Lớp chỉ có 7 em, học trong cái nhà ăn tập thể của cơ quan Huyện Đoàn và Huyện Hội phụ nữ ở phía sau sân vận động chợ Hạ. Không có chương trình, không có tài liệu, chúng tôi chỉ dựa vào kinh nghiệm cảm tính và sự đam mê nghề nghiệp, đem hết khả năng và nhiệt tình mà bồi dưỡng cho các em. Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm ấy thật tốt đẹp. Cả 7 em đều đạt giải. Tôi cảm thấy thật vinh hạnh vì được tham gia dạy những học sinh thuộc thế hệ đầu tiên của trường Năng khiếu - nay là trường Hoàng Xuân Hãn.
Năm 1994 tôi chính thức được điều về dạy ở đó. Bấy giờ trường đã chuyển về Thị Trấn, tiếp thu một phần cơ ngơi của cơ quan Công an huyện.
Cũng là một cái duyên kỳ ngộ. Hồi ấy tôi đang dạy ở trường Bồi dưỡng. Mấy lần Dương Thế Vinh lúc đó đã là Hiệu phó, đến rủ tôi về Năng khiếu. Lúc đầu tôi từ chối. Nhưng rồi trước sự chí tình của bạn, cuối cùng tôi đã đồng ý nhận Quyết định điều động của Phòng Giáo dục. Bây giờ nghĩ lại, tôi càng thêm trân trong tình cảm bạn bè mà Dương Thế Vinh đã dành cho tôi. Nếu không có Vinh thì tôi đã không có những năm tháng đầy kỷ niệm ngọt ngào ở trường Năng khiếu huyện.
Đó là quảng thời gian tôi thật sự đam mê nghề nghiệp và trưởng thành nhiều, gặt hái được nhiều thành quả nhất. Thầy Bùi Xuân Vạn đã giúp đỡ động viên tôi. Phải thừa nhận thầy Vạn là một hiệu trưởng biết tập hợp và sử dụng con người, biết dung hòa mọi tính cách. Dưới trướng của thầy, chúng tôi hết sức cố gắng hoàn thành tốt mọi công việc. Tôi cũng đã ở nhiều nơi nhưng chưa có một tập thể sư phạm nào mà tôi thấy trân trọng gắn bó và cảm mếm như ở đây. Chúng tôi thi đua nhau dạy thật tốt để tự khẳng định mình. Chúng tôi giải bài trên báo bảng, trên tạp chí Toán học, Văn học và Tuổi trẻ. Ngoài nhuận bút ra chúng tôi còn được nhà trường thưởng khuyến khích. Thầy Vạn động viên: "Các cậu cố gắng viết và gửi đăng cho nhiều vào vì đó là cách tốt nhất để quảng bá cho trường, tạo thương hiệu cho trường".
Chúng tôi còn tổ chức những đêm Thơ Nhạc. Vào những dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam hay ngày Quốc tế Phụ nữ, chúng tôi tọa đàm văn nghệ. Ai cũng đọc những vần thơ tự sáng tác và hát những bài hát tủ của mình.
Có vài lần tôi được thay Dương Thế Vinh dẫn chương trình như một MC thực thụ.
Có lẽ Dương Thế Vinh nói đúng: "Trường Năng khiếu- Hoàng Xuân Hãn đã làm xanh lại anh Đàn".
Hôm nọ gặp Dũng lái xe của Phòng giáo dục. Dũng bảo tôi đọc "thơ vẹm" và "thơ tam giác đứng tam giác ngồi" làm tôi càng thêm nhớ kỳ thi Giáo viên giỏi tỉnh năm ấy tôi làm mấy bài thơ vui chọc anh Long, chọc Bùi Năng Tiến, trêu Trần Phương, đùa Bích Trâm và Hải Sâm. Lúc về ngồi trên xe Dũng đọc lên làm mọi người cười chảy cả nước mắt. Còn tôi thì được ăn những trái đấm ngọt ngào.
Còn nhớ lần cả trường đi Huế. Ngày đầu vào Đại Nội biết Tử cấm thành, nghe Nhã nhạc Cung Đình, viếng các đền đài lăng tẩm. Rồi du thuyền trên sông Hương, nghe ca Huế.... Hôm sau lên thượng nguồn, đến chùa Thiên Mụ, viếng vua Minh Mạng rồi xuôi về Vĩ dạ nhìn những hàng cau hàng trúc tươi xanh mà nhớ Hàn Mạc Tử. Chiều ấy trời mưa. Lần đầu tiên biết mưa Huế. Nó dai dẳng và da diết lắm. Nó gợi lên những nổi niềm xa vắng mênh mang.... Tối thì mưa tạnh. Dương Thế Vinh rủ tôi cùng vài người bạn đi uống cà phê thưởng thức nhạc Trịnh. Tôi nhận ra rằng nhịp sống ở cố đô thành Huế nó chầm chậm lặng lờ chứ không xô bồ ồn ã như những nơi khác.
Lại nhớ chuyến hành trình xuyên duyên hải miền Trung, vào Sài Gòn, ghé Củ Chi, xuống Vũng Tàu, lên Đà Lạt... Rồi về tắm biển Nhật Lệ, leo động Phong Nha.... Đó là chuyến du lịch dài ngày nhất và đến được nhiều nơi nhất trong đời tôi. Tôi vốn hay say tàu say xe. Vậy mà chuyện ấy thật kỳ lạ, tôi không hề say một tý nào. Ngồi trên xe, chúng tôi vui đùa và hát hết bài này đến bài khác. Nhiều nhất là những bài hát tự xuyên tạc và những bài của trẻ con. Giờ đây như vẫn còn văng vẳng dư âm của những lời ca thuở ấy...Tạm biệt búp bê thân yêu... Tạm biệt gấu Mi Sa nhé...
Tạm biệt nhé!...Bao giờ gặp lại?....