Chuyến đi đã để lại nhiều ấn tượng, cảm xúc, nỗi niềm và chúng tôi xin ghi lại xem như một kỷ niệm không thể nào quên trong dịp chuẩn bị cho lễ kỷ niệm thành lập trường.
Mục đích chuyến đi được xác định rõ: Gặp gỡ con cháu Giáo sư Hoàng Xuân Hãn để báo cáo việc kỷ niệm thành lập trường; Làm việc với tạp chí văn học và tuổi trẻ để giới thiệu những thành tích nổi bật của trường trong 20 năm qua; và trong điều kiện có thể gặp gỡ những học trò đã theo học tại trường (theo nguyện vọng của một số học sinh đang công tác tại Hà Nội). Địa điểm của chuyến đi là: Hải Phòng và Hà Nội.
Trong 2 ngày, với một lượng công việc như vậy, với một quảng đường dằng dặc như vậy nên đi bằng phương tiện gì là điều phải đắn đo. Đã tự nghĩ tiền không phải là quan trọng nhất nhưng gặp hoàn cảnh, điều kiện như thế này mới biết không có tiền hoặc ít tiền nó xa xót làm sao. Rất may cuối cùng anh Hà (dượng của trường) đã giúp đỡ miễn phí 1 chuyến xe rất sang trọng. Đây là một trong những nghĩa cử đầu tiên trong dịp kỷ niệm trường mà chúng tôi không được phép quên.
4 giờ sáng xe xuất phát từ Đức Thọ, chạy đến Thanh Hoá ăn tạm bát bún bình dân xứ Thanh rồi một mạch đến Hải Phòng đã 12 giờ trưa. Lại cơm bình dân của đất cảng Hải Phòng. Đường xa, mệt mỏi, cơm bụi, khẩu vị không mấy phù hợp nhưng tất cả nhìn nhau mà làm mấy bát để có sức mà hoàn thành công việc.
13 giờ kém 10 đến tư gia thầy Hoàng Xuân Khóa, Hiệu trưởng trường tư thục MARIE-CURIE. Ra mở cửa đón chúng tôi thầy Khoá niềm nở, thân tình như đón người thân đi xa trở về. Trong ngôi biệt thự xin xắn, sang trọng, thầy Khoá hỏi thăm sức khoẻ CBGV nhà trường và tình hình nhà trường trong những năm qua như thế nào? Thầy kể nhiều về chuyến đi tập huấn 10 ngày tại Xinh-ga-po vừa mới về. Thầy nói: Trông người mà ngẫm đến ta. Giáo dục Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm, phải thay đổi và cầu thị. Rồi thầy cho biết vừa qua trường Đại học Quốc gia Hà Nội có cuộc hội thảo khoa học rất qui mô về Giáo sư Hoàng Xuân Hãn. Năm tháng trôi đi, với độ lùi của thời gian, trước những gì xẩy ra với đất nước, với giáo dục, người ta mới nhận ra nhiều điều về tầm vóc, sự đóng góp, dự báo quí giá của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn... Vì điều kiện thời gian, chúng tôi nói ngắn gọn về việc kỷ niệm ngày thành lập trường. Bác rất phấn khởi và nói sẽ tập hợp con cháu để thông báo dự định này. Dịp 20 tháng 11 thầy rất bận nhưng sẽ sắp xếp để về chung vui với trường. Chúng tôi về Hà Nội theo đường 5 vừa được đầu tư lớn. Đường 5 xe chạy rất nhiều và xuống cấp nghiêm trọng ở nhiều đoạn. Trên xe một người nói, Mỗi km đường 5 này đầu tư hàng mấy tỷ đồng nhưng vừa xong đã xuống cấp mà có mấy ai lên tiếng đâu, thế nhưng giáo dục động một tý là xã hội làm um lên. Đang suy tư về chuyện đường sá, chuyện giáo dục như vậy thì điện thoại rung lên: Mở máy ra thấy Nga học trò gọi. Em hỏi: thầy đến đâu rồi? lên đến Hà Nội mời thầy đến khách sạn Sài Gòn, em đã đặt cho thầy 2 phòng ở đó. Lái xe hỏi: Nga nào vậy? Tôi nói: Nga là học trò cưng của cô Bích Ninh mấy năm học ở Năng Khiếu Đức Thọ. Giờ em là một doanh nhân làm ăn thành đạt, nhà gần khách sạn Sài Sòn. Các thầy cô ở quê ra nếu gặp, em đều lo chu đáo với cảm nghĩ rất thành tâm: Nếu không có các thầy các cô thì em không có cuộc sống như hôm nay. Khi chúng tôi đến lễ tân khách sạn Sài Gòn thì có một cô gái đã chờ sẵn, sau khi hỏi chúng tôi có phải các thầy ở Đức Thọ không và được biết là phải, em nói: Chi Nga đang có chút việc không ra được bảo em ra lấy phòng cho các thầy, chị nói các thầy cứ ở thoải mái, mấy ngày cũng được. Lên phòng ở, tắm rửa cho vơi chút nhọc nhằn, vừa xong chúng tôi lại nhận được điện thoại của Hải. Em xin lỗi vì chiều nay bận coi thi nên chưa gọi cho thầy được (Hải giờ là Giám đốc học viện CNTT Quốc tế NIIT Thăng Long) Hải nói mời thầy đến 17 Lê Văn Lương để cùng vui với một số học sinh khoá 1989-1993. Loay hoay mãi rồi chúng tôi cũng tìm được quán ẩm thực 17- Lê Văn Lương, vừa vào chỗ ngồi, Hải đứng dậy giới thiệu từng người với chúng tôi. Trong số này tôi còn nhớ tên các em: Hải, Hạnh, Hoàng, Huy, Tần, Thành, Trọng, còn lại một số em từ ngày ra trường đến giờ chưa gặp lại. Tôi cũng giới thiệu với các em lý do có mặt ở Hà Nội hôm nay, đoàn có 4 người: Tôi, thầy Anh: Chủ tịch Công đoàn, thầy Hùng giáo viên toán tin, anh Hà dượng của trường. Tôi vừa nói xong, 1 em đứng dậy giới thiệu: Em là Đồng, không có may mắn được học đầy đủ 4 năm ở Năng Khiếu Đức Thọ như các bạn ở đây nhưng em cũng được các thầy cô ở Năng Khiếu dạy bồi dưỡng các kì thi học sinh giỏi tỉnh. Nhờ những lần ấy mà sau lên THPT em được học A1 Trường THPT Minh Khai cùng các bạn. Đi đâu em cũng nhận mình là học sinh Năng Khiếu Đức Thọ. Chúng em ở Hà Nội nói chung ai cũng có công việc làm ổn định, nổi bật có Nga, Hải, Hùng là những tấm gương vượt khó tiêu biểu, là niềm tự hào của bọn em ở đất Hà thành này. Đồng nói vậy chứ khi biết em là con thầy Chân dạy Hóa ở THPT Trần Phú thì tôi biết em cũng là một tấm gương vượt khó đầy ý chí của 1 gia đình nhà giáo mẫu mực ở Bùi Xá. Sau mục giới thiệu, rượu được rót ra do Trọng làm chủ xị. Vẫn nhanh nhảu, sôi nổi như xưa trong vai trò lớp trưởng, Trọng làm cho cuộc vui sôi nổi hẳn lên. Lại uống, lại tâm sự, lại hồi ức kỷ niệm…Hồng Hạnh thủ thỉ: Khi nhận được tin trường sẽ kỷ niệm 20 năm, đêm đó em thức rât khuya viết kỷ niệm về trường được 3 trang giấy A4. Nếu gửi kịp cho sách “20 năm trường Hoàng Xuân Hãn” thì thầy phải sửa cho em. Sau tâm sự của Hạnh, tất cả đều nói: Nghe tin trường Năng Khiếu đã 20 năm, chúng em đều giật mình và luyến tiếc: Mới đó mà đã 20 năm, chúng em giờ đã vào tuổi "Tam thập nhị lập" cả rồi. Bất chợt một em hỏi tôi: Sao không gọi là Năng Khiếu nữa mà gọi là trường Hoàng Xuân Hãn hả thầy? Tôi nói: lý do thì hơi dài dòng, nhưng trường Hoàng Xuân Hãn đã kế tục xuất sắc truyền thống 7 năm của Năng Khiếu Đức Thọ. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn là niềm tự hào của Đức Thọ, của Việt Nam. Giáo sư là định nghĩa mẫu mực của người trí thức. Không có thời gian để nói cho các em hiểu đầy đủ nhưng tôi nói: Được mang tên Hoàng Xuân Hãn là niềm tự hào của bao thế hệ giáo viên, học sinh Đức Thọ đấy các em ạ... Tôi bắt gặp một khoảnh khắc lặng lẽ của buổi tiệc và nhận thấy trên những đôi mắt trong veo của những học trò đã ngân ngấn nước... Trong lúc mọi người còn gửi lòng về lại trường xưa, thì Tô Mai Trang (một học sinh giỏi Văn Quốc gia ngày nào - giờ làm ở báo Bảo vệ Pháp luật) cùng mấy người bạn đến tham gia cuộc vui. Lại uống, lại kể về trường cũ, thầy cô giáo cũ với nỗi niềm sâu nặng, biết ơn...
Gần cuối cuộc vui, Hoàng nói trưa mai khóa bọn em xin được mời các thầy, các thầy không được từ chối đâu nhé. Sáng mai tôi biết còn nhiều việc phải làm nhưng cũng nhận lời. Xong cuộc vui, Nga mời tất cả mọi người về nhà Nga uống Cà phê. Trên đường đi, Trọng tâm sự: Khi học thì em không thua đứa nào và làm lớp trưởng, liên đội trưởng nhưng giờ làm ăn thì nhiều bạn hơn em thầy ạ. Ngoài Hải, Nga mà thầy đã gặp hôm nay, có Hùng bận việc chưa kịp đến nhưng nó là đứa thành công khá toàn diện: Là đội trưởng trẻ nhất của Công an Hà Nội. Nói Hùng thì tôi biết, hồi đó em học rất giỏi 2 môn toán và lý. Đến chung cư của Nga ở, cà phê vừa lấy ra thì Hùng đến. Hùng xin lỗi đến muộn vì hôm nay Hà Nội tổ chức ngày giải phóng thủ đô 10/10 và hồi ức Cầu Long Biên nên không thể vắng mặt được. Thầy trò tâm sự với nhau một lúc, Hải, Trọng nói chúng ta giải tán để các thầy về nghỉ. Một số em lại xin được gặp thầy sáng mai. Về đến khách sạn tôi nói với anh em, mai dậy sớm, ăn sáng tại khách sạn và đi công việc trước khi học trò đến, nếu không chiều không thể về Đức Thọ được. Ăn sáng xong, chuẩn bị lên xe thì Hùng đến năn nỉ nếu thầy ăn sáng rồi thì mời thầy uống cà phê ngay tại khách sạn cùng em. Không thể từ chối, chúng tôi vào quán cà phê, một lát thì Nga đến. Hùng nói thầy ăn sáng rồi nên chúng ta cùng uống cà phê ở đây thôi. Buổi sáng Hà Nội thật là yên tĩnh, hôm nay Hà Nội mới thật sự vào thu. Hương hoa sữa còn sót lại của đêm phảng phất quanh đây. Hiện về trong ký ức tôi những giai điệu ngọt ngào của Phú Quang: "Em ơi Hà Nội phố, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa...". Chiều qua kẹt đường, thấy bực mình với phố, sáng nay bên tách cà phê, bên mấy học trò, thoảng dịu dàng, tinh khiết của hoàng lan, hoa sữa, tận lòng thấy Hà Nội sao mà đáng yêu đến thế.
...Dù đã có người bạn của Hà dẫn đường nhưng phải hơn một tiếng đồng hồ mới lên đến được nhà bác Giáp. Còn 2 nơi phải đến là nhà bác Tý và nhà anh Nguyên nhưng không kịp nữa rồi. Tự nói với lòng là đành xin lỗi bác và anh thôi. Đến nhà anh Dũng tạp chí VHTT, anh thân tình cho biết số tháng 11 sẽ in sớm và bài vở giới thiệu về trường đúng như nguyện vọng của chúng tôi. Vậy là những công việc chính đề ra trong chuyến đi đã thực hiện được cơ bản. Đang trò chuyện với anh về công việc dạy văn hiện nay thì Hoàng gọi, rồi Hưng gọi. Hưng trách sao thầy ra mà không gọi cho Hưng. Hưng muốn trưa nay được gặp các thầy. Tôi nói trưa nay thầy nhận lời Hoàng rồi, tý nữa các em cùng đến quán 71 Trường Chinh để tham dự cùng khóa của Hoàng cho vui. Sợ chúng tôi khó tìm, nên Hùng đưa xe đến đón chúng tôi ở khách sạn. Hùng vẫn trắng trẻo thư sinh như xưa nhưng phong cách đã đĩnh đạc, từng trải lắm rồi. Vào cuộc vui được nửa chặng thì Hưng, Hoan và một số bạn học của Hưng đến. Lâu rồi tôi không nhớ hết tên các em, nhưng nhìn gương mặt em nào cũng hồ hởi, phấn khởi và báo với thầy công ăn việc làm khá tốt. Hưng nói bọn em đã liên lạc với Quốc Anh ở Sài Gòn, Hùng Huệ ở Vũng Tàu và Giang ở Tổng cục Thuế rồi. Nhưng sáng nay gọi mãi không gặp được Giang. Hồng Hạnh thì bảo đang cho con nhỏ ăn trưa xin đến muộn. Em nào cũng xin chúc các thầy mỗi người một ly ...
Được một ngày ở Hà Nội mà phải qua 2 cuộc rượu với học trò thật là mệt nhưng cũng thật vui. Khi các em đã thực lòng thì thầy phải thực dạ nên không thể từ chối một ly nào của các em. Một ngày, mấy cuộc gặp gỡ biết các em làm ăn khấm khá ở đất Hà Thành thực không dễ dàng gì nhưng gặp em nào cũng rạng rỡ cũng còn nhớ như in những kỷ niệm một thời ở trường Năng khiếu Đức Thọ thì niềm vui được nhân lên. Nghề giáo vất vả một đời, bình yên và thảnh thơi, chỉ vài khoảnh khắc. Trong chuyến đi này chúng tôi ngộ thêm rằng: Ngôi trường Năng Khiếu Đức Thọ trước đây nay là trường THCS Hoàng Xuân Hãn đã nằm trọn trong niềm tự hào của con cháu họ Hoàng Kẻ Trổ, nằm trọn niềm ân nghĩa biết ơn trong trái tim bao thế hệ học trò, nằm trọn niềm thương mến trong lòng phụ huynh và đã dành được trọn vẹn niềm tin cậy của cấp ủy, chính quyền huyện nhà. Vậy thì dễ gì xóa được niềm tin yêu ấy của những Con người./.