1. Sinh thời, Kim Lân từng phát biểu: “Khi viết, tôi chuẩn bị kỹ càng những nhân vật, những chi tiết, cốt truyện cũng như những tính cách, những hoàn cảnh, những tâm trạng... Mỗi truyện, điều tôi chú ý trước tiên là nhân vật”(1). Viết truyện “Làng”, dường như tất cả tâm sự và ý tưởng của mình được Kim Lân dồn vào nhân vật ông Hai. Bạn đọc đến với vẻ đẹp của truyện ngắn này thường đi theo con đường quen thuộc: khám phá vẻ đẹp của hình tượng nhân vật chính. Nhưng Kim Lân không chỉ chú ý xây dựng nhân vật ông Hai. Trong diễn biến cốt truyện, trong quá trình triển khai đề tài, thể hiện tư tưởng/ ý tưởng của mình, Kim Lân còn có chủ ý và dụng công khắc họa các nhân vật phụ bằng những chi tiết bao hàm ý tứ sâu xa. Vì thế, cùng với nhân vật chính, thành công của những nhân vật ở bình diện thứ hai, thứ ba đã giúp Kim Lân “tạo nên bức tranh đời sống hoàn chỉnh, độc đáo và sinh động trong tác phẩm”(2). Trong ý đồ nghệ thuật và dưới ngòi bút Kim Lân, nhân vật mụ chủ nhà hiện lên với những nét tính cách tương đối rõ rệt và gây ấn tượng, góp phần bộc lộ sâu sắc chủ đề của truyện.
2. Về nhân vật mụ chủ nhà, trước đến nay, vẫn tồn tại những đánh giá chưa thỏa đáng, thậm chí là rất phiến diện, chủ quan. Đây có thể là ý kiến tiêu biểu: “Hình ảnh mụ chủ nhà điểm xuyết vào câu chuyện là một thoáng đối lập của cái xấu, cái cũ, làm nổi bật một nét tính cách của ông Hai. Ông rất ghét những kẻ bon chen, bần tiện, tà tâm... Thì đã hẳn, người ngay bao giờ chả ghét kẻ gian!”(3). Thực tế, sự xuất hiện của nhân vật mụ chủ nhà trong tác phẩm không phải là “điểm xuyết” hay “một thoáng” (và cũng chưa hẳn là cái xấu, cái cũ hay bon chen, bần tiện, tà tâm!). Mối quan hệ giữa nhân vật ông Hai và nhân vật này cũng không hoàn toàn rạch ròi theo kiểu người ngay với kẻ gian, kiểu nhân vật chính diện với nhân vật phản diện như trong truyện cổ. Nói “mụ chủ nhà” là dựa theo cách gọi tên nhân vật của nhà văn. Nói mụ chủ thay vì nói bà chủ, có lẽ nhà văn dụng ý “giữ một khoảng cách giữa người kể và nhân vật, cốt truyện để rộng đường hư cấu và bảo đảm tính khách quan của hiện thực”(4), như cái cách gọi nhân vật bằng “hắn”, “y”, “thị” mà nhà văn hiện thực xuất sắc Nam Cao rất ưa dùng. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý rằng nhân vật này chủ yếu được nhà văn miêu tả từ/theo điểm nhìn của nhân vật ông Hai – người dân tản cư đang ăn nhờ ở đậu trong nhà bà, người luôn mang trong mình nỗi bứt rứt vì phải xa làng Chợ Dầu, như con cá giãy đành đạch khi bị tách khỏi cái ao tù quen thuộc. Như vậy, nhìn nhận, đánh giá nhân vật mụ chủ nhà cần phải đồng thời quan tâm hai mối quan hệ: quan hệ giữa người kể với các nhân vật và quan hệ giữa nhân vật này với nhân vật khác.
3. Để nhìn nhận nhân vật mụ chủ nhà từ/ trong quan hệ với nhân vật ông Hai, phải trở lại với diễn biến cốt truyện. Mặc dù Kim Lân chú trọng đến các tình huống bên trong, đến diễn biến tâm lý nhân vật và không tập trung khắc họa các biến cố, sự kiện bên ngoài nhưng không khó để nhận thấy cốt truyện với đầy đủ các thành phần.Thắt nút: ông Hai rất gắn bó với làng nhưng phải rời làng đi tản cư – nhớ và muốn về làng, lại thêm cảnh phải sống cùng mụ chủ nhà xấu tính nên “lúc nào cũng bực bội”, cáu bẳn. Phát triển: ông Hai luôn luôn hãnh diện về làng; trong lúc chỉ có niềm vui duy nhất là chui ra khỏi gian nhà tối thấp, náo nức hóng tin kháng chiến và được khoe làng, thì ông bất ngờ nghe tin làng Chợ Dầu của mình theo giặc. Cao trào: suốt mấy ngày đau đớn, tủi nhục, nghe người ta xì xào, rồi mụ chủ nhà “bóng gió xa xôi, như khía vào thịt”,... ông lâm vào tình thế bế tắc tột độ. Mở nút: ông Hai nghe tin cải chính, lại khoe làng với mọi người – cả với mụ chủ, và tự hào về làng hơn xưa. Cốt truyện là mạch diễn biến tâm lí của ông Hai. Tác nhân thúc đẩy mạch tâm lí ấy phát triển là hình ảnh mụ chủ nhà, được tác giả đặt trong quan hệ đối sánh.
Có thể thấy, ấn tượng về người đàn bà ấy luôn đeo đẳng trong tâm trí nhân vật ông Hai từ đầu đến cuối tác phẩm. Và, Kim Lân đã sử dụng điểm nhìn trần thuật này để xây dựng nhân vật mụ chủ nhà. Để rồi, nhân vật hiện lên khá đậm nét với đầy đủ các phương diện: lai lịch, hành động, tính cách, số phận.
Đó là người đàn bà có lai lịch không lấy gì làm tốt đẹp: “Mụ lấy đến người chồng này là đời chồng thứ ba rồi; hai người trước, người thì người ta bỏ mụ, người thì mụ bỏ người ta”. Từ những thông tin ấy, ông Hai biết mụ chủ nhà “không phải là người đứng đắn”. Đã thế, tính nết của mụ còn “lành chanh lành chói, chỉ bắt nạt chồng”, hay “chửi con mắng cái”. Trong thâm tâm, ông Hai không ưa loại người không đứng đắn và ghét cay ghét đắng cái loại đàn bà hỗn hào với chồng. Ghét đến mức dù trong thời buổi khó khăn cũng “năm lần bảy lượt ông bảo vợ dọn nhà đi nơi khác”.
Điều ông Hai luôn thấy khó chịu ở mụ chủ là “chưa thấy người đàn bà nào tham lam, tinh quái như mụ ta”. Cái gì của mình thì cất kỹ đi, cái gì của người thì lôi ra sử dụng. Cùng với tính tham lam là thói tò mò, tọc mạch. Không ngày nào bà Hai ở quán về mà mụ không “sấn đến vạch thúng ra xem”. Mụ ta sẵn sàng vơ vét bất cứ thứ gì mụ thích, mụ thấy tiện tay. Những dòng Kim Lân miêu tả hành động của nhân vật mụ chủ nhà là những dòng đặc biệt sinh động trong tác phẩm: “Mụ nhòm xó này một tí, nhòm xó kia một tí, rồi lục. Mụ giơ lọ tương lên ngắm rồi đặt xuống, mụ mở thạp gạo ra xem, lại đậy vào, mụ lục bồ moi chiếc áo ra ướm thử vào người, rồi ném trả. Hình như trong ý mụ, mụ nghĩ: chúng mày ở nhà tao, thì những thứ của chúng mày cũng như của tao. ...Không tìm thấy thì mụ nói móc, nói máy như chính mụ bị người ta hà hiếp. Đến cả cái ăn, cái uống mụ cũng dây phần vào... Trong nhà động có thức gì mụ đã biết rồi”. Không chỉ hay “nhòm”, mụ chủ còn giỏi đánh hơi, và cái miệng mỏng lèo lèo của mụ chưa xin xong thì tay mụ đã kịp vơ lấy rồi. Mụ còn lợi dụng, kiếm cớ bòn rút của người khác bằng cách lâu lâu lại vay tiền tiêu vặt mà cố tình quên không trả. Khi người ta đòi thì mụ tìm cách đánh lảng nhằm thoái thác, “chúa thần là gian”.
Không chỉ tham và gian, mụ chủ nhà còn là nỗi ám ảnh của gia đình ông Hai bởi hay xỉa xói, và tàn nhẫn. Tủi hổ và đau đớn vì cái tin làng Chợ Dầu theo giặc, suốt ba bốn hôm ông Hai không dám ra khỏi nhà. Lúc nào ông cũng chột dạ, nơm nớp lo sợ người ta nói về cái tin vô cùng nhục nhã kia: “Cứ thoáng nghe những tiếng Tây, Việt gian, cam-nhông… là ông lủi ra một góc nhà, nín thít”. Nhưng những tiếng kia, với ông Hai, chưa đáng sợ bằng mụ chủ. Từ khi nghe cái tin làng theo Tây, ông Hai đã “thoáng nghĩ đến mụ chủ nhà”. Đêm trằn trọc không sao ngủ được, ông Hai như gặp thêm một cú sốc tinh thần nữa, ông “lặng hẳn đi, chân tay nhủn ra” khi “Có tiếng nói léo xéo ở gian trên. Tiếng mụ chủ… Mụ nói cái gì vậy? Mụ nói cái gì mà lào xào thế?” và “Trống ngực ông lão đập thình thịch. Ông lão nín thở, lắng tai nghe ra bên ngoài…”, “không nhúc nhích”. Vì cái tính hay xỉa xói của mụ, ông Hai căng thẳng cực độ.
Cái tin đồn lan ra, khi mọi người đều biết, mụ chủ chẳng những không hỏi han, động viên, chia sẻ với những người làng Chợ Dầu vốn vô can mà còn có những hành động khó chịu nhằm đánh tiếng: “Từ ngày xảy ra chuyện ấy, hình như mụ ta lấy điều làm cho vợ chồng ông khổ ngấm khổ ngầm là mụ thích. Sáng chiều bốn buổi đi làm đồng về, mụ kéo lê cái nạo cỏ quèn quẹt dưới đất, qua cửa, mụ nhòm vào nói những câu bóng gió xa xôi, như khía vào thịt ông lão... Mỗi lần mụ nói, ông lão chỉ cười gượng làm như không biết chuyện gì. Ông thì muốn lặng đi như thế, nhưng mụ chủ nhà có để cho ông yên đâu”. Đánh động gần xa, rồi theo kiểu vơ đũa cả nắm, mụ ngọt nhạt bóng gió đuổi khéo gia đình ông lão: “Đành nhẽ là ông bà kiếm chỗ khác vậy...”. Thiếu cảm thông chẳng phải vì mụ chủ vốn vô tâm mà thực sự mụ rất tàn nhẫn. Mụ không thực hiện “chính sách Cụ Hồ” nhân đạo. Nói xong cái ý định đuổi gia đình ông lão, mụ chẳng thèm để ý đến bà Hai đang “rân rấn nước mắt”, rồi đứa con gái lớn của ông bà cũng “nước mắt ròng ròng”, chẳng thèm để ý đến cảnh cùng đường của cả một gia đình. Lời nói, thái độ lạnh lùng của mụ chủ góp phần đẩy ông Hai vào tâm trạng hoàn toàn bế tắc. Cái im lặng bao trùm suốt mấy ngày, nay lại thêm nặng nề, u ám: “Ông Hai ngồi lặng trên một góc giường, bao nhiêu ý nghĩ đen tối, ghê rợn, nối tiếp bời bời trong đầu óc”. Ông phải bật lên cái lựa chọn dứt khoát mà tức tưởi, nghẹn ngào: “Làng thì yêu thật, nhưng làng theo Tây mất rồi thì phải thù”. Sự căng thẳng đã đến mức đau đớn!
Nhưng, bên cạnh cái “tham” cái “gian”, hay xoi mói, mụ chủ nhà còn có nét tính cách mà ông Hai không ngờ tới. Khi được tin cải chính, ông Hai vui mừng khôn xiết, “cứ múa tay lên mà khoe cái tin ấy với mọi người”. Dù vậy, trong thâm tâm, ông nghĩ người đàn bà vẫn “lấy điều làm cho vợ chồng ông khổ ngấm khổ ngầm” sẽ sa sầm nét mặt, sẽ lại xỉa xói. Nhưng, sự việc lại diễn ra theo hướng khác. Mụ chủ không hề “nói tức nói xóc” mà “trái lại, mụ lại tỏ vẻ rất vui sướng. Mụ giương tròn cả hai mắt lên mà reo: - A, thế chứ! Thế mà tớ cứ tưởng dưới nhà đi Việt gian thật, tớ ghét ghê ấy… Thôi, bây giờ thì ông bà lại cứ ở tự nhiên chả ai bảo sao. Ăn hết nhiều chứ ở hết là bao nhiêu”. Và rồi, lời động viên chia sẻ tưởng không thể có trong con người ấy đã bật ra, rất tự nhiên “Mụ cười khì khì: - Này, rồi cũng phải nuôi lấy con lợn… mà ăn mừng đấy!”. Mụ chủ nhà đã hòa chung niềm vui với gia đình ông lão, với người làng Chợ Dầu, hòa chung niềm vui với những người dân kháng chiến vừa rửa được tiếng oan là Việt gian. Cái cử chỉ “giương tròn cả hai mắt lên mà reo”, lời bộc bạch rất chân thành “tớ ghét ghê ấy”, rồi sự vô tư khoáng đạt “Ăn hết nhiều chứ ở hết là bao nhiêu” và cái cười “khì khì” rất xuề xòa, cởi mở dường như đã xí xóa tất cả những ấn tượng không tốt về người đàn bà này. Thì ra, “Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau, ích kỉ che lấp mất”(Nam Cao)(5). Sự thay đổi thái độ của nhân vật mụ chủ nhà làm hiện rõ nét đáng quý còn ẩn giấu: yêu nước và căm thù lũ cướp nước, bán nước.
Như vậy, mụ chủ nhà là hình tượng nhân vật được khắc họa khá đầy đặn. Người phụ nữ nông dân này có cuộc đời lận đận, nhiều bất hạnh nên những thói xấu cố hữu đã bộc lộ đến mức cực đoan. Ở góc độ khác, những điều đó lại thể hiện sự bộc trực đậm sắc thái của người nhà quê. Sự thay đổi thái độ của mụ chủ ở cuối truyện cho thấy sự chuyển biến mang dấu ấn của hoàn cảnh lớn, của thời đại. Đó cũng là một hình ảnh điển hình cho người nông dân của cuộc kháng chiến toàn dân. Cái cách ứng xử vì ghét Việt gian mà ghét lây cả những người gốc gác làng Việt gian, muốn “đuổi như đuổi hủi” vừa thể hiện rất rõ tâm lý người nông dân “Ghét nhau ghét cả tông chi họ hàng” vừa thể hiện điểm mới mẻ về nhận thức cách mạng trong con người họ. Khi toàn bộ những nét tính cách của nhân vật mụ chủ nhà bộc lộ khá trọn vẹn, đặc biệt là qua chi tiết mụ chủ nghe tin cải chính, những ấn tượng của người đọc về nhân vật này đã có từ đầu truyện đã thay đổi. Khi mụ chủ nhà vui với niềm vui của người làng Chợ Dầu, vui niềm vui của người dân kháng chiến, dường như trong cảm nhận của chúng ta chỉ còn lại ấn tượng về vẻ đẹp của một tâm hồn mộc mạc, chân chất – một cách thể hiện tình yêu nước cụ thể, hồn nhiên và không kém phần độc đáo!
4. Khắc họa thành công nhân vật mụ chủ nhà, như đã nói, giúp Kim Lân hiện thực hóa ý tưởng của mình trong trang viết, tạo nên “bức tranh đời sống hoàn chỉnh, độc đáo và sinh động”. Tìm hiểu nhân vật này trong mối quan hệ với nhân vật ông Hai, chúng ta nhìn thấy một tính cách, một hình tượng có giá trị tương đối độc lập trong thế giới nghệ thuật của “Làng”. Qua đó, chúng ta cũng đồng thời thấy được vai trò của mụ chủ trong việc thúc đẩy diễn biến tâm lý của nhân vật chính. Nói như thế cũng có nghĩa nhân vật này có vai trò đặc biệt quan trọng trong diễn biến cốt truyện, trong quá trình triển khai đề tài. Không có sức ép tâm lý tạo ra từ phía nhân vật này thì tình yêu làng, yêu nước và tinh thần kháng chiến của nhân vật ông Hai chắc chắn đã không bộc lộ hết các cung bậc rất cụ thể, sâu sắc như chúng ta đã thấy. Dù gần hay xa, dù có tên hay không tên, dù được tác giả hóa thân vào để miêu tả hay sử dụng thủ pháp gián cách, các nhân vật ông Hai, bà Hai, bác Thứ, mụ chủ nhà,... đều hiện lên với dáng nét của những người nông dân thời đại mới – những năm đầu kháng chiến chống Pháp: yêu, gắn bó máu thịt với làng quê và có những chuyển biến mới mẻ, sâu sắc về tinh thần cách mạng.
Viết truyện ngắn, để hiện thực hóa ý tưởng, các nhà văn vẫn thường “đặt những con người (nhân vật) vào tình huống”, nghĩa là “cho châu tuần lại những con người vốn xa cách nhau, cho họ tham gia vào chủ đề”, rồi “từ sự tham gia đó và những quan hệ giữa họ với nhau, sẽ xảy ra tính cách của họ”(Nguyễn Thành Long)(6). Làm được điều đó một cách tự nhiên, không để lộ những dấu vết thuộc về kỹ thuật, Kim Lân – như cái tên khai sinh của ông - đích thị là một Văn Tài!
Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Truyền
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn