau cây
                         Cũng quần áo ướt phơi dây
                         Cũng gầu múc nước ô hay cùng làng

…… 
     Bạn hãy đọc lại thơ Trường Sơn của Phạm Tiến Duật đi..Còn rất nhiều những câu, những chữ, những hình tượng không chỉ chứng tỏ tấm lòng và tình yêu của nhà thơ với người lính và chiến công của Trường Sơn; mà còn là sự am tường, hiểu biết rất cụ thể, rất chi tiết, rất chính xác những gì nhà thơ đã quan sát, đã trải nghiệm trong những năm tháng anh sống trên cung đường nhiều cam go, thử thách này. Hỏi chuyện cặn kẽ, ghi chép tỷ mỉ vốn đã là tác phong của nhà thơ. Điều còn quan trọng hơn nhiều còn là ở chỗ, giữa nơi sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc Phạm Tiến Duật đã không mảy may so đo, tính toán; đã đủ sự can trường, dũng cảm để sống thực sự như một người lính Trường Sơn.   

     Liệu có cần đến những hoa thị ( * ) ghi chú thêm trong những trường hợp như vậy không? 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập519
  • Hôm nay91,831
  • Tháng hiện tại1,490,015
  • Tổng lượt truy cập42,062,088
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây