Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện.

Xem tiếp...

Viết cho trường cũ ...

Thứ tư - 31/07/2019 05:48
Nhận được điện thoại của thầy giáo cũ vào một buổi tối đẹp trời, sau ngày làm việc mệt mỏi: “Em à, thầy Công Anh đây. Sắp tới kỷ niệm 20 năm thành lập, trường mình sẽ có tập san đấy, em có muốn viết thứ gì không?”.Một chút ngạc nhiên pha lẫn mừng rỡ, vậy là bao nhiêu năm rồi thầy vẫn nhớ đến mình.
Phải mất một tuần liền để nghĩ xem có thể viết gì đó thật hay, thật trọn vẹn, nhưng sao thật khó. Từng ký ức cứ lần lượt hiện về trong từng dãy nhà đơn sơ, mái ngói cũ, góc sân nho nhỏ… rộn rã tiếng cười. Thủa ấy, khi nghe đến tên trường THCS Hoàng Xuân Hãn thì đã là một niềm tự hào của người Đức Thọ hiếu học, học sinh trường mình bao giờ cũng ngoan và học giỏi. Nhà tôi cách trường vài trăm mét, ngày ấy, nhận được tin đỗ vào trường là tôi đã chạy như bay về báo cho bố mẹ. Từ ấy, một mảnh đất đầy tình yêu thương đã nuôi dưỡng cho trí tuệ, ước mơ và tâm hồn tôi…

Cô giáo chủ nhiệm tôi suốt bốn năm liền là cô Hương. Ấn tượng của tôi lúc ấy là một cô giáo có dáng người rất đẹp, cách dạy đơn giản nhưng thông minh và logic, mặc dù đó là môn Văn. Ban đầu tôi định theo khối A và không có ý học văn nhiều, nhưng Cô là người đầu tiên bồi đắp tình yêu văn học cho tôi và hướng tôi theo đuổi nó. Kỉ niệm nhớ nhất của tôi là khi bị trượt thi HSG tỉnh năm lớp 9, mặc dù tôi làm bài khá tốt so với đáp án của Sở. Lúc ấy tôi đã khóc nhiều, khóc vì cảm giác của một đứa trẻ lần đầu tiên gặp thất bại. Có lẽ học văn nên tôi cũng khá nhạy cảm. Lúc ấy cô động viên tôi nhiều lắm, cô nói: “… Dù sao thì em vẫn là HSG Tỉnh của cô”. Khỏi phải nói câu nói ấy khiến một đứa trẻ như tôi sung sướng râm ran đến mức như thế nào, có thể cô không còn nhớ nữa, nhưng thực sự câu nói ấy đã khiến tôi hết buồn lúc ấy, động viên tôi rất nhiều sau này nữa. Cô khiến tôi nghĩ rằng, cứ cố gắng đi rồi mình sẽ được công nhận theo cách này hay cách khác.

Thầy Công Anh là thầy giáo dạy toán của tôi, thầy về trường khi bọn tôi còn học lớp 7, lớp 8 gì đó. Lớp tôi là một trong những lớp đầu tiên thầy dạy nên thầy nhiệt tình lắm. Nhưng tôi quý thầy không hẳn vì những điều đó. Hồi còn đi học, tôi quý thầy đơn giản vì nhà thầy có vườn khế rất ngon, bọn tôi đi học thêm ở trong nhà thầy, ngay cái chòi nho nhỏ trong vườn. Nhớ cảm giác ấy sao mà thích thế, bây giờ thật khó tìm được một chỗ học lý tưởng như thế nữa. Tôi quý thầy vì thầy có cậu con trai nghịch ngợm và thông minh, tết nào về tôi cũng phải tìm cách trêu cu cậu vài vố. Hơn hết, tôi quý thầy vì thầy thực sự là một người sống giàu tình cảm và hết lòng. Có thể người ta khó nhận ra điều ấy ở một giáo viên dạy môn Toán, nhưng tôi cảm thấy điều ấy khi thầy mới về, chưa nhiều kinh nghiệm dạy ở trường và luôn trưng cầu góp ý; khi thi thoảng thầy vẫn nhớ đến tôi mặc dù tôi không phải là học sinh cưng môn Toán của thầy; cả khi tôi vào đại học, thầy cũng đánh xe đến nhà mừng cho tôi… Thầy là một người tận tụy. Mong rằng các em đi sau sẽ đủ sức cảm nhận và trân trọng những điều đó.

Sau này đi xa khỏi quê hương, ai cũng khó có thể cảm nhận được tình cảm thầy – trò gắn bó như ở quê, vì ở đó còn gắn liền với tình làng xóm, tình quê, những tình cảm rất gần với ruột thịt. Trang ký ức tuyệt đẹp của tôi không thể thiếu những gương mặt thân thương ấy: Thầy Vinh (hồi ấy là hiệu phó trường tôi), dáng gầy và cao, chúng tôi chỉ được học thầy mỗi khi ôn thi đội tuyển. Nếu không có lượng kiến thức phong phú của thầy hồi ấy, tôi cũng khó mà sớm thích nghi với việc học Văn một cách rất khoa học sau này. Thầy dạy nhiều lắm, nhưng không hiểu sao tôi cứ nhớ mãi những câu thơ trong “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của Nguyễn Duy: “Mẹ ru cái lẽ ở đời, Sữa nuôi phần xác hát nuôi phần hồn, Bà ru mẹ… Mẹ ru con, Liệu mai sau các con còn nhớ chăng?....”. Thầy là người đầu tiên đọc cho tôi nghe những câu thơ ấy – tưởng như bằng tất cả cảm xúc của mình. Không hiểu sao tôi ấn tượng đến mức cứ nhớ đến thầy là tôi lại nghĩ đến mấy câu thơ, nhớ lại dáng thầy khi đọc nó, đầy trăn trở và cũng khiến người ta day dứt thật nhiều… “Liệu mai sau các con còn nhớ chăng…?”

Khó mà có thể nhắc được hết kỉ niệm về thầy cô trong một bài viết ngắn. Tôi nhớ thầy giáo hiệu trưởng thời ấy, thầy Vạn, thầy hiền lắm, hôm tốt nghiệp THCS tôi cũng được chụp ảnh với thầy, tấm ảnh ấy giờ tôi vẫn giữ. Cô Thảo dạy Toán cũng rất giỏi và vui tính, trước thầy Công Anh thì cô Thảo dạy toán bọn tôi, sau này thỉnh thoảng bọn tôi cũng đến nhà cô học nữa, đi học cô vui như là đi trẩy hội. Cô Phương dạy Hóa thì… không hiểu sao tôi thấy cô lạnh lùng thế, tôi học rất kém môn hóa nên từ hè năm lớp 8 lên lớp 9 tôi chỉ ở nhà học mỗi môn ấy chỉ vì… sợ cô… Tôi không may mắn có thời gian đủ nhiều để được các thầy cô chú ý và chăm sóc học hành nhiều, nhưng lúc nào cũng cảm thấy thầy cô yêu thương mình. Đối với sự cố gắng của một đứa trẻ, tình yêu thương nhiều khi quan trọng lắm.

Trường cấp 2 gắn liền với những kỉ niệm thật đẹp. Thủa ấy lớp tôi cũng rất vui (trẻ trung và hồn nhiên như các em khóa sau bây giờ vẫn thế!); cũng có những nghịch ngợm, quậy phá như thế; và cũng có những lần làm thầy cô buồn như thế. Nhưng đã đi rồi, ai cũng muốn gói gém trong ký ức của mình những kỷ niệm trọn vẹn và nguyên lành nhất. Giờ đây tôi vẫn thường nói chuyện với bạn bè, anh chị cũ cùng cấp hai, những tình bạn được dựng xây từ lúc này là những tình bạn nguyên sơ nhất. Cảm giác thốt ra những câu nói miền Trung, những câu nghịch “chợ búa”, vô tư, vô lo… khiến người ta muốn giữ và trân trọng nó thật nhiều.

Giờ trường đã chuyển sang địa điểm mới, thay thế địa điểm cũ, khang trang hơn, đẹp hơn. Nhưng với tôi, trường cũ với màu ngói mờ sương sẽ là ký ức không thể nào thay thế. Ký ức về một thời giản dị, chan chứa tình người cũng chẳng thể nào thay thế. Có phải sống với những điều nguyên sơ cũng có thể làm người ta hạnh phúc….?

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Hằng Nga - HS khóa 1998-2002

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập389
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm388
  • Hôm nay97,509
  • Tháng hiện tại1,531,347
  • Tổng lượt truy cập42,103,420
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây