Cầm quyết định trên tay, chúng tôi hết sức băn khoăn. Gọi là trường, nhưng chưa có cơ sở vật chất, chưa có trụ sở hoạt động, chưa có học sinh; mà duy nhất chỉ vẻn vẹn 13 cán bộ, giáo viên, nhân viên được điều động từ các trường học trong huyện. Đó là những khó khăn, thách thức lớn đối với trường khi thực hiện nhiệm vụ phát hiện, bồi dưỡng đội ngũ học sinh giỏi các cấp, góp phần đào tạo nhân tài cho quê hương, đất nước. Quá trình xây dựng, tổ chức để trường đi vào hoạt động nền nếp, có chất lượng đọng mãi trong ký ức tôi cái buổi ban đầu ấy.
Do chưa có nơi làm việc, kỳ sinh hoạt Hội đồng nhà trường đầu tiên, không biết nên tổ chức ở đâu; may thay, cô giáo Trần Thị Thân đã mời anh chị em về chỗ ở của gia đình mình (tá túc tại khu tập thể trường PTCS Yên Trấn) để họp. Kể từ đấy, mỗi khi gặp gỡ trao đổi công tác, tổ chức hội họp lại phải nhờ đến căn phòng trọ chật hẹp, với bộ bàn ghế, tấm phản mộc đơn sơ, chén trà suông, nhưng đầy ắp tình đồng chí, đồng nghiệp.
Đã có đội ngũ giáo viên, nhưng điều quan trọng là học trò, thì phải làm sao đây? Được sự chỉ đạo của Phòng Giáo dục Đức Thọ, anh em trong Hội đồng chia nhau về các trường PTCS để làm công tác tuyển sinh. Mặc dù, đã đến tất cả các đơn vị trong huyện, từ những trường vùng trung tâm như Yên Trấn, Tùng Ảnh đến những trường xa như Bồng Lĩnh, Hồng Lĩnh; kỳ thi vào trường diễn ra, nhưng trường chỉ tuyển được 97 học sinh vào học ở ba khối lớp 5, 7, 8. Và công việc tuyển sinh được hoàn tất vào tháng 10 năm 1989.
Như một sự ngẫu nhiên, đến thời điểm này, trường được Huyện cho tiếp quản cơ sở vật chất của Khối dân ngụ trên một diện tích khiêm tốn tại vùng Châu Phong - Tùng Ảnh, với hai dãy nhà cấp 4 xuống cấp, không có hàng rào, cổng trường. Tuy nhiên, được như thế này anh em động viên nhau là đã may mắn lắm rồi (vì có lúc chúng tôi tưởng chừng như trường sẽ khó tồn tại).
Với “ngôi trường mới”, thầy trò bắt tay vào tổ chức các hoạt động dạy học với một tinh thần phấn chấn, đầy quyết tâm. Các tiết học đầu tiên được thực hiện trong những phòng học chật hẹp, không đủ ánh sáng, trang thiết bị dạy học thiếu thốn; vẫn cuốn hút sự say sưa giảng bài của thầy giáo, sự hứng thú học tập của học sinh. Phong trào thi đua phấn đấu trở thành giáo viên giỏi, học sinh giỏi đi vào tiềm thức, hành động của thầy, trò. Kết thúc năm học 1989-1990, có 13 em đạt học sinh giỏi cấp tỉnh, 51 em đạt học sinh giỏi cấp huyện, trên 75% học sinh xếp loại học lực khá giỏi. Đây chính là nguồn động viên, khích lệ nhà trường.
Từ những kết quả của năm học đầu tiên, trường đã tạo được hành trang cho mình để thực hiện nhiệm vụ các năm học tiếp theo. Điều vui mừng là số lượng học sinh ngày càng tăng và đủ ở tất cả các khối từ lớp 5 đến lớp 9. Đội ngũ giáo viên được chọn lọc bổ sung từ các trường bạn, từ các trường Đại học, Cao đẳng. Mặc dù, về cơ sở vật chất, điều kiện dạy-học đang còn gặp rất nhiều khó khăn; nhưng chất lượng các hoạt động ngày càng có bước phát triển cao hơn, đặc biệt là có được đội ngũ học sinh giỏi các cấp đông đảo. Và sau nhiều năm kiên trì, nổ lực phấn đấu, đến năm học 1992-1993 em Trần Trường Thuỷ đạt được danh hiệu học sinh giỏi cấp Quốc gia môn Toán lớp 9. Thành công bước đầu này đã tạo đà cho trường đạt được nhiều kết quả to lớn ở những năm học tiếp theo.
Nhìn lại những tháng năm công tác tại trường, tôi không khỏi bùi ngùi, nhưng cũng thật từ hào về một mái trường mà ở đó mình đã được làm việc với một tập thể đội ngũ cán bộ, giáo viên đoàn kết, đầy năng lực, thực sự tâm huyết, tận tuỵ với học sinh. Điều mà tôi tâm đắc nhất, ấn tượng nhất là tình cảm thầy trò gắn bó, sâu nặng. Hình ảnh các em học sinh xưng hô ông, cháu với thầy giáo Nguyễn Hữu Điền; mẹ con với cô giáo Trần Thị Nhuần ..thật là thân yêu, trìu mến. Nhiều cán bộ, giáo viên là niềm tự hào, là sự ngưỡng mộ của các em học sinh, và từ mái trường này họ đã trở thành cán bộ lãnh đạo trong và ngoài ngành giáo dục.
Đặc biệt, các thế hệ học sinh thời kỳ ấy, phần lớn đã thành đạt trên các lĩnh vực công tác; đã và đang đóng góp trí tuệ, sức lực của mình vào công cuộc đổi mới đất nước. Đó là hạnh phúc của các em, là niềm tự hào của thầy cô. Các em chính là những người khẳng định sự tồn tại, đi lên và ngày càng vững mạnh của nhà trường.
Sau nhiều năm làm cán bộ quản lý ở các trường học, từ năm 2002 đến nay được về công tác tại cơ quan Phòng Giáo dục- Đào tạo Đức Thọ, tôi vui mừng trước sự phát triển một cách toàn diện và vững chắc của nhà trường. Trường đã có đóng góp lớn vào thành công chung của sự nghiệp giáo dục huyện nhà trong những năm qua, thực sự đã trở thành một địa chỉ tin cậy của phụ huynh và học sinh.
Từ đáy lòng mình, tôi xin chân thành cảm ơn tập thể cán bộ, giáo viên, các thế hệ học sinh, các bậc phụ huynh đã cộng tác, chia sẽ, dành cho tôi tình cảm đồng chí đồng nghiệp, giúp tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được tổ chức phân công và trưởng thành như ngày hôm nay.
Với truyền thống 20 năm xây dựng và phát triển, trên bước đường đi tới, tôi tin tưởng trường Năng khiếu Đức Thọ - THCS Hoàng Xuân Hãn sẽ phát huy được vai trò tiên phong, đi đầu trong phong trào thi đua của ngành Giáo dục - Đào tạo Đức Thọ nói riêng và Hà Tĩnh nói chung.
Chúc trường vững bước, vươn tới những tầm cao trong thời kỳ đổi mới./
Tác giả bài viết: Lê Chí Thành
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn