Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Cuộc gặp mặt nồng ấm tình nghề…

Thứ tư - 31/07/2019 05:32
... Tình yêu làm nên sự sống. Làm giáo dục phải có tình yêu, phải sâu sắc, độ lượng, không được hời hợt, nông nổi… Cuộc đời bụi phấn có ý nghĩa là vì thế! ...
“Cuộc gặp mặt nồng ấm tình nghề…”. Đó là nhận xét của nhà giáo Dương Thế Vinh, nguyên Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Xuân Hãn, về cuộc “Gặp mặt cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ngành giáo dục huyện Đức Thọ nghỉ hưởng chế độ BHXH năm 2017” do ngành giáo dục huyện Đức Thọ tổ chức. Đó cũng là cảm nghĩ của những người tham dự cuộc gặp mặt này.
      Nhằm hướng tới làm phong phú thêm đời sống tinh thần nhà giáo, phát huy mạnh mẽ truyền thống tôn sư trọng đạo từ bản thân những người làm giáo dục, lan tỏa sâu sắc hơn ý thức trách nhiệm nghề nghiệp và lòng yêu nghề từ lực lượng cốt cán đến toàn thể đội ngũ nhà giáo, thiết thực hướng tới kỷ niệm 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2017), sáng ngày 11/11/2017 ngành giáo dục Đức Thọ đã tổ chức buổi gặp mặt các cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nghỉ hưởng chế độ BHXH trong năm 2017.
      Chia tay đồng nghiệp nghỉ hưởng chế độ BHXH là hoạt động thường niên nhưng năm 2017 hoạt động này được tổ chức trong chuỗi các sự kiện chào mừng ngày trọng lễ của ngành, chào mừng Tết Nhà giáo 20/11. Năm 2017, tròn 35 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, năm 2017 những người làm giáo dục Đức Thọ chia tay 35 đồng nghiệp. Chia tay 35 năm nhà giáo, là giáo viên, nhân viên, là cán bộ quản lý, là lãnh đạo ngành, tạo nên nhiều thay đổi với các nhà trường và với toàn ngành. Vì vậy, sự hiện diện của những thế hệ nhà giáo đã và đang công tác là một dịp để trao nhau tình đồng nghiệp ấm áp, dịp chuyển giao tinh thần trọng nghề, yêu nghề.
      Thầy giáo Trịnh Hồng Mạnh – Trưởng phòng GD&ĐT, trong lời phát biểu chia tay các đồng chí đồng nghiệp nghỉ BHXH năm 2017 đã khẳng định những đóng góp hết sức ý nghĩa từ những vị trí công tác khác nhau của quý thầy giáo, cô giáo đối với sự nghiệp giáo dục huyện nhà trong suốt mấy chục năm qua. Thầy cũng bày tỏ ý tưởng nung nấu lâu nay khi được đảm trách vị trí công tác mới là tổ chức cuộc gặp mặt để những người đương nhiệm, đang gắn bó với sự nghiệp trồng người tri ân những cống hiến của thế hệ nhà giáo đi trước. Nhìn lại quá trình công tác của quý thầy giáo, cô giáo thế hệ chia tay năm 2017, thầy giáo Trịnh Hồng Mạnh chia sẻ nhiều thông tin thú vị: do đặc điểm lịch sử và đặc thù công việc, cuộc đời làm nghề giáo của các CBQL và GV mầm non thường gắn bó với một ngôi trường; các nhà giáo ở bậc TH và THCS lại từng công tác ở nhiều trường học, nhiều huyện thị, sau đó mới về công tác trên quê hương Đức Thọ, thậm chí, có nhiều nhà giáo từng công tác ở những miền đất xa xôi như Lâm Đồng, Quảng Nam, Thuận Hải. Thầy giáo Trịnh Hồng Mạnh nói lời chúc mừng quý thầy giáo, cô giáo nghỉ hưởng chế độ BHXH năm 2017 đều vẫn khỏe, vui bởi được về với gia đình đầm ấm, năng lượng sống vẫn dồi dào. Những người tiếp nối sự nghiệp trồng người trên mảnh đất Đức Thọ luôn tự hào với những đóng góp của quý thầy giáo, cô giáo nói lời chia tay hôm nay, luôn phấn đấu kế thừa và phát huy những thành quả ấy trong hoàn cảnh mới. Thay mặt các thế hệ nhà giáo đang công tác trong toàn ngành giáo dục Đức Thọ, những người tiếp bước, thầy giáo Trịnh Hồng Mạnh bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến quý thầy giáo, cô giáo, cán bộ, nhân viên của ngành đã gắn bó, cống hiến cho giáo dục huyện nhà suốt từ những tháng năm gian khó cho đến ngày hôm nay.
      Sau lời phát biểu của thầy giáo Trưởng phòng GD&ĐT, buổi gặp mặt chuyển sang phần nội dung trọng tâm “tống cựu nghinh tân” và “ôn cố tri tân”. Chia tay những người cũ – chào đón những người mới, toàn ngành đã trao tặng những nhà giáo là lãnh đạo, CBQL, giáo viên, nhân viên nghỉ hưởng chế độ năm 2017 những món quà tri ân; đồng thời cũng trao tặng những bó hoa tươi thắm chúc mừng các đồng chí lãnh đạo, CBQL mới được bổ nhiệm năm 2017. Phần lớn thời lượng của buổi gặp mặt được dành để mọi người cùng chia sẻ những cảm xúc, nghĩ suy của thầy cô về nghề giáo và nhà giáo.


              Tặng quà chia tay các đồng chí giáo viên, nhân viên nghỉ hưởng BHXH năm 2017


             Tặng quà chia tay các đồng chí giáo viên, nhân viên nghỉ hưởng BHXH năm 2017


                Đại diện ngành chúc mừng các đồng chí CBQL được bổ nhiệm năm 2017

      Không khí ấm áp của khán phòng trải qua nhiều cung bậc cảm xúc qua những lời tâm sự của các thầy cô về nghề giáo, nhà giáo.
      Thầy giáo Lê Chí Thành – nguyên Trưởng phòng GD&ĐT, bày tỏ ấn tượng về cách tổ chức cuộc gặp mặt ấp áp, tạo điều kiện để nhiều thế hệ nhà giáo ở các bậc học được giao lưu, tạo điều kiện để những nhà giáo cùng nghỉ hưởng BHXH trong năm 2017 được gặp gỡ, sẻ chia tâm sự, đặc biệt là được sẻ chia tâm sự cùng những thế hệ tiếp nối. Với thầy, về hưu là quyền lợi, về hưu cũng là trách nhiệm; quyền lợi nghỉ ngơi sau bao năm lao động, trách nhiệm tạo cơ hội cho thế hệ sau khẳng định mình. Từ việc gợi nhắc những cảm giác của những người về hưu về những thay đổi trong thói quen sinh hoạt, điều chỉ có ở những người làm nghề giáo, thầy giáo Lê Chí Thành cắt nghĩa: Là bởi, nghề giáo là nghề rất nặng tình, nghề có sự gắn bó giữa người với người không phải chỉ vì quan hệ công việc mà còn bởi quan hệ tình cảm thiêng liêng. Thầy giáo Lê Chí Thành cũng bày tỏ sự tin tưởng vào đội ngũ nhà giáo hiện nay với năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, với sức trẻ, sức sáng tạo – cuộc gặp mặt hôm nay cũng là một biểu hiện của sức sáng tạo ấy.
      Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền – nguyên Phó hiệu trưởng trường THCS Yên Trấn chia sẻ những niềm hạnh phúc mà nghề giáo mang lại. Tình yêu nghề nảy nở trong tâm hồn cô từ khi còn là một nữ sinh trung học, như mối duyên tiền định khi dòng chữ về “cô giáo dạy Văn tương lai” xuất hiện trong trang lưu bút học trò. Học sư phạm ở Đà Lạt, những trang giáo án đầu đời được cô nắn nót từng nét chữ ở mảnh đất Đơn Dương – Lâm Đồng. Đến khi được về quê công tác tại những ngôi trường thân thuộc, và cho đến tận bây giờ khi giã từ phấn bảng, vẫn trở đi trở lại trong những giấc mơ của cô màu vàng miên man của hoa dã quỳ, màu xanh của những tán bàng, màu đỏ của những hàng phượng vĩ, trở đi trở lại trong cô những cung bậc cảm xúc của những mùa thi, của những vui buồn sau những nét chữ ngây thơ của những trò nhỏ… Cho đến khi giã từ phấn bảng, tình yêu nghề vẫn tha thiết trong cô.
      Thầy giáo Phùng Thanh Bình – nguyên Hiệu trưởng trường TH Nguyễn Xuân Thiều đã thể hiện những suy nghĩ của mình về nghề giáo. Gắn bó suốt 40 năm với nghề, công tác từ miền ngược xuống miền xuôi, thầy luôn cố gắng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ. Thầy đọc đôi câu đối mình tâm đắc về cuộc đời nhà giáo của bản thân, ẩn sau đôi câu đối thầy đọc là ý thức đúng đắn trách nhiệm của người làm giáo dục.


                                                Cô giáo Trần Thị Hồng Minh

      Cô giáo Trần Thị Hồng Minh – giáo viên, Tổ trưởng, công tác tại THCS Hoàng Xuân Hãn – bằng những phát biểu mộc mạc, chân thành đã thể hiện những suy nghĩ sâu sắc về nghề. Không phải là lựa chọn của bản thân, cô đi theo nghề giáo là đi theo sự định hướng của người cha. Và nghề giáo đã gắn bó với cô từ thuở thiếu thời cho đến tận bây giờ. Nhìn lại cuộc đời đi dạy, cô không khỏi xúc động vì cảm giác lưu luyến với những điều quen thân, gắn bó; nhưng trong những cảm giác hụt hẫng vì thay đổi thói quen ấy, cô vẫn gói gọn cảm xúc trong hai chữ “hài lòng”. Cô hài lòng với những gì mình đã cố gắng hoàn thành, với trách nhiệm, tâm huyết dành trọn cho công việc; cô hài lòng với những thế hệ học sinh cô đã tận tâm chỉ dạy, các em đi qua mái trường THCS suốt nhiều năm vẫn không quên cô, các em đều trở thành những người tốt của xã hội; cô hài lòng với những phản hồi của phụ huynh, hài lòng vì sự tận tụy của cô được phụ huynh hiểu và hợp tác; cô hài lòng vì quan hệ đồng chí đồng nghiệp ở những ngôi trường cô công tác, những ứng xử ấm áp, giàu chất nhân văn. Hạnh phúc của nghề giáo rất giản dị, cô về nghỉ hưởng chế độ BHXH mang theo niềm hạnh phúc trọn vẹn ấy.
      Thầy giáo Nguyễn Bá Quang – nguyên Hiệu trưởng trường TH Đức Thịnh bày tỏ niềm vui được nghỉ hưởng chế độ BHXH khi sức khỏe còn dồi dào, bày tỏ niềm tự hào vì đã làm hết sức mình trong suốt cuộc đời công tác, tự hào vì vẫn vững tin với nghề khi bè bạn cùng trang lứa nhiều người giữa đường rẽ lối theo nghề khác, tự hào vì nhờ nghề giáo mà vợ chồng thầy có những đứa con thành đạt,… Nghề giáo đã mang lại cho thầy nhiều điều, nhiều niềm hạnh phúc. Sau khi bày tỏ những tâm sự sâu lắng của mình về nghề giáo, thầy giáo Nguyễn Bá Quang kết thúc bài phát biểu của mình bằng ca khúc “Cô gái Sầm Nưa” hết sức ấn tượng, một tiết mục văn nghệ ngẫu hứng thể hiện một cách chân thực sức sống mạnh mẽ của một tâm hồn nhà giáo giàu nội lực.


           Thầy giáo Dương Thế Vinh nói về những bài thơ mang nặng suy tư nghề giáo

      Cũng là một nhà giáo đầy năng lượng sống, giàu tâm huyết, thầy Dương Thế Vinh – nguyên Hiệu trưởng trường THCS Hoàng Xuân Hãn, thẳng thắn bộc bạch những suy tư về nghề giáo và thái độ ứng xử cần có với nghề nghiệp của mình. Với nghề giáo, nếu cần một lời khuyên ngắn gọn thì đó là: Hãy sống tử tế với nghề! Là người làm nghề giáo, không nên tự kiêu tự phụ cho nghề mình cao quý hơn nghề khác, nhưng cũng không nên tự ti cho nghề mình thấp kém hơn nghề khác. Chia tay công việc mình gắn bó, môi trường thân quen mình công tác, những ánh mắt học trò trong sáng, những đồng nghiệp cùng nhau sẻ chia những vui buồn ấm lạnh của nghề, không thể nói là không buồn, không nhớ, không vương vấn. Không yêu công việc của mình, hời hợt với công việc của mình, không để tâm hay không thèm để tâm chắc chắn không thể có thành công – thành công với ý nghĩa bản chất nhất của nó, trong môi trường giáo dục. Thầy đã sống với nghề, và tạm biệt nơi mình công tác bằng tình cảm và ý thức như thế. Thầy giáo Dương Thế Vinh kết thúc lời phát biểu của mình bằng những bài thơ về nghề giáo, những bài thơ thường được viết và đăng báo tháng 11 hàng năm, ở đó gửi gắm những suy tư trăn trở về nghề, về học trò, về đồng nghiệp. Làm giáo dục là đang được sống trong môi trường thấm đẫm tình yêu thương. Tình yêu ở nơi này rất đặc biệt: “Tình yêu ở nơi này nói bằng lặng im/ Bằng hờn giận, yêu thương thường nhật/ Trang giáo án ngọn đèn khuya thao thức/ Mùa hạ về lại hồi hộp, lo âu...// Tình yêu ở nơi này người nông nổi không hiểu được đâu/ Dòng sông chảy tháng ngày độ lượng/ Biển đâu hiểu hết lòng sông vui sướng/ Khi đôi bờ xanh mướt ngô non...”. Tình yêu làm nên sự sống. Làm giáo dục phải có tình yêu, phải sâu sắc, độ lượng, không được hời hợt, nông nổi… Cuộc đời bụi phấn có ý nghĩa là vì thế!
      Với tâm thế “ôn cố tri tân”, khán phòng được đón nhận những ý kiến chân thành của những nhà giáo nghỉ hưởng chế độ BHXH năm 2017. Những phát biểu đọng lại trong những đồng chí đồng nghiệp cùng thế hệ và những thế hệ nối tiếp những tình cảm, nghĩ suy tốt đẹp; nhờ những bộc bạch ấy, những người đương nhiệm, đặc biệt là những người trẻ, nhận được rất nhiều thông điệp quý giá làm giàu cho hành trang nghề nghiệp của mình. Nói “tri tân” vì những tác động tích cực như vậy.
      Thay mặt thay mặt những người đương nhiệm, những người trẻ, cô giáo Phan Thị Kim Hoa – chuyên viên Phòng GD&ĐT, đã chia sẻ những cảm nghĩ của mình về thế hệ nhà giáo chia tay năm 2017, đặc biệt là những nhà giáo công tác ở bậc học mầm non, những người gắn bó với ngành từ những năm gian khó, những năm tháng tiền lương được trả bằng công điểm, trả bằng thóc,… Cuộc đời nhà giáo của các cô giáo mầm non, của những thầy cô có mặt hôm nay mà mọi người có cơ hội được hiểu biết khá trọn vẹn, thực sự là những tấm gương nghề nghiệp quý báu để thế hệ sau soi mình và nhận về cảm giác an lòng, tận tâm nhiệt huyết. Để thấy rằng dẫu nghề giáo nhiều vất vả, lắm lo âu, không ít thiệt thòi trong cuộc sống ngày càng nhiều áp lực,… nhưng còn đó những niềm vui, niềm hạnh phúc, còn đó những nghĩa tình thiêng liêng mà những nghề nghiệp khác không dễ có. Là thế hệ nối tiếp, cô giáo Phan Thị Kim Hoa khẳng định sẽ cùng tất cả đồng chí đồng nghiệp trong ngành phấn đấu cống hiến tâm huyết, năng lực cho giáo dục Đức Thọ, bắt đầu từ bậc học mầm mon – bởi “Giáo dục mầm non tốt mở đầu cho một nền giáo dục tốt!”
      Ban tổ chức buổi gặp mặt hy vọng qua những tình cảm, suy nghĩ mà các nhà giáo đã sẻ chia, trao đổi mọi người sẽ hình dung ra được hình mẫu một nhà giáo lý tưởng là như thế nào, điều gì là quan trọng nhất/cần thiết nhất đối với người làm giáo dục, điều an ủi lớn nhất khi giã từ sự nghiệp phấn trắng là gì… Những điều đó, mặc dù không được thể hiện thành những quan điểm, khái niệm, ý kiến rõ ràng, đầy đủ nhưng lại được thể hiện sinh động qua những nhà giáo cụ thể với những suy nghĩ của bản thân họ, mỗi ý kiến ít nhiều đề cập những khía cạnh sâu sắc không thể thiếu của nghề. Nghề giáo giáo dục bằng nêu gương, gương sáng nhà giáo xưa nay đều hội tụ cả năng lực và phẩm chất, năng lực gói gọn trong chữ “tài”, phẩm chất gói gọn trong chữ “tâm”; ngẫm kĩ, đặc biệt qua buổi gặp mặt này, càng thấy câu thơ của đại thi hào Nguyễn Du muôn đời không cũ: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”! Buổi gặp mặt kết thúc trong không khí liên hoan đầm ấm, vui vẻ, để lại dư âm sâu sắc về nghĩa tình nhà giáo, nghề giáo.

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Truyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập406
  • Hôm nay80,614
  • Tháng hiện tại214,630
  • Tổng lượt truy cập40,786,703
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây