Đến năm học 91-92 thì trường chuyển về thị trấn Đức Thọ, nơi mà cơ quan Công an huyện nhường lại. Năm học này có một cô bé mới chuyển đến. Cô bé vào lớp với vẻ e ngại, lo lắng, có chút thoáng buồn vì thấy các bạn trong lớp đã học với nhau từ những năm lớp 5, lớp 6, lại là các cô chiêu cậu ấm của các gia đình khá giả khắp nhiều nơi trong huyện chuyển về.
Tôi nhớ cô bé rất rõ vì cô là người học trò đến sau với lớp. Cô có thói quen bím tóc hai bên, lại không tự tin vì nhà nghèo, bố là thương binh hạng nặng đang có mảnh đạn trong đầu sớm nắng chiều mưa vì sức khỏe. Mẹ cô bé là nhân viên cửa hàng lương thực. Ngoài việc tại cửa hàng, mẹ cô còn phải làm thêm để nuôi ba con và người chồng thương binh. Vì thế nên ngoài giờ học cô bé phải làm nhiều việc để giúp đỡ gia đình. Nào cắt rau, cắt chuối, nuôi lợn, dọn dẹp nhà cửa, nấu cơm, giúp các em học tập… Thế mà cứ chiều chiều khoảng 4 giờ em lại tranh thủ ra nhà cô giáo hỏi cô một bài toán khó và cõng bé Dung 3 tuổi (con của tôi) về nhà. Có hôm tôi vào nhà để xem chị em chúng học và chơi như thế nào, thấy cô bé mua cho em Dung một cái bánh đa vỡ (cho rẻ) ở nhà bên cạnh. Đặt em ngồi trong cái nong nhỏ ăn bánh, cô bé ngồi hí húi làm bài. Đến gần tối lại cõng em ra nhà cô trả để hỏi thêm một bài toán nữa. Cứ như thế cô bé chăm chỉ học tập, hỏi bạn, hỏi cô, đến năm học 93-94 cô bé học xong lớp 9. Sau gần 2 năm học tập và rèn luyện chăm chỉ, từ chỗ thiếu tự tin, chưa giỏi cô bé đã ltrở thành một học sinh giỏi.
Năm tháng qua đi, tôi vào thị xã Hà Tĩnh dạy được 6 năm. Tháng 4 năm 2000 tôi bị đau nặng phải nằm điều trị tại bệnh viện Bạch Mai Hà Nội. Lúc này cô bé có hai bím tóc dài cùng các bạn Trọng (đại học Bách Khoa), Huy (Bưu Chính Viễn Thông), Hải, Hồng Hạnh (cùng học Kinh Tế Quốc Dân) cứ chiều chiều lại sang thăm cô giáo cũ, dìu cô lên xe lăn, đẩy cô đi tắm, đi dạo và giặt giũ quần áo cho cô, lại còn làm vui lòng cô bằng cách đạp xe đến Tràng Tiền mua kem cho cô ăn, về đến bệnh viện kem đã chảy hết chỉ còn que là que. Đã là sinh viên đại học sắp ra trường mà các em vẫn hồn nhiên, vô tư như ngày nào còn là những cậu ấm cô chiêu ngây thơ, được mọi người nuông chiều, chăm sóc dạy dỗ. Những kỷ niệm này đã in đậm vào lòng tôi về tình thầy trò Năng Khiếu Đức Thọ hơn tất cả trong cuộc đời cầm phấn của mình.
Như chu kỳ tự nhiên của cuộc sống, 6 năm sau tại Hà Nội (năm 2006) tôi gặp lại cô bé có 2 bím tóc dài trên chiếc xe Mecedec do cô tự lái, khi cô tìm đến căn hộ chung cư của gia đình tôi thăm hỏi và chở tôi đi mua sắm đồ gia thất. Câu nói của cô đã gây ấn tượng mạnh cho tôi: “ Cô à, thời còn sinh viên đi học, vì vất vả nên chúng em thường phải mua đồ cũ, xoàng xỉnh để măc. Vì vậy chổ nào bán đồ cũ nát em đều lần tới. Cho đến bây giờ, ở Hà Nội nơi nào bán giẻ rách em cũng biết và nơi nào bán kim cương em cũng tường ”. Cô bé còn nói: “Cô ơi! Không có các cô, thầy ngày ấy, không có trường Năng Khiếu Đức Thọ ngày ấy, thì chẳng bao giờ có em được như ngày hôm nay”. Câu nói ấy chứa chan một niềm trân trọng biết ơn đối với thế hệ các thầy cô trường Năng khiếu Đức Thọ. Hiện em đang theo học thạc sỹ kinh tế học tại Mỹ, có một gia đình đầm ấm với người chồng hiền lành luôn ân cần chăm sóc vợ con. Em đã làm được cho bố mẹ một tòa nhà rộng rãi, khang trang. Em cũng đã làm rất nhiều việc từ thiện ngay trên quê hương mình. Em tâm sự với tôi: “Em là cô bé đến sau của lớp, chắc các bạn đồng trang lứa cũng đã trưởng thành lắm rồi. Em mong rồi đây sẽ được góp phần nhỏ bé của mình vào sự nghiệp ươm mầm tài năng của mái trường Năng Khiếu Đức Thọ quê mình…”
Bây giờ tôi đã sang tuổi chuẩn bị nghỉ hưu. Hình ảnh cô bé đến sau của 28 học sinh khóa học Năng Khiếu Đức Thọ 89-94 hồi ấy vẫn không bao giờ phai nhạt trong tôi. Với ý chí, nghị lực phi thường, em đã vượt khỏi chính mình, vượt khó, vươn lên, từng bước thành đạt trong cuộc đời. Đó là cô bé đến sau của mái trường Năng khiếu Đức Thọ, nay là trường Hoàng Xuân Hãn - là cô bé có hai bím tóc dài Lưu Thị Nga