Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Báo bảng tháng 11, 12 năm 2011

Thứ bảy - 20/07/2019 13:03
Tháng 11 và tháng 12 có những ngày trọng lễ. BBT báo bảng trường THCS Hoàng Xuân Hãn ra số báo đặc biệt chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam và kỉ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam

Giới thiệu

     Số báo đặc biệt này đăng đăng các tác phẩm viết về nhà giáo, tác phẩm của nhà giáo, của các nhà thơ áo lính… với nhiều mối liên hệ đáng chú ý. Mở đầu, thay lời cùng bạn đọc, là tiểu luận ngắn “Người Thầy, Người lính và Thơ” của Nguyễn Thanh Truyền. Phần thơ đăng các tác phẩm: Một giờ và 10 phút của Phạm Tiến Duật, Thưa thầy của Tạ Nghi Lễ, Hò hẹn mãi cuối cùng em cũng đến của Hoàng Nhuận Cầm. Nhà giáo Dương Thế Vinh góp mặt với tác phẩm mới Nhớ bạn. Phần văn xuôi đăng tản văn Nỗi niềm cô chuyển lớp của Đoàn Ly Na - Học sinh lớp 8A.

Người thầy, Người lính và Thơ

    Thơ ca là sáng tạo diệu kì của nhân loại mà qua đó, tinh hoa lịch sử và văn hoá, vẻ đẹp tâm hồn và trí tuệ của mỗi dân tộc được toả sáng. Chúng ta có thể nhìn thấy từ lịch sử văn học dân tộc Việt Nam nhiều thứ ánh sáng vĩnh cửu. Và trong nhiều luồng ánh sáng, vẫn thường có những vệt giao thoa…

    Hiếm có dân tộc nào trên thế giới trải qua lịch sử mấy nghìn năm mà phải đương đầu với chiến tranh nhiều như dân tộc ta. Bọn giặc điên cuồng luôn nuôi dã tâm xâm phạm bờ cõi, thôn tính hòng đồng hoá. Ngọn lửa chiến tranh chưa mấy khi nguội tắt trên dải đất thân thương này. Các thế hệ người Việt “lớp cha trước, lớp con sau” tiếp bước nhau bảo vệ Tổ quốc. Thơ ca nghìn năm nay cũng đồng hành xung trận. Rất nhiều thi nhân Việt Nam xưa cũng như nay là sự hội tụ của con người binh lửa và tâm hồn thơ ca. Huyền sử về Lý Thường Kiệt và bản tuyên ngôn độc lập “Namquốc sơn hà” còn đó. Khí phách “Chương Dương cướp giáo giặc/ Hàm tử bắt quân thù…” của Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải còn đó. Vẻ lẫm liệt “Múa giáo non sông trải mấy thu” của danh tướng Phạm Ngũ Lão cũng còn đó. Nền thơ hiện đại nước ta ghi nhận sự đóng góp to lớn của nhiều thế hệ nhà thơ khoác áo lính “cùng xương thịt với nhân dân”: Chính Hữu, Hồng Nguyên, Trần Mai Ninh, Hữu Loan, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh… . Thơ ca đã làm hiện rõ vẻ đẹp cốt cách người Việt: “Sống vững chãi bốn ngàn năm sừng sững/ Lưng đeo gươm, tay mềm mại bút hoa/ Trong và thật, sáng hai bờ suy tưởng/ Rất hiên ngang mà nhân ái chan hoà” (Huy Cận).

    Dân tộc ta có truyền thống tôn sư trọng đạo. Từ sự soi chiếu này, ta thấy thêm một vẻ đẹp của thơ ca dân tộc. Có nhiều nhà giáo đồng thời là nhà thơ. Nguyễn Bỉnh Khiêm, Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Đình Chiểu, … là những con người như thế. Các nhà thơ hiện đại như Vũ Đình Liên, Thanh Tịnh, … trước cách mạng, cùng rất nhiều nhà thơ thời chống Pháp, chống Mỹ và đương đại cũng là những con người như thế. Có lẽ nghề giáo - nghề được ví là kĩ sư tâm hồn - rất cần cảm hứng nhiệt tình, đánh thức lòng trắc ẩn, rất cần những rung động tinh tế… nên có rất nhiều điều gần gũi với đặc trưng của thi ca. Bởi thế, các nhà giáo chọn thơ hay thơ chọn các nhà giáo để đến với trái tim con người thật khó phân minh! Nhưng lịch sử văn học dân tộc còn có điều thú vị và thi vị hơn: rất nhiều nhà thơ là nhà giáo từng ít nhất một lần khoác lên mình áo lính. Hình ảnh hội tụ những phẩm chất người thầy - người lính – nhà thơ tiêu biểu nhất của thế kỉ XX chính là Hồ Chí Minh, nhân cách văn hoá vĩ đại của dân tộc. Thật khó liệt kê danh sách còn lại, khi có nhà thơ từng viết “Thời đánh Mỹ là thời thi vị nhất”. Thời “thi vị” ấy có nhiều nhà giáo không kịp lên bục giảng, vội khép trang vở sinh viên để lại giảng đường, khoác ba lô “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”. Thế hệ Lê Anh Xuân, Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Tiến Duật,… là như thế. Nếu không có chiến tranh, chắc hẳn dân tộc này đã có nhiều thế hệ nhà giáo tài hoa. Nhưng chiến tranh đã xảy ra, đã đi qua, chúng ta cũng may mắn có được những gương mặt nhà thơ đáng yêu của thời đại! Những trang thơ từ trái tim nhà giáo sinh ra và lớn lên trong bầu khí quyển thời đại ấy vẫn đang được viết tiếp…

      Xin trân trọng gửi đến bạn đọc “Người thầy, Người lính và Thơ” nhân ngày Nhà giáo Việt Nam và ngày Thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam năm 2011.

                                                                                 NGUYỄN THANH TRUYỀN

 

Nhớ bạn

 

              Gửi Võ Nguyên

 

Ta ngồi với nhau

Bên sông Mường Mán

Ly cà phê vườn

Thơm hương thanh long

Tóc bạn chớm bạc

Tóc tôi hết xanh

Hai mươi năm lẻ

Về lại sông xưa

Sông lở nhiều rồi…

 

Bạn nói trường chuyên

Giờ thiếu người dạy

Giá như ngày ấy

Vinh dừng về quê!

 

Bạn nói bây giờ

Thứ gì cũng lắm

Chỉ có bạn bè

Ngày một thiếu vắng

Giá như ngày ấy

Vinh đừng về quê...

 

                    DƯƠNG THẾ VINH

Nỗi niềm cô chuyển lớp

      Đã gần hai tháng kể từ ngày cô không còn dạy Văn chúng tôi, để lại sau lưng đám nhóc 38 đứa ở cái tuổi dở dở ương ương. Lũ chúng tôi đứa nào cũng bần thần, ngơ ngác.

      Nhớ lại năm trước, cũng tình trạng này, cô Hương “bỏ rơi” chúng tôi, đứa này nhìn đứa kia khi nghe tin cô Huyên - một cô giáo chúng tôi chưa biết nhiều, sẽ vào dạy Văn lớp mình. Trống vào học, cả lớp ai cũng vội vàng chạy vào phòng, hồi hộp chờ đợi sự xuất hiện của cô giáo mới với vô vàn câu hỏi: Cô Huyên thế nào nhỉ? Có thích như cô Hương không? Sao lại cứ phải thay đổi thế nhỉ? Chán quá! Chán ơi là chán! … Đang rối tung vì những lo lắng ấy thì cô xuất hiện. Cả lớp 7A đều có chung cảm giác xa lạ. Nhưng… Một dáng đi thon thả, mái tóc đen mượt với khuôn mặt hiền từ… Ôi, cô giáo của chúng tôi!

       - Chào các em! Cô tên là Hồ Thị Huyên. Năm nay, cô được nhận nhiệm vụ dạy lớp 7A chúng ta. Cô rất mong cả cô và trò đều vui vẻ trong các giờ học!

      Lời giới thiệu hiền dịu, ấm áp của cô bỗng như xoá tan khoảng cách mà cả lớp chúng tôi vẫn hình dung trước đó.

      Rồi thời gian như làn gió mát trôi đi. Chẳng biết từ bao giờ cô với chúng tôi đã như tình mẹ con. Cô không chỉ giúp chúng tôi tìm kiếm cho mình những tri thức mới qua những trang văn, giúp chúng tôi rèn luyện những kĩ năng làm bài, ôn bài… cô còn nhắc nhở, dạy bảo chúng tôi cách nói năng, đi đứng, ứng xử… sao cho tế nhị, phù hợp với từng hoàn cảnh. Và cứ thế, những kỉ niệm giữa cô trò chúng tôi ngày một ắp đầy.

      Tôi chẳng thể nào quên được một ngày đặc biệt – sinh nhật cô. Lớp chúng tôi bố trí mua bánh ga-tô, bim bim, trái cây, nước ngọt… và một món quà cực kì đáng yêu rồi rồng rắn kéo đến nhà cô.

      - Sao các con biết ngày sinh nhật của cô? Cô hỏi trong sự ngạc nhiên và niềm vui sướng.

      Cả lớp nhốn nháo:

      - Con cái mà không nhớ sinh nhật của mẹ nữa thì sao chấp nhận được, phải không cô?!

      Tiếng cười của cô và trò chan hoà. Những câu hát ngọt ngào đã sưởi ấm chúng tôi trong một ngày mùa đông lạnh giá…

       Biết cô chuyển lớp, đứa nào cũng sụt sịt, nức nở. Tiết học chia tay cô, chúng tôi nghẹn ngào. Chúng tôi đã đủ lớn để biết rằng cô không bỏ rơi chúng tôi. Cô chuyển sang dạy lớp khác, và vẫn có thể dõi theo chúng tôi.

      Tiết học sau, chúng tôi đón thầy giáo mới.

      Đúng như cô từng giới thiệu, nhưng cũng thật bất ngờ, nhà trường đã đem đến cho lũ nhóc 8A một người “bố” trẻ, tốt bụng, dạy giỏi và hài hước…

      Thật là vui. Và mỗi khi nhớ “mẹ Huyên”, chúng con chỉ còn cách gắng học!

                                                                                                         ĐOÀN LY NA  - 8B

Tác giả bài viết: BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập317
  • Hôm nay38,223
  • Tháng hiện tại1,322,418
  • Tổng lượt truy cập39,793,565
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây