Trải qua 36 năm công tác, trong quân ngũ và trong ngành giáo dục, cô Lê Thị Thái Bình đã có 22 năm công tác ở mái trường này – nơi cô từng gọi là Mái trường đầy ân nghĩa và nồng ấm tình người. Cô nhận quyết định nghỉ hưu theo chế độ từ giữa học kì I, nhưng thầy Hiệu trưởng Dương Thế Vinh nói rằng trường muốn tổ chức chia tay người đồng nghiệp hiền hoà, người cán bộ mẫn cán Lê Thị Thái Bình trong một thời điểm thật ý nghĩa. Ngày 30 tháng 12 là thời điểm kì thi KSCL học kì I vừa kết thúc, cũng là một ngày cuối đông se lạnh. Năm 2011 đang dần khép lại và năm 2012 đang đến rất gần. Thời khắc cuối năm thường gợi nhiều cảm xúc, nhiều dư vị lắng đọng và vẹn tròn. Các hoạt động của hội đồng sư phạm THCS Hoàng Xuân Hãn luôn đậm tính nhân văn, cuộc chia tay cô Thái Bình cũng thể hiện nét đẹp đã thành truyền thống ấy.
Buổi lễ chia tay có sự hiện diện của quý vị đại biểu là những người từng rât gắn bó với trường Hoàng Xuân Hãn nói chung và với cô Thái Bình nói riêng. Đó là nhà giáo Lê Chí Thành - Trưởng phòng Giáo dục, Hiệu trưởng đầu tiên của trường; nhà giáo Bùi Xuân Vạn – nguyên Hiệu trưởng; Cô giáo Nguyễn Thị Lý – cô giáo và cũng là đồng nghiệp với cô Bình; cô giáo Trần Thị Nhuần – nguyên Chủ tịch công đoàn, cô giáo Phan Thị Ngọc - nguyên là giáo viên Ngữ văn; và thầy giáo Võ Đức Thuận - nguyên là giáo viên Vật lý, hiện là cán bộ Phòng Nội vụ. Sự hiện diện của các đại biểu cùng toàn thể cán bộ giáo viên trường THCS Hoàng Xuân Hãn làm cho bầu không khí buổi lễ thêm chan hoà, nồng ấm!
Phát biểu chia sẻ cảm xúc, cô Lê Thị Thái Bình xúc động sâu sắc vì buổi nhà trường tổ chức chia tay cô lại là dịp cô được hội ngộ với bạn bè đồng nghiệp nhiều thế hệ, với những người gắn bó từ những năm tháng gian lao. Cô muốn nói lời cảm ơn với tất cả mọi người – lãnh đạo nhà trường các thế hệ, các tổ chức đoàn thể nhà trường, bạn bè đồng nghiệp vì những sẻ chia giúp đỡ suốt quãng đời công tác của bản thân, vì sự dạy dỗ tận tình chu đáo để các con của cô được trưởng thành. Cô hồi tưởng: …Ngày đó tôi khó khăn, vất vả không chỉ về kinh tế mà cả về sức khoẻ. Về trường được mấy tháng thì tôi ốm nặng. Điều trị tại nhà một thời gian tôi phải nằm hàng năm tại bệnh viện. Oái oăm thay tôi lại bị đau thận nên ăn uống phải kiêng. Mình đã vậy, mẹ chồng tôi lại không may bị ngã gãy chân. Thời gian này tôi như muốn kiệt sức, buồn bã và chán nản. Cháu Trang, con gái đầu lòng của chúng tôi mới 3 tuổi. Phải xa mẹ nên cháu xem các chú, các dì, các bác trong trường là những người thân. Đến năm 1990 bệnh tình của tôi có đỡ thì tôi sinh cháu trai thứ hai. Kinh tế khó khăn, người đau yếu, mẹ già, con dại nên tôi như muốn nghẹt thở vì những suy nghĩ vẩn vơ và suy tính đời thường. Những lúc như thế, sự thăm hỏi động viên của bạn bè, đồng nghiệp ở trường đã trở thành liều thuốc tinh thần vô giá giúp tôi đủ nghị lực để vượt qua cửa ải khó khăn này. Tôi cảm ơn vô cùng cái ân tình ấy của đồng nghiệp và đặt nó vào tận sâu thẳm trái tim mình…. Đó cũng là những kỉ niệm không thể nào quên mà cô đã từng chia sẻ trong cuốn sách được xuất bản dịp kỉ niệm 20 năm tái lập trường ( cuốn Hai mươi năm ấy, NXB Nghệ An, 2009, tr.150)
Thầy giáo Lê Chí Thành rất xúc động khi được cô giáo dẫn chương trình Hồ Thị Huyên mời phát biểu. Rất xúc động bởi thầy đang sống lại cùng những vất vả khó khăn của trường Năng khiếu vừa tái lập và khó khăn của riêng cô Bình trong những năm tháng ấy. Cùng công tác với cô Bình từ năm 1989 đến 1993, với tình đồng nghiệp và tình chị em từ trước đến nay, nghĩ về cô Bình, thầy luôn nghĩ về một hình ảnh mẫu mực, chân thành, chu đáo với công việc, với bạn bè đồng nghiệp; về một cán bộ hành chính góp phần rất lớn vào khối đoàn kết của trường, vào những thành tích chung mà trường đạt được. Đến tham dự buổi lễ, thầy giáo Lê Chí Thành ôm theo một bó hoa tươi thắm tặng cô Thái Bình vì những khó khăn xưa đã thành kí ức đẹp đẽ, những ước mơ xưa đã thành hiện thực giữa hôm nay.
Chủ tịch Công đoàn trường, thầy giáo Nguyễn Công Anh cũng gửi đến người có thâm niên công tác nhiều nhất ở trường lời tri ân sâu sắc. Cô Thái Bình là đoàn viên công đoàn có nhiều đóng góp, đặc biệt là trong phong trào bóng chuyền. Cô là người đội trưởng đội bóng chuyền, người nhen lên phong trào để ngày hôm nay trở thành một trong những đội bóng đáng chú ý. Thầy Công Anh gọi cô Bình là người mẹ, người chị, người đồng nghiệp tận tâm của cán bộ giáo viên trong trường.
Cô giáo Nguyễn Thị Lý – cô giáo cũ và cũng là đồng nghiệp với cô Thái Bình - phát biểu sẻ chia những kỉ niệm sâu sắc, gắn bó nghĩa tình. Kỉ niệm những ngày gian lao vất vả là những kỉ niệm đậm nét nhất. Hôm nay nhìn lại, có thể mãn nguyện nở nụ cười. Trong niềm vui mừng sẻ chia, cô đã cất lên giai điệu thiết tha của ca khúc Xô viết bất hủ Triệu bông hồng. Vâng, triệu bông hồng là tình yêu, là triệu niềm vui, là niêm vui chung chan chứa!
Trước khi bước vào cuộc liên hoan, thầy Hiệu trưởng Dương Thế Vinh khép lại buổi toạ đàm: Những lời phát biểu, những hồi tưởng, những kỉ niệm, những lời ca ngọt ngào… của tất cả quý vị đã sưởi ấm những tấm lòng đồng nghiệp. Trong một chiều đông lạnh, trường chúng ta có một chỗ dựa tinh thần nồng ấm để chúng ta gắn bó, đoàn kết với nhau hơn. Mong quý vị, các bạn đồng nghiệp cùng nhau lưu giữ những kỉ niệm, những tình cảm, hơi ấm này!...
“Hội ngộ và chia ly - cuộc đời vẫn thế”… câu hát trong bài Điều giản dị của Phú Quang vẫn thường gợi nhắc trong mỗi chúng ta những nghĩ suy về những giây phút mà mỗi chúng ta trong đời không thể không trải qua hay chứng kiến. Quả vậy, những thời khắc ấy luôn gợi lên trong ta nhiều cảm xúc, dường như nó góp phần đáng kể để cuộc sống của mỗi chúng ta thực sự có ý nghĩa hơn!
Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Truyền
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn