Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Nhớ về mái trường thân yêu

Thứ bảy - 27/07/2019 07:20
Vậy là đã 20 năm ra trường công tác, trong 20 năm ấy tôi đã sống và làm việc tại trường Năng khiếu Đức Thọ- trường THCS Hoàng Xuân Hãn 15 năm.
15 năm đầu công tác của một đời người trong con đường sự nghiệp có lẽ là quan trọng nhất. Chính từ mái trường thân yêu này mà Tôi đã khôn lớn và trưởng thành lên thật nhiều.
Tôi đã chuyển công tác, rời trường hơn bốn năm nay, nhưng mỗi khi nhớ lại những ngày tháng ở đây trong lòng tôi lại trào dâng nhiều kỷ niệm mà có lẽ nó sẽ theo suốt cuộc đời Tôi. Cứ mỗi lần gần đến ngày khai giảng năm học mới hay những ngày lễ 20/11; 8/3, Tôi lại nhớ trường da diết. Kỷ niệm của một thời bảng đen, phấn trắng, tình thầy trò, tình đồng nghiệp sao mà chân thành, ấm áp là vậy. Rất nhiều đồng nghiệp cùng thời với tôi ngày đó nay cũng đã chuyển sang các ngôi trường khác hay chuyển sang lĩnh vực công tác khác hoặc đã nghỉ hưu, nhưng những đợt bồi dưỡng học sinh giỏi hay cùng nhau đi thi giáo viên giỏi, những sinh hoạt tập thể như câu lạc bộ thơ nhạc, hội diễn văn nghệ chào mừng 20/11, những  hoạt động thể thao ở trường thật vui và tôi vẫn nhớ như in. Đặc biệt là việc xây dựng tờ báo tường “Nguồn sáng” vào dịp 20/11 hàng năm, tôi vốn là “dân” tự nhiên, rất yêu văn thơ, song năng khiếu về thơ văn có thể nói là không có, việc “vật lộn” để cho ra được một bài thơ là không dễ chút nào, vậy mà năm 1996, tôi đã viết được một bài thơ “ gan ruột”. Bài thơ có tựa đề “ Bất chợt”.
Mùa hạ bất chợt qua,
Mùa thu bất chợt đến,
Tôi nhận ra mùa thu,
Bất chợt gặp, chiếc lá vàng trước ngõ.
Không chỉ đợi thời gian,
Không chỉ đợi không gian,
Giận hờn, yêu thương,
Buồn, vui lẫn lộn,
Bất chợt nhận ra nhau trong phút giây im lặng.
         
          Tôi gọi nó là “gan ruột” bởi ít nhiều nó đó phản ánh đúng một phần con người tôi, đó là luôn lắng nghe và quan sát, tôn trọng mọi người và cố tìm được điều gì đó tốt đẹp ở những người xung quanh. Chính vì điều đó, mà khi tiếp cận với ai hay công việc gì tôi cũng tìm thấy cái “được” để mà học hỏi hoặc để mà rút kinh nghiệm. Trường Năng khiếu Đức Thọ- Trường THCS Hoàng Xuân Hãn đã cho tôi nhiều cái “được” như vậy.    
          Ngày tôi bước chân về trường là ngày trường mới được thành lập đúng 1 năm- năm1990, “cơ ngơi” của trường là mấy phòng làm việc của cơ quan Khối dân cũ, gọi là trường nhưng thực ra chỉ có 4 lớp học, mỗi khối 1 lớp trên dưới 30 em. Đến năm 1992 thì được tách thành 8 lớp, mỗi khối 2 lớp, một lớp năng khiếu Văn và một lớp năng khiếu Toán. Năm 1994 trường được chuyển về Thị Trấn và một lần nữa trường lại được tiếp quản “cơ ngơi” của cơ quan Công An cũ, 2 phòng làm việc được đục thủng để trở thành một phòng học, lúc này học sinh được tuyển chọn vào trường rất kỹ, trường đã trở thành một địa chỉ tin cậy của  nhiều học sinh và phụ huynh, số học sinh của trường không ngừng tăng lên. Đến năm 1997, Bộ giáo dục có chủ trương bỏ trường chuyên, lớp chọn, trường vinh dự được mang tên Giáo sư-Học giả Hoàng Xuân Hãn, lúc này cách tuyển chọn học sinh vào trường đã có nhiều thay đổi, song cũng chính vì thế mà học sinh nộp đơn xin được học ở trường lại càng đông hơn. Năm học 1999-2000, trường đã có 12 lớp, mỗi khối có 3 lớp, số học sinh tăng lên cùng với chất lượng ngày càng được khẳng định không chỉ ở chất lượng mũi nhọn và cả chất lượng đại trà. Học sinh của trường nhiều năm liền không chỉ đậu giải cao ở các kỳ thi học sinh giỏi tỉnh mà có những em đậu học sinh giỏi quốc gia, đạt giải viết thư quốc tế UPU, bài viết của các em còn được đăng trên Văn học tuổi trẻ, toán tuổi thơ… . Trường Năng khiếu Đức Thọ- Trường THCS Hoàng Xuân Hãn là niềm tự hào của giáo dục Đức Thọ từ khi thành lập đến nay. Đặc biệt năm học 2008- 2009 trường đạt danh hiệu lá cờ đầu của cấp THCS toàn tỉnh, tôi lại càng cảm thấy thật tự hào hơn. Xin được chúc mừng các thầy, các cô và tất cả các em học sinh.
          Đến với công việc mới, niềm vui và nỗi buồn lại lẫn lộn. Chuyên môn Hoá không đụng đến, nghiệp vụ sư phạm không được sử dụng thường xuyên, tiếp cận môi trường làm việc gần như là khác hẳn, nhiều cái “được” trong cuộc sống lại  góp nhặt. Song nếu ai hỏi tôi, chọn một nghề để yêu thì tôi vẫn không ngần ngại mà có thể trả lời ngay rằng đó là nghề dạy học. Không sáo rỗng, không hoa mỹ, tôi vẫn luôn tâm niệm câu nói của cố thủ tướng Phạm Văn Đồng “ Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý”.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập228
  • Hôm nay35,440
  • Tháng hiện tại1,319,635
  • Tổng lượt truy cập39,790,782
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây