Bình HOA SỮA của Nguyễn Phan Hách

Thứ bảy - 27/07/2019 21:32
Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu từng viết: “Xuân, người ta vì ấm mà cần tình. Thu, người ta vì lạnh sắp đến mà cũng rất cần đôi. Cho nên không gian đầy những lời nhớ nhung,…”.

Hoa sữa

 Tuổi mười lăm, em lớn từng ngày
Một buổi sớm, em bỗng thành thiếu nữ
Hôm ấy mùa thu, anh vẫn nhớ
Hoa sữa thơm ngây ngất quanh hồ. 

Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu
Mùi hoa sữa trong áo em và mái tóc
Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt
Vậy mà tan trong sương gió mong manh.

Tại vầng trăng? Tại em hay tại anh
Tại sang đông không còn hoa sữa?
Tại siêu hình? Tại gì không biết nữa
Tại con bướm vàng có cánh nó bay… 

Đau khổ, buồn, nhưng éo le thay
Không phải thời Rômêô và Juyliét
Nên chẳng có đứa nào dám chết
Đành lòng thôi mỗi đứa một phương. 

Chỉ mùa thu còn tròn vẹn yêu thương
Hương hoa sữa cứ trở về mỗi độ
Hương của tình yêu đầu nhắc nhở
Có hai người xưa đã yêu nhau...

                           NGUYỄN PHAN HÁCH

       Ông hoàng thơ tình Xuân Diệu từng viết: “Xuân, người ta vì ấm mà cần tình. Thu, người ta vì lạnh sắp đến mà cũng rất cần đôi. Cho nên không gian đầy những lời nhớ nhung,…”. Có phải vì thế chăng mà mùa thu là mùa góp phần tạo nên và để lại trong ta thật nhiều kí ức? Và những ảnh hình hương sắc của mùa thu, theo vòng tuần hoàn của tạo hóa, “đến hẹn lại lên”, cứ gọi ta về miền hoài niệm? Và, cùng với mùa thu, “Hoa sữa” của Nguyễn Phan Hách thêm lần nữa níu giữ bao tâm hồn bận bịu với… ngày xưa.

     “Hoa sữa” là thơ về mối tình đầu đã xa xưa mà chưa cũ. Bài thơ có sự đan xen hai dòng cảm xúc.

      Trước hết, đó là dòng cảm xúc tình đầu được nhớ lại. Kỉ niệm đã xa lắm mà tưởng như vừa đâu đây, ngỡ ngàng tươi mới: Tuổi mười lăm, em lớn từng ngày/ Một buổi sớm, em bỗng thành thiếu nữ/ Hôm ấy mùa thu, anh vẫn nhớ/ Hoa sữa thơm ngây ngất quanh hồ. Rất nhiều tín hiệu về thời gian được nhắc đến nhưng đã không còn hiện lên cụ thể và xác định nữa. Chẳng phải vì độ lùi thời gian đã quá xa. Cứ tưởng cái cách nói lẫn mùa với ngày “hôm ấy mùa thu” có vẻ phi logic cùng lời khẳng định “anh vẫn nhớ” nhưng hóa ra đây là cách biên niên của trái tim và là lời khẳng định của tâm tưởng. Những rung động tinh khôi của trái tim nảy nở trong một ngày thu đẹp trời, trong sắc trắng trinh khiết, ngây ngất và đắm say của hoa sữa. Cũng từ đó, tình đầu đã hòa vào không gian thu quyến rũ, gắn với loài hoa đặc trưng của phố thu: Tình yêu đầu mang hương sắc mùa thu/ Mùi hoa sữa trong áo em và mái tóc. Sự hòa quyện diệu kỳ đó đánh thức cảm giác về sự bất tử của tình yêu trong những trái tim trong trẻo. Để rồi, ngay cả khi hoài niệm, nhịp đập phập phồng ấm nóng vẫn còn nguyên!

      Dòng hoài niệm ấy đã khơi lên dòng cảm xúc thứ hai: lí giải cái kết cục đau buồn, đầy nuối tiếc xót xa của mối tình đầu. Tình yêu đầu mê say, nguyên sơ, đầy ước vọng kia đã “tan theo sương gió mong manh”. Sự tan vỡ của tình yêu thiêng liêng “tưởng không gì chia cắt” vẫn ám ảnh tâm hồn chàng trai suốt những chặng đường đời. Với người trong cuộc, dường như sự vỡ tan kia có gì oan trái! Và vì vậy, “nghi án” được mổ xẻ, truy nguyên:Tại vầng trăng? Tại em hay tại anh/ Tại sang đông không còn hoa sữa?/ Tại siêu hình? Tại gì không biết nữa/ Tại con bướm vàng có cánh nó bay… Tưởng cắt nghĩa được, quy kết được, hóa ra lại bất lực hoàn toàn. Những câu thơ mang chở không ít suy tư, trở trăn và cả chiêm nghiệm. Chẳng có nguyên nhân nào rạch ròi cả. Thật bất ngờ, cái lý do vu vơ, tưởng nốt đà vận vào, bỗng trở thành điểm tựa tinh thần quý giá “Tại con bướm vàng có cánh nó bay…”. Không thể biết đích xác “Khi nào ta yêu nhau” (Xuân Quỳnh) cũng như chẳng thể biết rõ ràng vì sao tình ta chia lìa! Hay tình yêu cũng mong manh, cũng đậu rồi lại bay như cánh bướm, chẳng khác nào trò đùa của con tạo xoay vần?! Biết vỡ tan là chuyện đã rồi và buồn đau là không tránh khỏi nhưng vẫn có chút gì như chua chát trong cái “đành lòng thôi” của chủ thể trữ tình:  Đau khổ, buồn, nhưng éo le thayKhông phải thời Rômêô và Juyliét/ Nên chẳng có đứa nào dám chếtĐành lòng thôi mỗi đứa một phương. Con người chấp nhận nghịch cảnh ngang trái, phũ phàng như chấp nhận một điều hiển nhiên trong cõi đời, nhưng cái giọng điệu chua chát kia lại cho thấy thái độ khuất phục hoàn cảnh ấy là miễn cưỡng. Thì ra tâm không phục, vì cảm hứng lý giải kết cục kia còn bị những nhớ nhung làm cho bối rối!

      Hai dòng cảm xúc đan xen trong bài đã đặt tình yêu đầu giữa lằn ranh của lãng quên và bất tử. Vỡ tan là có thật. Nhưng những cảm xúc thuở ban đầu xa xưa dường như vẫn hiện hữu, hiện hình trong sự luân chuyển của trời đất: Chỉ mùa thu còn tròn vẹn yêu thươngHương hoa sữa cứ trở về mỗi độHương của tình yêu đầu nhắc nhởCó hai người xưa đã yêu nhau... Vỡ tan, nhưng tình người và tình thu đã kịp quyện hòa để thăng hoa thành “Hoa sữa”. Bài thơ của Nguyễn Phan Hách khiến ta cứ nghĩ mãi về cái mong manh và cái bền vững: điều “tưởng không gì chia cắt” thì “vậy mà tan”; cái “éo le” đã phải “đành lòng… mỗi đứa một phương” lại được đất trời nhắc nhớ, điều đã rất xưa mà không cũ,… Lạ thay!

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Truyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập189
  • Máy chủ tìm kiếm8
  • Khách viếng thăm181
  • Hôm nay43,988
  • Tháng hiện tại948,314
  • Tổng lượt truy cập29,473,688
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây