Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Thằng bé và tôi…

Thứ tư - 31/07/2019 05:56
Cuộc thi Viết - Vẽ tuổi học trò lần thứ X đã đi được nửa chặng đường. THCS Hoàng Xuân Hãn đã có một số bạn có tranh được đăng trên Tạp chí Hồng Lĩnh. Đặc biệt, Tạp chí Hòng Lĩnh tháng 5/2013 đã đăng truyện của bạn Thanh Trà (8B). Xin giới thiệu với bạn đọc, mong các em tích cực sáng tác để tiếp tục gửi tác phẩm dự thi.

 Haiz…Chán quá…

      Câu nói đó có thể được ghi danh vào sổ sách rồi đó, bởi vì, câu nói đó là câu nói được tôi lặp đi lặp lại hàng trăm lần vào những khi nhà tôi có khách vì hễ khi có khách là tôi đều “được vinh dự”  làm “ nhân viên nhà hàng”. Nếu chỉ bưng bê thôi thì là một công việc con con nhưng… không thích cái gì cũng phải có cái cớ của nó. Từ khi có cái nhà hàng này, tôi được gán cho cái biệt danh “ Cô bé bán thịt thỏ “ … Chưa hết tôi còn bất đắc dĩ trở thành       “ chuyên gia tư vấn “ cho bọn bạn cùng lớp về những vấn đề về ẩm thực và giá cả… Sáng nào, ngày nào luôn chập chờn bên tôi những câu hỏi đại loại như: “ Loại nào là ngon nhất?” , “ Giá một đĩa bao nhiêu? “,… Làm tôi đôi khi phát bực và đôi khi những hình ảnh này còn theo tôi vào những giấc mơ màu xanh…

      Nhà tôi “ biến “ thành nhà hàng cũng chưa được lâu ( nói vậy thôi chứ cũng được gần 1 năm rồi ). Nó là một cái nhà hàng mà gọi nhỏ không được, gọi lớn không xong. Không được như nhà hàng đạt chuẩn năm sao nhưng mà “ Nhà hàng của tôi “ ( tôi trịnh trọng gọi theo cách đó) luôn luôn tấp nập người ra kẻ vào. Mặc dù không phải là thầy bói hay phù thủy nhưng cứ mỗi một ngày trôi qua là tôi đã đoán được “ lịch công tác “ của tôi ngày hôm sau. Đại loại như thức dậy, vệ sinh cá nhân, đi học, bưng bê giúp mẹ,  ăn cơm, ngủ, đi học, bưng bê…Một ngày của tôi là một sự chán nản vô bờ bến…

             Hôm nay, trời vẫn xanh, mây vẫn trắng, nắng vẫn vàng và “ lịch công tác “ của tôi cũng… như bao hôm khác. Tôi vừa thong thả đạp xe về nhà dưới những vòm cây phượng mang màu đỏ rực của cánh hoa vừa “ tranh thủ “ ngắm những cánh hoa đang dần rơi rơi xuống đất… tôi thầm nghĩ rằng có lẽ trong cái chặng đường rơi xuống từ cành cây và “ hạ cánh an toàn ” dưới đất thì sự tươi tắn của cánh hoa phượng đã “ chết “ đi nhiều phần rồi… có lẽ rằng, cánh hoa cũng như lòng tôi lúc này… cánh hoa sợ việc bị bàn chân người dẫm lên khi đã yên vị dưới đất thì tôi sợ việc bưng bê… sợ việc phải nhấc cái mâm lên… sợ việc phải đi đi lại lại… Nói một cách chung nhất là tôi sợ và thâm chí là ghét về nhà vào những giờ tan tầm. Nhưng con đường có dài vô tận đâu. Dù có thong thả hay là đạp xe chậm hơn con rùa đi chăng nữa thì tôi vẫn  “phải “ về đến nhà.

       Hic …hic…Hôm nay khách đông dữ. Xe cộ dựng đầy sân nhà tôi còn lấn sang cả sân nhà hàng xóm nữa. “ Phen này chân mình gãy mất thôi. ” Tôi tự nhủ rồi lê bước vào nhà. Vừa bước vào nhà, tôi đã “ vịnh dự “ được nghe “ những câu cải lương” vô…vô … vô cùng hay và truyền cảm:

- Học hành gì mà bây giờ mới về. Hay là đi thăm hết họ hàng anh em thân thích về hả? Mau vào mà bưng thức ăn cho khách đi. Nhanh…

- Dạ….Đợi con cất cặp đã…

       Dẫu vẫn biết được một điều rằng con người khi bận rộn sẽ trở nên cáu bẳn nhưng tôi vẫn quăng cặp vào một xó tường rồi bắt đầu “ công việc “ với khuôn mặt bí xị...

       Tiếng ồn có lẽ như là vô tận. Người này kêu, người kia ới… Kẻ này ra, người kia vào… tôi đi lại cũng đau chân lắm rồi. Bỗng nhiên, tôi chợt thấy một thằng bé gầy còm, da đen nghẻm nhưng trông sạch sẽ, gọn gàng đang đứng tựa vào cổng nhà tôi. Tôi lấy làm làm, chạy đến hỏi thằng bé:

- Em đứng đây làm gì? Về nhà mà ăn cơm đi chứ…

Nó chẳng đáp lại. Bỗng dưng, nó ngước cặp mắt long lanh lên nhìn tôi nói:

- Em đang đi bán vé số…Chị… chị… có cần em giúp không?

- Em thì biết gì mà giúp chị…chỉ làm vướng tay vướng chân chị thôi?

- Chị đừng lo, em đã từng làm trong một quán ăn cách đây mấy tháng đó.

- Ừm… ừm… vậy thì… OK luôn.

       Tôi không ngần ngại gì trong lúc mà bản thân mình đã như người chết đuối vớ được cọc. Tôi đồng ý luôn.
     Tôi đã thực sự nhận thấy mình quả là sai lầm khi nhận xét thằng bé chỉ tổ làm vướng tay vướng chân mình: Thằng bé rất chăm chỉ và nhanh nhẹn. Cũng có thể nói đó là “ nghề “ của nó…Nó hết bưng bề lại nhanh tay nhặt rau, đưa nước…Nó kêu chú, gọi cô ngọt xớt làm ai ai cũng hài lòng đến mức phải khen nó còn nhỏ mà giỏi việc. Xong việc này nó lại lăng xăng đi làm việc kia…đến cả mẹ tôi cũng phải gọi tôi lại hỏi nó là ai vì mẹ quá ngạc nhiên vì sự siêng năng của nó…

      Khi khách đã thưa dần tôi mới có cơ hội đến gần và hỏi chuyện nó:

- Em giỏi nhỉ… Mà quên… Em tên gì thế?

- Dạ…Em tên Tuấn.

- Nhà em ở đâu?

          Thằng bé chần chừ mãi… nó ậm ừ…nó ngượng nghịu… nó cúi đầu xuống và đứng lặng thing…cuối cùng, rụt rè nó đáp:

- Em ở với bà ngoại…Bố mẹ em đi xa rồi…

Thế rồi, như được tiếp thêm sức mạnh, nó bắt đầu kể, kể về cuộc sống của nó:

- Nhà em không giàu có nhưng lại là một gia đình ấm áp và hạnh phúc. Em ở trong một căn nhà giáp ngõ, bố mẹ em đều là công nhân...Bố mẹ luôn yêu thương và chăm sóc em…

- Em thật hạnh phúc đó…Vậy bố mẹ em đi dâu?

      Bỗng nhiên tôi thấy nó khóc. Những giọt nước mắt đã ứ đọng trên mí mắt bây giờ trào ra, lăn dài trên gò má... rồi nghẹn ngào, tức tưởi, nó nói tiếp:

      - Bố mẹ em bay lên thiên đàng rồi. Sau đó, em về ở cùng với bà nội. Bà đã già rồi, gia dẻ đã nhăn nheo lại. Bà đã già yếu lại còn phải nuôi em, tội bà lắm chị ạ…Nhưng rồi bà em bị ốm…ốm nặng…em đành phải đi làm thuê giúp bà ở quán ăn của người chú họ. Nhưng hình như em đi đâu là cái xui đi theo đó chị ạ. Mới làm chưa được một tháng thì chú em bị tai nạn qua đời…rồi em lại ra đi…kiếm việc khác thôi chị ạ… Em đi bán vé số cho một đại lí nhưng cũng chẳng ăn thua chị ạ…

      Không hiểu tại sao tôi thấy sống mũi cay cay. Năm nay nó mới tròn 10 tuổi. Đang trong tuổi cần được sự che chở nhất mà nó đã mồ côi cả cha lấn mẹ lại còn phải đi kiếm tiền đỡ đần bà ốm… Trước kia tới giờ, tôi được sống trong sự đùm bọc của bố mẹ; 13 tuổi mà nghĩ lại tôi chưa làm được việc gì có ý nghĩa cho bố mẹ mà ngay cả những việc bố mẹ giáo cho cũng không làm được tốt…Tội nghiệp thằng bé…nhìn thằng bé mà tôi hối hận vô cùng….

- Thôi nín đi em…

       Tôi vỗ về nó. Nó ngước cặp mắt đén lay lánh lên nhìn tôi… Rồi nó quay xuống lau khô nước mắt…

                  Vì đông khách nên tận 1 giờ tôi mới “phải” ăn cơm. Tôi ăn cơm trước mẹ bởi vì còn phải đi học buổi chiều. Tôi gọi nó vào, hai chị em xới cơm vào hai cái tô rồi đưa lên tầng trên ăn ngon lành. Sau khi ăn cơm xong, tôi dắt xe, chuẩn bị đi học, tôi đứng “ than thân trách phận “ một mình: “ Học, bưng, học, bưng… hic… khổ thân mình quá”. Tôi không ngờ được là nó đứng ngay ở sau lưng. Tôi ngượng đỏ mặt. Hình như nó cũng hiểu được cảm nhận của tôi lúc này. Nó đánh trống lảng :

- Chị chuẩn bị đi học à?

- Ừ…mà…lúc nãy em nghe được gì không?

Nó cười bẽn lẽn. Điệu cười của nó làm tôi đoán được là nó đã nghe hết. Nó nói:

- Hình như chị không thích việc bưng bê lắm thì phải.

- Ừm… Nhưng thế em sẽ làm gì nếu em là chị chứ? Không ai thích công việc này cả đâu…nhưng bị bắt buộc thì vẫn phải làm…haiz…

- Có thể tùy vào hoàn cảnh của từng người thôi chị ạ…

      Tôi khá ngạc nhiên vì câu trả lời của nó. Tôi hỏi lại:

- Thế em thử tìm vài trường hợp có người thích bưng bê chị coi nào…

- Ừm… em chẳng hạn…

Câu trả lời này làm tôi giật mình. Tôi không ngờ được là nó có thể nói thế. Nó nói tiếp, lí nhí trong cổ họng:

- Chị có thể xin mẹ chị cho em làm ở đây được không?

- Sao??? Chị có nghe nhầm không thế? Em biết đây là một công việc vô cùng nặng nhọc đấy…

Thế là tôi đứng tao lao về sự bận rộn của việc bưng bê. Nào ra khách giục, nào là mẹ mắng, nào là đi đi lại lại nhiều, nào là ăn uống không được đúng giờ giấc… Sau một hồi          “ vòng vo Tam quốc “, tôi đã chắc mẩm trong bụng rằng thằng bé sẽ thay đổi suy nghĩ của bản thân nó nhưng tôi đã nhầm, nhầm to. Sự quyết tâm của nó đã đi đến đỉnh điểm nhưng nó cũng chẳng ngắt lời tôi, đợi tôi nói xong, nó mới nói:

- Em biết nhưng mà… bây giờ em rất cần một công việc để kiếm tiền mua thuốc cho bà em…

- Em có thể tìm việc khác đơn giản hơn mà…. Ví dụ như việc bán vé số của em hiện tại vậy.…

- Chị ơi…Chị đâu có biết được. Giữa cái ngày hè và cái sự tất bật, xối xả của những con người bây giờ, em đi bán cả ngày nếu mà có may mắn thì hai bà cháu được một bữa cơm trắng với ít rau qua loa đạm bạc nhưng còn… không may thì cả ngày em đành bấm bụng nhịn ăn để dành cho bà……

      Tôi tròn xoe mắt nhìn nó…Nói thật rằng điều đó bây giờ tôi mới biết. Tôi nhìn nó, đôi mắt long lanh của nó đã ngập đầy nước mắt. Có lẽ nó sẽ trào ra hay không trào ra chỉ dựa vào câu trả lời của tôi. Tôi đáp:

- Thôi được rồi…để chiều về chị hỏi mẹ cho em nhé…Chị đi học đây……

- Dạ…em cảm ơn chị nhiều…

Nói rồi tôi đạp xe đi học …

           Tối hôm đó, nhà tôi vắng khách. Chúng tôi ăn cơm sớm. Trong khi ăn cơm, tôi có hỏi chuyện đó với mẹ:

- Mẹ thấy thằng bé hồi trưa thế nào?

- Nó ngoan hơn con nhiều, nhanh nhẹn và dễ bảo…

- Thế mẹ cho nó làm ở đây nhé.

Thấy mẹ im lặng và không có một sắc thái biều cảm gì trên khuôn mặt, tôi bắt dầy lo sợ. Bỗng mẹ tôi lên tiếng:

- Nó còn nhỏ quá…

- Nó ngoan mà mẹ… Vả lại…

Tôi chần chừ chưa dám nói tiếp. Thấy mẹ giục, tôi bẽn lẽn nói:

- Nó muốn đi làm để kiếm tiền mua thuốc cho bà nó đang bị ốm…

Mẹ tôi đưa cặp mắt lên nhìn tôi chằm chặp. Rồi bà cúi xuống, buông một tiếng thở dài rồi bà đáp:

- Tội nghiệp thằng bé. Còn nhỏ vậy mà ngoan quá…

- Thế mẹ đồng ý nha…

- Mai nói nó đến đây làm đi … Nếu nó cảm thấy mệt thì nghỉ cũng được… cứ coi như là chúng ta giúp đỡ nó…

Tôi vô cùng sung sướng và hạnh phúc vì đã làm được một việc gì đó cho nó và cũng là cho bà nó.

          Sáng hôm sau là ngày Chủ nhật, tôi đạp xe đến nhà thằng bé để báo tin vui cho nó. Cái lối vào nhà nó thật là…ghê tởm - Con đường thì chỉ vừa một người đi, lại cả ngoằn nghèo và trơn tuột. Nhà nó ở tận cuối con đường đó. Phải khó khăn lắm tôi mới có thể đi vào được đến nhà nó. Đó là một căn nhà tranh lụp xụp và tồi tàn. Bước vào nhà, đập vào mắt tôi là hình ảnh của bà nó… Bà đã già lắm rồi. Mái tóc bù xù, đã bạc trắng. Làn da nhăn nheo, bà gầy gộc, xơ xác. Bà nằm trên giường… ho sòng sọc. Có lẽ trong căn nhà tồi tàn, lụp xụp này không bao giờ vắng tiếng ho khan của cụ. Bỗng bà lên tiếng, giọng khàn khàn, nho nhỏ:

- Ai đó???

- Chào bà, cháu là Mai ạ…Bà cho cháu hỏi, em  Tuấn có ở nhà không ạ?

- Nó vừa đi rồi…lát nó về…ngồi xuống ghế đó nhé…

- Dạ…

      Tôi nhanh chóng ngồi xuống mà không cần nghĩ là vì sao bà nó không biết tôi là ai mà lại cho tôi vào… bởi vì… căn nhà này có còn gì đáng giá để mà lấy đi đâu. Tôi ngồi xuống cái ghế gỗ nhìn không chắc chắn lắm và ngắm nhìn ngôi nhà. Theo tôi thì đó là một cái lều chứ không được gọi là nhà. Một cái lán nhỏ bé và cô độc nỗi lên giữa cánh đồng là chỗ che nắng, chắn mưa cho một bà già bị bệnh và một đứa cháu mồ côi... "Bà ơi… bà…” Tiếng gọi lanh lảnh của thằng bé đến đầu ngõ làm tôi giật mình. Nó bước vào nhà, trên tay đang bê một tô phở đang nóng hổi. Có lẽ nó rất ngạc nhiên khi thấy tôi đến nhà nó. Nó ngạc nhiên đến mức chỉ thiếu làm rơi cái tô xuống đất thôi. Tròn xoe mắt nhìn tôi, nó hỏi:

- Chị đến lâu chưa ạ?

- Chị mới đến…chị đến để báo tin vui cho em nè…

Nó lại nhìn tôi chằm chặp. Nó hỏi, vẻ sốt sắng:

- Có chuyện gì à chị?

- Tin vui cho em đó…mẹ chị đồng ý cho em làm việc ở nhà chị rồi…

- Thật hả chị…

- Thật…

      Nó reo lên một cách sung sướng. Nó chạy từ trong nhà ra ngoài sân. Nó nhảy cẫng lên vì sung sướng… Ở trên cái giường cũ đó, bà nó trở mình, tiếng giường kêu cọt kẹt. Bà nó cũng vì vui sường mà trào nước mắt…

            Những ngày sau đó nó đều tích cực đến làm việc. Mỗi sớm mai thức dậy tôi đã thấy nó đến làm rồi. Không phải như những người khác, nó rất chịu khó làm việc. Vì nó còn nhỏ nên mẹ tôi thường chỉ bảo nó phải bưng bê thôi. Tôi cũng không hiều tại sao mà từ nó tỏa ra một thứ gì mà bỗng nhiên tôi lại thích việc bưng bê mà cách đây vài tháng tôi còn ghét cay ghét đắng như vậy. Có lẽ cái chất lạ đó là sự siêng năng, chăm chỉ của nó và vì tôi ở gần nó nhiều nên bị lây một chút xíu… và nó đã làm cho tôi thay đổi cách suy nghĩ lệch lạc của mình…

      … Và dường như, trong cái chặng đường hạ cánh của những cánh hoa phượng hồng, chẳng “ chết “ như tôi của ngày xưa nữa mà lúc này, tuy cánh hoa vẫn chết về thể xác nhưng chúng lại nảy nở thêm một lần nữa trong những trái phượng xanh xanh…

Tác giả bài viết: Nguyễn Thị Thanh Trà - 9B

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập233
  • Hôm nay56,933
  • Tháng hiện tại1,341,128
  • Tổng lượt truy cập39,812,275
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây