Thử sức: Tốt nghiệp đại học sư phạm khoa toán tôi được phân công về dạy trường sư phạm 12 năm rồi về dạy cấp 3 Minh Khai 17 năm. Năm học 1993-1994 tôi dạy toán, chủ nhiệm lớp chọn, làm tổ trưởng tổ toán, chủ tịch công đoàn trường cấp 3 Minh Khai.
Nhận được quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh về hiệu trưởng trường Năng Khiếu Đức Thọ. Ở cấp 3 tôi dạy toán và bồi dưỡng học sinh giỏi, về trường Năng Khiếu ngoài dạy lại quản lý đội ngũ giáo viên giỏi tôi quyết định thử sức.
Đó là huyện và phòng GD-ĐT rất quan tâm đến trường năng khiếu-Phòng giáo dục đã tuyển chọn giáo viên giỏi các trường trong huyện, sinh viên tốt nghiệp ra trường vào loại khá giỏi, giáo viên cấp 3 các huyện chuyển về. Ban giám hiệu thấy đội ngũ giáo viên xứng với tầm của trường Năng Khiếu. Học sinh tuy ít nhưng cũng được thi tuyển bảo đảm chất lượng. Ban giám hiệu phân công tôi phụ trách chung và chỉ đạo tổ tự nhiên, bộ phận hành chính, thầy Dương Thế Vinh hiệu phó chỉ đạo tổ xã hội hoạt động ngoại khóa. Bước đầu chúng tôi nắm bắt được năng lực, sở trường, nguyện vọng của mỗi cán bộ giáo viên để bố trí công tác, phân công giảng dạy hợp lý, chọn giáo viên chủ nhiệm đội tuyển học sinh giỏi, không khí làm việc trong nhà trường vui vẻ thoải mái.
Tháng 4/1994 nhà trường chuyển về Thị Trấn được đồng chí Bí thư huyện ủy, chủ tịch UBND huyện các ban ngành trong huyện, trưởng phòng giáo dục, các chuyên viên trong phòng, một số cơ quan gần trường đến dự động viên chúc mừng. Nhà trường báo công thành tích hoạt động dạy và học, bồi dưỡng học sinh giỏi. Kết quả thứ nhì của tỉnh. Thành tích bước đầu đó đã làm hài lòng sự quan tâm của lãnh đạo. Địa điểm trường là một nửa cơ sở của huyện công an, trường có 8 lớp, lớp ít học sinh vào phòng ở cá nhân 6 x 3(m) lớp đông thì thông hai phòng ở, trường học một ca cứ thế mà xây dựng nề nếp dạy và học. Các thầy cô thương yêu giúp đỡ nhường nhịn nhau với phương châm là đơn giản hóa mọi vấn đề tập trung cho dạy và học đầu tư cho bồi dưỡng học sinh giỏi. Ban giám hiệu đã tham mưu mỗi một số giáo viên có kinh nghiệm bồi dưỡng học sinh giỏi của hai trường cấp 3 Minh Khai, Trần Phú trong các đợt tập trung đội tuyển. Để đạt kết quả về số lượng và chất lượng trong các kỳ thi học sinh giỏi. Ban giám hiệu đã chỉ đạo theo phương pháp của Tôn Tấn đua ngựa với nhà vua cứ thế năm thứ 2 thứ 3. Trường Năng khiếu Đức Thọ xếp vào tốp đầu của Tỉnh về thành tích Bồi dưỡng học sinh giỏi. Nhờ bộ hạ nên thần cũng được thiêng, bước thử sức rồi cũng qua.
Giai đoạn vượt qua thử thách: Kể từ năm kế tiếp theo tinh thần của nghị quyết TW Đảng và chỉ thị của Bộ GD&ĐT là xóa bỏ trường chuyên cấp huyện. Một số giáo viên có điều kiện xin chuyển sang cấp 3, số giáo viên còn lại có phần giao động. Ban giám hiệu tập trung chỉ đạo xây dựng nền nếp dạy và học thật tốt. Không ai nói ra nhưng trong sâu thẳm của mỗi người quyết tâm xây dựng đội ngũ thật tốt để giữ vững ngôi trường mới có tuổi đời 7 năm.
Nhờ phòng GD & ĐT rất tâm đắc với ngôi trường này, thực tế 7 năm qua trường là địa chỉ đáng tin cậy trong nhân dân. Huyện cũng cần có một ngôi trường thế này để ươm tài năng trẻ cho quê hương. Sự đồng tình đó đã động viên Ban giám hiệu đổi tiên trường chỉ trong vòng một tháng kể từ khi khai giảng. Ban giám hiệu đã làm đủ thủ tục trình lên UBND Tỉnh ra quyết định cho trường mang tên nhà văn hóa " Hoàng Xuân Hãn". Ban giám hiệu đã tham mưu cho Phòng giáo dục đề xuất với huyện tổ chức lễ mang tên trường "THCS Hoàng Xuân Hãn" đại biểu về dự có: Giám đốc và cán bộ Sở văn hóa, bí thư, phó bí thư huyện ủy, chánh phó chủ tịch UBND huyện, trưởng phòng giáo dục - các chuyên viên, một số đại diện cơ quan lân cận cùng đại gia đình giáo sư Hoàng Xuân Hãn - Đồng chí Lê Nhung chủ tịch UBND Huyện trao quyết định. Tôi thay mặt nhà trường lên đón nhận trong niềm hân hoan của gần 500 cán bộ giáo viên, học sinh của trường và chúng tôi đã vượt qua một thử thách.
Ban giám hiệu tập trung bồi dưỡng đội ngũ giáo viên trẻ để mỗi khi không có giáo viên cấp 3 chúng tôi vẫn giữ nguyên đội hình và không bị khớp trong chuyên môn. Phong trào dự giờ thăm lớp đăng ký giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh vẫn sôi nổi. Số giáo viên giỏi ở cấp tỉnh hàng năm của Phòng giáo dục phần lớn tập trung ở trường chúng tôi - trường ngày càng tăng trưởng về số lượng có 12 lớp học, học 1 ca - Hội đồng giáo dục trên 30 người hoạt động sôi nổi toàn diện. Tổ chức cho giáo viên và học sinh hoạt động ngoại khóa theo phương châm "Học mà chơi, chơi mà học". Hai số báo bảng của tổ tự nhiên và xã hội là hội tụ kiến thức của thầy và trò trong chương trình và ngoài xã hội. Những buổi sinh hoạt câu lạc bộ công đoàn 8/3, 20/11 có đông đảo người tham dự. Nhìn vào tên của các thầy và trò trên báo văn học tuổi trẻ, toán tuổi thơ, hoc học trò, cả trang báo thiếu niên tiền phong tác giá nhóm bút "La Giang " của trường, danh sách các em đạt giải cá nhân, đồng đội trong các đợt thi viết thư quốc tế UPU, thi sáng tác viết vẽ về môi trường do Trung ương Đoàn, Tỉnh Đoàn tổ chức, đã đưa tên trường "Hoàng Xuân Hãn" đến mọi miền của tổ quốc. Trường Hoàng Xuân Hãn được dân khen. các thế hệ giáo viên của trường có người là trưởng ban tuyên giáo huyện ủy, có 4 giáo viên là hiệu phó của trường PTTH. Học sinh của trường hầu hết là vào trường Đại học. Có em dạy trường đại học, một số đi học cao học nước ngoài có nhiều em đang làm tiến sỹ ở Mỹ.
Về đích: Khi Sở giáo dục đã hiểu được quá trình phấn đấu của trường huyện và phòng giáo dục bàn cách xây dựng trường "Hoàng Xuân Hãn" thì cũng là lúc tôi nhận được quyết đinh nghỉ hưu.
Hiện nay cổng trường "THCS Hoàng Xuân Hãn" sừng sững bên đường vào UBND huyện che nắng buổi chiều cho bức tượng giáo sư Hoàng Xuân Hãn đặt trong hồ bán nguyệt của trường - mà thầy Dương Thế Vinh - người đã hơn 18 năm gắn bó với trường giờ làm hiệu trưởng, cô Đặng Thị Trâm làm hiệu phó - nếu thế hệ chúng tôi gọi là cha đẻ của thương hiệu trở thành có tiếng thì công sức thuộc về những người lãnh đạo sau này mà chúng tôi có quyền tự hào./.