Nhà chật

Thứ bảy - 27/07/2019 21:30
Bình bài thơ "NHÀ CHẬT" của Lưu Quang Vũ. Bài viết của thầy giáo Nguyễn Thanh Truyền - THCS Hoàng Xuân Hãn. Bài đã đăng trên báo Văn nghệ số 32, tháng 8/ 2013

Nhà chật
 

Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồi

Nếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạo

Ô tường nhỏ treo tranh và phơi áo

Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình.
 

 Nhà chật như khoang thuyền hẹp nhỏ giữa sông

Vừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống

Phải bỏ hết những điều không cần thiết

Ta chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình.


Khoảng không gian của anh và em

Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác

Anh không giấu em một nghĩ lo nào được

Ta chỉ có mấy thước vuông để cùng khổ cùng vui.


Anh ngẩng lên là ở cạnh em rồi

Bạn thuyền ơi, ngoài kia chiều lộng gió

Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ

Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời.

                                               LƯU QUANG VŨ

         (Rút từ tuyển thơ Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi, NXB HNV, 2013)

 

      Sức sống của tình yêu và hạnh phúc gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh từ khi họ thành chồng thành vợ còn để lại cho tất cả những ai mến mộ họ cảm giác nể phục và rưng rưng, tiếc nuối... Nhà thơ Lưu Quang Vũ từng viết “Anh biết tình yêu không phải vô biên/ Như tia nắng, chúng mình không sống mãi/ Như câu thơ, chắc gì ai đọc lại/ Ai biết ngày mai sẽ có những gì...”. Nhưng, không như hoài nghi của tác giả, 25 năm sau thời điểm anh từ biệt cõi đời, những vần thơ của anh vẫn được các thế hệ sau tìm đọc và “đọc lại” ngày càng nhiều. “Nhà chật” được viết cách đây gần 40 năm là một trong những tác phẩm được trân trọng như thế.

      Cả bài thơ của Lưu Quang Vũ làm hiện lên chân thực cảnh sống của vợ chồng anh, cũng là cảnh sống của nhiều gia đình nghệ sĩ ở ngôi nhà nổi tiếng trên Phố Huế (Hà Nội) những năm 70 của thế kỉ trước. Sức đồng cảm mạnh mẽ của bài thơ chủ yếu ở chỗ tác giả đã khắc họa rõ nét, sâu sắc thời gian khó mà hầu như ai cũng trải qua trong cuộc sống gia đình, như một điều tất yếu trên con đường lập thân lập nghiệp.

      Khổ thơ đầu vẽ nên hình dung của một cuộc sống rất chật vật trong một căn nhà quá chật chội: “Nhà chỉ mấy thước vuông, sách vở xếp cạnh nồiNếu nằm mơ, em quờ tay là chạm vào thùng gạoÔ tường nhỏ treo tranh và phơi áoTa chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình.”. Chật chội nên việc bố trí mọi thứ đồ đạc cho vừa ý không đơn giản. Chật chội thường kéo theo cảm giác bí bách, nảy sinh cáu kỉnh... Ở đây không thế, người chồng đầy lạc quan khi nói về một cuộc sống hạnh phúc trong gian khó, dù cho “Ta chỉ có mấy thước vuông cho hạnh phúc của mình”. Hạnh phúc ấy có được là nhờ tình yêu trong trẻo, lãng mạn, nồng nàn, đắm đuối nhưng cũng rất đời thường. Tình yêu ấy làm nên sự hài hòa của những điều tưởng là đối cực. Sách vở, những giấc mơ, việc treo tranh trang trí cho không gian ngôi nhà... là biểu hiện của đời sống tinh thần, mà nhiều khi, dễ trở nên rất xa xỉ/lạc điệu trong cảnh ngộ khó khăn. Các sự vật như xoong nồi, thùng gạo, rồi việc phơi áo bên ô tường nhỏ... là những điều của ngày thường quanh quẩn, dường như cũng rất lạ lẫm với thế giới của sách vở mộng mơ. Sự dồn nén, sắp đặt ngổn ngang của hoàn cảnh, trong cái nhìn đầy tình yêu thương và thấu hiểu sẻ chia đã trở thành sự bài trí lí tưởng. Các từ ngữ “xếp cạnh”, “em quờ tay là chạm vào”, “treo... và phơi...” với giọng thơ trìu mến, thể hiện sự chăm chút của con người cho không gian sống, sự nâng niu, vun vén hạnh phúc gia đình.

      Ấn tượng về không gian “chỉ mấy thước vuông” tiếp tục được Lưu Quang Vũ nhấn mạnh ở khổ thơ thứ hai: “Nhà chật như khoang thuyền hẹp nhỏ giữa sôngVừa căng buồm để đi, vừa nấu cơm để sống/Phải bỏ hết những điều không cần thiếtTa chỉ có mấy thước vuông cho hành lý của mình”. Cuộc sống khó khăn hiện lên qua một liên tưởng thú vị. Tác giả dùng từ “hẹp nhỏ” mà không dùng “nhỏ hẹp”. Trong một bài thơ khác, anh cũng từng so sánh: “Ngủ đi em ơi, gian phòng nhỏ như thuyền”. Thơ Lưu Quang Vũ là thơ của người thông minh và dồi dào cảm xúc nên những hình ảnh cụ thể, bình thường lại tự nhiên trở nên đầy sức gợi bởi ý nghĩa biểu tượng sâu sắc của nó. Nhà như khoang thuyền hay gia đình như con thuyềnKhoang thuyền haycon thuyền đều gợi đến sự cần thiết của bàn tay vững chèo khéo lái. Con thuyền vừa là nơi trú ngụ vừa mang chở con người đến những bến bờ, gia đình vừa là tổ ấm ấp ủ chở che vừa là nơi cho những ước mơ của con người cất cánh. Hành trình dài rộng của con thuyền có khoang thuyền hẹp nhỏ giữa sông đời đầy sóng gió đòi hỏi con người cần chú ý đến “hành lý của mình”, “quá tải” sẽ là thảm họa. Là “bạn thuyền”, phải lo nghĩ cho nhau, bảo vệ nhau, nên “phải bỏ hết những điều không cần thiết”. “Hành lý”, theo cách nói của Lưu Quang Vũ, phải chăng là quá khứ với điều cần trân trọng và những điều phải gạt bỏ đi? Phải đồng tâm chia sẻ để vừa “nấu cơm” lo cho thực tại vừa “căng buồm” hướng đến tương lai.

      Không gian sống ấy chính là ngôi nhà được dựng “theo quy luật của tình yêu” (...Mắt của trời xanh) để con người “cùng khổ cùng vui”, dù chật hẹp: “Khi buồn bã em không thể quay mặt đi nơi khác/ Anh không giấu em một nghĩ lo nào được”. Cái không gian “chỉ có mấy thước vuông” được nhắc đi nhắc lại 4 lần trong bài, theo sự phát triển của thi tứ, đã dẫn đến cái kết rộng mở, sáng tươi: “Anh ngẩng lên là ở cạnh em rồi/ Bạn thuyền ơi, ngoài kia chiều lộng gió/ Bên cửa sổ của gian phòng nhỏ/ Mắt em xanh thăm thẳm những chân trời”. Nhà chật không làm cho con người bức bối, trái lại, khiến con người gần gũi, hiểu và chia sẻ được nhiều hơn; nhà chật cũng không hề tách biệt với cuộc đời bên ngoài lộng gió. Không gian “cửa sổ của gian phòng nhỏ” và không gian của “mắt em xanh thăm thẳm” đã nối cái hữu hạn vào vô hạn, thực tại và mộng mơ...

      Bài thơ của Lưu Quang Vũ cho ta hiểu hơn về cội nguồn sức sáng tạo, sự cống hiến lớn lao của anh cho văn học nghệ thuật nước nhà, trong đó có vai trò không nhỏ của tình yêu chồng vợ mà anh và nữ sĩ Xuân Quỳnh dành cho nhau: “...Biến niềm tin lẻ loi thành niềm tin của hai người/...Chung nhau chân trời chung nhau trang sách/ Chung nhau một ngọn đèn và khung cửa mưa rơi/ ...Chúng ta có hai bàn tay để gìn giữ vun trồng làm việc/ Đường xa lắm mà đời người thật ngắn/ Phải có sức lực và lương ăn cho mỗi chuyến đi/ Phải hiểu thấu mọi điều để thắng nỗi hoài nghi/ Để sống với đời thường và sống cùng giấc mơ phía trước...” (Em (II)). “Nhà chật” không chỉ gợi đồng cảm từ một cảnh sống mà còn sẻ chia một cách sống!

Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Truyền

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập199
  • Hôm nay2,917
  • Tháng hiện tại403,926
  • Tổng lượt truy cập28,929,300
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây