Được giao làm chủ nhiệm và bồi dưỡng đội tuyển Sinh học 8, tôi vô cùng lo lắng. Lo vì trường có bề dày thành tích với nhiều cây đa cây đề về công tác học sinh giỏi như thế liệu mình có đáp ứng được không. Thế rồi ngày báo kết quả kì thi năm ấy cũng tới. Học sinh của tôi dự thi 6 em đều đạt giải. Tôi thở phào khi nghe chị Hà Phương báo tin và chị nói “ Em về năm đầu mà có kết quả như vậy là thắng lợi rồi”.Câu nói của chị giúp tôi tự tin hơn trong những năm tiếp theo. Và cứ thế, mười ba năm công tác tại trường thì có mười hai năm tôi tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi. Tâm trạng ở mỗi giai đoạn rất khác nhau và tâm trạng của mỗi mùa thi cũng khác nhau. Song những điều chung nhất luôn cứ hiện về trong tâm trí tôi:
Sau hội nghị cán bộ công chức - viên chức đầu năm, không ai bảo ai nhưng mọi người tự ý thức được trách nhiệm của mình trong lĩnh vực này. Các đội tuyển tự giác sắp xếp tận dụng mọi thời gian, kể cả ngày nghỉ dạy cho các em để tránh ảnh hưởng tới việc thực hiện chất lượng giáo dục toàn diện chung.
Những đề thi, những chuyên đề được giáo viên lật lại, miệt mài sắp xếp lại, trình bày lại một cách lô gích hơn, dễ hiểu hơn, mong sao gặt hái được một vụ mùa tương đối. Như những con ong chăm chỉ, họ cặm cụi làm việc để kết những giọt mật tinh khiết cho đời. Có những ngày chủ nhật cô và trò say sưa tranh luận: "Trò hỏi - Cô gợi mở". "Cô hỏi -Trò tìm kiếm", họ như quên đi tất cả những lo toan đời thường để thả mình vào thế giới tri thức cùng các em.
Ngày gần thi học sinh giỏi huyện là ngày nhộn nhịp nhất. Tất cả có tám môn thi. Những em đã giỏi thường môn nào cũng giỏi, giáo viên nào cũng muốn em theo môn của mình, nhưng không ai nói ra điều đó. Trò chọn môn này thì thấy có lỗi với sự chăm sóc của thầy cô môn khác, thầy- cô thì nhường nhịn nhau, nên họ chỉ phân tích "ưu - nhược", "được - mất" vì “cái chung” để chọn học trò. Không một ai vì thành tích riêng mà quên“cái chung".Ở họ“cái chung"được đặt lên trên hết. Tôi vô cùng cảm phục trước tấm lòng tận tụy và đầy trách nhiệm của mọi người.
Chuẩn bị hành trang chính thức cho kỳ thi học sinh giỏi tỉnh là lúc bồi dưỡng đội tuyển toàn huyện. Công việc hết sức vất vả vì tri thức thì vô cùng, hơn nữa lại gánh trách nhiệm mũi nhọn của huyện nhà.Biết vậy nhưng không ai đùn đẩy, trốn tránh. Ai cũng ý thức được trách nhiệm của mình để mọi việc được thuận buồn, xuôi gió. Sự ý thức đó không phải có được từ ngày một, ngày hai ... một năm, hai năm ....mà phải bắt đầu từ từng tiết dạy và hàng năm - hàng năm ...theo "nghiệp" của mỗi người. Nó diễn ra không chỉ có ở những giờ lên lớp hay những lúc chuẩn bị bài mà nó đi vào trong từng giấc ngủ. Không chỉ giáo viên được phân công bồi dưỡng mới vào cuộc, mà ở trường tôi mỗi người chịu trách nhiệm một phần việc riêng. Ai cũng ý thức được nền tảng kiến thức là từ những giờ học hàng ngày, đó là cơ sở để các em phát triển, tìm tòi kiến thức ở mức cao hơn.
Những đề Văn, những chuyên đề Toán, những hiện tượng Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, những diễn biến Lịch sử đều được giáo viên bàn luận mọi lúc có thể. Hơn thế nữa, những “băng - đĩa” Tiếng Anh có lúc nhóm Tiếng Anh cũng mời mọi người cùng nghe trong giờ giải lao. Sau mỗi cuộc luận bàn mọi người như đều phấn khích hơn, ai cũng như có thêm hành trang trong cuộc hành quân tiếp theo và quên hết những mệt nhọc.
Mỗi đợt bồi dưỡng kéo dài khoảng hơn ba tháng (chiếm 1/3 năm học). Nhưng ngày thi đến giáo viên nào cũng thấy thời gian trôi nhanh quá. Vào những ngày cuối đợt bồi dưỡng, giáo viên bận rộn hơn vì phải sắp xếp, hệ thống lại nguồn tri thức đã trang bị cho các em học trò và luôn mong sao có những câu hỏi, những thắc mắc từ các em trong đợt học để họ có cơ hội hoàn thành một cách trọn vẹn hơn phần trách nhiệm được giao.
Ngày thi đến, ngày học sinh lên xe vào Hà Tĩnh là lúc những giáo viên được phân công đi cùng thể hiện trách nhiệm làm cha, làm mẹ. Họ chăm cho các em từng khẩu phần ăn, lo cho các em từng giấc ngủ và đón chờ các em sau mỗi buổi thi. Còn người ở nhà nóng lòng nên gọi điện vào liên tục để nắm tình hình sau mỗi môn thi. Sau kì thi cô trò lại bàn luận nội dung bài làm của từng học sinh và tự chấm điểm cho mỗi người. Thời gian chờ kết quả là lúc ai cũng thấy ngày như dài hơn. Họ trông chờ mùa gặt sau những ngày làm việc tận tụy hết mình.
Tâm trạng sau mỗi vụ mùa cũng thật khó tả. Kết quả báo về có những mùa được, mùa mất, có những môn bội thu, cũng có những môn thất bát. Nhưng điều họ quan tâm đầu tiên là kết quả của “vụ mùa chung”. Kết quả toàn đợt mà được vị thứ tương đối thì cả trường hân hoan. Những môn bội thu thả mình trong sự chúc mừng của bạn hữu, những môn chưa cao cũng giảm bớt nổi buồn trong niềm vui chung. Còn những năm mất mùa, vị thứ chưa xứng với trường mà huyện bạn xếp cho thì không khí trong trường như có phần lắng xuống.Những đội tuyển bội thu cũng giảm đi niềm vui trong nỗi buồn chung. Những đội tuyển mất mùa thì nổi buồn không thể tả nỗi, nhưng họ vẫn gượng vui để chúc mừng đội bạn. Những lần như thế ai cũng trăn trở nhiều hơn, họ chia sẻ, thông cảm với nhau nhiều hơn để tăng thêm sức mạnh cho đợt mùa sau. Những lần như thế họ đem hết tình người để sưởi ấm động viên nhau vượt qua một lần không may bị trượt chân té ngã.
Ai đã từng ở mô hình trường như trường tôi và đã từng làm công tác bồi dưỡng học sinh giỏi sẽ hiểu hơn về tâm trạng của chúng tôi trong mỗi mùa thi. Nhưng nếu không có những mùa thi như thế thì có lẽ niềm vui nghề nghiệp của chúng tôi sẽ vơi đi một nữa.Bởi từ những mùa thi ấy chúng tôi đã nuôi lớn nhau, giúp nhau trưởng thành về mọi mặt: “Tri thức - Cuộc sống - Tình người”.