Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Thầy hiệu trưởng... “không giống ai”

Thứ tư - 31/07/2019 05:21
Thầy Dương Thế Vinh - Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Xuân Hãn (huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) - là giáo viên văn, một người đam mê làm thơ, đồng thời là một nhà quản lý giáo dục xuất sắc, có phong cách độc đáo.

Gieo niềm đam mê văn chương

Nguyễn Thị Hằng Nga, một phụ nữ xinh đẹp quê Đức Thọ, bồi hồi: “Trong ký ức tuyệt đẹp của tôi không thể thiếu gương mặt thân thương của thầy Vinh. Hồi ấy thầy là Hiệu phó nhà trường, dáng gầy và cao, chúng tôi chỉ được học thầy mỗi khi ôn thi đội tuyển. Nếu không có lượng kiến thức phong phú của thầy hồi ấy, tôi cũng khó mà sớm thích nghi với việc học văn một cách rất khoa học sau này.

Thầy dạy nhiều lắm, nhưng không hiểu sao tôi cứ nhớ mãi những câu thơ trong “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” của Nguyễn Duy...

Thầy là người đầu tiên đọc cho tôi nghe những câu thơ tưởng như bằng tất cả cảm xúc của mình. Không hiểu sao tôi ấn tượng đến mức cứ nhớ đến thầy là tôi lại nghĩ đến mấy câu thơ, nhớ lại dáng thầy khi đọc nó, đầy trăn trở và cũng khiến người ta day dứt thật nhiều...”.

“Tôi vẫn còn nhớ như in những cảm hứng mãnh liệt khởi lên từ những buổi chào cờ đầu tuần do thầy Dương Thế Vinh phụ trách. Thực ra, đấy là những buổi bình văn mở rộng và người được hưởng lợi nhất là dân xã hội chúng tôi.

Thầy Vinh có lối bình thơ cuốn hút, hào sảng và đắm đuối. Thầy đọc thơ người và thỉnh thoảng đọc thơ mình “Rồi sẽ có một ngày từ biệt tuổi học trò. Trang sách nhỏ khép lại thời thơ bé. Tán bàng sẽ chẳng còn xanh đến thế. Khi mùa hạ về trong tiếng ve sôi...”. Những dự cảm của thầy nay đã ứng nghiệm chính xác vào thế hệ chúng tôi” - Đặng Hoàng Giang - học sinh cũ của thầy Vinh - kể lại.

Thầy Vinh có phong cách giảng dạy văn hấp dẫn, đầy lôi cuốn. Ngay cả những học sinh ban khoa học tự nhiên cũng đam mê những giờ dạy của thầy. Thầy đã truyền ngọn lửa tình yêu văn học cho nhiều thế hệ học trò, kể cả đối với những em chỉ được học thầy trong một thời gian ngắn qua các lớp bồi dưỡng học sinh (HS) giỏi.

Điều thú vị là có nhiều HS đam mê văn chương từ những bài giảng của thầy, sau khi tốt nghiệp khoa Văn các trường sư phạm, các em lại trở thành đồng nghiệp, giáo viên (GV) giỏi, là “quân” của thầy như cô Nguyễn Thị Tú Oanh, Hồ Thị Huyên...

Nhà quản lý giáo dục tài hoa

Giữ cương vị hiệu trưởng một trường THCS chất lượng cao (trước đây được gọi là Trường Năng khiếu Đức Thọ, thành lập năm 1989; năm 1997 trường mang tên nhà khoa học Hoàng Xuân Hãn), thầy xác lập riêng cho mình một phong cách quản lý đậm chất nghệ sĩ. Trong các dịp lễ hội, tọa đàm, Hiệu trưởng Dương Thế Vinh là một “em-xi” (MC) sôi nổi lôi cuốn với những câu “tập Kiều”, “lẩy Kiều” thú vị, những vần thơ có “lửa” và những lời “có cánh”.

Trong mối quan hệ với đồng nghiệp, HS, thầy luôn lấy chữ Tâm làm phương châm ứng xử, sống trọn nghĩa, vẹn tình; quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng nghiệp, để nhà trường, công đoàn thực sự trở thành tổ ấm của tất cả mọi thành viên.

Ngày sinh nhật của đồng nghiệp nào cũng được thầy tổ chức kỷ niệm, tặng hoa, quà và những lời chúc mừng. Cô Hồ Thị Huyên - GV văn - tâm sự: “Trường chúng em là một môi trường công bằng, đoàn kết và sáng tạo. Đó là thành quả tổ chức của thầy Vinh. Thầy rất trân trọng sức lao động, đặc biệt là sự sáng tạo của mỗi GV”.

Hiện nay, 100% GV nhà trường đã đạt chuẩn và trên chuẩn, hơn 90% số GV có trình độ đại học, có 2 giáo viên có trình độ thạc sĩ. Các tổ chuyên môn đã tổ chức nhiều chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin.

Trước đây nhà trường thường xuyên duy trì các số báo bảng, được các GV tham gia viết bài, biên tập nhằm trao đổi kiến thức chuyên môn. Các số báo bảng thường xuyên được cập nhật và thu hút đông đảo HS tham gia đọc, cộng tác, biên tập..

. Phát huy truyền thống ham đọc, say mê viết của thầy và trò, nhà trường đã nâng cấp và vận dụng hiệu quả trang thông tin điện tử nhằm phục vụ công tác quản lý cũng như dạy học...

Làm hiệu trưởng với nhiều công việc bận bịu, thầy Vinh dành nhiều thời gian và tâm huyết cho công tác chuyên môn, tham gia dạy các lớp HS giỏi. Thầy đặc biệt chú trọng xây dựng “Trường học thân thiện, HS tích cực”, không phải là để “chạy theo phong trào” mà nhằm giáo dục toàn diện, giáo dục kỹ năng sống cho HS...

Nhà trường còn là đơn vị dẫn đầu trong phong trào viết bài, cộng tác và đặt mua hai Tạp chí “Văn học và Tuổi trẻ”, “Toán tuổi thơ”. Hằng tháng, HS của trường đặt mua hơn 300 cuốn “Toán tuổi thơ” và gần 400 cuốn “Văn học và Tuổi trẻ”. Đây thực sự là điều đáng mừng đối với văn hóa đọc, tinh thần học hỏi của HS.

Những GV, HS có bài trên hai tạp chí nói trên cũng như các báo/tạp chí khác đều được thầy Hiệu trưởng tuyên dương và khen thưởng kịp thời trong các buổi chào cờ đầu tuần; tuy giá trị vật chất không lớn nhưng hiệu quả động viên tinh thần rất mạnh mẽ. Trong trường có nhiều câu lạc bộ nhằm tập hợp, động viên HS say mê học tập như Câu lạc bộ Toán học, Câu lạc bộ Văn học, Tiếng Anh...

Trong những năm qua, nhà trường luôn đạt thành tích cao về chất lượng giáo dục toàn diện và chất lượng học sinh giỏi. Nhìn lại truyền thống, trường đã có được những con số đáng tự hào: Đào tạo được gần 50 HS giỏi quốc gia, hơn 1.000 HS giỏi tỉnh, 6 em đoạt giải viết thư quốc tế UPU, hơn 40 em đoạt giải trong 11 lần thi “Viết - Vẽ tuổi học trò” (nhà trường 9 lần đoạt giải đồng đội), nhiều em học sinh đoạt các giải thưởng hằng năm của các tạp chí “Toán tuổi thơ”, “Toán học và Tuổi trẻ”.

Hằng năm có 100% HS lớp 9 thi đậu vào THPT công lập; điểm thi tốt nghiệp và tuyển sinh luôn đứng nhóm đầu trong số hơn 150 trường THCS của cả tỉnh, trong 3 năm học liền kề từ 2014-2015 đến nay, trường 3 lần được UBND tỉnh Hà Tĩnh trao Cờ thi đua xuất sắc của bậc học.

Còn vương tơ lòng

Từ mái trường Hoàng Xuân Hãn, nhiều thế hệ học sinh đã tung cánh muôn phương và đã thành đạt trên nhiều lĩnh vực. Chúng tôi may mắn là những thế hệ học trò được thầy Vinh trực tiếp giảng dạy; nhờ thầy mà biết được cái đẹp của văn chương.

Khi trò chuyện với chúng tôi, thầy Vinh luôn mong muốn làm cho HS đến với văn chương, yêu văn chương nhiều hơn nữa. Thầy thường nói “Học sinh không thích học văn là một điều rất đáng ngại. Để HS sao nhãng học văn và các môn xã hội là lỗi của người làm giáo dục”. Đến cận kề ngày nghỉ hưu, thầy vẫn đau đáu nỗi niềm ấy.

Nhà giáo Lê Văn Vỵ - nguyên Giám đốc TTGDTX Hương Sơn - nhận xét: “Trong khi tình trạng học lệch diễn ra phổ biến, môn văn và văn hóa đọc đang sa sút mà xây dựng một môi trường giáo dục toàn diện, mang tính nhân văn sâu sắc như Trường Hoàng Xuân Hãn là rất đáng quý. Đó là dấu ấn đặc biệt mà anh Dương Thế Vinh đã tạo được trong giáo dục”.

“Đó là người thầy tâm huyết với học trò, là tấm lòng với đồng nghiệp từ sâu thẳm con tim, điều mà dường như ngày càng hiếm thấy trong xã hội bây giờ. Nghe tôi kể chuyện thầy Vinh, các bạn Mỹ bảo, đã hiểu được phần nào lý do tại sao một nước nghèo như Việt Nam mà điểm thi PISA lại không kém gì Mỹ và nhiều nước phát triển khác. Không có nhiều nước như vậy, và tôi tin rằng có lẽ cũng không có nhiều người như thầy” - tiến sĩ Võ Sỹ Nam (Trung tâm Nghiên cứu Ung thư MD Anderson, ĐH Texas, Hoa Kỳ, nguyên học sinh Trường Hoàng Xuân Hãn) chia sẻ về thầy Dương Thế Vinh.

Tác giả bài viết: Quang Đại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập230
  • Hôm nay46,498
  • Tháng hiện tại1,330,693
  • Tổng lượt truy cập39,801,840
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây