Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện.

Xem tiếp...

Trăn trở nhiều tình yêu lắng sâu hơn ...

Thứ bảy - 27/07/2019 21:41
Cái tên Dương Thế Vinh từ lâu gắn liền với những bài thơ giản dị mà day dứt, tha thiết mà lắng sâu như “Hạt lúa”, “Chiều cuối năm”, “Rồi sẽ có một ngày”, “Áo trắng”, “Bè bạn một thời thương mến ơi!”,... với nhiều ý thơ ám ảnh....
Những niềm vui nỗi buồn từ thuở là một giáo sinh văn khoa đưa Dương Thế Vinh đến với thơ. Và, cuộc đồng hành duyên nợ ấy đã trải qua chặng đường ba mươi năm có lẻ. Đời người như dòng sông chảy, dù lặng lẽ yên bình hay ầm ào ghềnh thác, những ngọt mát mỡ màu sẽ lắng lại nơi những ngấn phù sa. Hóa thân vào lớp ngôn từ giản dị hiền hòa như ngô lúa quê hương, phù – sa – thơ Dương Thế Vinh để lại dư vị khó quên cho những tâm hồn từng một lần đến với thơ anh và cảm nghiệm.
      Dư vị đầu tiên của thơ Dương Thế Vinh là hoài niệm. Dường như hoài niệm đã là một biểu hiện của tư chất/phẩm tính thi sĩ xưa nay, và Dương Thế Vinh cũng không là ngoại lệ. Hơn thế, anh rất nặng lòng. Đọc Dương Thế Vinh, nhà thơ Xuân Hoài từng coi cái hành trình tìm về những kỷ niệm xa xưa là “nguồn cảm hứng chủ đạo”, “là chỗ mạnh và cũng là điểm yếu của thơ anh”. Biết điều đó, nhưng anh vẫn chân thành trải lòng cùng chữ nghĩa, viết như là để bộc bạch sẻ chia. Dòng chảy thao thiết ấy của thơ Dương Thế Vinh là hợp lưu của tất cả những hoài niệm về tình yêu, tình bạn, tình đồng nghiệp, về đất và người những nơi anh từng gắn bó. 
      Dấu ấn để lại trong tâm trí càng sâu, càng ám ảnh thì những cung bậc của nhớ nhung, vọng tưởng càng mãnh liệt, thiết tha, vượt qua những giới hạn nghiệt ngã của thời gian và không gian cùng sự can thiệp của lý trí. Trái tim thi sĩ luôn đòi sống bằng ngôn ngữ của riêng nó. Nơi ấy lưu giữ những rung động mong manh trong trẻo mà suốt đời còn khắc khoải, tươi nguyên. Đó là tình yêu tinh khiết của những năm tháng thơ mộng, trong bối cảnh đất nước nhiều gian khó “Giảng đường nghèo, ngày hai bữa bo bo”(Em của ngày xưa). Để rồi, những kỷ niệm tưởng giản dị cùng với “tên em tha thiết” đã “Sống mãi trong lòng suốt những tháng năm xa”(Kỷ niệm). Sự trân trọng những gì đã có thuở hoa niên hình thành nên ở chàng thi sĩ thái độ sống hay ngẫm lại, ngoảnh lại, hướng về quá khứ rồi nhớ nhung, nuối tiếc, nâng niu.
      Suốt tuổi thanh xuân Dương Thế Vinh gắn bó với đất và người Thuận Hải. Cũng từ mảnh đất nắng gió này, tình bạn, tình yêu, tình đồng nghiệp, tình thầy trò,... đã thấm vào anh nồng nàn, da diết với đủ muôn vàn cung bậc. Sau mười năm gắn bó, anh trở về quê hương, những ân tình ấy trở thành mạch nguồn vừa mát lành vừa ấm áp nuôi dưỡng tâm hồn: “Mỗi khi cuộc đời gặp đắng cay, hạnh ngộ/ Tôi lại về với Bình Thuận mến yêu ơi!”(Gửi Bình Thuận). Đất và người Thuận Hải trở thành vùng nhớ, miền thiêng của hồn thơ anh. Mỗi một dòng thơ là một niềm thổn thức: “Về lại ngoài này không còn tiếng biển reo/ Phan Thiết trở về trong tôi da diết lắm...”(Chợt nhớ), “Tháng ba về ta lại nhớ/ Lá me rơi xanh biếc tuổi học trò...”(Tự khúc tháng Ba), “Ta nhớ Thành, Khương, nhớ Ngọc, Hà/ Võ Nguyên thi thoảng gọi cho ta/ Hồ Anh lấy chồng quê vất vả/ Cơn cớ gì mà Nhã cách xa?”(Bè bạn một thời thương mến ơi!), “Hai sáu năm giã biệt quê người/ Hồn ở lại nơi thời trai trẻ...”(Viết cho tuổi 57),... Từ nhan đề các bài thơ, từ thi ảnh thi liệu, tên đất tên người đến câu chữ, giọng điệu đều thuộc về vùng khí quyển của hoài niệm. 
      Người đọc còn gặp ở thơ Dương Thế Vinh dư vị của trăn trở suy tư. Ranh giới giữa nhớ nhung, nuối tiếc và ngẫm ngợi, suy tư rất mong manh. Thơ anh có những suy tư đan xen trong hoài niệm, có nhiều bài tựa vào hoài niệm để bộc lộ những day dứt, trở trăn. Anh suy tư về tình yêu, về những nghịch lý nghịch cảnh thế thái nhân tình; suy tư ngay trong những vọng tưởng về quá khứ hay những dự cảm về ngày mai. 
      Tình yêu trong thơ anh nhiều hoài niệm và cũng nhiều day dứt. Có tình yêu thơ mộng mà tuyệt vọng, lý trí đã chấp nhận bất lực trước thực tại mà trái tim không giấu kìm được những đớn đau, mất mát: “Sông La thì dài sông Mã thì sâu/ Kỷ niệm ấy day dứt hoài/ Biển từ nay sẽ cạn/ Trời từ nay hết xanh/ Em đi lấy chồng chết nửa hồn anh...”(Em đã có chồng). Có tình yêu từng đốt lòng thầy giáo trẻ, vậy mà cũng đành “chôn chặt vào lòng lặng” bởi những nghĩ ngợi sâu kín thành thực “Hồn nhiên quá và em mong manh quá/ Sống làm sao giữa chân lấm tay bùn”(Và tôi biết). Dù người xưa “chẳng còn trách cứ” thì mỗi lần hướng về, nhà thơ cũng không khỏi chạnh lòng buốt nhói: “Chiều nay chốn cũ về không gặp người/ Tháp Chàm côi cút bên trời/ Một lần nông nổi trọn đời đa đoan”. Có những nông nổi để trọn đời nuối tiếc, cũng có những nông nổi để suốt đời dằn vặt, rồi khi ngẫm ngợi hình dung về những giả thiết của cuộc đời cũng chỉ còn lại những nỗi xót xa, còn lại nỗi thương mình và thương người: “Có lẽ hai ta nông nổi/ Khi về gắn bó với nhau/ ...Em cần thì tôi chẳng có/ Tôi có em lại không cần”(Thơ viết đầu năm), “Giá đừng có phút cầm tay/ Một chiều nông nổi mưa bay trắng trời/ Giá không đất khách quê người/ Thì đâu đến nỗi một đời khổ nhau”(Giả thiết). Thơ Dương Thế Vinh là tiếng nói bộc trực của trái tim luôn sống thành thực đến tận cùng, không giấu giếm. Nhưng càng trải nghiệm, thơ anh càng đằm sâu, những thổn thức được bổn phận, lý trí kiềm tỏa. Và cũng bởi thế, thơ anh dằn vặt khắc khoải hơn: “Thôi thì chịu khổ/ Thôi đành chịu buồn/ Khỏi lời dị nghị/ Một đời cô đơn...”(Dự cảm). Từ khát vọng những chân trời, thi sĩ trở về với cát ấm cỏ xanh dưới chân mình, trở về với đời thực. Và với anh, hạnh phúc hay khổ đau, đều là những trải nghiệm đầy may mắn, là cái “được” của kiếp người: “Ngoảnh lại một đời người/ Được mấy ngày hạnh phúc/ Ngoảnh lại một đời người/ Được mấy ngày khổ đau?”(Nói với em).  
      Trong thơ Dương Thế Vinh, còn nhiều nỗi day dứt thân phận: “Nửa đời áo gấm đi đêm/ Môi son ai biết, mắt huyền ai hay”(Lục bát tuổi 40), “Bè bạn một thời ông này bà nọ/ Ta gã gà què ăn quẩn cối xay”(Ta về),... Nhưng, bên cạnh con người nội tâm đầy nỗi riêng tư, anh còn có niềm đam mê văn chương và nhiệt huyết cháy bỏng với nghiệp trồng người – với tâm niệm “Sống với học trò, đâu sống với khen chê”(Chiều cuối năm). Vì vậy, thơ anh đầy ắp sự chia sẻ tin yêu cùng học trò và vui buồn cùng đồng nghiệp với những câu thơ vừa thiết tha vừa lắng đọng ngẫm suy: “Đến Kuala Lumpur nhận được tin mừng/ Học sinh giỏi đậu nhiều hơn năm trước”(Viết ở Kuala Lumpur), “Trăn trở nhiều tình yêu lắng sâu hơn/ Tình yêu ở nơi này đâu chỉ là hò hẹn/ Mỗi buổi học trò lớn khôn hơn niềm vui thêm trọn vẹn...”(Tình yêu ở nơi này), “Công danh, phú quý, bon chen/ Đa mang nghề giáo đừng nên bận lòng”(Lục bát tuổi 40), “Đồng nghiệp ân tình theo năm tháng/ Học trò thương mến tự trong tâm/ Sống mới biết đời người ngắn lắm/ Xin hãy trao nhau một tấm lòng”(Gửi đồng nghiệp),... 
      Từ tâm huyết của một nhà giáo đa cảm đa mang, Dương Thế Vinh thể hiện suy ngẫm của mình trước muôn mặt buồn vui của đời sống. Những bài thơ ấy cho thấy trách nhiệm của người cầm bút với cuộc đời, với những giá trị tinh thần xã hội. Anh đau với nỗi đau khi lúa rớt giá, dù vẫn biết nghề giáo nhờ thế mà “sống được”, nhưng anh còn biết đó cũng là lúc nhà nông –những người làm ra hạt lúa, trong đó có mẹ mình – đang “rưng rưng nước mắt” cầm trên tay những “hạt vàng” lấm láp nắng mưa(Hạt lúa). Cũng đứng về phía mồ hôi nước mắt, anh từng buồn lòng ghi lại cái nghịch cảnh một vị khách sang khệnh khạng trước nỗi “đăm chiêu lo lắng” của bà lão nghèo bán hoa nơi phố huyện vào một chiều cuối năm(Bông hồng lặng lẽ). Lần khác, anh đau với số phận của cái đẹp trong cuộc đời lắm nỗi nghiệt ngã, ô trọc: “Có một lần tôi thấy hoa khóc/ khi biết đã nở sai mùa/ hình như có bàn tay thô ráp/ bới hoa và mặc cả khi mua...”(Có một lần tôi thấy). Dương Thế Vinh không ít lần thắc thỏm lo âu trước những bất trắc của đời sống, những biến động của thiên nhiên bắt nguồn từ biến động về nền tảng tri thức và đạo đức xã hội: “Rồi có thể những cánh rừng bạt ngàn sẽ trụi... // Rồi có thể cháu con sẽ quên ngôn ngữ của ông bà/ ...Trái tim người hóa đá/ Vàng, đôla ngự giá tâm hồn// Những dự cảm khủng khiếp kia bắt nguồn/ Từ sự xa rời giáo dục/ Nhân loại đang đứng trên bờ vực/ Xin hãy trở về với búp bàng xanh... ” (Dự cảm). 
      Những năm gần đây Dương Thế Vinh ngày càng mở rộng đề tài. Thơ đằm sâu, có độ nén và sức gợi hơn. Từ những trở trăn, anh hướng đến thể hiện nhiều chiêm nghiệm về nhân sinh thế sự. Có nhiều bài thơ vượt thoát khỏi đề tài trực tiếp, đánh thức những suy ngẫm đa chiều, gợi lên nhiều suy tưởng triết lý chạm đến những giá trị phổ quát. Vượt lên những xúc cảm thông thường về những đơm đặt cuồng điên của người đời, anh lập tứ bằng một bài thơ văn xuôi rất ấn tượng, thể hiện những suy tư sâu sắc, cho người đọc tự chiêm nghiệm về cách nhìn đời và nhìn người: “Một con dao sắc nhọn để trên bàn. Người vợ thảo hiền nghĩ đến dùng dao làm bữa cơm đầm ấm. Kẻ đồ tể nghĩ đến chuyện giết người. Em có chồng rồi không dám đứng cùng tôi ngắm biển. Thiên hạ dèm pha, người đời dị nghị... Chỉ có biển muôn đời xanh trong và bầu trời bốn mùa cao rộng vô tư chứng giám hồn người thánh thiện” (Thiên nhiên). Ý tưởng như rời rạc, vậy mà khi đặt cạnh nhau lại cho ta thấy cái tứ bất ngờ: “Đốt tàn mấy bao thuốc/ Mà đêm vẫn chưa tàn/ Chưa xong một điếu thuốc/ Cuộc đời đã vèo tan” (Nhiều khi). Hay những bài thơ này cũng vậy: “Có kẻ ngước lên trời/ Có người cúi xuống đất/ Hoàn toàn ngược nhau/ Đều nhìn thấy mặt trời/ bị mặt trăng che khuất” (Nhật thực), “Nước đục đánh phèn dẫu trong/ Khi pha trà vẫn nhận ra nước đục” (Thơ hai câu), “Hổ, sư tử, voi dần bị giết/... Khi rừng chỉ còn cầy và cáo/ Làm sao còn có thể gọi đại ngàn ơi?”(Rừng ơi)... 
      Nhìn lại dòng chảy có vẻ lặng lẽ yên bình của thơ Dương Thế Vinh suốt hơn 30 năm qua, người đọc ít thấy những đột phá hay nỗ lực cách tân. Tạng thơ anh là thế - không theo đuổi hình thức màu mè, viết chỉ nhằm ký thác những hoài niệm trở trăn. Khi những hoài niệm về tình yêu, bạn bè, tuổi trẻ,… khi những suy tư về nghề nghiệp, về thế thái nhân tình… được đẩy đến tận cùng và gặp tứ thơ đắc địa, thì cũng chính lúc đó, anh có thơ hay. Đúng như anh từng viết: “Trăn trở nhiều tình yêu lắng sâu hơn”. Và, cái tên Dương Thế Vinh từ lâu gắn liền với những bài thơ giản dị mà day dứt, tha thiết mà lắng sâu như “Hạt lúa”, “Chiều cuối năm”, “Rồi sẽ có một ngày”, “Áo trắng”, “Bè bạn một thời thương mến ơi!”,... với nhiều ý thơ ám ảnh. Đó là những ngọt mát phù sa của đời viết góp cho dòng chảy mải miết của cõi người! 
 
                                                                             - Tháng 8/2015 –
                                                                 (Tạp chí Hồng Lĩnh, tháng 11/2015)

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Truyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập328
  • Hôm nay55,142
  • Tháng hiện tại1,550,835
  • Tổng lượt truy cập42,122,908
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây