Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Những yếu tố cần có để đem đến thành công cho tiết dạy

Thứ sáu - 26/07/2019 06:55
Ngày 26/12/2012, Phòng GD-ĐT Đức Thọ đã tổ chức hội thảo về Các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục THCS. Nhiều tham luận của các nhà giáo là CBQL và giáo viên các trường THCS trong huyện thể hiện sự trăn trở, tìm tòi hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng dạy học
BBT sẽ lần lượt chuyển đến bạn đọc nội dung các tham luận đó. Trước tiên, xin giới thiệu tham luận "Những yếu tố cần có để đem đến thành công cho tiết dạy trên lớp" của thầy giáo Nguyễn Thanh Truyền - THCS Hoàng Xuân Hãn.

      1. Một tiết dạy thành công là mong muốn của tất cả những nhà giáo tâm huyết. Tiết dạy thành công là tiết dạy mà người giáo viên đã hoàn thành xuất sắc vai trò tổ chức, hướng dẫn của mình: phát huy được tối đa tính chủ động, sáng tạo của người học để người học tự mình chiếm lĩnh đơn vị kiến thức theo kế hoạch dạy - học mà người dạy đề ra. Rất nhiều người, kể cả người trong nghề, cứ nghĩ việc dạy học là một công việc nhàm chán vì vẫn chương trình ấy, bài học ấy, đơn vị kiến thức ấy... "biết rồi, khổ lắm, nói mãi" như một vòng tuần hoàn, cứ lặp đi lặp lại mỗi năm. Thực ra bản chất của việc dạy học không phải như thế, bản chất của nghề dạy học là sáng tạo - cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói "nghề dạy học là nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo". Câu nói của cố Thủ tướng phải hiểu theo nhiều khía cạnh, trong đó ta có thể thấy vai trò hết sức quan trọng của người thầy. Một tiết dạy thành công là một lần người dạy thỏa mãn được niềm đam mê nghề nghiệp, cảm nhận được niềm vui của sự sáng tạo - sáng tạo trong cách tổ chức hướng dẫn, sáng tạo trong việc tìm kiếm được tri thức mới mẻ, sáng tạo cùng sự sáng tạo của học sinh, vui cùng niềm vui, sự hứng thú khi tự phát hiện và chiếm lĩnh tri thức của học sinh. Có lẽ hạnh phúc của nghề giáo chủ yếu đến từ niềm vui của sự sáng tạo đó chăng?!

      Làm thế nào để có những tiết lên lớp thành công, chất lượng là nỗi trăn trở không của riêng ai đã và đang công tác trong ngành. Nó cũng chính là con đường hình dung và kiếm tìm niềm hạnh phúc trong nghề nghiệp.
      2. Một tiết dạy trên lớp chỉ thực hiện trong khoảng thời gian 40 đến 45 phút. Để có một tiết dạy thành công, cần nhiều yếu tố, trong đó hai yếu tố trung tâm là kiến thức và phương pháp. Đích đến của kiến thức và phương pháp ấy, nói như Nhà giáo Nguyễn Trí Hiệp, là phải làm sao cho học sinh "dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng".

      Về kiến thức: kiến thức phải chính xác, khoa học, phù hợp với "chuẩn KTKN",  đảm bảo tính hệ thống, đủ nội dung, làm rõ được nội dung trọng tâm của bài học để học sinh hiểu và tiếp thu được. Người dạy phải thật sự chủ động về kiến thức trong tiết dạy, không quá ôm đồm, phải bám vào trọng tâm, kiến thức trọng tâm phải được học sinh chiếm lĩnh và người dạy khắc sâu.

      Về phương pháp: Hiểu rõ đặc trưng bộ môn, vận dụng các phương pháp dạy học phù hợp, hiệu quả, không gượng ép. Với môn Ngữ văn, người dạy không chỉ phải nắm đặc trưng bộ môn mà còn phải chú ý đặc trưng các phân môn. Dạy một tiết Tiếng Việt phải khác một tiết lý thuyết Tập làm văn và càng khác một tiết Đọc - hiểu văn bản. Với tiết Đọc - hiểu văn bản lại phải nắm vững và dạy đúng đặc trưng thể loại: dạy truyện không thể giống dạy thơ, dạy thơ cổ trung đại không thể giống dạy thơ hiện đại,... Để tổ chức hoạt động dạy học hiệu quả, mỗi môn học, mỗi phân môn, đến mỗi đơn vị bài học đều đòi hỏi những phương pháp rất cụ thể, riêng biệt. Biết sử dụng tình huống, tạo các tình huống có vấn đề để kích thích hứng thú học tập cho học sinh. Hệ thống câu hỏi trong quá trình thực hiện các phương pháp giảng dạy trên lớp phải phù hợp với nội dung bài học, với các đối tượng học sinh khác nhau trong từng lớp học. Đó có thể là câu hỏi tái hiện kiến thức, câu hỏi phát hiện, có thể là câu hỏi mở. Ngôn ngữ nói và trình bày bảng của người thầy phải đảm bảo tính sư phạm và tính khoa học.     

      Để có một tiết dạy thành công, ngoài các yếu tố về phương pháp - phương tiện, phong cách sư phạm, còn cần đặc biệt lưu ý một yếu tố nữa là: phải luôn sáng tạo. Sinh thời, nhà thơ Lưu Quang Vũ có câu thơ rất hay "Tôi chán cả bạn bè/ 

Mấy năm rồi, họ chẳng nói được câu gì mới ". Câu thơ ấy nhắc nhở người giáo viên, nhất là giáo viên Ngữ văn phải luôn biết làm mới mình, làm mới những tri thức, làm mới cách tiếp cận, dẫn dắt... Tiết dạy thành công, hiệu quả là tiết dạy người thầy thể hiện được sự sáng tạo trong dẫn dắt kiến thức và phương pháp, đặc biệt là phương pháp. Người dạy phải linh hoạt trong việc kết hợp các kĩ năng hỏi - đáp, diễn giải, quan sát, viết bảng, phân tích, tổng hợp... trong giờ dạy. Với Ngữ văn, đặc biệt giá trị là những lời bình chú đích đáng và độc đáo, thức dậy những cảm xúc, liên tưởng, đọng lại những dấu ấn đầy tính nhân văn. Để thật sự thành công với một tiết dạy, người thầy cần thể hiện một phong cách, một lối riêng trong tổ chức dạy học, thể hiện chính kiến về tri thức khoa học, không lệ thuộc vào các tài liệu tham khảo... Ở đơn vị chúng tôi, các đồng nghiệp đã không ít lần thể nghiệm những lối đi riêng, thiết lập lại cấu trúc các bài giảng tưởng đã rất ổn định qua nhiều năm cầm phấn và đã tạo nên những giờ giảng để lại ấn tượng tốt đẹp, khó quên. Phong cách giảng dạy rất riêng của người thầy, lối tiếp cận riêng với mỗi đơn vị bài học là điều cực kì cần thiết, góp phần tạo nên "không khí văn chương" rất đặc trưng cho những giờ học Ngữ văn.
      Sẽ là ảo tưởng nếu tất cả các tiết lên lớp đều thành công như người thầy mong muốn. Nhưng một tiết lên lớp hiệu quả, đảm bảo chuẩn KTKN không phải là điều quá khó. Những điều chúng tôi vừa nói trên đây là hình dung về một tiết lên lớp thật sự thành công. Khi người dạy luôn theo đuổi những tiết dạy thành công, lý tưởng với ý nghĩa họ thỏa mãn được niềm đam mê nghề nghiệp đồng thời học sinh của họ có được sự hứng thú, chủ động khi chiếm lĩnh tri thức, hình thành kĩ năng thì khi đó chất lượng những giờ lên lớp thật sự khả quan. Chất lượng giáo dục có được nâng cao hay không là nhờ vào những tiết dạy cụ thể như thế.

      Vấn đề nảy sinh là làm thế nào nuôi dưỡng những niềm đam mê ấy và khơi dậy, duy trì sự hứng thú ấy?

      3. Nhìn vấn đề sâu hơn, một tiết dạy trên lớp thành công là kết quả của cả quá trình. Quá trình ấy có ý nghĩa quyết định chất lượng giờ lên lớp. Trong thực tế, có những giờ lên lớp thành công nhờ kĩ năng "diễn xuất" của người dạy, không xuất phát từ nền tảng kiến thức vững chắc và nghệ thuật sư phạm. Nhưng đó là những biểu hiện cá biệt, nhất thời, không thể bền lâu. Giáo dục là cả quá trình, không thể có thành công trong giáo dục với quan điểm "làm ăn thời vụ", "hớt váng". Nói chung, để có những tiết lên lớp thành công cần rất nhiều yếu tố hậu thuẫn.

      3.1. Trước hết, quyết định một tiết dạy thành công là ở bản thân người dạy. Khi người thầy có trách nhiệm, có niềm đam mê với chuyên môn của mình, có lòng yêu nghề mến trẻ họ sẽ phát huy tối đa khả năng tự học, từ bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ; họ sẽ không ngừng trăn trở về những tiết học hiệu quả, chất lượng. Họ sẽ không ngừng vận dụng, thể nghiệm những kiến thức và phương pháp, không ngừng điều chỉnh hoạt động giảng dạy theo hướng ngày càng có chất lượng, hiệu quả. Thực tế dạy học cho thấy để có một giờ dạy thành công không chỉ đòi hỏi kiến thức chuyên môn hẹp mà còn rất cần những kiến thức liên môn. Nền tảng tri thức chuyên ngành được đào tạo vốn hạn hẹp, một nhà giáo dục cần nhiều hơn thế, kiến thức chuyên ngành cần luôn bồi đắp, kiến thức liên ngành luôn cần cập nhật. Đó là quá trình chuẩn bị thường xuyên, bền bỉ. Nếu không có quá trình lâu dài, bển bỉ ấy rất khó có những giờ lên lớp thăng hoa.

      Cùng với quá trình chuẩn bị lâu dài về chuyên môn nghiệp vụ là sự chuẩn bị cho một tiết dạy cụ thể trước khi lên lớp. Sự chuẩn bị thể hiện ở nhiều khâu: từ kế hoạch dạy học, xác định trọng tâm kiến thức, lựa chọn phương pháp, thiết kế cách tổ chức các hoạt động... từ phía người dạy và người học. Sự chuẩn bị bài bản, chu đáo, nhuần nhuyễn cho mỗi tiết dạy đã bảo đảm hơn 50% thành công của tiết dạy ấy, ngoại trừ những yếu tố khách quan, người dạy cũng đã hết mình.

       3.2. Một tiết dạy thành công là kết quả của trách nhiệm và niềm đam mê nghề nghiệp của mỗi cá nhân. Nhưng trách nhiệm và niềm đam mê ấy có cháy lên hay âm ỉ ở mức bình thường thì lại phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố môi trường. Yếu tố môi trường hết sức quan trọng. Môi trường có thể biến ý thức trách nhiệm thành thái độ vô cảm, có thể làm những đam mê nguội tắt. Môi trường cũng có thể thổi bùng lên ý thức tự giác, tinh thần trách nhiệm sục sôi, thổi bùng lên niềm đam mê cháy bỏng, khát khao cống hiến. Yếu tố môi trường giáo dục mà chúng tôi đang đề cập ở đây chính là môi trường chuyên môn trong đội ngũ nhà giáo ở một trường học, môi trường chuyên môn đặc trưng cho từng bộ môn. Đó là nơi các hoạt động chuyên môn thật sự được nhìn nhận đúng mức; những nỗ lực, những đóng góp về chuyên môn được ghi nhận, cổ vũ; những ý kiến trái chiều về chuyên môn được lắng nghe, tôn trọng. Đó là nơi mà mỗi tổ nhóm chuyên môn hẹp luôn có sự trao đổi, tương tác trước và sau các tiết dạy, các chuyên đề để làm giàu có nhau lên về kiến thức và phương pháp. Đó cũng là nơi những hoạt động chuyên môn, những đóng góp chuyên môn nhận được sự quan tâm, đãi ngộ tương xứng. Môi trường chuyên môn, về cả ý nghĩa tinh thần và vật chất như thế, tạo động lực thúc đẩy sự phấn đấu, đóng góp cống hiến của mỗi cá nhân.

      Trách nhiệm và tâm huyết là những điều sẵn có trong mỗi nhà giáo chân chính. Đánh thức và phát huy tối đa những phẩm chất ấy chính là nhờ yếu tố môi trường chuyên môn.

      3.3. Với chất lượng đại trà cần như thế, với chất lượng học sinh giỏi môi trường chuyên môn càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Là đơn vị trong nhiều năm qua được ngành tin tưởng trao trọng trách bồi dưỡng học sinh giỏi, chúng tôi xin nói đôi điều về vấn đề này. Nhiều người nói rằng công tác bồi dưỡng học sinh giỏi không phải ai cũng có thể đảm đương. Giáo viên làm công tác bồi dưỡng HSG có rất nhiều động lực tự thân, đó là niềm đam mê nghề nghiệp, năng lực và uy tín chuyên môn. Để có một buổi dạy bồi dưỡng HSG, người dạy phải lao tâm khổ tứ, trăn trở rất nhiều về hệ thống kiến thức và kĩ năng, lại phải cố gắng vượt lên áp lực thành tích để có những giờ dạy nhẹ nhàng, lôi cuốn, nhen lên niềm đam mê với môn học trong mỗi học trò. Cái nhìn chia sẻ cảm thông với những cống hiến miệt mài trong những mùa thi thất bát, sự khích lệ động viên chung vui mỗi lần thắng lợi... là những điều rất cần. Làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi giống như người nông dân một nắng hai sương gieo cấy mùa màng. Gặp khi trời thuận gió hòa được mùa thì vui; gặp khi trái gió trở trời thất bát thì buồn vô hạn, buồn cho công sức đổ ra. Có thể mượn cách nói về rất hình ảnh của nhà thơ Xuân Quỳnh để liên hệ đến công tác bồi dưỡng học sinh giỏi: "Trong sáng tác văn chương, dự định tính bằng km nhưng điều kiện và khả năng thực hiện tính bằng cm mà thôi!...". Nói thế để thấy công tác bồi dưỡng học sinh giỏi khó lắm thay, nhất là làm công tác bồi dưỡng HSG Ngữ văn trong bối cảnh hiện nay càng gian nan vất vả!
      Bản thân chúng tôi đã từng công tác ở nhiều môi trường với những đặc điểm khác nhau, chúng tôi thấy rõ hơn bao giờ hết ý nghĩa của môi trường chuyên môn đối với mỗi công nhân viên chức làm công tác giáo dục. Chúng tôi nghĩ giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và nâng cao chất lượng tiết dạy trên lớp nói riêng, đặc biệt là công tác bồi dưỡng HSG, mấu chốt là ở cái nhìn trọng thị với hoạt động chuyên môn, chú trọng xây dựng môi trường chuyên môn ở các cơ sở giáo dục.

      3.4. Để nâng cao chất lượng tiết dạy trên lớp còn cần chú ý đến quá trình tạo không khí, thái độ, hứng thú học tập cho học sinh ở mỗi trường học, mỗi lớp học và với từng môn học. Mỗi nhà trường cần tạo nên và duy trì thường xuyên một không khí, thái độ học tập tích cực, sôi nổi trong toàn thể học sinh. Học sinh trường chúng tôi có phong trào học tập sôi nổi bởi trường chú trọng giáo dục toàn diện, vừa tập trung chất lượng chuyên môn vừa khuyến khích các hoạt động tập thể. Nhiệm vụ học tập, nề nếp sinh hoạt của học sinh thường xuyên được theo dõi và nhắc nhở. Đặc biệt, về chuyên môn, trên quan điểm giáo dục toàn diện, toàn trường duy trì phong trào đặt mua, đọc và viết bài, giải bài cho các báo, tạp chí mà nổi bật là Toán tuổi thơvà Văn học tuổi trẻ. Theo TS Nguyễn Văn Tùng, TBT Tạp chíVăn học và tuổi trẻthì tỉ lệ phát hành tạp chí này ở đơn vị trường học như THCS Hoàng Xuân Hãn là cao nhất cả nước, mỗi tháng phát hành trên dưới 400 cuốn. Cùng với các ấn phẩm đó, trường chúng tôi cũng rất chú trọng hoạt động của website, đặc biệt là các số báo bảng - những "đặc sản" của THCS Hoàng Xuân Hãn theo cách nói của những bè bạn tin yêu ngôi trường này. Phong trào này có đóng góp rất lớn vào việc tạo hứng thú học tập cho học sinh với từng môn học, không riêng gì Ngữ văn và Toán. Ví dụ như môn Mĩ thuật, hứng thú học tập môn này được tạo nên từ thầy giáo dạy Mĩ thuật rất tài hoa, nhưng còn có yếu tố khác nữa đó là các cuộc thi vẽ tranh được phổ biến tận từng em học sinh. Khi học sinh có môi trường thể hiện mình, có hứng thú với môn học, cùng với người thầy, sẽ có những tiết lên lớp chất lượng.

Trên đây là suy nghĩ của chúng tôi xung quanh những biện pháp nâng cao chất lượng tiết dạy trên lớp. Lẽ ra chúng tôi chỉ đề cập sự chuẩn bị và quá trình thực hiện của giáo viên, học sinh trước và trong khi lên lớp. Nhưng vì muốn cắt nghĩa bản chất vấn đề, chúng tôi mạnh dạn nói đến các yếu tố có quan hệ mật thiết đến tiết lên lớp chất lượng, hiệu quả như quá trình tự học, yếu tố môi trường chuyên môn, hứng thú học tập của học sinh. Chúng tôi nghĩ tổng hòa các yếu tố đó mới tạo nên sự phát triển bền vững của sự nghiệp giáo dục từ mỗi cơ sở giáo dục đến cấp ngành. Rất mong sự bổ sung của quý vị quan tâm đến vấn đề này

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Truyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập350
  • Hôm nay41,844
  • Tháng hiện tại1,326,039
  • Tổng lượt truy cập39,797,186
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây