Giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ...”

Giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp ...”

BBT website giới thiệu cùng bạn đọc, bài giới thiệu cuốn sách “Đại tướng – Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp trong cuộc trường chinh lịch sử cùng dân tộc” do em Trần Thị Phương Nhiên lớp 6C trình bày.

Xem tiếp...

Hai mươi năm ấy biết bao nhiêu tình ...

Thứ sáu - 26/07/2019 06:56
Tháng 11 năm 2009 này, trường Năng Khiếu Đức Thọ nay là trường THCS Hoàng Xuân Hãn tròn 20 năm tái lập (1989-2009). Trước đó, trường đã tồn tại được 3 năm (1984-1987) do thầy Nguyễn Viết Lộc làm hiệu trưởng.
Đội ngũ cán bộ giáo viên ngày đó, hiện nay phần lớn đã nghỉ hưu, còn lại một số đã trưởng thành lên công tác tại Phòng Giáo dục - Đào tạo như: thầy Bùi Năng Tiến, thầy Nguyễn Hoàng Tiếp. Tháng 8 năm 1989, UBND huyện có quyết định thành lập trường Năng Khiếu Đức Thọ do thầy Lê Chí Thành làm hiệu trưởng. Thầy Đinh Văn Kiểm làm phó hiệu trưởng cùng 11 giáo viên và cán bộ hành chính. Từ đó đến nay đã 20 năm. Hai mươi năm qua trường chuyển địa điểm 2 lần và một lần đổi tên gọi. Địa điểm thay đổi, tên gọi thay đổi nhưng mạch chảy ngọt ngào của vùng đất học Đức Thọ thì không hề thay đổi.
          Từ năm 1989 đến 1993: trường đóng tại Châu Phong. Khởi đầu là 13 cán bộ giáo viên và 97 học sinh của 3 khối lớp: Khối 5, khối 7 và khối 8. Cơ sở vật chất và các điều kiện dạy học hết sức khó khăn, thiếu thốn như hồi ức của thầy Lê Chí Thành đã viết rất cảm động và chân thực trong tập sách này. Buổi đầu thiếu thốn, khó khăn trăm bề nhưng với năng lực và ý thức trách nhiệm của đội ngũ giáo viên mà năm học đầu tiên của trường đã cho hoa thơm quả ngọt: 13 học sinh giỏi tỉnh, 51 học sinh giỏi huyện, hơn 70% học sinh xếp loại học lực khá giỏi. Mùa quả ban đầu này thật sự có ý nghĩa, nhen lên niềm hy vọng và quyết tâm cho nhà trường. Sau đó 3 năm trường đã có 1 học sinh giỏi quốc gia môn Toán là Trần Trường Thuỷ - và 1 giải nhì cuộc thi văn thơ tuổi học trò Hà Tĩnh lần thứ nhất là Nguyễn Xuân Trường. Cuối năm 1993 thầy Lê Chí Thành chuyển về làm hiệu trưởng trường cấp II Tùng Ảnh. Thầy Bùi Xuân Vạn dạy toán ở cấp III Minh Khai về làm hiệu trưởng. Đáng nhớ nhất của cuộc chuyển giao này là buổi chia tay thầy Lê Chí Thành: Lãnh đạo huyện cùng lãnh đạo phòng giáo dục có mặt đầy đủ: Trang trọng, lưu luyến và ấm áp tình đồng nghiệp. Trước đó trường đã có cuộc chia tay thầy Trần Quang Cảnh phó hiệu trưởng chuyển về công tác ở trường Năng khiếu tỉnh. Sau này, những lần gặp lại Trần Quang Cảnh còn nhắc đến kỷ niệm thân tình, cảm động cùng bài thơ của một đồng nghiệp tặng anh ngày ấy. Sau khi thầy Trần Quang Cảnh chuyển vào năng khiếu tỉnh, thầy Dương Thế Vinh được đề bạt phó hiệu trưởng thay thầy Cảnh.
          Đầu năm 1994, trường được chuyển về thị trấn Đức Thọ, tiếp quản một phần cơ sở cũ của Công an huyện Đức Thọ. Nơi đây, khuôn viên rộng hơn, nhưng cơ sở vật chất thì cũng nhà cấp 4 đã xuống cấp, tường vôi lở lói, phòng học chật chội. Học sinh đông dần lên, cán bộ giáo viên cũng được tăng cường từ nguồn giáo viên cấp 3 ngoại huyện chuyển về. Trưởng phòng giáo dục lúc này là thầy Lương Xuân Cung vốn dạy toán nhưng hay làm thơ và sống rất đa cảm, nhân tình. Có thể nói giai đoạn này là thời hoàng kim của Năng khiếu Đức Thọ với các biểu hiện như sau:
          - Trường Năng khiếu Đức Thọ luôn dẫn đầu các huyện, thị về số lượng và chất lượng học sinh giỏi tỉnh và quốc gia. Thời kì này ở năng khiếu tỉnh còn có hệ học sinh lớp 9 nên sau năng khiếu tỉnh là năng khiếu Đức Thọ. Năm nào trường năng khiếu Đức Thọ cũng có học sinh tham dự đội tuyển học sinh giỏi quốc gia và lọt vào đội tuyển sau nhiều vòng thi nghiêm túc, vô tư và rất khó. Năm học 1994-1995: trường có 2 em đạt học sinh giỏi quốc gia, 56 em học sinh giỏi tỉnh. Năm học 1995-1996: trường có 4 em đạt giải học sinh giỏi quốc gia và 114 học sinh giỏi tỉnh. Năm học 1996-1997 có 5 em đạt giải quốc gia và 118 học sinh giỏi tỉnh.
          - Sở dĩ có được kết quả như trên bởi những năm này trường năng khiếu Đức Thọ sở hữu một đội ngũ cán bộ giáo viên mạnh nhất cả về chuyên môn lẫn tinh thần trách nhiệm. Phụ trách đội tuyển cấp II là các giáo viên giỏi của cấp III chuyển về. Phụ trách đội tuyển cấp I là những giáo viên kì cựu của cấp II đảm nhận. Xin được nhắc lại những gương mặt tiêu biểu có nhiều đóng góp cho chất lượng giảng dạy của trường thời ấy. Môn lý: Nguyễn Đình Thám, Nguyễn Ngọc Hoan, Phạm Văn Thành, Nguyễn Hà Minh; Môn toán: Nguyễn Hà Phương, Trần Ngọc Minh, Trần Hiếu Học, Lê Thị Bích Ninh, Trần Xuân Thuỷ, Hồ Thị Nhàn, Phạm Thị Hải Sâm; Môn văn: Phan Văn Hoàng, Trần Đăng Đàn, Phan Thu Hà, Phan Thị Ngọc; Môn Hoá: Trần Minh Phương; Môn Tiếng Anh: Phan Văn Bình, Kiều Thị Hoa... Môn toán tiểu học: Trần Hữu Điền, Lê Thị Phương Thảo; Môn Tiếng Việt tiểu học: Trần Thị Mai Anh, Nguyễn Ngọc Mỹ... Tiếc rằng từ năm học 1997-1998 trở đi phần lớn đội ngũ này chuyển lên dạy cấp III hoặc chuyển về Thị Xã Hà Tĩnh. Sự thiếu hụt nguồn lực giáo viên chất lượng cao gây khó khăn cho trường. Nhưng rồi khó khăn cũng qua nhanh bởi trường lại được tiếp nhận những giáo viên tâm huyết của các trường khác chuyển về và lực lượng trẻ này hoà nhập, bắt nhịp, thích ứng rất nhanh với môi trường mới.
          - Những năm này hoạt động chuyên môn phong phú, sôi nổi và đa dạng: Phong trào sáng tác văn học được duy trì khá thường xuyên và đạt hiệu quả giáo dục học sinh cũng như nâng tầm cho đội ngũ cán bộ giáo viên ở hai khía cạnh: tri thức và nhân văn. Những đêm câu lạc bộ thơ nhạc nhân các ngày 20/10, 20/11, 8/3 do thầy Trần Đăng Đàn dẫn chương trình với giọng Bắc điệu đà đã thu hút đông đảo người tham dự, để lại ấn tượng sâu đậm cho người dự về một ngôi trường chú trọng đời sống tinh thần, lấy đời sống tinh thần làm trọng...
          Sau khi có chủ trưởng của cấp trên xoá trường chuyên lớp chọn ở huyện thì tháng 11-2007, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định đổi tên trường năng khiếu Đức Thọ thành trường THCS Hoàng Xuân Hãn. Bước chuyển này là một cái mốc đáng nhớ nhất, là thời kì nhiều trăn trở nhất, để lại nhiều hoài niệm nhất bởi những lí do:
          - Hầu hết giáo viên có năng lực chuyên môn đã chuyển lên cấp III dạy hoặc chuyển vào Thị Xã Hà Tĩnh. Trong rất nhiều lí do để số giáo viên này chuyển đi có lẽ có một lí do mà nhà trường bận tâm nhất là họ cảm thấy ngôi trường này từ nay không còn đất dụng võ hay biết đâu lại sát nhập với một trường cấp II nào đó như một số huyện bạn đã làm. May mắn thay, tâm huyết của những người ở lại, tầm hiểu biết sâu sắc về việc học của các đ/c lãnh đạo chủ chốt ở huyện uỷ, uỷ ban nhân dân, hội đồng nhân dân cùng vị trưởng phòng mới đầy tâm huyết và nặng nợ với ngôi trường đã duy trì và phát triển ngôi trường THCS Hoàng Xuân Hãn kế tục một cách xuất sắc truyền thống của năng khiếu trước đây. Không hề có đứt đoạn, không hề có giảm sút về chất lượng và sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền, niềm tin cậy của nhân dân với trường vẫn đậm đà như thuở Năng khiếu. Đội ngũ giáo viên trẻ mới ra trường hoặc số giáo viên có năng lực nơi khác chuyển về đã hoà nhập rất nhanh, nỗ lực rất nhanh và đóng góp những kết quả rất thiết thực cho phong trào toàn diện của nhà trường và lực lượng này bắt đầu khẳng định được bản thân mình ở ngôi trường mới này. Đó là: Cô Hiền, cô Hương, cô Thơ, cô Huyền, cô Huyên, cô Trâm, cô Minh, cô Hạ, thầy Thiền, thầy Tùng, thầy Anh, thầy Sơn, thầy Hoà, cô Bích Thảo, cô Đào...
          - Ban giám hiệu nhà trường đã biết cách bù đắp những thiếu hụt về lực lượng bồi dưỡng học sinh giỏi bằng cách mời các thầy giáo có kinh nghiệm, có kiến thức về bồi dưỡng học sinh giỏi cho trường. Mối quan hệ thân tình của giáo viên cấp III với trường được thiết lập một cách tự nhiên và gắn bó. Trong bồi dưỡng học sinh giỏi vừa cần cái căn bản của “mưa dầm thấm đất”, vừa cần tầm chuyên sâu để tổng hợp, khái quát và chọn lọc. Kỷ niệm 20 năm tái lập trường THCS Hoàng Xuân Hãn, xin được gửi lòng cảm tạ đến các thầy: Thầy Hiệp, thầy Hải, thầy Khoan, thầy Tú, thầy Thinh, Thầy Tần, Thầy Chân, Thầy Hoan, thầy Ất. Mỗi lần gặp lại nhiều thầy còn nhớ như in kỉ niệm một thời gắn bó đầy thương mến ấy.
          - Trường tiếp tục kiên trì quan điểm giáo dục toàn diện, giáo dục kĩ năng sống cho học sinh, đội ngũ cán bộ giáo viên có hiểu biết chuyên môn sâu sắc, hiểu biết xã hội rộng lớn và tự vươn mình ra khỏi luỹ tre làng để có mục tiêu phấn đấu, tu dưỡng và rèn luyện... Phong trào thể dục thể thao, văn nghệ, sáng tác văn chương của trường được duy trì đều đặn và có kết quả cụ thể, nổi bật...
          - Tháng 9-2004 thầy hiệu trưởng Bùi Xuân Vạn nghỉ hưu theo chế độ. Buổi chia tay thầy hiệu trưởng đã để lại rất nhiều tình cảm nồng đậm trong kí ức của đồng nghiệp. Thầy Dương Thế Vinh được đề bạt hiệu trưởng; cô Đặng Thị Trâm phó hiệu trưởng.
          Từ 10-2005 đến nay: Trường đã được chuyển về địa điểm mới, tiếp quản cơ sở cũ của THPT Minh Khai. Vẫn là trường cũ nhưng rộng rãi hơn, phòng học đúng tiêu chuẩn hơn và quang cảnh mô phạm hơn. Điều kiện dạy học được tăng cường hơn. Cũng từ đây trường bắt đầu có tên trong xét thi đua của tỉnh: Khi chuẩn bị chuyển địa điểm mới thì Phòng giáo dục đã giao trách nhiệm cho trường là đăng kí xây dựng trường chuẩn Quốc Gia. Thực ra thì hầu hết các tiêu chuẩn xây dựng chuẩn Quốc Gia trường THCS Hoàng Xuân Hãn đã đạt rất lâu rồi. Chỉ duy nhất 1 tiêu chuẩn là cơ sở vật chất thì chưa đạt. Vì vậy khi sang cơ sở mới này, trường đã  thực hiện chỉ đạo của Phòng để: Tu sửa cảnh quan, mua sắm, trang bị phòng bộ môn để hoàn thành mục tiêu xây dựng trường chuẩn Quốc Gia. Tháng 5-2006 tỉnh và Sở về kiểm tra và ghi nhận trường đã đạt các tiêu chuẩn, không nợ tiêu chuẩn nào. Cũng từ khi chuyển về THPT Minh Khai đến nay, số lượng học sinh được tăng lên, chất lượng dạy và học được duy trì hoạt động giáo dục toàn diện hơn do có điều kiện của khuôn viên và các điều kiện dạy học được tăng cường.
          Liên tục từ năm học 2005-2006 đến nay, trường được UBND tỉnh tặng bằng khen, nhiều cán bộ giáo viên được nhận bằng khen của UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, có giáo viên được nhận bằng khen của bộ trưởng Bộ giáo dục- Đào tạo. Năm học 2007-2008 trường được nhận cờ thi đua dẫn đầu bậc học THCS của UBND tỉnh; Năm 2008-2009 trường có 6 em đạt giải quốc gia giải toán qua Internet (Trần Đức Khôi, Lê Tuấn Dũng, Đinh Thị Thuỳ Dung, Lê Chí Hiệp, Nguyễn Thị Trà Giang, Phạm Lê Ngọc) đội tuyển do thầy Nguyễn Ngọc Hùng phụ trách. Cũng đã 3 năm nay trường chúng tôi đã kết nối INTERNET trong toàn trường, tạo điều kiện cho cán bộ giáo viên tiếp cận với những tiện ích to lớn của công nghệ thông tin. Hiện nay 100% cán bộ giáo viên có máy tính riêng, soạn bài đỡ mất thời gian hơn. Kiến thức bài dạy phong phú hơn, giờ học hấp dẫn hơn và hiệu quả giảng dạy được tốt hơn. Tiêu biểu cho lĩnh vực này là thầy Nguyễn Ngọc Hùng giáo viên Toán- tin. Tất cả các đoàn thể trong nhà trường hoạt động đều tay và phối hợp nhịp nhàng. Hội cha mẹ học sinh thực sự là chỗ dựa tinh thần cho nhà trường hoạt động. Trường tiếp tục dành được niềm tin cậy, yêu mến của học sinh, phụ huynh, nhân dân và lãnh đạo huyện nhà.  Nhìn lại chặng đường 20 năm của trường Năng Khiếu Đức Thọ nay là trường THCS Hoàng Xuân Hãn chúng ta tự hào vì có một tập thể cán bộ giáo viên có năng lực chuyên môn vững vàng, tận tụy tâm huyết với công việc của mình sống nghĩa tình ấm áp với nhau. Từ những người có mặt từ buổi đầu thành lập như cô Bình đến những người mới về trường trong năm học này nhưng tất cả đều hoà đồng trong một đại gia đình Hoàng Xuân Hãn trí tuệ, nhân văn- ấm áp tình người. Cũng từ đại gia đình ấp áp này mà nhiều cán bộ giáo viên đã trưởng thành đảm nhận những chức vụ quan trọng của ngành giáo dục: Thầy Lê Chí Thành - Trưởng Phòng Giáo dục  huyện Đức Thọ, thầy Trần Quang Cảnh- Trưởng Phòng Giáo dục Thạch Hà, thầy Phan Văn Bình- Chi cục phó Cục Môi Trường Hà Tĩnh cùng nhiều thầy cô đang làm quản lí những trường THPT tiêu biểu của tỉnh Hà Tĩnh... Chúng ta tự hào có bao thế hệ học trò từ mái trường này đã thành đạt về học vấn, về kinh doanh và đang có mặt khắp mọi nẻo phương trời... Có nhiều em đã và đang làm luận án Thạc sĩ, Tiến sĩ ở Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản... có nhiều em đã trở thành doanh nhân làm ăn phát đạt, nhiều em kĩ sư, bác sĩ, luật sư, ... Tất cả đã trưởng thành, đã trở thành công dân tiêu biểu và mỗi lần gặp lại hay qua thư từ các em đều thành thực nói rằng: Trường năng khiếu Đức Thọ, trường THCS Hoàng Xuân Hãn đã nằm trọn trong trái tim các em. Đây là niềm vui lớn nhất của những người đã tự nguyện gắn bó cuộc đời mình với bục giảng.
          Kỉ niệm 20 năm thành lập trường xin được cảm ơn gia tộc họ Hoàng Kẻ Trổ đã sinh ra người con ưu tú Hoàng Xuân Hãn để trường được mang tên, tấm lòng của con cháu giáo sư Hoàng Xuân Hãn ở mọi miền đất nước đối với trường THCS Hoàng Xuân Hãn chúng tôi không bao giờ quên.
          - Xin được cảm ơn Huyện Uỷ, UBND, HĐND huyện cùng các ban ngành cấp huyện, Phòng Giáo dục - Đào tạo đã quan tâm chăm sóc trường trong suốt 20 năm qua; Cảm ơn hội phụ huynh học sinh, những thế hệ học trò Đức Thọ chăm ngoan học giỏi đã cổ vũ và là chỗ dựa tinh thần cho trường trong quá trình xây dựng và phát triển.
          Hai mươi năm đối với một đời người chưa phải là dài, nhưng với một ngôi trường có biết bao đồng nghiệp đã gắn bó rồi ra đi, người đến người đi đều để lại bao nhiêu là nỗi niềm, là kỉ niệm. Và cũng có những đồng nghiệp đã một thời gắn bó nay không còn nữa. Ngày vui hôm nay tận đáy lòng chúng tôi thương nhớ các bạn vô cùng, chúc linh hồn các bạn siêu thoát ở chốn vĩnh hằng...
          Cuối cùng chúng tôi xin gửi lời chúc sức khoẻ và lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả cán bộ giáo viên, công nhân viên đã và đang công tác tại trường năng khiếu Đức Thọ nay là trường THCS Hoàng Xuân Hãn cùng tất cả những người yêu mến ngôi trường này. 
                   “Những là rày ước mai ao
                   20 năm ấy biết bao nhiêu tình”

Tác giả bài viết: Dương Thế Vinh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập424
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm423
  • Hôm nay84,052
  • Tháng hiện tại1,482,236
  • Tổng lượt truy cập42,054,309
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây