Có lẽ ai cũng có những kỷ niệm về thầy cô cũ, với riêng tôi, có rất nhiều điều không thể nào quên. Mỗi khi có dịp về thăm trường, gặp lại những thầy cô năm ấy, tôi vẫn tưởng như mình là cậu học trò nhỏ ngày nào. Chỉ tiếc nuối một điều là giờ đây tôi không bao giờ còn được gặp lại thầy dạy Toán của tôi ngày xưa nữa. Tôi vẫn còn nhớ những buổi chiều mùa đông giá rét năm cuối cấp, khi tôi khăn gói vào thị xã dự thi học sinh giỏi quốc gia, thầy đi cùng để dạy thêm cho tôi và động viên tôi học hành. Giờ đây nghĩ lại, tôi vẫn còn hình dung được cảnh các thầy cô lo lắng cho học trò như thế nào trong năm học và mất ăn mất ngủ mỗi lần đến kỳ thi của chúng tôi ra sao. Không chỉ có thầy dạy Toán của tôi, Nguyễn Bá Hùng, mà từ thầy hiệu trưởng Bùi Xuân Vạn, thầy hiệu phó Dương Thế Vinh cho đến các thầy cô khác, trong đó có mẹ tôi, tất cả đều luôn tận tình như thế. Tôi vẫn nhớ, ngoài những lúc lo cho công việc chung, các thầy hiệu trưởng, hiệu phó vẫn say mê với chuyên môn của mình. Thầy Vạn thì luôn trăn trở với những bài toán khó, còn với thầy Vinh thì văn chương vẫn là một niềm đam mê không thể thiếu trong cuộc đời.
Rời trường đại học, số phận đưa tôi trở thành giảng viên, đến với công việc gắn với bóng dáng của những người thầy thuở trước. Những khó khăn hàng ngày phải đối mặt càng làm tôi thấm thía hơn nỗi lao tâm khổ tứ của các thầy cô cũ, và càng ngày càng làm tôi day dứt với một câu hỏi dường như không dễ trả lời: tại sao những người thầy của mình ngày trước vẫn giữ được một tấm lòng sắt son với nghề nghiệp như thế? Chắc không chỉ vì cuộc sống mưu sinh thường ngày, mà có lẽ cũng không chỉ đơn giản vì sự tâm huyết với công việc? Hay đó là duyên phận với nghề nghiệp? Hay vì một điều gì đó lớn hơn nữa mà bây giờ tôi vẫn chưa thể nào hiểu nổi?
Giảng dạy một thời gian, tôi sang Mỹ học tiếp. Nước Mỹ quả thực có nhiều điều mới lạ, đủ làm tôi thích thú và thậm chí choáng ngợp, nhưng cuộc sống công nghiệp hối hả và khắc nghiệt ở đây đôi khi làm tôi nhớ da diết quãng thời gian êm đềm và đẹp đẽ của thời đi học ngày xưa. Đôi khi tôi lại thấy lòng mình chùng xuống mỗi khi những kỷ niệm xa xăm bất chợt ùa về, và chợt nhận ra rằng, không thể nào ngờ được mình lại nhớ đến thế. Đến giờ tôi vẫn còn mường tượng được con đường đi học ngày trước, vẫn còn hình dung được rõ ràng hình ảnh của mình và bè bạn năm xưa.
Mặc dù phần lớn thời gian ở đây tôi miệt mài trên lớp học, trong thư viện hay phòng lab, nhưng những cuộc gặp gỡ hiếm hoi với những người Việt xa xứ nơi đây cũng như những du học sinh người Việt thế hệ trước đã làm tôi hiểu ra được phần nào về một giai đoạn thăng trầm của đất nước. Tổ quốc ta tuy không còn trong vòng nô lệ lầm than như thuở trước, nhưng cái nghèo nàn và lạc hậu thì vẫn còn là một nỗi nhức nhối khôn nguôi trong lòng những người con đất Việt có lương tri. Đến bây giờ khi đã ở xa quê, thấy được đất nước mình đang phải vật lộn với bao khó khăn, vất vả, tôi mới phần nào tự trả lời được câu hỏi trước đây về những người thầy cũ. Phải chăng căn nguyên lớn nhất của tấm lòng sắt son đó chính là cái tâm với học trò, vì một thế hệ mai sau cho đất nước Việt Nam đã thấm bao gian khổ nhọc nhằn? Hiểu ra điều đó, tôi thấy lòng mình nhẹ nhõm hẳn đi. Tôi biết mình đã đi đúng đường.
Bạn bè ngày ấy của tôi bây giờ mỗi người một ngả. Mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, một cuộc sống khác nhau. Có những người hàng chục năm qua tôi vẫn chưa hề gặp lại. Có người vẫn đang loay hoay với việc xác định hướng đi cho cuộc đời, có người thì đã bắt nhịp rất nhanh với xã hội và cuộc sống thời hiện đại. Có người đã tương đối thành công, nhưng cũng có người vẫn còn vất vả. Có người đã bay đến những phương trời xa lập nghiệp, nhưng cũng có người vẫn lận đận nơi quê nhà. Số phận dẫn dắt mỗi người một ngả, nhưng dù đã thành công hay vẫn còn trắc trở, mỗi khi gặp lại nhau tôi vẫn thấy thấy thật hạnh phúc khi trong trái tim của mỗi người vẫn còn đó một hình ảnh không phai mờ về một thời học hành sôi nổi và vui chơi vô tư ngày xưa.
Tôi muốn nhắn gửi đôi dòng với thế hệ sau, những người tiếp bước chúng tôi trong cùng một mái trường năm ấy. Tôi có may mắn là mẹ tôi vẫn dạy ở trường cũ, tôi vẫn biết được phần nào về các thế hệ sau tôi. Tôi biết giờ đây xã hội xung quanh có bao nhiêu thứ hấp dẫn có thể làm các em phân tâm trong cuộc sống thường ngày, không đơn giản như chúng tôi ngày xưa nữa. Tôi biết, để vượt qua những điều đó, tìm thấy niềm vui và sự say mê trong học hành, quả thực không dễ dàng. Nhưng bên cạnh đó, bây giờ các em lại có nhiều điều kiện thuận lợi để hiểu biết và phát triển hơn chúng tôi. Nếu được lựa chọn, theo các em điều gì sẽ tốt hơn?
Về phía tôi, tôi chỉ muốn nhắn nhủ các em một điều rằng, hãy trân trọng quãng thời gian này và cố gắng học tập thật tốt. Cách chuẩn bị tốt nhất cho tương lai là làm tốt những gì hiện tại. Tôi biết, cũng như chúng tôi, các em luôn gặp rất nhiều khó khăn trong học tập. Nói như Vương Dương Minh, một nhà tư tưởng đời Đường bên Trung Quốc: “Học như nghịch thủy hành châu, bất tiến tất thoái”. Nghĩa là, việc học như chèo thuyền trên dòng nước ngược, không tiến ắt sẽ lùi. Học tập quả thực gian nan, và có thể các em sẽ tự hỏi, vậy thành quả của nó là gì? Barack Obama, vị tổng thống da màu đầu tiên của nước Mỹ, cựu sinh viên trường đại học lừng danh Harvard, trở thành tổng thống khi mới 47 tuổi, trong thư gửi học sinh nhân ngày tựu trường, đã nói: “Việc các em đang ở đâu không xác định các em sẽ đi đến đâu. Không ai viết sẵn định mệnh của các em. Đây là nước Mỹ, và các em tự viết lấy tương lai của mình.” Phải chăng đó chính là một phần của “giấc mơ Mỹ”? Chúng ta có thể thay từ “nước Mỹ” bằng từ “Việt Nam” trong bức thư đó không?
... Tôi vẫn còn muốn nói rất nhiều điều khác nữa, nhưng tiếc thay tự thấy mình không đủ sức diễn tả được hết những cảm xúc đang dâng tràn. Có hai câu thơ mà đến giờ tôi vẫn nhớ: “Dù cho tung cánh muôn phương. Tình thầy, nghĩa bạn, ơn trường không quên”. Những ký ức đẹp về bạn bè ngày ấy, về thầy cô cũ, những kỷ niệm không thể nào quên về mái trường xưa vẫn là điểm tựa quan trọng nâng đỡ tôi trong bước đường đời. Tôi vẫn mong các thế hệ học sinh của trường tiếp tục thành công trong học tập cũng như cuộc sống, để mang lại hạnh phúc cho chính mình và cũng là để góp phần xây dựng đất nước, quê hương. Có lẽ các thầy cô, những người đã đem hết tâm huyết dồn cho học trò, cũng không mong muốn điều gì hơn thế. Có lẽ đó cũng là sự trả ơn xứng đáng nhất của chúng tôi cho các thầy cô giáo cũ, những người đã dốc hết lòng hết sức vì một thế hệ ngày mai của đất nước thân yêu.
Tác giả bài viết: Võ Sỹ Nam - HS khóa 1992-1996
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn