Từ những trang văn, nảy mầm hy vọng...

Thứ bảy - 27/07/2019 21:40
Chiều ngày 23/4/2015, trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức lễ Tổng kết và trao giải Cuộc thi Viết về mái trường, thầy cô, bè bạn... lần thứ hai. BBT giới thiệu bài Tổng kết Cuộc thi do thầy Nguyễn Thanh Truyền, thành viên BTC cuộc thi, trình bày tại buổi lễ.
TỪ NHỮNG TRANG VĂN, NẢY MẦM HY VỌNG
     
      Cuộc thi Viết về Mái trường, thầy cô, bè bạn... lần thứ 2 kéo dài 6 tháng. Sau hơn 6 tháng phát động, với một lần Sơ kết, BTC cuộc thi cấp trường đã nhận được 30 truyện ngắn, 25 bài thơ và 18 tản văn. Số lượng bài viết tham gia cuộc thi này, so với cuộc thi năm 2011 thì còn thua xa (73 so với 119 bài) nhưng chất lượng thì không hề kém cạnh. BTC rất vui mừng vì tỉ lệ tác phẩm chất lượng trên tổng số bản thảo gửi lên. Những con số ấy nói lên rằng: với việc viết, các em đã tham gia với tinh thần trách nhiệm rất cao - trách nhiệm với bản thân và trách nhiệm với BTC, trách nhiệm với cuộc sống và trách nhiệm với trang viết. Qua sơ khảo, đọc sàng lọc, BTC đã lựa chọn được 33 tác phẩm vào vòng chung khảo để xét giải.
      Cảm giác mạnh nhất trong các thành viên của Ban tổ chức về cuộc thi lần này chính là niềm hy vọng tràn đầy. Vâng, từ những trang văn, nảy lên những mầm xanh hy vọng.
      Thay mặt Ban tổ chức, chúng tôi xin trình bày những đánh giá như sau:
     1. Về thơ:
      Thơ là thể loại có nhiều bạn gửi bài. Có lẽ vì thơ là thể loại có thể viết nhanh, viết tranh thủ sau/trong những giờ học bận rộn. Cũng có thể với nhiều bạn, thơ là thể loại dễ viết. Có thể kể ra nhiều học sinh tích cực gửi thơ tham gia cuộc thi như Phan Thúy Hằng (9B), Cù Thị Cẩm Ly (8A), Nguyễn Trọng Đại (6B), Phùng Quang Tuyến (6B), Trần Như Quỳnh (6A), Nguyễn Hải Ly (6A), Võ Minh Hiển (6D), Phạm Thị Thảo Vy (6D)... và rất nhiều bạn khác nữa. Các bạn không chỉ tham gia một bài mà có bạn gửi nhiều bài.
      Tuy nhiên, thơ là thể loại tưởng dễ viết nhưng viết rất khó hay. Rất nhiều bài các em gửi đến gặp một hạn chế phổ biến của thơ học trò – thơ của những tiết tập làm thơ là: sa vào kể chuyện, tả việc hoặc sa vào trò chuyện đạo đức/pháp luật với người đọc. Nhiều bài viết chỉ với mục đích: viết sao cho vần. Trong khi, mục đích của việc viết là nói lên một điều gì đó, trước khi nghĩ đến việc viết cho vần.
      “Nói lên được một điều gì đó” chính là điều mà người ta hay gọi là ý tưởng. Muốn viết, trước hết phải có ý tưởng. Trong làm thơ, tìm ý tưởng người ta gọi là tìm “tứ”. Tứ thơ, hiểu một cách đơn giản là các em phát hiện ra một điều gì đó mới mẻ về cuộc sống quanh mình, rồi viết thành bài thơ hoàn chỉnh với mạch diễn đạt hợp lý nhất.
      Các bài thơ chọn vào chung khảo được BTC ghi nhận trước hết là ở ý tưởng. Trong số đó, chúng tôi ấn tượng nhất với chùm thơ của em Võ Minh Hiển, học sinh lớp 6D. Bài “Áo” được triển khai theo mạch khá rõ: Bàng thay áo mới -> Trường cũng thay áo -> Bé mặc áo mới. Mạch ấy, chính là “tứ” của bài. Các em hãy nhớ, có tứ, bài thơ gần như đã thành hình. Hay ở bài “Trăng”, bạn Hiển cũng có những hình dung rất thú vị, rất thơ: “Mặt trăng như chiếc bánh/ Mẹ vẫn rán hàng ngày/ Hay vàng như hạt thóc/ Bác nông dân đem xay...”. Tuy nhiên, bài “Trăng” khá dài và càng về sau càng đuối. Trong hai bài, bài “Áo” mới mẻ và hoàn thiện hơn.
Bàng thay áo mới
Trong sắc trời xuân
Lá non mơn mởn
Xanh tươi suốt tuần
 
Trường cũng thay áo
Nhanh đến ngỡ ngàng
Vừa mới nâu sẫm 
Bỗng thấy tươi vàng...
 
Tung tăng đến lớp
Tiếng cười rộn vang...
Bé mặc áo mới
Áo mẹ vừa đan!
      Như trên đã nói, thơ là thể loại có thể dễ viết nhưng viết rất khó hay. Và quan niệm về thơ hay cũng rất đa dạng. Con đường đi vào thế giới của thơ ca chưa bao giờ là dễ dàng. Vì thế, từ góc nhìn của BTC cuộc thi cấp trường, chúng tôi muốn (và chỉ dám)  bày tỏ niềm hy vọng đối với em Võ Minh Hiển. Hy vọng em giữ gìn và nuôi dưỡng tình yêu văn chương, không ngừng làm giàu trí tuệ và tâm hồn để có thể có những bài thơ chinh phục được những người đọc khó tính. BTC cũng hy vọng những em yêu thích thơ ca và thích làm thơ biết viết nên những bài thơ giàu cảm xúc và mới về ý tưởng.
      2. Về tản văn:
      Ở giai đoạn đầu cuộc thi, BTC nhận được khá nhiều tản văn. Tản văn của các em thể hiện những rung động phong phú trước nhiều vẻ đẹp của mái trường, thầy cô, bè bạn, của tình cảm gia đình... Xét về đề tài, ở thể loại tản van, đề tài được khai thác thể hiện nhiều nhất vẫn là tình cảm cô – trò. Trong số 08 tản văn được chọn vào vòng chung khảo thì có 06 tản văn đã được đăng lên website trường: Ngày đầu tiên đi học (Trần Như Quỳnh, 6A), Tâm sự gửi cô giáo dạy Văn (Phạm Quỳnh Trang, 9C), Những khoảnh khắc tôi yêu (Bùi Minh Thúy, 9B), Cảm ơn em! (Trịnh Trang Nhung, 7B), Một ngày không gọi tên (Hoàng Thùy Dung, 7B), Mùa thu trong tôi (Nguyễn Lê Thanh Hà, 7A),... Một số tản văn chứng tỏ được rằng các em đã biết lựa chọn những khoảnh khắc, tình huống hợp lý để bộc lộ tâm trạng, cảm xúc.
      Tản văn cũng là thể loại dễ viết. Có khi, viết một bài văn mà nhìn góc này góc khác không xếp được vào thể loại gì, người ta cho nó vào... tản văn. Tuy nhiên, xét về thể loại, tản văn có những yêu cầu không dễ đạt được. Nó phải nói được một điều gì đó. Điều gì đó, nói thì mơ hồ, nhưng để có được đòi hỏi người viết phải sâu sắc và tài năng thật sự. Với các em, tạm hiểu tản văn gần với bài văn biểu cảm trên lớp. Một bài tản văn được gọi là hay thì phải là một bài văn biểu cảm xuất sắc. Có nghĩa là, về cảm xúc và ý tưởng, nó cũng phải dồi dào và mới mẻ, có tính khám phá. Đây là thể loại rất có ưu thế trong thời đại bùng nổ thông tin, trong “thế giới phẳng” ngày nay. Các em có năng lực học văn, dù sau này làm bất cứ nghề gì, hãy chú ý đến thể loại này – không mất nhiều thời gian, các em có thể làm giàu cho đời sống tinh thần của mình bằng những trang viết ngắn, lắng đọng, có ý nghĩa giữa cuộc sống ngày một nhộn nhịp xô bồ.
      BBT website có đăng lên một tản văn để các em tham khảo. Đọc tản văn có tên là “Góc” ấy, các em sẽ nhận thấy tản văn ấy được viết bởi một cây bút học trò lớp 8 rất thông minh. Và nó được viết nhanh. Liên tưởng rất nhanh. Liên tưởng nhanh như thế, nếu không viết nhanh, ý tưởng sẽ tuột mất, câu chữ không bắt kịp. Tản văn có thể đọc chậm đọc nhanh tùy thích, nhưng tản văn hay thì dù đọc nhanh hay chậm đều lắng đọng lại một cảm xúc, một ý tưởng nào đó không dễ gặp ở trang văn khác.
      Ở cuộc thì Viết về mái trường, thầy cô, bè bạn... lần thứ hai này, không có tản văn thật hay. Dù vậy, chúng tôi vẫn hy vọng các em tìm hiểu nhiều và luyện bút nhiều ở thể loại này. Tại sao vậy? Nói như nhà thơ Xuân Quỳnh, đến với văn chương, chúng ta như được “sống thêm một đời sống khắc nữa”. Sống, không bao giờ là đủ, nhất là với các giá trị tinh thần.
      3. Về truyện ngắn:
      Cũng như cuộc thi lần thứ nhất, điều đem lại nhiều tín hiệu vui cho người đọc là thành công của các em thể hiện ở thể loại truyện ngắn. Trong số 30 truyện ngắn dự thi, có 18 truyện lọt vào chung khảo. Trong số những tác phẩm dừng lại ở vòng sơ loại, nếu dành thời gian “gia công”, có thể sẽ có thêm một số truyện chất lượng khá, như truyện của Võ Thị Hồng Liệu (9B), Phạm Hồng Nhung (8B),...
      Đáng chú ý, trong số truyện dự thi, nhiều em viết cả chùm tác phẩm. Điều đó thể hiện niềm đam mê với trang viết và nhu cầu khẳng định mình qua trang viết của các em. Đó là tín hiệu đáng mừng. Có lẽ ít có niềm vui nào so sánh được với niềm vui của sự sáng tạo, nhất là sáng tạo văn chương. Hầu hết các truyện vào chung khảo đã được BTC giới thiệu trên website. Với những truyện ngắn các em đã viết, các thầy cô trong BTC muốn gọi các em là các “tác giả”. Có thể kể ra một chuỗi những cái tên để lại ấn tượng: Nguyễn Thị Diễm Quỳnh (với chùm truyện Chuyến xe MD-2ANgọc Anh, Ngọc Ánh), Trần Thị Thùy Linh (với chùm truyện Góc thiên đườngVề miền đá sỏi), Hoàng Anh Thơ (truyện Trái đất hình vuông), Trần Thị Thảo Sương (truyện Thước đo tình bạn), Phan Lương Quỳnh Liên (truyện Hà Lê và Thư và sách...), Nguyễn hải Phòng (truyện Điều kì diệu tháng 12), Đoàn Ngọc Trâm (chùm truyện Lớp chúng mìnhĐẹp theo một cách khác), Trịnh Trang Nhung (truyện Thiên sứ của những giấc mơ), Đinh Thục Anh (chùm truyện Cô bạn mới đếnTrở thành đôi bạn thân), Nguyễn Thị Hà Giang (truyện Cánh đồng ngủ yên), Hoàng Thùy Dung (truyện Kẻ đáng ghét), Đinh Thị Huyền Thanh (truyện An và Chi),...
      Mừng về số lượng và vui vì chất lượng. Bên cạnh những hạn chế đã được thầy cô trong BTC biên tập và góp ý, nhìn chung, truyện của các em có nhiều ưu điểm. Kết cấu các truyện đảm bảo tính chỉnh thể. Truyện các em dự thi đã vượt lên những bài làm văn tự sự thông thường. Các em đã biết tổ chức bố cục, tình tiết hợp lý, biết chú ý tạo tình huống và tạo được không ít những tình huống bất ngờ, ấn tượng. Nhiều truyện viết rất có không khí. Tạo được không khí cho những trang văn là điều không dễ, cho một truyện ngắn càng khó. Các em đã phản ánh sinh động thực tế cuộc sống học tập và sinh hoạt của chính các em dưới mái trường, trong gia đình,... với những biểu hiện phong phú, đẹp đẽ của tuổi học trò. Nhiều truyện hướng vào khai thác tình cô trò. Hình ảnh thầy cô trong mắt các em vừa nghiêm khắc vừa gần gũi, thân thiện. Nhiều truyện hướng vào những khúc mắc nội tâm của một cá nhân nào đó. Phần lớn tác phẩm các em hướng về đề tài tình bạn. Chủ đề cuộc thi rất mở, việc lựa chọn đề tài hoàn toàn là quyền tự do, là ý thức sáng tạo của các em. Các em đã biết hướng ngòi bút vào đề tài mình am hiểu hơn ai hết: những mối quan hệ bè bạn. Nhìn qua tên các truyện, đủ thấy dấu ấn của đề tài.
      Bên cạnh những truyện ngắn viết về tình bạn của tuổi học trò tinh nghịch kiểu như Trái đất hình vuông hay Thước đo tình bạn, để lại dư âm với bạn đọc là những  truyện hướng vào khai thác chiều sâu của tình bạn - ở những biểu hiện tâm lý tinh tế, sâu kín, cảm động. Có những câu chuyện được kể một cách nhẩn nha nhưng càng đọc càng khó buông trang giấy. Đó là Chuyến xe MD-2AHà Lê và Thư và sáchĐiều kì diệu tháng 12Góc thiên đường,...
      Điều đáng mừng nhất, thức dậy hy vọng nhiều nhất là ở chỗ: nhiều truyện của các em viết đã chạm được vào những rung động sâu xa của người đọc, khơi dậy những tình cảm trong sáng, giàu tính nhân văn. Các em không chỉ nhìn thấy những vấn đề quanh mình mà các em còn nhìn sâu và thể hiện được chiều sâu của những vấn đề ấy. Trong số những truyện đọc rồi còn muốn đọc lại, BTC dành nhiều cảm tình nhất cho chùm truyện của bạn Nguyễn Thị Diễm Quỳnh. Chuyến xe MD-2A khá thành công và đã được Tạp chí Hồng Lĩnh đăng tải. Đến gần tổng kết cuộc thi, BTC nhận được truyện Ngọc Anh, Ngọc Ánh của Diễm Quỳnh. Câu chuyện cảm động, buồn và lắng đọng. Từ những câu chuyện có thật của bè bạn không may, từ tình cảm sâu sắc dành cho bè bạn không cất nổi thành lời, Diễm Quỳnh đã gửi thông điệp về tình bạn trong sáng qua những trang văn. Tình bạn là điểm tựa thiêng liêng của mỗi người trong nhiều cảnh huống của đời sống!
 
Lời kết
 
      Từ những trang văn được các em viết nên, các thầy cô trong BTC nhìn thấy những mầm xanh hy vọng. Không chỉ hy vọng vào những trang văn đẹp. Những trang văn của các em củng cố thêm niềm tin của thầy cô về các em. Những suy tư rất trong sáng của các em về những giá trị sống tốt đẹp khiến thầy cô thêm yêu quý các em hơn. Những điều các em hướng đến sẽ làm giàu đẹp cho chính cuộc sống của các em và của mọi người.
      Người viết truyện cổ tích nổi tiếng thế giới là nhà văn An-đéc-xen từng nói một câu nổi tiếng “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện do chính cuộc sống viết nên”. Cuộc sống đầy ắp những điều kì diệu, các em hãy quan sát, hãy lắng nghe, hãy tìm kiếm và hãy tạo nên những điều kì diệu trong cuộc sống.
      Chúc mừng và sẻ chia những thành công bước đầu của các em! Mong các em thấu hiểu niềm hạnh phúc của lao động chữ nghĩa cực nhọc và có thêm nhiều trang văn giàu chất sống! 
      Cảm ơn tất cả các em đã nhiệt tình tham gia cuộc thi. Cảm ơn các thầy cô đã nhiệt tình đọc bài, góp ý cho các em để bài viết tham gia cuộc thi có chất lượng tốt!

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Truyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập128
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm127
  • Hôm nay41,564
  • Tháng hiện tại1,099,517
  • Tổng lượt truy cập29,624,891
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây