Trong chương trình Ngữ văn bậc THCS, thơ Bác được đưa vào giảng dạy tất cả có 4 bài: lớp 7 có hai bài: “Cảnh Khuya” và “Rằm Tháng Giêng” với thời lượng 1 tiết; lớp 8 bài: “Tức Cảnh Pắc Bó” - 1 tiết còn 1 tiết vừa học bài “Ngắm trăng” vừa hướng dẫn học sinh tự học bài “Đi Đường”. Ai cũng công nhận rằng: Những bài thơ trên của Bác nội dung sâu sắc, phong phú và nghệ thuật hết sức đặc sắc. Nhưng làm sao để cho học sinh hiểu và cảm nhận được cái sâu sắc, phong phú cũng như đặc sắc của những bài thơ này gặp rất nhiều khó khăn, bởi những lí do sau đây:
Với vốn sống và kiến thức văn học của học sinh ở lứa tuổi lớp 7,8, thời lượng lại rất ít như vậy, để hiểu được những bài thơ của Bác là khó khăn đầu tiên. Khó khăn thứ hai: Trong số 5 bài thơ trên có 3 bài viết bằng chữ Hán là khó khăn không chỉ cho người học mà cả người dạy; người dạy cũng như người học chủ yếu tiếp xúc với bản dịch, mà bản dịch của những bài này có chỗ còn chưa lột tả hết tinh thần của nguyên tác nên khó khăn lại thêm khó khăn. Lí do thứ ba: Đặc điểm phong cách thơ Bác là hàm súc mà dư ba, giản dị mà sâu sắc, cổ điển mà hiện đại, làm rõ những đặc điểm này đối với người dạy đã khó nói chi là truyền đạt cho học sinh hiểu được. Giảng dạy thơ Bác nói chung, những bài thơ trên nói riêng mà không hiểu và làm rõ những khái niệm rất khó ở trên thì xem như chưa hiểu thơ Bác, chưa dạy thơ Bác. Đó là chưa nói đến những khái niệm mà ta hay bắt gặp khi nói về thơ Bác, đó là tâm hồn chiến sĩ, tâm hồn nghệ sĩ, chất thép, chất tình trong thơ Bác .v.v.. có lẽ do những khó khăn trên nên nhiều người khi dạy thơ Bác, dạy thơ thì ít mà nói về cuộc đời Bác thì nhiều, và cách dạy này ai cũng biết là không ổn.
Từ những thực tế trên, chúng tôi nghĩ, để thật sự hiểu thơ Bác và giảng dạy có hiệu quả nhiều khi là “lực bất tòng tâm”. Nhưng dẫu sao thì chúng tôi cũng mạnh dạn trình bày một số suy nghĩ với mong muốn được sự chia sẻ và đồng điệu của đồng nghiệp.
1. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Bác Hồ đã thấy tác dụng to lớn của văn chương. Vì vậy Người đã lấy văn chương nói chung thơ nói riêng làm nơi giãi bày tâm sự, nỗi niềm, làm chốn nương dựa tinh thần cho mình trong những lúc cuộc đời gặp khốn khó, tai ương: “Ngâm thơ ta vốn không ham; nhưng giờ trong ngục biết làm chi đây; Ngày dài ngâm ngợi cho khuây; Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”. 14 trăng tê tái gông cùm trong nhà tù của Tưởng Giới Thạch, với 133 bài thơ chắc chắn là nỗi niềm tâm sự là chốn nương dựa tinh thần cho Người để chờ đợi ngày tự do, ngày trở về đội ngũ, trở về với đồng bào, đồng chí và tổ quốc thân yêu.
Với bản tính khiêm tốn chưa khi nào Bác xem mình là nhà thơ nhưng thơ Người hết sức đặc sắc, phong phú và ám ảnh mãnh liệt. Phải chăng vì chính cuộc đời Người là thơ: “Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ”, hay nói như Vũ Cao:
“Người là quê hương là con yêu đất nước
Người lại là thơ mang biết mấy tâm hồn…”
Nhận thức được những điều trên là khởi thuỷ để chúng ta đi vào tìm hiểu những bài thơ của Bác: Giản dị mà sâu sắc, hàm súc mà dư ba, cổ điển mà hiện đại.
2. Tìm hiểu, phân tích thơ nói chung, thơ Bác nói riêng, không thể không tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của những bài thơ đó. Khi phân tích những bài: “Tức Cảnh Pắc bó”, “Rằm tháng giêng”, “Cảnh khuya”, “Ngắm trăng”, “Đi đường” của Bác, mới chỉ nêu hoàn cảnh ra đời của những tác phẩm này, tự thân nó đã nói lên nhiều điều sâu sắc. Nơi chiến khu Việt Bắc, những ngày đầu kháng chiến gian khổ, cam go của cuộc chiến thế mà đọc “Cảnh khuya”, “Rằm tháng giêng”, ta không hề thấy cái gian khổ, hiểm nguy đó. Điều này giúp chúng ta hiểu nhiều điều đặc biệt về con người Bác, thơ Bác. Hay việc “Ngắm trăng” trong chốn lao tù cũng thật đặc biệt. Đặc biệt hơn là nỗi niềm day dứt, băn khoăn của người tù Hồ Chí Minh, thi sĩ Hồ Chí Minh trước một đêm trăng đẹp mà lại thiếu hoa và rượu… Cái phong thái của Người trong những bài thơ trên làm sao mà tách bạch được đâu là tâm hồn chiến sĩ, đâu là tâm hồn nghệ sĩ…?
3. Thiên nhiên nói chung và trăng nói riêng từ xưa đã có duyên nợ đối với các thi nhân. Bác Hồ cũng đã kế thừa mối duyên nợ đó nhưng ở Người có gì đặc sắc và độc đáo trong mối giao hoà máu thịt với thiên nhiên? Cái đặc sắc và độc đáo của Bác phải chăng là ở cảnh ngộ gắn bó (trong kháng chiến, trong chốn lao tù), mức độ gắn bó (máu thịt, thuỷ chung) mà chưa thấy thi sĩ nào đạt đến cái độ ấy: “Nguyệt thôi song vấn thi thành vị”, hay “Nhân hướng minh tiền khán minh nguyệt”; “Nguyệt tòng song khích khán thi gia”.
Mối giao hoà, gắn bó máu thịt, lâu bền này, nhiều nhà thơ khi viết về Người đã nói đến thật cảm động:
“Trên bàn Bác chúng con không thắp nến
Đã có vầng trăng ôm ấp quanh Người
Bác yêu trăng như yêu một cuộc đời
Trong thơ Bác trăng với hoa là bạn.”
4. Giảng dạy thơ Bác nói chung, những bài thơ ở chương trình THCS nói riêng phải làm rõ đặc điểm phong cách thi pháp thơ Bác: Hàm súc mà dư ba, giản dị mà sâu sắc, cổ điển mà hiện đại… Đây là những vấn đề rất khó. Học sinh ở THCS chưa được trang bị kiến thức về lí luận văn học nên làm sáng tỏ những vấn đề phức tạp ấy phải phân tích những ví dụ cụ thể ở những bài thơ của Bác. Xin dành vấn đề khó khăn, phức tạp này cho một bài viết khác.
5. Trong số những bài thơ của Bác được đưa vào giảng dạy ở bậc THCS có mấy bài được viết bằng chữ Hán: “Nguyên tiêu” (Rằm tháng giêng), “Vọng nguyệt” (Ngắm trăng), “Tẩu lộ” (Đi đường). Ở đây chúng tôi xin được nói đến bản dịch hai bài thơ “Nguyên tiêu và Vọng nguyệt”.
Nguyên văn: Nguyên Tiêu
Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên
Xuân giang, xuân thuỷ tiếp xuân thiên
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Dịch thơ: Rằm tháng giêng
Rằm xuân lồng lộng trăng soi
Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân
Giữa dòng bàn bạc việc quân
Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền.
Rõ ràng người dịch bài thơ này có rất nhiều thành công, tuy nhiên có mấy chỗ cần lưu ý:
ở câu 1: Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên nghĩa là: Đêm nay rằm tháng giêng trăng tròn đầy, ở bài dịch: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi”. Hai chữ “lồng lộng” không có ở nguyên tác nhưng người dạy hay nhấn mạnh, tán nhiều từ láy “lồng lộng” này.
Câu thứ 2: Trong nguyên bản có 3 từ xuân: sông xuân, nước xuân, trời xuân, ở bản dịch bỏ mất một từ “xuân”, đã làm cho câu thơ nguyên tác đầy ắp mùa xuân vơi đi ít nhiều xuân ấy.
Câu thứ 3: “Giữa dòng” không thể lột tả được “thâm xứ” của nguyên tác.
Câu thứ 4: Từ “ngân” không có trong nguyên tác, nhiều giáo viên lại tập trung bình từ “ngân” này. Trong nguyên tác hai câu thơ:
Yên ba thâm xứ đàm quân sự
Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền
Rất gần với không khí của hai câu thơ trong bài Phong kiều dạ bạc của Trương Kế:
Cô tô thành ngoại hàn san tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền
Không khí cổ thi này không hề có ở bản dịch. Người dịch thơ chắc chắn rất biết những điều trên nhưng không có cách gì hơn khi dịch một bài thơ tứ tuyệt (7 chữ) ra thể thơ lục bát.
Nguyên bản: Vọng nguyệt
Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia
Dịch thơ: Ngắm trăng
Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
ở bản dịch bài thơ này, người dịch đã bám sát từng từ nên dịch khá thành công. Chỉ có ở câu thứ 2: Đối thử lương tiêu nại nhược hà? dịch là Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ làm mất đi tâm trạng day dứt, băn khoăn của Bác nại nhược hà? cùng với một dấu chấm hỏi. Câu thơ dịch nhẹ tênh bởi người dịch đã đánh rơi mất một phần tâm trạng của Bác.
Cho hay dịch thơ cũng lắm công phu, và khi tìm hiểu, phân tích thơ chữ Hán nói chung, thơ chữ Hán của Bác nói riêng, tốt nhất là nên tiếp xúc với nguyên tác.
Năm tháng trôi đi, chúng ta mới ngộ ra rằng, rất nhiều điều bình dị của thơ Bác của con người Bác chúng ta chưa hiểu được bao lăm. Vì vậy, để hiểu thơ Bác giúp học sinh tiếp nhận được những vần thơ giản dị mà sâu sắc, mộc mạc mà ám ảnh, cổ điển mà hiện đại, chúng ta phải không ngừng tự học, tự bồi dưỡng cả về phương pháp cũng như tâm hồn có vậy mới mong hiểu được thơ của Người.
Thơ hiện nay đang thưa dần những kẻ tri âm, đồng điệu vì vậy dạy thơ trong trường phổ thông nói chung, dạy thơ Bác nói riêng gặp khó khăn trong việc tìm những tâm hồn đồng điệu. Tìm lại vị thế cho thơ, niềm yêu mến cho thơ trách nhiệm ấy không chỉ của nhà trường mà của toàn xã hội. Thực trạng là thế song ý kiến của Goethe vĩ đại đã phần nào an ủi và gieo niềm hy vọng cho chúng ta: “Ai không lắng nghe tiếng nói của nhà thơ thì dù là ai cũng vậy, đó là người hoang dã.”