Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện.

Xem tiếp...

Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Thứ bảy - 21/12/2024 13:44
Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện.


      "Hòa bình, độc lập, tự do" là ba từ thiêng liêng mà dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng mấy nghìn năm lịch sử gian khổ và hào hùng. Hơn bốn nghìn năm dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã lập được nhiều kì tích, ghi vào pho sử vàng nhiều chiến công hiển hách. Vì thế, Tổ quốc Việt Nam thân yêu đã ghi dấu nhiều ngày lễ trọng đại của dân tộc. Một trong những ngày lễ trọng đại đó là ngày 22/12, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
      Cách đây 80 năm, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã chính thức làm lễ thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đây là đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Khi mới thành lập, Đội chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Nhưng Đội đã phát huy được truyền thống chống ngoại xâm và nghệ thuật quân sự lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ thắng lớn của dân tộc. Ngay từ lần đầu ra quân, đội đã lập nên những chiến công vang dội, giải phóng những khu vực rộng lớn làm căn cứ cho các hoạt động đấu tranh giành độc lập, mở đầu truyền thống quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ngày 15 tháng 5 năm 1945, Đội sáp nhập với lực lượng Cứu quốc quân và đổi tên thành Giải phóng quân, trở thành lực lượng quân sự chủ lực của Mặt trận Việt Minh khi tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
      Từ một đội quân chỉ vài trăm người khi tham gia Tổng khởi nghĩa, Quân đội nhân dân Việt Nam đã phát triển thành quân đội với các sư đoàn chủ lực mạnh, lập nên những chiến công lẫy lừng mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954, đập tan âm mưu thiết lập lại chế độ thuộc địa của thực dân Pháp, đồng thời tạo nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
      Sau chiến thắng lịch sử năm 1975, Quân đội nhân dân Việt Nam cùng với nhân dân cả nước tiến hành thắng lợi các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới, giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc thời kỳ đổi mới, Quân đội tiếp tục làm tốt chức năng của đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động, sản xuất; đóng vai trò nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân.Vì vậy năm 1989, thể theo nguyện vọng của nhân dân cả nước, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị, quyết định lấy ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12) đồng thời là Ngày Hội quốc phòng toàn dân. Từ đây, ngày 22 tháng 12 thực sự trở thành ngày hội truyền thống bảo vệ Tổ quốc, ngày hội tôn vinh và nhân lên hình ảnh cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” – một nét độc đáo của văn hóa dân tộc Việt Nam. Hàng năm, cứ đến ngày này, toàn dân lại tiến hành các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội, nhằm tuyên truyền sâu rộng truyền thống đánh giặc giữ nước của dân tộc và phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, giáo dục lòng yêu nước,  động viên mọi công dân chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng quân đội, bảo vệ Tổ quốc.
      Có biết bao thế hệ cha anh đã hăng hái lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Họ bỏ lại sau lưng những người mẹ già, những người vợ trẻ và những đứa con thơ để lên đường tham gia kháng chiến. Họ mang một nỗi niềm chia li nhưng vẫn sắt đá một tinh thần quyết chiến vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Ý chí đó không ít lần đi vào những trang thơ, trang văn của biết bao nghệ sĩ yêu nước: "Người ra đi đầu không ngoảnh lại - Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy". Những con người kiên cường ấy đã cống hiến tuổi thanh xuân của mình, góp máu xương để giải phóng trọn vẹn đất nước. Các anh, các chị đã mãi mãi yên nghỉ trong lòng đất mẹ để chúng ta hôm nay được sống trong độc lập tự do. Hòa bình, hạnh phúc và sự phát triển mà chúng ta đang có hôm nay là thành quả của sự hi sinh to lớn của các anh hùng, liệt sĩ ngày hôm qua. Chắc hẳn chúng ta đã từng xúc động khi đọc những trang viết sống động, những dòng nhật ký đầy chất lửa của liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm và hay bộ phim “Đừng đốt” gây xúc động mạnh mẽ bởi sự hy sinh vì lý tưởng, đấu tranh cho chân lý, cho khát vọng hòa bình của bao thế hệ thanh niên Việt Nam. Hình ảnh anh bộ đội cụ Hồ với lí tưởng cao đẹp “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” và “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước - Mà lòng phơi phới dậy tương lai” mãi mãi là hình ảnh đẹp nhất trong tâm hồn của người dân đất Việt. Đó là những tấm gương sáng ngời về tinh thần chịu đựng gian khổ, về đức hi sinh và lòng dũng cảm kiên cường còn lưu truyền mãi cho các thế hệ mai sau.
      Ngày nay, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” càng được toả sáng, nhân lên trong giai đoạn cách mạng mới. Những hình ảnh, hành động vô cùng anh dũng và xúc động khi mà hàng vạn cán bộ, chiến sỹ không quản ngại khó khăn, gian khổ, ngâm mình ngăn dòng nước lũ để giúp đỡ đồng bào, các anh đã hy sinh cứu người gặp nạn. Những tấm gương dũng cảm hy sinh quên mình của cán bộ, chiến sỹ vì cuộc sống bình yên của nhân dân đã luôn nhắc nhở mỗi chúng ta hãy trân trọng, nâng niu, giữ gìn truyền thống đoàn kết, gắn bó máu thịt quân dân.
      Truyền thống, đạo nghĩa là những giá trị mà chúng ta và phải ghi nhớ suốt đời. Noi gương các anh hùng liệt sỹ, chúng ta hôm nay phải biến truyền thống yêu nước và cách mạng trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thành bản lĩnh và ý chí Việt Nam để chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu. Chúng ta hãy phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, tình nguyện vì cộng đồng, xây dựng lối sống văn hóa, văn minh, không ngừng học tập, ra sức rèn đức luyện tài để tiếp tục giữ vững nền độc lập, hòa bình và xây dựng đất nước Việt Nam sánh ngang với cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong ước.

Tác giả bài viết: Đinh Thị Lệ Hòa

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập294
  • Máy chủ tìm kiếm3
  • Khách viếng thăm291
  • Hôm nay44,215
  • Tháng hiện tại1,539,908
  • Tổng lượt truy cập42,111,981
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây