1. Với tư cách là "thành phần nằm ngoài văn bản của một tác phẩm"(1), lời đề từ "Chim bay dọc biển đem tin cá" trong bài thơ Quê hương nổi tiếng của Tế Hanh ít khi được người đọc dành cho sự quan tâm cần thiết, thậm chí có lúc còn bị lãng quên. Ngay cả tuyển thơ Thi nhân Việt Nam (1941) cũng bỏ qua lời đề từ ấy. Trong lời "Nhỏ to..." in cuối cuốn sách, các tác giả bộc bạch: "Tôi xin lỗi vì đã tự tiện bỏ hầu hết những lời đề tặng trên các bài thơ. Trong một quyển hợp tuyển những lời ấy sẽ thành vô nghĩa. Tôi chỉ giữ lại những lời đề tặng cần phải có mới hiểu được ý thơ"(2). Các tác giả Thi nhân Việt Nam là những người có phong cách cẩn trọng và quan điểm phê bình "lấy hồn tôi để hiểu hồn người". Với lời đề tặng mà cân nhắc như thế, thì với đề từ chắc chắn họ sẽ rất đắn đo. Bởi thế, trong phạm vi tư liệu có thể tìm hiểu, chúng tôi chỉ hơi ngạc nhiên về điều thiếu sót này. Có thể nhà soạn sách chép thơ theo trí nhớ chăng?! Nhưng đáng ngạc nhiên hơn ở chỗ: sách giáo khoa hiện hành đã in nguyên dạng rồi (SGK chú thích nguồn: trong Thi nhân Việt Nam??), mà nhiều người vẫn sơ ý bỏ qua.
2. Hơn một lần, cả trong thơ và trong những bài trả lời phỏng vấn của bạn văn, Tế Hanh nhắc đến lời đề từ ấy. Xin trích một đoạn điển hình: "Tôi đến với thi ca khá sớm. Cha tôi là một nhà nho (...) Ông thường đọc cho tôi nghe những bài thơ chữ Hán của các nhà thơ đời Đường và của ông cha ta trước kia, dù không hiểu gì mấy nhưng tôi vẫn thấy hay. Ngoài ra, cha tôi còn làm nhiều bài thơ chữ Nôm. Tôi nhớ nhất là bài tả cảnh quê nhà, trong đó có hai câu mà tôi rất thích: Chim bay dọc biển đem tin cá/ Nhà ở kề sân, sát mái nhà. Khi làm bài thơ Quê hương vào năm 1939, tôi đã lấy câu thơ của cha tôi làm tiêu đề."(3) Như vậy, có thể khẳng định Tế Hanh đã sử dụng câu đề từ (ông gọi là "tiêu đề") "Chim bay dọc biển đem tin cá" và chú thích dòng chữ "Câu thơ của thân phụ tôi" ngay khi sáng tác bài thơ và chép tay vào tập "Nghẹn ngào" (tập thơ đoạt giải thưởng Tự lực văn đoàn, năm 1945 bổ sung tái bản với cái tên "Hoa niên"). Điều này rất có ý nghĩa. Nó chứng tỏ dù là "thành phần nằm ngoài văn bản" nhưng trong trường hợp này giữa lời đề từ và văn bản thơ "Quê hương" chắc chắn có mối quan hệ hữu cơ. Cách gọi đề từ là "tiêu đề" cũng rất đáng lưu tâm. Có thể nhà thơ của chúng ta không mấy quan tâm đến thuật ngữ, nhưng chữ "tiêu đề" mà ông dùng trong trường hợp này nó gợi một cách hiểu linh hoạt. Tiêu đề chính thức của văn bản là Quê hương, phải chăng theo thi nhân nó còn có thể có một tiêu đề khác nữa? Nếu thế, cái "tiêu đề" mà Tế Hanh nói chẳng phải đã cùng sinh mệnh với 20 dòng thơ kia rồi sao?! Mặt khác, chúng ta cũng cần chú ý tới thái độ hết sức kính trọng của tác giả trong cách chú thích lời đề từ: "Câu thơ của phụ thân tôi". Trong thái độ kính trọng phụ thân còn biểu hiện sự hàm ơn. Hàm ơn không chỉ bởi nhà thơ tưởng nhớ công sinh thành trời biển mà còn vì công "nuôi dưỡng tâm hồn" (Thơ đã hóa tâm hồn/ Sách đã thành tri kỷ - bài Cái tủ sách của cha tôi), công lao dắt dẫn mình vào thế giới diệu kì của thi ca. Bài Quê hương viết trong xa cách, trong nỗi niềm da diết nhớ quê. Nỗi nhớ quê gắn liền với nỗi nhớ gia đình và người thân, đặc biệt là nỗi nhớ người cha thích cảm tác và ngâm vịnh văn chương. Không bắt đầu từ những gì gắn bó nhất, thân thuộc nhất, máu thịt nhất, liệu cảm xúc có trào dâng và tài năng Tế Hanh có thăng hoa để Quê hương có thể thành kiệt tác? Câu trả lời tưởng đã quá rõ! Nói theo cách của các tác giả Từ điển thuật ngữ văn học thì ở đây chính lời đề từ đã "khơi nguồn cảm hứng cho tác giả trong quá trình sáng tạo"(4). Và như vậy, nhìn phía lời đề từ nghĩa là nhìn phía tâm lý sáng tạo, trong trường hợp này là nhìn phía sự kiện đời sống làm bật nảy tứ thơ, khơi dậy và định hình dòng cảm xúc mãnh liệt trong bài thơ. Nhìn phía lời đề từ, bởi thế, cũng là một góc nhìn giúp người đọc thấy thêm nhiều vẻ đẹp của tác phẩm, có thêm cơ hội chiếm lĩnh được bài thơ trong tính chỉnh thể toàn vẹn của nó.
3. Nhưng nhiều người chắc chẳng thấy thuyết phục bởi cách lý giải theo quy luật bếp núc ấy? Họ sẽ cho đó là suy diễn. Nói gì thì nói, văn chương là sáng tạo, là nghệ thuật của ngôn từ, là "cây đời xanh tươi", không thể quy kết nếu không bám vào thế giới hình tượng. Thế nên, chúng ta cần nhận rõ mối quan hệ hữu cơ giữa lời đề từ và văn bản thơ Quê hương.
Vì sao trong vô số bài thơ mà người cha từng đọc, nhà thơ lại nhớ và thích nhất câu thơ "Chim bay dọc biển đem tin cá"? Là người có lòng với văn chương nhưng cụ Trần Tất Tố hình như không có duyên cùng chữ nghĩa. Bạn đọc biết đến lòng yêu văn chương của cụ có lẽ chỉ bởi câu thơ được con trai cụ lấy làm đề từ trong bài thơ nổi tiếng này thôi. Câu thơ rất bình thường trích trong một bài thơ cụ làm tả cảnh quê nhà. Nói là bình thường bởi dù viết với hình thức thất ngôn với mục đích vịnh cảnh nhưng lời thơ rất giản dị, nôm na. Thế nhưng, khi tách khỏi bài thơ, nó lại có sức gợi lạ lùng. Nó giản dị như một câu tục ngữ nhưng lại có sức gợi mạnh mẽ như ca dao trữ tình. Có lẽ Tế Hanh cảm nhận được vẻ đẹp kì diệu đó của câu thơ chỉ từ khi chàng trai 15 tuổi mang theo nó trong kí ức xa quê, trải nghiệm trong nỗi niềm nhớ quê? Và có lẽ mỗi lúc nhớ quê, chàng trai ấy lại hướng lòng về xứ Quảng và ngâm nga "Chim bay dọc biển đem tin cá/ Nhà ở kề sân, sát mái nhà"?!... Câu thơ thứ hai thuần tả cảnh, giản đơn. Câu thứ nhất vừa tả cảnh vừa tái hiện bức tranh cuộc sống sinh động. Câu thơ viết về cảnh "chim bay dọc biển" khiến người đọc hình dung một không gian cao rộng, trải dài, khoáng đạt của trời biển bao la. Những cánh chim bay "dọc biển" gợi sự thanh bình, yên ả của cuộc sống, nhất là cuộc sống của dân chài lưới ven biển, bám biển. Vế sau của câu thơ, đặt trong mối liên hệ với vế trước còn hé lộ một kinh nghiệm sống của dân chài: Chim bay dọc biển đem tin cá. Với dân biển, muốn biết tình hình thời tiết để ra khơi, theo kinh nghiệm xưa, họ quan sát bầu trời để thu thập thông tin rồi mới quyết định. Những cánh chim bay "dọc biển" là một trong rất nhiều thông số quan trọng. Nếu chim bay gấp gáp, loạn xạ, có khi như lao vút, như muốn đâm đầu vào những xóm mạc ở đất liền... chính là dấu hiệu chẳng lành, là tín hiệu của bão tố, phong ba. Những cánh chim hiền hòa "dọc biển" dạo bay trong không gian một bên là bờ bãi và một bên là biển cả xanh biếc mênh mông mang theo thông điệp bí mật và tinh tế của thiên nhiên về những ngày trời yên bể lặng. Chim đem tin, và dân biển sẽ nhận tin! Bộc lộ một tình cảm gắn bó với quê hương, gợi một cảnh vật điển hình và mang chở một kinh nghiệm truyền thống quý báu trong một hình thức ngôn từ giản dị, đó là vẻ đẹp của câu thơ "Chim bay dọc biển đem tin cá". Ngẫm câu thơ này, chợt nhớ một ý của Hữu Thỉnh: "Những câu thơ hay thường có xu hướng tách ra khỏi bài thơ để trở thành các giá trị độc lập. Nói một cách khác, những câu thơ hay thường xóa bỏ xuất xứ của nó"(5). Có thể coi câu thơ chúng ta đang đọc thuộc vào số ấy. Cụ Trần Tất Tố tả cảnh mà gợi được cái thần sắc, cái linh hồn kì diệu của cảnh đã có sức khơi gợi mạnh mẽ những vùng sáng trong kí ức người đọc. Người đọc tâm đắc trước hết của cụ chính là Trần Tế Hanh, con trai cụ. Chính câu thơ gợi linh hồn làng biển của cụ đã thức dậy cảm hứng mãnh liệt của Tế Hanh, để nhà thơ trẻ viết nên kiệt tác về quê hương vạn chài - ở kiệt tác ấy linh hồn làng biển hiện lên đầy hình sắc. Nói câu thơ đề từ là sự kiện đời sống làm bật nảy tứ thơ, khơi dậy và định hình dòng cảm xúc mãnh liệt trong bài thơ là nói theo ý nghĩa ấy. Câu đề từ gợi hứng, hình ảnh và kỷ niệm bừng dậy, bài thơ cứ thế hình thành một cách hết sức tự nhiên như bức tranh cuộc sống vốn vậy.
Đọc Quê hương, nếu bỏ qua những điều vừa nói ở trên, liệu có làm mất đi cơ hội thấy thêm nhiều vẻ đẹp của tác phẩm, có thể chiếm lĩnh được bài thơ trong tính chỉnh thể toàn vẹn của nó? Rất có thể. Ở trên, ta vừa nói đặc sắc của bài thơ quê hương là đã gợi hình sắc linh hồn làng biển từ trong nỗi nhớ. Thực tế, vì sơ ý bỏ qua lời đề từ, nhiều người đã đọc và giảng dạy Quê hương theo những hướng khác nhau, ít chú ý khai thác điểm đặc sắc, có tính khác biệt của nhà thơ xứ Quảng trong bài thơ về một chủ đề quá quen thuộc.
Về hai câu thơ mở đầu bài thơ, các tác giả của Sách giáo viên Ngữ văn 8, tập 2, tr. 23 hướng dẫn: "Hai câu thơ mở đầu rất bình dị, tự nhiên, tác giả giới thiệu chung về làng quê của mình, nội dung hầu như chỉ có ý nghĩa thông tin,...". Nói Tế Hanh giới thiệu chung về làng quê "bình dị", "tự nhiên" là đúng nhưng nói "nội dung hầu như chỉ có ý nghĩa thông tin" thì không chính xác. Chi tiết thơ "cách biển nửa ngày sông" là cách nói quá quen thuộc với tác giả - người có 15 năm tuổi thơ gắn bó với quê hương làng chài, nhưng lại lạ lẫm với tất cả chúng ta. Đó là cách nói đặc trưng của người dân có gốc gác "vốn làm nghề chài lưới". "Từ đất quế, sông Trà Bồng thẳng một dòng chảy về hướng đông. Đến đoạn thôn Giao Thủy, xã Bình Thới, huyện Bình Sơn, sông tách ra làm đôi ôm kín một vùng đất rồi hợp dòng xuôi về cửa biển Sa Cần. Đất cù lao ấy có tên gọi là xa Bình Dương, nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ Tế Hanh."(6) Vị trí, khoảng cách ấy qua thơ Tế Hanh thật khác. Cách đo khoảng cách bằng "ngày sông" chẳng phải là lối nói bằng hình tượng độc đáo của những con người mộc mạc chốn làng quê đó sao?! Cách nói, cách nghĩ của người dân quê nơi nào thường gắn với thổ ngơi nơi ấy!
Ở đoạn thơ thứ hai, trong cảm hứng mà câu thơ "Chim bay dọc biển..." khơi gợi, tác giả nhớ lại và đặc tả cảnh dân chài bơi thuyền ra khơi đánh cá. Đó là bức tranh cuộc sống lao động sáng tươi và khỏe khoắn. Kí ức về cảnh sinh hoạt quê nhà trong Tế Hanh như vẫn nguyên sơ. Trung tâm bức tranh là hình ảnh con thuyền và người dân chài. Những dòng thơ tả cảnh, tả người ở đây đều sinh động, tài hoa. Tả con thuyền "hăng như con tuấn mã/ Phăng mái chèo, mạnh mẽ vượt trường giang" mà gợi lên vẻ đẹp cường tráng, dồi dào của người dân lao động miền quê biển. Đặc biệt, linh hồn làng biển hiện hình qua câu thơ tài hoa chớp được cận cảnh "Cánh buồm giương to như mảnh hồn làng/ Rướn thân trắng bao la thâu góp gió". Phép so sánh thông thường chỉ làm cho sự vật hiện lên cụ thể, sao qua cách so sánh của Tế Hanh sự vật bỗng trở nên trừu tượng, lớn lao, kì vĩ và linh thiêng?!
Tế Hanh không có ý định tái hiện cảnh lao động một cách trọn vẹn, mà chỉ tập trung thể hiện những dáng nét ấn tượng, thân quen. "Quảng Ngãi ơi! Nơi đã sinh ta/ Đến tuổi mười lăm sống tại nhà/ Từ đấy ta đi, quê khắp xứ/ Suốt đời quê mẹ vẫn không xa." Đó là bài thơ Gửi Quảng Ngãi (1983), một kênh lý giải cội nguồn cảm hứng trong sự nghiệp thơ của ông, và góp phần cho chúng ta hiểu hơn bài thơ Quê hương. Những hình ảnh làng quê hiện về trong kí ức, thức dậy những kỷ niệm, và vì không trải nghiệm cuộc sống thực sự của người dân đánh cá nên thi sĩ không nói về cảnh "Ra đậu dăm khơi dò bụng biển/ Dàn đan thế trận lưới vây giăng" (Đoàn thuyền đánh cá - Huy Cận), chỉ nhớ cảnh trên bờ. Với tình cảm sâu sắc, khả năng quan sát tinh tế, Tế Hanh đã thể hiện được nhiều nét thần tình. Một câu nói quá đỗi quen thuộc của người dân chài "Nhờ ơn trời biển lặng cá đầy ghe" được nhớ lại, gợi nhắc không khí náo nhiệt, đặc tả niềm vui bình dị, tình cảm chân thành cảm tạ thiên nhiên. Cảm tạ "ơn trời" phải chăng là cảm tạ từ ân huệ thiên nhiên ban tặng qua tín hiệu "Chim bay dọc biển..."? Màu sắc tín ngưỡng trong câu thơ giản dị khắc họa rõ nét thêm vẻ đẹp mộc mạc của tâm hồn người lao động! Với cảm hứng tái hiện nét thần tình của cảnh vật đang dâng trào mãnh liệt, Tế Hanh đã có được những dòng tuyệt bút: "Dân chài lưới làn da ngăm rám nắng/ Cả thân hình nổng thở vị xa xăm;/ Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm/ Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ". Con thuyền đánh cá ở biển và người dân lao động làng chài đã hiện lên đúng thần thái, hồn vía và trở nên sống động phi thường.
Trong đoạn kết trực tiếp bộc lộ nỗi nhớ quê, nhà thơ đã khái quát những nét tiêu biểu đọng lại trong tâm tưởng khi "xa cách": màu nước biển biếc xanh, màu cá bạc tươi ngon, màu của cánh buồm vôi lộng gió... Tất cả vẫn còn hằn in. Cùng với đó là hình ảnh "động": "Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi". Quê hương tươi nguyên trong trái tim người xa cách không chỉ với những ảnh hình từ "tĩnh" đến "động" mà còn với cả "cái mùi nồng mặn" đặc trưng. Đó là cái vị xa xăm mặn mòi của biển khơi ngấm đọng trong thân hình dân chài lưới, cái mùi thấm sâu trong từng thớ gỗ của những con thuyền hòa lẫn cái mùi phảng phất trên khắp vùng quê biển "Gió đưa thơm mùi cá nướng ngọt ngào"... Cái mùi ấy mơ hồ nhưng chính nó khiến cho nỗi nhớ quê thường trực, da diết trở nên hiện hữu, sâu sắc và ám ảnh lòng người hơn bao giờ hết!
4. Chế Lan Viên nói Tế Hanh có "khả năng nhìn thấy hồn sự vật"(7), bài thơ Quê hương có lẽ là minh chứng thuyết phục nhất cho điều đó. Thuyết phục bởi nó thuộc vào số những tác phẩm đầu tay, khi phẩm chất thi sĩ bộc lộ một cách hồn nhiên, trong sáng nhất. Thuyết phục còn bởi trong sự nghiệp thơ ca của Tế Hanh đóng góp lớn cho thơ ca dân tộc, đây là một trong những bài xuất sắc điển hình. Cái khả năng "nhìn thấy hồn sự vật" ấy phải chăng là biểu hiện gien trội di truyền từ ông đồ nho Trần Tất Tố từng kết tinh ở câu thơ "Chim bay dọc biển đem tin cá" ngày xưa?!
Tháng 10/2012
Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Truyền
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn