Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Nghĩ tiếp bài thơ Gửi em, cô Thanh niên xung phong

Thứ tư - 31/07/2019 05:41
Gửi em, cô thanh niên xung phong (TNXP) là bài thơ được làm theo thể thơ tự do. Mạch thơ tự do không bị chi phối bởi quy luật nào. Câu thơ được mở rộng theo ...
Phạm Tiến Duật (1941 -2007) quê gốc Phú Thọ được coi là thế hệ sinh ra cùng Cách mạng tháng Tám 1945, có tuổi thơ trong kháng chiến chống Thực dân Pháp và ông đã sống và cống hiến vẻ vang trong thời đại chống Mĩ. G.S Lê Đình Kỵ từng viết rằng : Thơ ca chống  Mỹ có hai trường phái nổi bật: trường phái Chế Lan Viên là trường phái tìm cái đẹp từ bên trong ngưng đọng của lí trí; trường phái Phạm Tiến Duật tìm cái đẹp từ trong các diễn biến sôi động của cuộc sống”. Bài thơ Gửi em, cô thanh niên xung phong là một trong những bài thơ hay của Phạm Tiến Duật
      Năm 1965,  Phạm Tiến Duật tốt nghiệp Văn khoa Đại học Sư Phạm Hà Nội rồi nhập ngũ. Thoạt đầu ông là pháo thụ cao xạ pháo sau đó là chiến sĩ lái xe thuộc Đoàn 559. Bài thơ Gửi em, cô thanh niên xung phong được viết tại Đức Thọ năm 1968. Nguyên mẫu cô gái Thạch Nhọn trong thi phẩm là cô Nhị, người Thạch Kim, Thạch Hà , Hà Tĩnh. Người lính lái xe hỏi: quê em ở đâu? O Nhị liền trả lời: quê em ở Thạch Nhọn anh nờ”. Người chiến sĩ hỏi mãi mới biết Thạch Nhọn là Thạch Kim. Khi bài thơ được phát trên đài phát thanh o Nhị mới hay biết anh lái xe hôm nào là nhà thơ Phạm Tiến Duật. Năm 2007, trong những ngày cuối cuộc đời o Nhị có ra Hà Nội để gặp lại người chiến sĩ Phạm Tiến Duật và nói với nhà thơ: “em là cô gái Thạch Nhọn đây anh ơi!”. Bài thơ miêu tả chân thực khung cảnh chiến trường, không khí thời đại, tình đồng đội. Cả bài thơ thu hút được người đọc bởi những lời thơ “lạc quan tếu của nhà thơ, lạc quan là một trong những đặc sắc của tâm hồn Việt Nam. Là người lính viết về người lính nơi “ đầu sóng ngọn gió, Nhà thơ họ Phạm luôn tìm thấy cái kì lạ trong cuộc sống hàng ngày. Nhà thơ thích tìm những trái khoáy, ngang ngược của hiện thực chiến tranh để tìm ra cái hay, cái đẹp trong cái kì lạ.
      Người lính trong thơ Phạm Tiến Duật có một cái gì đó lệch chuẩn , lệch khuôn mẫu với người anh hùng mà trong suy nghĩ của bạn đọc đã có từ đầu. Ông cố gắng kiếm tìm “ những hạt ngọc ẩn giấu trongbề sâu tâm hồn con người” ( Nguyễn Minh Châu). Qua cuộc chiến đấu và sinh hoạt của người lính, nhà thơ muốn khẳng định phẩm chất cao đẹp của họ:
                  Có lẽ nào anh lại mê em
                  Một cô gái không nhìn rõ mặt
                  Đại đội thanh niên đi lấp hố bom
                  Áo em hình như trắng nhất
      Hình tượng cô Thanh niên xung phong hiện lên rất sinh động, cụ thể từ nguồn gốc, quê quán đến phẩm chất năng lực đặc biệt là giọng nói “ buồn cười đáo để”. Đêm em đi lấp hố bom mà chưng diện áo trắng, con gái nằm ngủ mà “ nói mớ vang nhà”, “ chân lấm bụi đường”, cái miệng ngoa nhất :
                  Người tinh nghịch là anh dễ thân
                  Bởi vì thế có em đứng gần
                  Em ở Thạch Kim sao lại lừa anh nói là “Thạch Nhọn”
                  Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón
      Em tinh nghịch nhưng cũng đằm thắm lạ lùng. Hình ảnh cô TNXP để lại một một ấn tượng sâu đậm trong mỗi chúng ta bởi đằng sau cái lệch chuẩn ấy là sự hi sinh cuộc đời cho Tổ quốc.
      Đặc điểm ngôn từ đậm chất lính. Phạm Tiến Duật mở đầu cho thế hệ các nhà thơ trẻ có văn hóa, có sự trải nghiệm thực tiễn ở chiến trường. Nếu người lính trong thơ ca chống Pháp xuất thân từ trong nhân dân mà ra, trình độ học vấn còn thấp thì trái lại, người lính trong thơ chống Mĩ ra đi từ những cổng trường Phổ thông, Đại học. Họ là những người có học, hiểu biết thông minh. Chất lính của họ được bộck lộ trong cách sử dụng những từ ngữ mới lạ, bạo dạn nhưng rất tinh tế:
Có lẽ nào anh lại mê em/ một cô gái chưa nhìn rõ mặt
      Ngôn ngữ thơ Phạm Tiến Duật gần gũi với khẩu ngữ, ít trau chuốt rõ nét nghĩa, ít sử dụng từ Hán Việt. Ngôn ngữ thơ ông là ngôn ngữ hằng ngày. Nhà thơ đã chú ý khai thác khả năng tiềm tàng của của từ ngữ khi cần diễn đạt nội dung thích hợp. Thơ ông là khúc ca của tuổi trẻ Trường Sơn, mang đậm tính cách của người   lính, thể hiện tư duy của con người hiện đại. Thơ ông sử dụng thành công các từ  so sánh “ là” , “ như” đạt hiệu quả nghệ thuật cao, So sánh là một trong những biện pháp nghệ thuật được sử dụng nhiều trong thơ ca. So sánh là diễn đạt tu từ ngữ nghĩa, trong đó người ta đối chiếu hai đối tượng khác nhau  của sự vậtkhông đồng nhất với nhau hoàn toàn mà chỉ có một nét giống nhau nhằm lộ ra những hình ảnh cụ thể, những cảm xúc thẩm mĩ trong thơ ông.: Anh lặng người như ngồi trong tiếng ru. Từ “ là” trong mô hình so sánh A là B nhằm khẳng định, nhấn mạnh vấn đề một cách tuyệt đối : Đêm rộng đêm dài là đêm không ngủ. Sự xuất hiện nhiều từ trong thơ Phạm Tiến Duật chứng tỏ nhà thơ có sự khái quát tinh tường trong cuộc sống, một năng lực liên tưởng đặc biệt. Cuộc sống sôi động uwr chiến trường xuất hiện nhiều khái niệm mới mà trước đây không có, bây giờ con người cần phải định nghĩa cho rõ ràng, chính xác hơn.
      Gửi em, cô thanh niên xung phong (TNXP) là bài thơ được làm theo thể thơ tự do. Mạch thơ tự do không bị chi phối bởi quy luật nào. Câu thơ được mở rộng theo
Hai chiều, dọc và ngang một cách thoải mái, phóng khoáng. Thơ tự do ít bị ràng buộc bởi về vần điệu, số lượng câu chữ, tạo điều kiện cho nhà thơ miêu tả đối tượng phù hợp với yêu cầu cuộc sống. Sự phát triển thể thơ tự do là một đòi hỏi tất yếu nhằm đáp ứng những đổi thay của nội dung thơ trong thơ hiện đại. Câu thơ bị tước vần hoàn toàn, rất gần với lời nói thông thường. Ở trong bài thơ này nhiều đoạn mất cả vần mà chính nhà thơ cũng không để ý:
                    Tranh thủ có ánh sáng đèn dù
                    Anh vội nhìn em và bạn em khắp lượt
                    Mọi người cũng tò mò nhìn anh
                    Rồi bóng tối lại khép vào bóng tối
      Nhịp điệu trong đoạn thơ trên dồn dập, khẩn trương. Đoạn thơ hoàn toàn khai thác tung vần, phá loạn nhịp. Qua những đoạn thơ như thế, tác giả đã phản ánh sự khẩn trương của hiện thực chiến tranh, mọi bất ngờ có thể xảy ra. N gày 24/7/1968, Mỹ đã ném bom dồn dập xuống ngã ba Đồng Lộc, mười cô gái TNXP đã hi sinh khi tuổi đời mới chỉ hai mươi tươi trẻ, hầu hết chưa lập gia đình. Ở đơn vị câu, thơ Phạm Tiến Duật thường sử dụng những câu thơ có quan hệ từ “là” làm cho nhóm phân lập ngay lập tức trở thành không phân lập làm cho nghĩa của chính thể  mới đó là lớn hơn tổng số nghĩa của các yếu tố tạo thành
      Phạm Tiến Duật là người tinh tế, giỏi phát hiện những chii tiết giản dị, chân chất tưởng như “ không có gì “ nhưng lại có sức lay động tâm hồn, ngân vang mãi trong tâm tưởng mỗi chúng ta:
                   Cạnh giếng nước có bom từ trường
                   En không rửa ngủ ngày chân lấm
                   Ngày em phá nhiều bom nổ chậm
                   Đêm nằm mơ nói mớ vang nhà
                   Chuyện kể từ nỗi nhớ sâu xa
                   Thương em, thương em, thương em biết mấy …
      Bài thơ Gửi em, cô thanh niên xung phong đã sống trong trái tim mỗi người con đất Việt suốt nủa thế kỉ và nhạc sĩ Quốc Nam đã phổ nhạc cho bài thơ với tựa đề Có lẽ nào anh lại quên em. Có một sự trùng lặp nào không khi bài thơ được viết tại Đức Thọ( Hà Tĩnh)  năm 1968 cũng là năm mười người con gái quê ta làm nên chiến tích  Ngã ba Đồng Lộc. Bài thơ như một vòng hoa trắng dâng hương tưởng nhớ về các chị và biết bao người con đã sống và chiến đấu cho Đất nước hôm nay. Viết đến đây tôi chọt nhớ một lời ca: Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta mà hãy hỏi rằng ta đã làm gì cho Tổ quốc hôm nay. Để tưởng nhớ mười cô gái Ngã ba Đồng Lộc hằng năm có biết bao người đã đến tham quan Khu di Tích này và Ngã ba Đồng Lộc là một “ địa chỉ đỏ” trong các Di tích lịch sử của quê hương núi Hồng, sông La.

Tác giả bài viết: Dương Nguyễn Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 8 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập235
  • Hôm nay46,833
  • Tháng hiện tại1,331,028
  • Tổng lượt truy cập39,802,175
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây