Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Chữ người tử tù

Thứ bảy - 20/07/2019 06:19
Có nhiều ý kiến tranh luận xung quanh chi tiết Huấn Cao (trong tác phẩm “Chữ người tử tù” – Nguyễn Tuân) cho chữ viên quản ngục

Nhà văn Thai Sắc (Đồng Tháp), cho rằng Huấn Cao phải viết cả cặp vế đối chứ không chỉ một đại tự; nhà văn Trần Quốc Toàn (TP.HCM) thì lập luận ngược lại, một chữ cũng chẳng nên vẽ vì “Đã ra khỏi truyện rồi bạn đọc mới giật mình nhớ ra, mình vẫn chưa biết Huấn Cao viết chữ gì. Đọc lại một lần nữa vẫn chẳng nhìn thấy chữ gì”. VanVN.Net xin đăng tải ý kiến trao đổi nhiều chiều của các nhà văn, nhà thơ, với mong muốn cùng bạn đọc tìm hiểu chuyện này…

 

NGOÀI NGUYỄN TUÂN VẪN CHƯA AI BIẾT

 

Trần Quốc Toàn

 

Trong truyện Chữ người tử tù, nhà văn Nguyễn Tuân không hề nói Huấn Cao là thầy. Nhưng gọi nhân vật này là thầy không phải vô căn cứ. Chữ Huấn Cao chẳng có nghĩa ông huấn học họ Cao đó sao. Theo nghĩa ấy, lại dựa vào địa danh được xác định trong vòng suy  tưởng của nhân vật quản ngục: "Huấn Cao! Hay là người tỉnh Sơn ta vẫn ca ngợi cái tài viết chữ..." - cái địa danh của vùng đất mà ở ngoài đời thực đã có một ông giáo tên là Cao Bá Quát ngồi cho chữ ở phủ Quốc Oai - thì người đọc có đủ cơ sở để coi Huấn Cao là thầy, là nhân vật được văn tài Nguyễn Tuân tạo tác từ một ông thầy nguyên mẫu.  

Có điều, khi đã thành nhân vật bước vào ngục thất, vào truyện Chữ người tử tù, thầy Huấn Cao cho chữ gì, viết chữ gì? Chưa ai biết! Tìm cách trả lời câu hỏi này cũng là mở một lối vào tác phẩm để theo đuổi ngòi bút dẫn truyện tài tình của Nguyễn Tuân.   

Muốn biết chữ gì đã được viết, người đọc hào hứng tìm người viết, vậy mà suốt hai trang đầu vào truyện tìm chẳng ra Huấn Cao. Ông thầy này là ai mà chỉ cái tên thôi cũng đã khơi mào được  cuộc thăm dò đầy vẻ hình sự giữa quan cai ngục và viên thư lại. Chỉ cái tên ấy thôi đã tạo ra một đêm trằn trọc, chập chờn "cây đèn đế leo lét rọi vào một khuôn mặt nghĩ ngợi" của viên quản ngục. Để rồi qua "khung cửa sổ có nhiều con song kẻ những nét đen và thẳng lên bầu trời lốm đốm tinh tú", cái thao thức của người đã lây lan tới trời, ngòi bút dẫn truyện của Nguyễn Tuân đã dẫn người đọc tới được chỗ chập chờn đất - trời, nay - mai, duy vật và duy tâm, để bạn đọc lạnh người liên hệ "tên tù phải chết chém" với "ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ".   

Khi đã dồn nén được nỗi mong mỏi gặp nhân vật thành niềm khát khao chiêm ngưỡng một ngôi sao, Nguyễn Tuân mới cho người đọc được gặp mặt Huấn Cao. Bất ngờ đã xẩy ra. Đợi một Huấn Cao tài hoa (chữ tài được dùng 3 lần) lại gặp một Huấn Cao khí phách, dám đáp lại sự nạt nộ lải nhải của đám lính áp giải chỉ bằng nét lạnh lùng và tiếngthuỳnh gỗ lim thúc vào đá tảng. Đang say sưa theo đuổi một Huấn Cao khí phách, Huấn Cao lại mỉm cười nhân hậu, quên nỗi sợ chết  chém để vui với chuyện đã không "phụ một tấm lòng trong thiên hạ".   

Khi người đọc đã mê cái người viết chữ đẹp đầy khí phách và nhân hậu, Nguyễn Tuân mới để người ấy xuống tay viết chữ.  Truyện  được đẩy đến cao trào.   

Đó là một cao trào rực ánh lửa. Trong ánh lửa ấy, tư tưởng của tác phẩm hiển hiện rõ rệt không cần một lời  giải thích. Hiển hiện trong thế đối lập gay gắt giữa chật hẹp, ẩm ướt, bừa bãi phân chuột và gián với phiến lụa óng, bức lụa trắng trẻo, nét chữ vuông vắn rõ ràng giữa khúm núm và đĩnh đạc giữa bất lương và Thiên Lương...   

Thế rồi cao trào kết thúc lúc nào không hay. Đã ra khỏi truyện rồi bạn đọc mới giật mình nhớ ra, mình vẫn chưa biết Huấn Cao viết chữ gì. Đọc lại một lần nữa vẫn chẳng nhìn thấy chữ gì, chỉ  thấy thơm, thơm lắm mùi mực.   

Tạo tác một nhân vật thầy giáo để rồi bao bọc người thầy ấy trong mùi mực thơm! Văn chương chặt chẽ, sang trọng, dư ba đến thế là cùng!

 

Nhưng rốt lại, Huấn Cao viết chữ gì trong tù thì ngoài Nguyễn Tuân vẫn chưa ai được biết.

 

 

HUẤN CAO VIẾT CẢ MỘT CẶP CÂU ĐỐI TRÊN NHIỀU TẤM LỤA

Thai Sắc

 

Bài viết của Trần Quốc Toàn mới chỉ nêu ra một số dữ liệu và giả thiết, như một sự gợi ý, gợi hứng, chưa đoán rõ chữ mà Huấn Cao cho viên quản ngục là chữ gì, dù tác giả bài viết có nhắc đến chữ tài trong tác phẩm như là một tín hiệu lấp lánh đáng lưu ý nhất.

Đọc truyện ngắn, căn cứ diễn biến cốt truyện, hoàn cảnh chung và riêng của câu chuyện, tính cách nhân vật và mối quan hệ giữa các nhân vật… có thể thấy, chắc chắn, với sở học sâu rộng của mình, Huấn Cao sẽ cho viên quản ngục những chữ hợp với con người có tấm lòng biệt nhãn liên tài này. Tuy nhiên, đó không chỉ một chữ mà là nhiều chữ, can lại thành cặp câu đối như sở nguyện của nhân vật quản ngục (cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một câu đối do tay ông Huấn Cao viết). Và sự thực: Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Vậy là Huấn Caocho chữ viên quản ngục cả một câu đối, viết trên nhiều tấm lụa trắng, sau đó theo thứ tự đã đánh dấu mà can lại. Đoán cả một câu đối mà người tử tù viết (chí ít như vế đối tương truyền của Hồng Hà nữ sĩ: da trắng vỗ bì bạch cũng phải đến 5 âm tiết một vế), quả thực là mò kim đáy biển! Và đôi khi… như một chuyện rỗi hơi không đâu, vu vơ và võ đoán.

Dẫu vậy, vì đã rào đón như trên, cũng nên thử đoán...

Phương án 1: Huấn Cao đã cho viên quản ngục câu đối:

Thập tải luân giao cầu cổ kiếm/ Nhất sinh đê thủ bái mai hoa (Mười năm giao hảo tìm kiếm cổ/ Một đời chỉ cúi trước hoa mai) (1).

Nếu người đọc mường tượng bóng dáng một Cao Bá Quát trong nhân vật Huấn Cao thì theo tôi, không câu đối nào phù hợp hơn câu đối trên, trong hàng loạt câu đối nổi tiếng của Chu Thần. Hợp bởi lẽ, về mặt hình thức, đây là một câu đối ngắn (thất ngôn), có thể viết nhanh trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện, đất bừa bãi phân chuột, phân gián. Điều quan trọng hơn, về mặt nội dung, câu đối hàm chứa tất cả ý tưởng hiện hữu của câu chuyện và mối quan hệ giữa các nhân vật. Cái biệt nhãn liên tài thể hiện rất rõ ở vế đối thứ nhất. Cái khí phách anh hùng, tâm hồn trong sạch, thanh cao của Huấn Cao và lời khuyên của ông đối với viên quản ngục thấm đẫm ở vế đối thứ hai. Quả thực, với nhân vật viên quản ngục, không chữ nào hợp hơn, thiêng liêng hơn hai vế đối này!

Phương án 2: Căn cứ lời dặn thơm mùi mực của Huấn Cao đối với viên quản ngục sau khi cho chữ, người viết bài này mạo muội bịa ra câu đối sau - điều mà lí luận tiếp nhận văn chương bây giờ cổ súy và cho phép - đồng sáng tạo:            

Hắc ngục nan trữ thiên lương tính/ Bạch sa trường lưu hào kiệt thư/ (Ngục đen khó giữ tính thiên lương/ Lụa trắng lưu mãi lời hào kiệt).

Dĩ nhiên, câu đối này không bao giờ có thể đặt cạnh câu đối trên. Được cái, có lẽ nó gắn ngay với diễn biến cốt truyện và cũng không đến nỗi không hàm chứa được khí phách, tâm hồn, sự đồng điệu và cảm thông lẫn nhau giữa hai nhân vật chính của truyện ngắn (trong bối cảnh cho chữ như vậy, có thể lắm chứ, Huấn Cao đã nghĩ ra hai vế đối này!).

Thật là bạo gan khi đoán già đoán non về chữ nghĩa, nhất trước một bậc thầy dùng chữ như xiếc trên văn đàn Việt Nam xưa nay là nhà văn Nguyễn Tuân. Cái sai là nhãn tiền, cúi đầu xin hương hồn cụ Nguyễn và hương linh nhân vật Huấn Cao đại xá!

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập227
  • Hôm nay35,435
  • Tháng hiện tại1,319,630
  • Tổng lượt truy cập39,790,777
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây