Hướng về núi Đính...
Nếu Tam Cốc - Bích Động gợi hứng thú trước hết bởi cái tên “vịnh Hạ Long trên cạn” thì quần thể du lịch tâm linh Bái Đính buộc mọi người phải quan tâm trước hết bởi tiếng vang của những kỉ lục, những cái nhất vẫn được đăng tải trên nhiều phương tiện truyền thông. Du khách đến Bái Đính không chỉ để lễ Phật mà còn để tham quan những kì tích của con người tạo dựng.
Hơn 1000 năm về trước, tại Ninh Bình đã có ba triều đại nối tiếp nhau ra đời: nhà Đinh, nhà tiền Lê và nhà Lý. Ba triều đại phong kiến này đều rất quan tâm đến đạo Phật và coi đạo Phật là quốc giáo. Đó là lí do tại Ninh Bình có rất nhiều chùa cổ, trong đó có chùa Bái Đính, trên dãy núi Tràng An. Quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ và một khu chùa mới được xây dựng từ năm 2003. Chùa nằm trên sườn núi, giữa những thung lũng mênh mông hồ và núi đá, ở cửa ngõ phía tây vào cố đô Hoa Lư.
Bái Đính cổ tự nằm gần trên đỉnh của một vùng rừng núi khá yên tĩnh, gồm có một nhà tiền đường ở giữa, rẽ sang bên phải là Hang Sáng thờ Phật, rồi đến đền thờ thần Cao Sơn ở sát cuối cửa sau của Hang Sáng; rẽ sang bên trái là đền thờ thánh Nguyễn rồi đến Động Tối thờ mẫu và tiên. Nơi đây nằm ở vùng đất hội tụ đầy đủ yếu tố nhân kiệt theo quan niệm dân gian Việt Nam, đó là đất sinh Vua, sinh Thánh, sinh Thần. Năm 1997 chùa được công nhận là di tích lịch sử - văn hóa - cách mạng cấp quốc gia.Mặc dù khu chùa có lịch sử hình thành từ thời Đinh với đền thờ Cao Sơn trấn tây, Hoa Lư tứ trấn nhưng chùa Bái Đính cổ có nhiều chi tiết kiến trúc và cổ vật mang dấu ấn đậm nét của thời Lý.
Kiến trúc chùa Bái Đính mới hoành tráng, đồ sộ nhưng mang đậm bản sắc truyền thống. Ngay sau khi xây dựng, chùa Bái Đính mới sớm trở thành một điểm đến nổi tiếng. Đây là một quần thể chùa lớn được biết đến với nhiều kỷ lục châu Á và Việt Nam được xác lập như: chùa có diện tích lớn nhất Việt Nam, chùa có tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á, chùa có hành lang La Hán dài nhất châu Á...
Khi lên vãn cảnh chùa trên đỉnh Bái Đính, vua Lê Thánh Tông - vị vua nổi tiếng với tài trị nước và tài văn chương, đã sáng tác một bài thơ tứ tuỵêt chữ Hán được dịch như sau:
Đính Sơn danh tiếng thực cao xa
Che chở kinh thành tự thuở xưa
Nhân kiệt, địa linh nên vượng khí
Núi thiêng cảnh đẹp vững sơn hà.
Bài thơ của ông vua - thi sĩ dường như không chỉ viết riêng cho núi Đính. “Nhân kiệt, địa linh nên vượng khí...” Nhân kiệt, vượng khí... là chuyện của mọi thời.
“Bái Đính” có nghĩa là “hướng về núi Đính”, hướng về với một cái tâm sáng trong. Cái tên gọi ấy mang theo một ngụ ý thật sâu xa của người xưa. Hướng về núi Đính có phải chỉ hướng về một thắng cảnh? Hướng về cõi Phật? Hướng về những vàng son một thời và muôn thuở của cha ông? Hay cũng chính là hướng về về khát vọng hòa bình và cường thịnh của giang sơn?... Hướng về núi Đính, ta cảm nhận biết bao điều!
Và, những ấn tượng Tràng An...
Hành trình du xuân đi đến địa chỉ cuối cùng là khu du lịch Tràng An. Để chuẩn bị cho chuyến tham quan địa chỉ được cho là rất hấp dẫn này, hướng dẫn viên Trần Đình Hồng đã phải đi mua vé từ lúc 4h sáng. Tràng An rất đông du khách thập phương. Có mặt ở Tràng An lúc 7h, phải mất gần cả giờ đồng hồ chờ đợi và trải qua cảnh chen lấn vào cửa, cả đoàn mới bắt đầu được chuyến du thuyền.
May thay, non xanh nước biếc khoáng đạt mở ra đã sớm xoa dịu những bức bối của toàn đoàn... Không khí du xuân trở lại... Dù trí tưởng tượng của con người có bay bổng đến mấy cũng khổng thể hình dung nổi sau trùng trùng những dãy núi đá vôi kia là một thế giới lung linh ảo huyền đến thế. Chẳng có góc máy nào có thể ghi lại được những cảm nhận bằng mắt chứ chưa nói đến việc ghi lại những cảm giác... của tâm hồn! Sau những trầm trồ về bàn tay tạo hóa tài hoa, trong lòng mỗi người lại lắng lại những cảm xúc rất riêng...
Non nước Tràng An đã hấp dẫn con người từ nghìn năm nay. Nhưng bắt đầu từ năm 2003, quần thể danh thắng này mới gây sự chú ý đặc biệt khi các nhà khoa học khẳng định những giá trị nổi bật về cảnh quan sinh thái và kiến tạo địa chất. Kể từ đó nhiều hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị liên tục diễn ra. Và hiện nay, Tràng An đang ứng cử di sản thiên nhiên thế giới với những giá trị về cảnh quan thiên nhiên - lịch sử văn hóa - kiến tạo địa chất, đang hứa hẹn sẽ trở thành một địa điểm du lịch tầm cỡ quốc tế.
Không giống như hành trình tham quan Tam Cốc, tham quan quần thể danh thắng Tràng An là hành trình xuyên thủy khép kín mà không phải quay trở lại. Nơi đây cả một vùng non nước, mây trời hoà quyện. Đáy nước trong xanh soi bóng những vách núi đá trùng điệp. Nơi đây có tới 31 hồ, đầm nước được nối thông bởi 48 hang động đã được phát hiện trong đó có những hang xuyên thủy dài 2 km như hang Địa Linh, hang Sinh Dược, hang Mây... Mỗi hang một vẻ đặc trưng như tên gọi, các hang có nhiều nhũ đá biến đổi, nước chảy ra từ trần hang làm không khí trong hang mát lạnh.Quần thể hang động này được ví như một trận đồ bát quái. Các dãy núi, hồ nước và hang động tạo thành một thế trận liên hoàn. Mỗi hồ là một bức tranh thủy mặc khác nhau về thế núi, dáng núi và hồ nước. Mây trời, non xanh, nước biếc hòa quyện với nhau, thoắt ẩn, thoắt hiện. Những hang, động này chuyển tải nước đối lưu chảy thông từ khe núi này đến khe núi kia. Núi giăng thành luỹ bao bọc quanh hồ nước và ở giữa nổi lên khu đất với rừng cây mọc thành đảo. Xa xa trên triền núi, dưới tán cây rừng lúp xúp là những đàn dê núi leo trèo trên các tảng đá chênh vênh...
Đi qua hàng chục hang động mát rượi, qua những hồ nước biếc xanh, nhìn ngắm những dãy núi đá vôi điệp trùng muôn hình vạn trạng giăng giăng như những thành quách, quanh co uốn khúc như trận đồ,... trong khoảnh khắc chợt thấm thía vì sao xưa kia vua Đinh Tiên Hoàng chọn Hoa Lư để đóng đô. Tận dụng triệt để những ưu thế của thiên nhiên, bảo toàn sức người và sức của trong thời kì đầu xây dựng Nhà nước phong kiến tập quyền có lẽ chỉ Hoa Lư là phù hợp?!... Thực lực nước nhà lớn mạnh, lịch sử sang trang, Hoa Lư thành cố đô. Linh hồn Tràng - An - xưa vẫn phảng phất đâu đây trong Tràng - An - nay ngày lại ngày đón khách về nườm nượp...
Dư âm...
Kết thúc hành trình tham quan quần thể du lịch Tràng An, chợt ai đó nói rằng: “Khi vào hang Ba Giọt, nếu du khách hứng lấy ba giọt nước trong lòng bàn tay thì sẽ công thành danh toại, hứng tiếp ba giọt nữa để uống thì tình yêu sẽ viên mãn”... Chẳng biết lời đồn đại ấy hư thực thế nào, chỉ biết trên chuyến xe trở về, nhiều người tỏ ra vô cùng tiếc nuối. Bao giờ trở lại Tràng An?
Chuyến du xuân chỉ hai ngày nhưng thật nhiều ý nghĩa. Đồng nghiệp hiểu nhau hơn. Trong hành trang tinh thần của mỗi người có thêm nhiều điều quý giá sau những trải nghiệm thú vị. Sự giàu có thêm lên về đời sống tinh thần sẽ góp phần quan trọng tạo nên màu sắc riêng của tập thể cán bộ giáo viên THCS Hoàng Xuân Hãn! Kỉ niệm đi Ninh Bình chắc chắn còn được nhắc đến nhiều lần...
Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Truyền
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn