Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Một thời để nhớ (Bút ký của Thanh Tĩnh)

Thứ tư - 31/07/2019 05:25
Trời lại mưa! Cái không gian của buổi chiều này như chở đầy kỉ niệm của một thời thương nhớ trong lòng chàng sinh viên thông minh và hiếu học. Vẫn còn nguyên vẹn trong Ngọc một kí ức ngọt ngào

 Là một người bạn của tôi, dù nghèo nhưng đầy nghị lực và nung nấu một ý chí quyết tâm, Ngọc có một tấm lòng yêu thương mà nhạy cảm với đời. Nhà Ngọc nghèo, bố Ngọc hi sinh khi Ngọc chưa chào đời. Mẹ Ngọc kể lại: Năm 1972 khi cả nước đang tập trung sức lực để đánh đuổi đế quốc Mỹ ra khỏi miền Nam. Chiến tranh ác liệt nhưng cũng chính năm đó bố của Ngọc được cử đi công tác ở miền Bắc. Nhân chuyến công tác ông được ghé qua nhà hai ngày, với thời gian ngắn ngủi ấy, người lính đã để lại trong lòng mẹ Ngọc một giọt máu quí giá nhường nào vì bố của Ngọc là con trai cả của dòng họ Trần. Ông vào chiến trường được hai tháng thì nhận được thư của vợ và biết tin là vợ đã mang thai. Cái tin mừng ấy khiến cho người lính dũng cảm hơn. Nhưng cũng thật đau buồn vì người bố ấy chưa được nhìn thấy mặt con thì đã hi sinh trong một trận chiến ác liệt của giặc. Mẹ Ngọc một mình làm lụng vất vả một nắng hai sương chỉ mong con cái được học hành và đỗ đạt. Ông bà ngoại của Ngọc rất nghèo nên mẹ Ngọc không được đi học. Bà không biết chữ, đến nỗi cái tên của mình mà cũng không viết được. Cái khổ của những người không biết chữ nói chung và mẹ của Ngọc nói riêng không sao kể hết bằng lời…
      Bức tranh khung cảnh của buổi chiều mưa như mang trong chính bản thân Ngọc cặp mắt buồn và những cảm xúc xốn xang khó tả. Ngọc ngồi một mình nhìn ra bầu trời với những hạt mưa cứ thay nhau rơi xuống đất. Không còn bóng dáng ai qua lại nữa, trời sắp trở mình vào đêm tối. Con đường qua đây sao bỗng dưng buồn và lặng lẽ quá. Ngọc nhớ tới con đường làng thân thương ngày xưa, nhớ những ngày cắp sách tới trường được gần mẹ, gần chị … Ngọc kể lại: Là học sinh, cùng với những kỉ niệm vui buồn với bạn bè, trang lứa, mình không quên được những kỉ niệm về thầy cô ở trường cấp III Trần Phú - những người đã coi mình như con, như cháu, như những người thân yêu ruột thịt. Theo thời gian, trong muôn vàn khó khăn, thiếu thốn các thầy cô đã dồn tâm huyết, nhiệt tình truyền lại cho mình những kiến thức văn hoá cơ bản, cho mình những hành trang đủ đầy để vững tin bước vào đời. Các thầy cô làm việc âm thầm, lặng lẽ, không ồn ào, không đòi hỏi, nhẫn nại, cần cù như con tằm rút ruột nhả tơ, như con ong làm mật dâng hiến cho đời. Cảm ơn thầy cô đã cho em biết chữ, cho em kiến thức để giờ đây ngồi ngẫm nghĩ lại thấy biết chữ thì cuộc sống tốt đẹp hơn… Cách đây mấy ngày Ngọc khoe với tôi rằng: “Mình mới nhận tiền gia sư và ra chợ mua ngay cho chị Hương chiếc áo len. Trông cũng ấm Thanh nhỉ!”. Lúc ấy lòng tôi bỗng dưng nóng lên, mặt đỏ bừng. Và tôi biết một điều chắc chắn rằng mình quý trọng, tin yêu Ngọc nhiều lắm.
      Thời gian trôi đi, ngoài trời vẫn mưa và se lạnh. Ngồi một mình trong căn phòng nhỏ, Ngọc cảm thấy hạnh phúc và ấm áp, thấy mình là người may mắn vì bây giờ đã được học tập dưới mái trường Đại học Vinh. Bao nhiêu tình yêu thương, niềm tin, lòng quyết tâm, trách nhiệm … tất cả, tất cả như đang thôi thúc Ngọc để bước tiếp những chặng đường còn đầy thử thách phía trước. Ngọc thấy vui vì quanh mình có bạn bè, thầy cô, có những lời động viên căn dặn của mẹ, của chị sau mỗi khi về thăm nhà.
      Thời gian học tập ở mái trường Vinh đã kết thúc, Ngọc trở thành một thầy giáo trẻ về công tác  tại mái trường cũ nơi mà mình đã học cách đây bốn năm.  
      Tôi gặp lại mẹ Ngọc, bà say sưa kể: Ngọc nhà bác có rất nhiều học sinh cháu ạ. Mới nghe tôi nghĩ cũng buồn cười vì làm thầy giáo ai mà chả lắm học trò và đặc biệt hơn Ngọc lại là một thầy giáo trẻ, điển trai. Nhưng bà kể tiếp tôi mới hiểu nhiều học sinh của Ngọc không phải như các thầy giáo khác. Mỗi sáng đến trường Ngọc vui vẻ, say sưa bên bài giảng với mong ước học trò của mình ngày một giỏi hơn. Chiều chiều Ngọc lại miệt mài bày vẽ từng chữ một bên một người học sinh đặc biệt của mình - Người học sinh ấy chính là mẹ. Bà kể tiếp: Bây giờ bác không những viết được tên của mình mà còn viết được thư hỏi thăm sức khoẻ mẹ con cái Hương (đứa con gái lấy chồng ở xa). Bà nói trong niềm vui, cảm ơn “thầy giáo” đã dạy cho “người học trò này” biết chữ - Người thầy giáo ấy chính là “cục cưng” của bác đấy cháu ạ.
      Màn đêm buông xuống dần. Ngày mai sẽ sáng lên và mở ra một ngày mới. Thêm một ngày nữa để Ngọc có thêm niềm tin chiến thắng và đi đến bến bờ hạnh phúc.
                                                         Đức Thọ, tháng 4 năm 2010

Tác giả bài viết: Đinh Thị Thanh Tĩnh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập405
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm404
  • Hôm nay80,614
  • Tháng hiện tại214,755
  • Tổng lượt truy cập40,786,828
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây