Thấy tôi có việc nên Dương Thế Vinh nói ngay: “Sắp tới trường Hoàng Xuân Hãn tổ chức 20 năm tái lập trường, chúng em đến xin thầy một bài viết cho tập sách “20 năm ấy” để tập sách sinh động và phong phú hơn. Chúng em cũng đã đến nhà thầy Nguyễn Khắc Hào nhưng thầy đi công tác dài ngày ở thành phố Hồ Chí Minh. Vẫn biết là các thầy rất bận nhưng mong thầy đừng từ chối”. Đúng là không thể từ chối lời mời của một ngôi trường ở vùng đất học Đức Thọ mà tôi đã có hơn 25 năm gắn bó và mến yêu.
1. Quê tôi ở Hương Sơn. Tốt nghiệp Đại học Sư phạm Vinh năm 1972 tôi vào quân ngũ. Năm 1974 rời quân ngũ tôi về nhận công tác ở trường cấp 3 Đức Thọ đóng ở vùng đất cằn đá sỏi Đức Hoà. Thế rồi tình đất, tình người nơi đây đã níu giữ, gắn bó tôi suốt 25 năm trời. Cả 3 đứa con của tôi đều đã học ở trường Năng khiếu Đức Thọ. Trách nhiệm và tình cảm của một bậc phụ huynh với ngôi trường ấy tôi không thể nào quên. Đức Thọ cũng là nơi tôi đã trưởng thành: Từ giáo viên đến tổ trưởng tổ Toán, rồi hiệu phó, hiệu trưởng nhà trường - Tình cảm đồng nghiệp mặn nồng ở vùng quê này đã giúp tôi rất nhiều trên những cương vị công tác. Tôi không thể nào quên. Những năm công tác ở trường cấp 3 Minh Khai, trường Năng khiếu Đức Thọ thường mời tôi sang bồi dưỡng cho học sinh lớp 5 và lớp 9 mỗi khi chuẩn bị cho thi học sinh giỏi tỉnh và quốc gia. Những gương mặt học trò thông minh của trường Năng khiếu Đức Thọ ngày ấy bây giờ tôi vẫn không thể nào quên.
2. Đức Thọ – một miền quê địa linh nhân kiệt. Tú khí của Hồng Lĩnh, Trà Sơn và La giang quần tụ về Đức Thọ để sinh thành nên những bậc hào kiệt. Hiếu học là truyền thống nổi bật của vùng quê này. May mắn nhất của trường Năng khiếu Đức Thọ (nay là trường THCS Hoàng Xuân Hãn) là được sinh thành ở miền đất địa linh, hiếu học này. Đây là tiền đề quan trọng, là cơ sở vững chắc cho sự hình thành, phát triển của trường trong hơn 20 năm qua. Hơn 20 năm qua, đội ngũ cán bộ giáo viên và học sinh của trường đã không phụ lòng công sinh thành, chăm sóc của quê hương. Trường đã bồi dưỡng được rất nhiều học sinh giỏi quốc gia, học sinh giỏi tỉnh. Tôi còn nhớ năm học 1995 – 1996, trường Năng khiếu Đức Thọ có 4 em đạt giải quốc gia; Năm học 1996-1997 trường có 5 em đạt HSG quốc gia. Trừ trường Năng khiếu Tỉnh lúc ấy còn có hệ lớp 9, thì Đức Thọ là huyện dẫn đầu về chất lượng và số lượng học sinh giỏi quốc gia. Truyền thống của vùng quê là sức mạnh tiềm năng nhưng để trở thành hiện thực phải có sự nỗ lực của thầy và trò. Nơi đây một thời hội tụ rất nhiều thầy cô giáo giỏi và tâm huyết. Thời hoàng kim ấy, tôi là hiệu trưởng ở cấp 3 Minh Khai cũng đã thầm ước có một đội ngũ giáo viên mạnh như Năng khiếu Đức Thọ. Tiếc rằng từ năm 1997 thì đội ngũ giáo viên này phần lớn chuyển lên cấp 3. Tưởng rằng sẽ hụt hẫng chuyên môn, nhưng những người quản lí ở trường đã biết tập hợp và động viên đội ngũ, những người ở lại đã kế tục xuất sắc bậc đàn anh đàn chị đi trước. Những giáo viên trẻ mới ra trường được điều về đã hoà nhập rất nhanh với môi trường của ngôi trường giàu thành tích này. Khi tôi chuyển vào Hà Tĩnh công tác, theo dõi phong trào của trưòng, tôi khẳng định đựoc điều đó… Đây là thế mạnh của trường mà không phải trường nào cũng có được. Có lẻ bởi nơi này đã tạo ra một môi trường dân chủ, thân thiện, cởi mở mà tập hợp sức mạnh tri thức và nhiệt huyết của đội ngũ.
Trường Năng khiếu Đức Thọ - trường THCS Hoàng Xuân Hãn là trường duy trì được phong trào một cách toàn diện. Trong lúc chất lượng các môn xã hội ở nhiều trường có chiều hướng sa sút thì trường vẫn giữ được sự phát triển một cách vững chắc. Hai năm liên tục, điểm thi vào THPT của trường xếp thứ 2 trong toàn tỉnh. Trong đó môn Ngữ Văn xếp thứ nhất toàn tỉnh. Trong 8 lần thi viết vẽ tuổi học trò thì cả 8 lần trường đều đạt giải các nhân và 7 lần đạt giải đồng đội. Năm học 2008 – 2009 kì thi học sinh giỏi quốc gia “Giải Toán qua Internet” trường có 6 học sinh đạt giải, trong tổng sô 8 giải của cả tỉnh Hà Tĩnh. Tôi được biết, mấy năm nay trường đã thành lập các câu lạc bộ: Tiếng Anh, sáng tác Văn học, Giải toán tuổi thơ 2. Các câu lạc bộ này hoạt động thường xuyên và có hiệu quả. Đặc biệt câu lạc bộ Sáng tác Văn học đã thúc đẩy phong trào sáng tác văn học trong học sinh và nhiều em đã có bài viết khá thường xuyên trên các báo và tạp chí, từ đó giới thiệu với bạn bè gần xa về ngôi trường thân yêu của mình. Đây là những bằng chứng sinh động cho chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.
Một điều may mắn nữa của trường là có sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền huyện Đức Thọ. Các đồng chí lãnh đạo huyện đã có tầm nhìn xa rộng để chuyển đổi và duy trì sự phát triển của ngôi trường này. Sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo huyện uỷ, uỷ ban là nhất quán: Từ các đồng chí Bí thư Huyện uỷ đến các đồng chí chủ tịch huyện đều thực sự tin cậy và quan tâm đến sự phát triển của ngôi trường. Một duyên nợ nữa theo tôi được biết là các đồng chí lãnh đạo huyện nhà hầu hết đều có con học tại trường này và cũng dành được sự quan tâm chăm sóc chu đáo của đội ngũ các thầy các cô… Sự may mắn này không dễ gì trường nào cũng có được.
3. Hơn 20 năm qua trường THCS Hoàng Xuân Hãn đã tạo dựng cho mình những thành tích to lớn và toàn diện. Bước chuyển tiếp giữa trường Năng Khiếu Đức Thọ với trường THCS Hoàng Xuân Hãn là một sự gắn kết, hài hoà và phát triển. Tạo ra được thành tích ngay từ thuở ban đầu với muôn vàn khó khăn và duy trì bền vững thành tích đó cho đến được hôm nay là một nỗ lực lớn của cán bộ giáo viên cùng học sinh nhà trường. Điều này còn có ý nghĩa khẳng định sự tồn tại tất yếu, xứng đáng của một ngôi trường chất lượng cao ở vùng quê hiếu học Đức Thọ.Yêu cầu của cuộc sống cũng như của ngành giáo dục đặt ra cho nhà trường trong chặng đường tiếp theo nhiều nhiệm vụ nặng nề và to lớn. Muốn vậy, trường cần tiếp tục củng cố và xây dựng đội ngũ cán bộ giáo viên có năng lực chuyên môn vững vàng và giàu tâm huyết. Chất lượng của đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định nhất chất lượng giáo dục của một nhà trường. Thực tế sinh động của nhà trường 20 năm qua là những bài học thiết thực nhất trong tương lai. Những năm gian khó nhất, cơ sở vật chất thiếu thốn nhất nhưng nhờ vào đội ngũ có năng lực chuyên môn vững vàng và giàu tâm huyết đã đem về cho trường những thành tích vẻ vang... Cán bộ giáo viên không được bằng lòng với những gì mình đã có mà phải tự học, học một cách chuyên sâu và toàn diện với một thái độ thực sự cầu thị và tăng cường tính thừa nhận nhau để tạo ra sức mạnh tập thể, to lớn và toàn diện. Phải tích cực đối mới phương pháp dạy học và tận dụng tối đa sự tiến bộ và ưu thế của khoa học công nghệ vào quá trình dạy học, nhằm tạo ra những thế hệ học trò là những công dân mới có tri thức toàn diện, có kĩ năng sống phong phú, có năng lực sáng tạo nhằm đáp ứng đòi hỏi của một nền kinh tế tri thức trong bối cảnh giao lưu và hợp tác quốc tế.
Mặt khác cần tiếp tục duy trì môi trường dân chủ, thân thiện, cởi mở để cán bộ giáo viên, học sinh phát huy tốt khả năng của mình. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ giáo viên. Chỉ có đời sống vật chất vững vàng, đời sống tinh thần phong phú thì đội ngũ cán bộ giáo viên mới thực sự yên tâm công tác, rèn luyện và cống hiến.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường cần thường xuyên tham mưu tốt với cấp uỷ và chính quyền địa phương để chăm lo cơ sở vật chất và các điều kiện dạy học. Thực hiện tốt công tác xã hội hoá giáo dục, tăng cường tìm tài trợ ở nhiều nguồn khác nhau. Có vậy mới duy trì sự phát triển bền vững, lâu dài cho ngôi trường đã có nhiều thành tựu trong suốt 20 năm qua.
Cuối cùng tôi xin chúc toàn thể các em học sinh trường THCS Hoàng Xuân Hãn dành được nhiều thành tích trong học tập và rèn luyện. Chúc toàn thể cán bộ giáo viên tiếp tục phát huy thành tích của ngôi trường ở tuổi 20. Hạnh phúc của nghề giáo là nhận được niềm tin yêu và quý trọng của học trò. Đội ngũ cán bộ giáo viên của trường THCS Hoàng Xuân Hãn - Đức Thọ đã và đang có được niềm hạnh phúc ấy.