I.GIỚI THIỆU CHUNG VỀ NHÀ TRƯỜNG:
Từ năm 1989 đến năm 1993 trường đóng tại Châu Phong - Tùng ảnh - Đức Thọ. Từ năm 1994 trường chuyển về Thị trấn Đức Thọ, tiếp quản cơ sở cũ của Công an Huyện. Từ tháng 10 nãm 2004, trường được chuyển đến tiếp quản cơ sở cũ của trường trung học phổ thông Minh Khai. Hiện tại trường có 12 lớp với hơn 500 học sinh và 33 cán bộ giáo viên, nhân viên trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn là 100%.
Từ khi thành lập đến nay trường đã có 32 em đạt học sinh giỏi quốc gia, hơn 900 em đạt học sinh giỏi tỉnh. Tham gia các cuộc thi viết vẽ tuổi học trò: trường đã 07 lần đoạt giải tập thể (trên tổng số 08 lần tổ chức), trong đó có 28 em đoạt giải cá nhân. Hàng năm 100% học sinh lớp 9 của trường được vào trung học phổ thông. Điểm thi vào THPT của học sinh lớp 9 ba năm học liên tục (2007-2008, 2008-2009, 2009-2010) xếp thứ 2/196 trường trong toàn tỉnh. Trường có phong trào hoạt động toàn diện, đặc biệt là phong trào sáng tác văn học, viết và giải bài cho tạp chí Văn học-tuổi trẻ, Toán Tuổi Thơ 2.
Trường trung học cơ sở Hoàng Xuân Hãn có chi bộ trực thuộc huyện uỷ Đức Thọ với 28 Đảng viên. Trường có tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với 10 Đoàn viên tổ chức đội trong nhà trường hoạt động một cách toàn diện; Thực hiện hiệu quả các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”cuộc vận động “Hai không với bốn nội dung”; phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Đặc biệt thực hiện chủ đề năm học “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin”, “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”. Trường đã quan tâm đến công tác nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, tích cực tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra đánh giá đối với học sinh. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị các thiết bị, đồ dùng dạy học nhằm nâng cao hiệu quả giờ dạy. Thực hiện nghiêm túc chương trình, kế hoạch giảng dạy, các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề, các phong trào văn nghệ, thể dục thể thao nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.Trường trung học cơ sởHoàng Xuân Hãn đã là một trong những trường đi đầu về ứng dụng công nghệ thông tin của huyện. Đến nay, trường đã có 100% giáo viên soạn bài bằng vi tính và áp dụng hỗ trợ trình chiếu trong dạy học.
Với những thành tích đó, năm học 2004 - 2005 trường được công nhận là trường chuẩn quốc gia. Bảy năm liên tục từ năm 2004 đến 2010 trường được ủy ban nhân dân Tỉnh Hà Tĩnh tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong giảng dạy và học tập. Năm học 2007 - 2008 trường được ủy ban nhân dân Tỉnh Hà Tĩnh tặng danh hiệu lá cờ đầu của bậc trung học cơ sở. Năm học 2008-2009 trường được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
II. THỰC TRẠNG NHÀ TRƯỜNG:
1. Nguồn lực và cơ sở vật chất:
a- Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường : 35 trong đó : BGH 02, TPT 01, giáo viên: 27, nhân viên: 6 (Đã đạt chuẩn theo quy định)
Tổng số lớp: 12 Tổng số học sinh: 506 em.
b- Các tổ chức đoàn thể: + Tổ chức Đảng: Trường có 01 Chi bộ độc lập gồm 28 đảng viên.
+ Tổ chức Công đoàn: Gồm 34 đoàn viên
+ Tổ chức Đội TNTP Hồ Chí Minh: trên 500 đội viên
+ Tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: 10 đoàn viên
2.Cơ sở vật chất: - Phòng học: 12; Phòng Thiết bị-TNTH; Phòng kho thiết bị: 05; Phòng bộ môn Vật lý:01, phòng bộ môn Hoá: 1, Phòng bộ môn Sinh học: 01; Phòng dạy tin học: 01( gồm 21 máy); Phòng âm nhạc: 1; Phòng Thư viện: 03(Phòng kho sách, phòng đọc giáo viên, phòng đọc học sinh); Phòng truyền thống: 1; Phòng y tế: 1; Phòng làm việc: 06
- Cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện tại.
3. Điểm mạnh: Đội ngũ cán bộ giáo viên, nhân viên 100% đạt chuẩn, trên chuẩn đạt 85%. Công tác quản lý của BGH có kế hoạch sát với tình hình thực tế của trường, của địa phương cũng như của ngành, luôn có tầm nhìn khoa học, sáng tạo. Công tác tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, được kiểm tra đánh giá rút kinh nghiệm kịp thời từng giai đoạn. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đoàn kết, nhiệt tình, có trách nhiệm, yêu nghề, gắn bó mật thiết với nhà trường. Chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục.
Chất lượng học sinh tốt hàng năm xếp loại hạnh kiểm khá và tốt là 100%, xếp loại học lực khá và tốt trên 80% còn lại là trung trình không có học sinh xếp loại yếu kém, không có học sinh bỏ học hoặc học sinh buộc thôi học.
Trường được sự tín nhiệm cao của học sinh và phụ huynh trong địa bàn. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên nhiệt tình, có tinh thần đoàn kết, hầu hết có ý thức học tập để vươn lên. Công tác giáo dục của nhà trường luôn có sự quan tâm của của Đảng uỷ, chính quyền, các ban ngành đoàn thể địa phương, đặc biệt luôn được sự quan tâm, chỉ đạo của Phòng giáo dục và đào tạo Đức Thọ.
4. Hạn chế: Một số cán bộ giáo viên chưa thể hiện hết tinh thần trách nhiệm trong công tác giảng dạy và giáo dục học sinh. Cơ sở vật chất đang dần xuống cấp, việc huy động nguồn kinh phí cho xây dựng gặp nhiều khó khăn.
5. Thách thức: Đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng giáo dục của cha mẹ học sinh và xã hội trong thời kỳ hội nhập. Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, công nhân viên phải đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục. Ứng dụng CNTT trong giảng dạy, khả năng sáng tạo của cán bộ, giáo viên, công nhân viên.
6. Xác định các vấn đề ưu tiên: Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của mỗi học sinh. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Ứng dụng CNTT trong dạy – học và công tác quản lý . Áp dụng các chuẩn vào việc đánh giá hoạt động của nhà trường về công tác quản lý, giảng dạy, kiểm tra học sinh.
III. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU VÀ PHƯƠNG CHÂM HÀNH ĐỘNG:
1. Mục tiêu: Củng cố vững chắc thương hiệu của nhà trường; là trường dẫn đầu chất lượng giáo dục toàn diện của bậc THCS huyện nhà; giữ vững tốp đầu các trường THCS trong toàn tỉnh Hà Tĩnh. Nhanh chóng tiếp cận, thích nghi với nền giáo dục hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển của quê hương đất nước.
2. Chỉ tiêu.
2.1 Đội ngũ cán bộ, giáo viên: - Năng lực chuyên môn của cán bộ quản lý, giáo viên và công nhân viên được đánh giá khá, giỏi trên 90%.
- Tất cả cán bộ, giáo viên, nhân viên sử dụng thành thạo máy tính.
- Có 100% cán bộ quản lý và giáo viên có trình độ Đại học.
2.2 Học sinh:
- Qui mô: + Lớp học: 12 lớp; Học sinh: Từ 450 đến 500 học sinh. Chất lượng học tập:
+ Trên 80% học lực khá, giỏi( 38-40% học lực giỏi);
+ Tỉ lệ học sinh có học lực yếu , kém: Không
+ Thi đỗ các trường THPT công lập trên địa bàn : 100%.
+ Thi học sinh giỏi các cấp : cấp huyện từ 200 đến250 giải/năm, cấp tỉnh đạt từ 25 đến 30 giải/năm, cấp quốc gia 3-4 giải/5 năm.
- Chất lượng đạo đức, kỹ năng sống.
+ Chất lượng đạo đức: 100% hạnh kiểm khá, tốt.
+ Học sinh được trang bị các kỹ năng sống cơ bản, tích cực tự nguyện tham gia các hoạt động xã hội.
2.3 Cơ sở vật chất: Phòng học, phòng làm việc, phòng phục vụ được xây mới, sửa chữa nâng cấp, trang bị các thiết bị phục vụ dạy, học và làm việc đảm bảo điều kiện dạy và học trong nhà trường. Xây dựng môi trường sư phạm “Xanh- Sạch- Đẹp”
3. Phương châm hành động.
“ Chất lượng giáo dục là danh dự của nhà trường
Tư duy giáo dục luôn thay đổi theo nhu cầu xã hội”
V. CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CHIẾN LƯỢC:
1. Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác giáo dục học sinh.
Nâng cao chất lượng giáo dục và hiệu quả giáo dục toàn diện, đặc biệt là chất lượng giáo dục đạo đức và chất lượng văn hoá. Đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá học sinh phù hợp với mục tiêu, nội dung chương trình và đối tượng học sinh. Đổi mới các hoạt động giáo dục, hoạt động tập thể, gắn học với hành, lý thuyết với thực tiễn; giúp học sinh có được những kỹ năng sống cơ bản. Thực hiện các hội nghị cấp trường, liên kết cụm trường về các chuyên đề như: Ứng dụng CNTT trong dạy học, dạy học các môn văn hoá tích hợp với giáo dục đạo đức, giáo dục bảo vệ môi trường, định hướng đổi mới phương pháp dạy học… Người phụ trách: Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng phụ trách tổ chuyên môn, giáo viên bộ môn.
2. Xây dựng và phát triển đội ngũ.
Xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên đủ về số lượng; có phẩm chất chính trị; có năng lực chuyên môn khá giỏi, có phong cách sư phạm mẫu mực. Đoàn kết, tâm huyết, gắn bó với nhà trường, hợp tác, giúp đở nhau cùng tiến bộ. Người phụ trách: Ban Giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn.
3. Cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục.
Xây dựng cơ sở vật chất trang thiết bị giáo dục theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá. Bảo quản và sử dụng hiệu quả lâu dài. Người phụ trách: Hiệu trưởng phụ trách chung cơ sở vật chất và trang thiết bị giáo dục; nhân viên chịu trách nhiệm kế toán, nhân viên Thiết bị,Thư viện.
4. Ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.
Triển khai rộng rãi việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy, xây dựng nguồn học liệu mở, thư viện điện tử… Góp phần nâng cao chất lượng quản lý, dạy và học. Động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên tự học hoặc theo học các lớp bồi dưỡng để sử dụng các phần mềm ứng dụng trong quản lý và dạy học, phục vụ cho công tác chuyên môn của mình. Lên kế hoạch thi giáo án điện tử, thi giáo viên giỏi cấp trường và động viên giáo viên đăng ký dự thi cấp huyện, cấp tỉnh. Động viên, tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên, nhân viên mua sắm máy tính cá nhân. Người phụ trách: Phó hiệu trưởng, tổ Toán-Công nghệ-Lí-Tin học.
5. Huy động mọi nguồn lực xã hội vào hoạt động giáo dục.
- Xây dựng tốt phòng truyền thống, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nhà trường. Chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên, nhân viên.
- Huy động được các nguồn lực của xã hội các tổ chức, cá nhân tham gia vào việc phát triển nhà trường.
+ Nguồn lực chính:
- Ngân sách nhà nước.
- Ngoài ngân sách : Địa phương, Phụ huynh học sinh, các tổ chức xã hội, cá nhân…
+ Nguồn lực vật chất:
- Khuôn viên nhà trường, phòng học, phòng làm việc và các công trình phụ trợ.
- Trang thiết bị giảng dạy, công nghệ phục vụ dạy – học.
- Người phụ trách: Ban giám hiệu, Ban chấp hành Công đoàn, Hội cha mẹ học sinh.
6. Xây dựng thương hiệu:
- Xây dựng thương hiệu và tín nhiệm của xã hội đối với nhà trường bằng cách tuyên truyền rộng rãi đến nhân dân địa phương những thành tích mà nhà trường đạt được thông qua các cuộc họp phụ huynh hoặc các cuộc họp với lãnh đạo, các ban ngành đoàn thể địa phương về vấn đề có liên quan đến giáo dục.
- Đẩy mạnh tuyên truyền, xây dựng truyền thống nhà trường, nêu cao tinh thần trách nhiệm của mỗi thành viên đối với quá trình xây dựng thương hiệu của nhà trường, bằng các hình thức:
+ Phát huy trang web của nhà trường giúp cho việc tuyên truyền các kế hoạch, kết quả công việc của nhà trường được rộng rãi mọi người biết đến và cũng nhận được ý kiến tham gia của nhiều người.
+ Yêu cầu mỗi thành viên trong nhà trường đều nêu cao tinh thần làm chủ, chủ động nắm bắt và tuyên truyền những tin tức tích cực nhất nhằm xây dựng thương hiệu cho nhà trường trong nhân dân, trên trang điều hành tác nghiệp của ngành.
VI.TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH.
1. Phổ biến kế hoạch chiến lược:
Kế hoạch chiến lược được phổ biến rộng rãi tới toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên nhà trường, cơ quan chủ quản, lãnh đạo địa phương, Phụ huynh học sinh, học sinh và các tổ chức cá nhân quan tâm đến nhà trường.
2. Tổ chức:
Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch chiến lược là bộ phận chịu trách nhiệm điều phối quá trình triển khai kế hoạch chiến lược. Điều chỉnh kế hoạch chiến lược sau từng giai đoạn sát với tình hình thực tế của nhà trường.
3. Lộ trình thực hiện kế hoạch chiến lược:
a) Giai đoạn 1- Từ năm 2010 – 2012:
Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, hạnh kiểm cho học sinh. Đạt thành tích cao trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, có 1-2 học sinh đạt giải quốc gia và có nhiều học sinh giỏi tỉnh. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, có kế hoạch nâng trên chuẩn cho đội ngũ cốt cán. Tạo cảnh quang nhà trường “Xanh-Sạch-Đẹp”, xây dựng “Nhà trường thân thiện, học sinh tích cực”. Tham mưu các cấp đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy và học.
b) Giai đoạn 2- Từ năm 2012 – 2014:
Tất cả cán bộ giáo viên, nhân viên ứng dụng tốt vi tính, sử dụng tốt các phần mềm hổ trợ cho công tác quản lý, dạy và học. Hoàn chỉnh toàn bộ sân trường bằng gạch Block, nâng cao hiệu quả sân chơi bãi tập cho học sinh. Củng cố phòng học và phòng làm việc đảm bảo đáp ứng tốt công tác dạy và học trong nhà trường. Nâng cao chất lượng dạy và học, có nhiều học sinh giỏi huyện, tỉnh, có học sinh đạt giải quốc gia.
c) Giai đoạn 3- Từ năm 2014 – 2015;
Hoàn chỉnh các công trình phục vụ cho dạy và học, như các phòng thí nghiệm thực hành đảm bảo theo tiêu chuẩn quy định, phòng đa chức năng, sân chơi, bãi tập đảm bảo quy định. Củng cố phòng học và phòng làm việc đảm bảo đáp ứng tốt công tác dạy và học trong nhà trường. Chú trọng công tác tự học tự bồi dưỡng của cán bộ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn và đại trà. Có nhiều học sinh giỏi huyện, tỉnh, có học sinh đạt giải quốc gia, trong công tác dạy và học trường có vị thế cao của tỉnh .
d) Tập trung thực hiện các nội nội dung đề ra: Để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu của chiến lược, nhà trường phân công nhiệm vụ đến các bộ phận như sau:
Đối với Hiệu trưởng: Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tới từng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Thành lập Ban Kiểm tra và đánh giá thực hiện kế hoạch trong từng năm học. Đối với Phó Hiệu trưởng: Theo nhiệm vụ được phân công, giúp Hiệu trưởng tổ chức triển khai từng phần cụ thể, đồng thời kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, đề xuất những giải pháp để thực hiện. Đối với Tổ trưởng chuyên môn: Tổ chức thực hiện kế hoạch trong tổ; kiểm tra đánh giá việc thực hiện kế hoạch của các thành viên. Tìm hiểu nguyên nhân, đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch. Đối với cá nhân cán bộ, giáo viên, công nhân viên: Căn cứ kế hoạch chiến lược, kế hoạch năm học của nhà trường để xây dựng kế hoạch công tác cá nhân theo từng năm học. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch theo từng học kỳ, năm học. Đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.
4. Kiến nghị và đề xuất:
Với lãnh đạo địa phương, Hội cha mẹ học sinh: Giúp nhà trường tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân về định hướng chiến lược của nhà trường từ nay đến 2015 và tầm nhìn đến 2020, có định hướng hỗ trợ tinh thần và vật chất để nhà trường thực hiện đảm bảo lộ trình của chiến lược phát triển.
Với Ngành và lãnh đạo cấp trên: Quan tâm giúp đỡ, chỉ đạo sâu sát về chuyên môn, tham mưu, đề xuất với các cơ quan chức năng sớm có kế hoạch xây dụng, nâng cấp các công trình còn thiếu, xuống cấp để thực hiện thành công kế hoạch chiến lược phát triển của nhà trường .
Kế hoạch chiến lược nhà trường giai đoạn 2010-2015, tầm nhìn đến 2020 nhằm xác định rõ định hướng, mục tiêu chiến lược và các giải pháp chủ yếu trong quá trình vận động và phát triển, là cơ sở cho các quyết sách của Hội đồng trường và hoạt động của Ban giám hiệu cũng như toàn thể Cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh nhà trường. Xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược của trường THCS Hoàng Xuân Hãn là một nhiệm vụ có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc thực hiện định hướng của Chính phủ, Bộ Giáo dục-Đào tạo về đổi mới giáo dục phổ thông. Nhà trường kêu gọi toàn thể cán bộ, giáo viên và nhân viên trong nhà trường đoàn kết, nhất trí cùng chung sức hoàn thành tốt kế hoạch chiến lược của nhà trường đã đặt ra.
Tác giả bài viết: Dương Thế Vinh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn