Hồn vẫn tươi vui thơm ngát tình đời

Thứ bảy - 27/07/2019 21:01
Hiếm có vĩ nhân nào trong lịch sử nhân loại trở thành đề tài và nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo thi ca như Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Điều gì làm nên niềm tự hào ấy? Có phải vì: “Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ”; có phải vì: “Người là quê hương là con yêu đất nước, Người lại là thơ mang biết mấy tâm hồn”.

HỒ CHÍ MINH

Hồ Chí Minh
Người lính già
Đã quyết chiến hi sinh
Cho Việt Nam độc lập
Cho thế giới hoà bình!
Người đã sống năm mươi năm vũ bão
Vì nhân loạiNgười quyết dâng xương máu
Vì giang sơnNgười quyết dứt gia đình! 

Hồ Chí Minh
Người đã quyết
Mặc phong ba giá tuyết
Mặc gươm súng xiềng gông
Làm tên quân cảm tử đi tiên phong
Đánh trăm trận, thể trăm phen quyết thắng! 

Bao thất bại dẫu xát lòng cay đắng
Hồn vẫn tươi vui, thơm ngát tình đời
Bước trường chinh dầu mỏi gối khan hơi
Tim gang thép vẫn bừng bừng lửa chiến.
Cờ đã phất, phải giương cao quyết tiến!
Người xông lên
Và cả đoàn quân, thừa huyết khí thanh niên
Rập bước tiến bên người Cha anh dũng.
Tiếng người thét:
Mau lên gươm lắp súng!
Và cả đoàn quân
Đã bao nhiêu năm tháng trải phong trần
Mắt sáng quắc, tay xanh loè mã tấu
Vụt ào lên, quyết hy sinh chiến đấu
Diệt cường quyền
Ôi sức mạnh vô biên!
Hồ Chí Minh
Hỡi ngọn đuốc thiêng liêng
Trên đầu ta, ngọn cờ dân tộc
Trăm thế kỉ trong tên Người: Ái Quốc
Ban muôn đời của thế giới đau thương!
Chúng tôi đâyLớp con cháu trên đường
Gươm tuốt vỏ, súng cầm tay, xốc tới
Ngọn cờ đỏ sao vàng bay phấp phới
Nước non Hồng vang dội Tiến quân ca. 

HỒ CHÍ MINH
Người trẻ mãi không già.  
                                          (Tố Hữu)                

    Hiếm có vĩ nhân nào trong lịch sử nhân loại trở thành đề tài và nguồn cảm hứng vô tận cho sáng tạo thi ca như Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Điều gì làm nên niềm tự hào ấy? Có phải vì: “Hồ Chí Minh tên Người là cả một niềm thơ”;  có phải vì: “Người là quê hương là con yêu đất nước, Người lại là thơ mang biết mấy tâm hồn”.
    Trong rừng thơ viết về Người, bài thơ “Hồ Chí Minh” của Tố Hữu có một vị trí đặc sắc ở những phương diện sau đây:
   1. Đây là bài thơ sớm nhất viết về Bác của Tố Hữu nói riêng và thơ ca Việt Nam nói chung. Tố Hữu viết bài thơ này vào ngày 26 tháng 8 năm 1945 trong không khí của “Huế tháng tám”:  
                  “Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh    
                         Thổi phồng lên. Tim bỗng hoá mặt trời” 
    Dù chưa gặp Bác, nhưng Tố Hữu đã cảm nhận được tầm vóc dân tộc và thời đại của Hồ Chí Minh trong hình ảnh người lính già quyết hy sinh vì dân tộc và nhân loại”. Sau cảm nhận về tầm vóc dân tộc và thời đại ấy, Tố Hữu khắc hoạ khá đầy đủ những phẩm chất cao đẹp của Hồ Chí Minh: Đức hi sinh, lòng yêu đời, ý chí quyết chiến, quyết thắng và lòng nhân đạo sâu sắc: “Bạn muôn đời của thế giới đau thương”.                   
    2. Cách mạng tháng tám thành công, cái tên Hồ Chí Minh còn  chưa được nhiều người biết đến. Vì vậy trong tâm thức của người dân nước Việt: Hồ Chí Minh là ai, còn là một câu hỏi lớn. Bằng hình tượng nghệ thuật, Tố Hữu đã giải đáp Hồ Chí Minh là ai, Hồ Chí Minh như thế nào. Nói như Nguyễn Đình Thi: “Lần đầu tiên Tố Hữu đã mang tên Bác Hồ đi khắp núi sông”. Vì vậy bài thơ có giá trị định hướng nhân tâm sâu sắc.               
    3. Khi sáng tác “Hồ Chí Minh”, Tố Hữu chưa được gặp Bác nên những câu thơ “Tim gang thép vẫn bừng bừng lửa chiến”; “Tiếng Người thét mau lên gươm lắp súng” thể hiện chưa đúng phong thái Hồ Chí Minh. Sau này, được gặp Bác, Tố Hữu đã nhận thức lại trong “Sáng tháng năm” và trong “Theo chân Bác”: 
                  “Bác Hồ đó là lòng ta yên tĩnh
                   Ôi người cha đôi mắt mẹ hiền sao
                   Giọng của Người không phải sấm trên cao
                   Thấm từng tiếng ấm vào lòng mong ước.” 
                   “Bác Hồ khẽ vuốt chòm râu mát
                    Gió sớm hương đưa ngát cả rừng” 
    Phong thái Bác của chúng ta: ung dung, tự tại, nhân văn chứ chưa bao giờ là “Tim gang thép vẫn bừng bừng lửa chiến”…
    Cho dù còn những hạn chế bởi “Vạn sự khởi đầu nan” thì bài thơ Hồ Chí Minh của Tố Hữu vẫn có một vị trí đặc biệt, đặc sắc trong rừng thơ viết về Bác Hồ Kính Yêu.

Tác giả bài viết: Dương Thế Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập51
  • Máy chủ tìm kiếm7
  • Khách viếng thăm44
  • Hôm nay33,148
  • Tháng hiện tại1,100,574
  • Tổng lượt truy cập28,401,048
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây