Những năm tháng khó quên

Thứ bảy - 27/07/2019 20:30
Ra trường năm 1978 và làm công tác giảng dạy toán ở trường THCS, nhưng đến năm 1992 tôi được Phòng GDĐT điều về nhận nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi toán lớp 5 tại trường Năng Khiếu Đức Thọ – tiền thân của trường THCS Hoàng Xuân Hãn bây giờ
Cầm quyết định trên tay tôi không khỏi bỡ ngỡ bởi nguyên là một giáo viên dạy toán THCS nay về bồi dưỡng toán tiểu học, vậy chặng đường sắp tới sẽ thế nào? Với học sinh tiểu học, tâm lý các em ra sao? Phương pháp dạy như thế nào để các em dễ hiểu và tiếp thu được? Bao nhiêu câu hỏi, bao nhiêu điều trăn trở thôi thúc, nhưng dù sao tôi cũng phải bắt tay vào việc. Bao nhiêu khó khăn bắt đầu nảy sinh. Nói rằng là học sinh giỏi cuối cấp, nhưng các em vẫn là học sinh tiểu học, năng lực tư duy, năng lực tiếp thu kiến thức còn hạn chế, trong khi đó hiệu quả công việc lại đòi hỏi cao, phải có học sinh giỏi tỉnh, học sinh giỏi quốc gia.
Bao tháng ngày thăng trầm, đối mặt với rất nhiều khó khăn khi tạo cho các em một phương pháp học tập mới, tạo cho các em những phương pháp tư duy để có kết quả tốt, quả thật tôi gần như phải đọc và tìm hiểu từ đầu rất nhiều tài liệu liên quan. Thế rồi điều gì đến đã đến, thành tích mà các em dành được đã không phụ công tôi. Giờ đây nghĩ lại tôi vẫn nhớ được những khoảng khắc hạnh phúc dâng tràn vì những thành quả mà mình gặt hái được. Năm thứ nhất chỉ có 3 học sinh giỏi tỉnh nhưng đến năm thứ 2 tôi đã có 8 học sinh giỏi tỉnh và 3 em đạt giải quốc gia. Năm thứ 3 tôi tiếp tục có 7 em giỏi tỉnh, trong đó có 1 em đạt giải quốc gia. Đặc biệt là năm học 1995-1996, vừa con mình vừa trò mình cùng đạt học sinh giỏi quốc gia. Giờ đây ngẫm lại tôi lại càng thấy mình thật sự tự hào với những thành tích đã dành được. Tôi cũng cảm thấy mình có may mắn hơn nhiều nhà giáo khác, đó là có cơ hội sống trong những ngày lao tâm khổ tứ với học trò để cùng hi vọng cho một kết quả khả quan trong cuộc chạy đua với những thầy cô giỏi và những học trò giỏi trên khắp các huyện trong tỉnh thậm chí cả toàn quốc. Chính cơ hội đó đã giúp cuộc sống tôi không bị trôi đi một cách tẻ nhạt với những bài giảng đều đều, những công việc lặp đi lặp lại nhàm chán thường ngày và cũng chính cơ hội đó đã giúp tôi có được những thế hệ học trò tài năng, luôn nhớ về trường với bao kỉ niệm không bao giờ quên. Mỗi khi về quê các em lại gặp tôi với những câu chuyện không bao giờ dứt về một thời cô trò đã học tập và làm việc như thế.
Trải qua những ngày tháng đó, tôi càng thấm thía hơn thế nào là tình cảm đồng nghiệp, thế nào là sự tương trợ nhau trong hoàn cảnh khó khăn. Tất cả những điều đó đã hun đúc trong tôi một tình cảm gắn bó thân thương với ngôi trường này. Tôi vẫn tin rằng chính điều đó dã đem lại cho tôi một cuộc sống hạnh phúc luôn tràn đầy niềm tin và hi vọng, giúp tôi vượt qua được những khó khăn trong cuộc sống vật chất đời thường mà có lẽ nhà giáo nào cũng phải nếm trải, thậm chí ngay trong giai đoạn bây giờ. Có thể cuộc sống không bao giờ hết khó khăn, song những niềm hy vọng mà bố mẹ học trò gửi gắm nơi thầy cô đã giúp tôi và đồng nghiệp tạm quên đi những vất vả nhọc nhằn. Ngẫm lại những điều đó, dường như chúng tôi vẫn còn may mắn hơn nhiều người.
Có lẽ cũng chính những năm tháng này đã giúp tôi nuôi dạy được những đứa con nên người, giúp tôi rèn cặp được các con trở thành những công dân tốt. Một trong những niềm vui không kém phần  ý nghĩa của tôi là hai đứa con trai cũng đã học tập và trưởng thành từ chính  mái trường này. Tôi hiểu rằng, khi mình đứng trên bục giảng dạy học cho con em các gia đình khác, họ sẽ nhìn vào gia đình mình để xem mình nuôi dạy con cái ra sao, nhất là khi chính con mình cũng học dưới mái trường này. Và tôi hiểu rằng một trong những nguyên nhân quan trọng của sự yêu mến và quý trọng mà phụ huynh và học sinh dành cho mình bấy lâu nay chính là sự trưởng thành của các con tôi. Với con cái thì không nói trước được điều gì, nhưng thật may mắn cho tôi là đã có hai đứa con đều ngoan và học được. Những cố gắng của các con, những thành tích mà các con tôi gặt hái được, ngoài sự nỗ lực cố gắng của chúng thì mái trường này cũng góp phần không kém quan trọng, thành thử giờ đây đang làm nghiên cứu sinh tiến sỹ tại nước Mỹ xa xôi nhưng con trai đầu tôi vẫn luôn tâm niệm về trường nơi đã dày công dạy dỗ và nuôi dưỡng cháu nên người.
Năm 1996 một bước ngoặt đến với tôi: chia tay với những tháng ngày trăn trở và lo toan trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi. Chính sách thay đổi, mục tiêu và biện pháp giáo dục cũng thay đổi, hệ thống trường chuyên lớp chọn chuyển mình trong sự thay đổi của cải cách giáo dục. Tôi trở lại dạy ở cấp THCS, môi trường quen thuộc trước đây của tôi. Chia tay với những năm tháng đầy nhiệt huyết, hào hứng và say mê, mặc dù công việc bồi dưỡng học sinh giỏi vẫn được tiếp tục, từ sâu thẳm trong trái tim mình, tôi vẫn cảm thấy như đánh mất một điều gì đó. Phải chăng đó là những giây phút được vui, được buồn hết mình, được làm việc, được cống hiến hết mình, được chờ đợi và hi vọng đan xen thất vọng? Dù sao đó cũng là một thời đầy nhiệt huyết, say mê và tôi vẫn thực sự cảm ơn những ngày đó của cuộc đời.
Vậy là đã 31 năm từ khi tôi ra trường và đi dạy. Cho đến khi về nghỉ hưu tôi sẽ có 20 năm gắn bó với mái trường này, một quãng thời gian có thể nói là khá dài của một đời người. Trong quãng thời gian đó tôi đã nếm trải đủ mọi cảm giác vui buồn sướng khổ, đã đứng trên bục giảng truyền đạt kiến thức cho bao thế hệ học trò. Giờ đây sắp khép lại một thời kì đầy biến động và say mê, tôi muốn nói một điều rằng niềm vui lớn nhất của mình  chính là niềm hy vọng: hy vọng về một tương lai tươi sáng hơn cho mỗi thế hệ học trò mà mình dạy dỗ, để các em càng ngày càng làm rạng danh cho đất nước chúng ta.

Tác giả bài viết: Lê Thị Phương Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập145
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm144
  • Hôm nay32,892
  • Tháng hiện tại1,132,111
  • Tổng lượt truy cập28,432,585
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây