Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Âm hưởng của một thiên tráng ca

Thứ bảy - 27/07/2019 21:29
Âm hưởng của một thiên tráng ca (Đọc lại bài thơ "Đất nước" của Nguyễn Đình Thi). Bài viết của thầy giáo Nguyễn Thanh Truyền - THCS Hoàng Xuân Hãn, đăng trên báo Hà Tĩnh Online.
1. Đối với lĩnh vực nghệ thuật nào cũng để lại những dấu ấn, nhưng nhắc đến nghệ sĩ đa tài Nguyễn Đình Thi, nhiều người thừa nhận ông là cây bút sinh ra để làm thơ và soạn nhạc. Chỉ hai bài hát để lại, Nguyễn Đình Thi thử thách tài năng thanh nhạc của biết bao nghệ sĩ đời sau. Với sự nghiệp thơ ca, Nguyễn Đình Thi tạo nên một phong cách thơ không thể lẫn. Nhạc của ông giàu chất thơ, thơ của ông lại dựa vào chất nhạc của tâm hồn – một tâm hồn sớm hòa nhịp, gắn bó với đất nước, nhân dân. Đọc “Đất nước” – một trong số những bài thơ nổi tiếng của ông – chúng ta gặp lại trong âm hưởng trầm hùng của một thiên tráng ca nhiều cung bậc cảm xúc làm sống lại những thời khắc lịch sử không thể nào quên.

2. Không phải không có lý khi có người gọi “Đất nước” là một thiên tráng ca được nén lại. Tác giả của những “Người Hà Nội”(âm nhạc), “Bài thơ Hắc Hải”(trường ca) hoàn toàn có thể bằng tài năng của mình tải những trải nghiệm, nghiền ngẫm như đã đúc kết trong bài thơ thành một bản trường ca tầm vóc với cấu trúc các chương: đất nước trong thu xưa man mác, đất nước trong thu nay sáng tươi, đất nước những năm đau thương chiến đấu chưa xa và đất nước của những ngày quật khởi chói lòa. Dồn nén thiên tráng ca trong hình thức một bài thơ trữ tình, Nguyễn Đình Thi kết những mảng tâm trạng nhiều bè tưởng như rời rạc kia bằng mạch tư tưởng, cảm xúc nội tại: quá trình say mê nhận thức, thấu hiểu và tự hào về đất nước.

Thiên tráng ca bắt đầu bằng bè trầm hoài niệm: “Sáng mát trong như sáng năm xưa/ Gió thổi mùa thu hương cốm mới…”. Ký ức đồng hiện trực tiếp khi bắt gặp trong cái “mát trong” hiện tại những nét tương đồng. Thiên nhiên đẹp đến nao lòng. Và con người ngập tràn cảm giác bồi hồi, xao xuyến. Cũng là một buổi sáng như hôm nay, “Người ra đi đầu không ngoảnh lại” mà cảm nhận thật rõ “sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”. Đó là cảm giác rất thật, rất riêng trong tâm hồn của một người gắn bó và rất yêu Hà Nội nhưng phải rời xa. Hà Nội với những khoảnh khắc vắng lạnh, trầm u kia phải chăng là những ngày thu lặng yên trước cơn bão kháng chiến trường kỳ từ 19/12/1946? Và có phải vì thế chăng mà trong rất nhiều quyết tâm, người ra đi cũng có chút gì xa xót bâng khuâng?! Cái bâng khuâng xa xót nhuốm màu tình riêng, đặt trong mạch vận động toàn bài, đã phác lên cái khí sắc buồn thương, ngậm ngùi của “nét mặt quê hương” một thuở.

Trở về hiện tại, chủ thể trữ tình trở về với tâm thế tự tin, khẳng định vững vàng một thực tế: “Mùa thu nay khác rồi”. Thu xưa đã thành quá vãng, “đã xa” bởi sự đổi thay hiện hữu ở “thu nay”. Đất trời mở ra khoáng đạt, mới mẻ, tinh khôi, mê say, phấp phới. Với vị thế mới và tư thế hiên ngang, giọng thơ thoát khỏi bè trầm, cất lên hào sảng, với nhịp dồn dập và lan tỏa: “Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta/ Những cánh đồng thơm mát/ Những ngả đường bát ngát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa”. Cái riêng đã hòa nhập vào cái chung tự bao giờ. Cảm giác mơ hồ bâng khuâng trong những sáng thu xưa đã không còn, thay vào đó là những cảm nhận rất rạch ròi, chắn chắn và sâu sắc: “Nước chúng ta/ Nước của những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về.” Không chỉ khẳng định quyền làm chủ, những câu thơ lắng trầm niềm xúc động thiêng liêng còn chứng minh mạch sống của giang sơn được trao truyền từ bao thế hệ.

Sức mạnh bền bỉ của truyền thống là nguồn cội làm nên vẻ đẹp hiền hòa, mới mẻ, đổi khác của đất nước trong “mùa thu nay”. Nhìn lại những năm đau thương chiến đấu chưa xa, càng thấy rõ, thấm thía và tự hào hơn về mạch sống mạnh mẽ ấy. Hai cung bậc hiền hòa và bất khuất ở các đoạn thơ trên bỗng hòa âm trong một khổ thơ cực kỳ ấn tượng: “Ôi những cánh đồng quê chảy máu/ Dây thép gai đâm nát trời chiều/ Những đêm dài hành quân nung nấu/ Bỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu”. Đều là trải nghiệm thực tế của nhà thơ – chiến sĩ, hai câu trên thể hiện tình cảm công dân và hai câu dưới là tình yêu đôi lứa, nhưng trong một khổ thơ cái chung và cái riêng đã không còn tách bạch được nữa (Sự hòa quyện từng được Nguyễn Đình Thi diễn tả trong bài “Nhớ”: Anh yêu em như yêu đất nước/ Vất vả đau thương tươi thắm vô ngần). Cũng từ đây, những cái riêng đã thực sự hòa nhập vào cái chung, những hình ảnh cụ thể nhường chỗ cho những biểu tượng, những tình cảm cảm xúc vừa biểu hiện rất trầm tĩnh vừa có sự phấn khích cao độ. Nhịp thơ từ khổ thứ 7 ngày càng nhanh, dồn dập, sử dụng nhiều hình ảnh biểu tượng theo kiểu trùng điệp và tương phản, cùng với hệ thống ngôn từ mạnh mẽ như “ngời lên”, “bật lên”, “giằng”, “đè”, “lột”, “cháy rực”,… Tất cả làm hiện rõ hình ảnh một đất nước bất khuất, vùng lên giữa đau thương, máu lửa. Một đất nước mới mẻ và đầy sức sống: “Ôm đất nước những người áo vải/ Đã đứng lên thành những anh hùng”. Hình ảnh những người áo vải chính là những anh hùng của thời đại.

Thiên tráng ca cuồn cuộn đi về đoạn cuối để rồi kết lại bằng những giai điệu vừa chắc khỏe, dữ dội vừa vang xa:“Súng nổ rung trời giận dữ/ Người lên như nước vỡ bờ/ Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.Thể lục ngôn như dồn nén, hơi thơ như cuồn cuộn chuyển rung. Thực tế chiến trường Điện Biên Phủ đã ùa vào Nguyễn Đình Thi, cô kết lại thành một tượng đài sống động. Khí thế của đợt tổng công kích cuối cùng còn nguyên đó, trong những ngôn ngữ tươi ròng: rung trời, người lên như nước vỡ bờ, rũ bùn đứng dậy,… Những đau thương dồn nén đã bùng lên thành sức mạnh quật khởi: “Nước Việt Nam từ máu lửa/ Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Cảm hứng, suy tưởng về đất nước hiền hòa mà mạnh mẽ, gian lao mà anh dũng, lam lũ mà quật cường,… đã được nhà thơ bộc lộ trọn vẹn. Đúng như ông từng phát biểu: “Cảm hứng chung của bài “Đất nước” vận động và phát triển theo hướng đi lên của cuộc kháng chiến rất gian khổ và ngày càng giành được thắng lợi”.

3. “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi là một chỉnh thể nghệ thuật độc đáo, hoài thai từ hai bài thơ đã công bố trước đó gần chục năm trời (1948 - 1955), thể hiện tinh thần lao động nghệ thuật nghiêm túc và một tâm hồn sâu sắc, nhiều suy tư, trăn trở về đất nước, nhân dân. Kết hợp nhiều cung bậc cảm xúc, nhiều bè mảng tâm trạng, bằng tài thơ và nhạc của mình, tác giả đã đem đến cho người đọc một thiên tráng ca bất hủ về nước Việt Nam thân yêu với âm hưởng trầm hùng, bung tỏa vẻ đẹp “hoành tráng và lộng lẫy” (chữ của Trịnh Thanh Sơn)!

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Truyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập295
  • Hôm nay84,382
  • Tháng hiện tại1,519,761
  • Tổng lượt truy cập39,990,908
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây