Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam

Quân đội Nhân dân Việt Nam là quân đội kiểu mới, quân đội của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang Nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện.

Xem tiếp...

Một lần đến Huế

Thứ tư - 31/07/2019 05:06
... "Nếu như chẳng có dòng Hương. Câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi". Sông Hương là bầu vú của thơ ca nhạc họa muôn đời. Huế là “ trái tim miềnTrung” là sự kết tinh hai dòng chảy văn hóa Bắc – Nam...
Thực ra tôi đến Huế lần này là lần thứ hai nhưng sao cảm giác háo hức chờ đợi đến Huế cứ cháy lên giữa trời hạ miền Trung. Đúng rồi, trái tim 22 tuổi đầy khát vọng và tin yêu đã khiến tôi hiểu và yêu Huế dến lạ lùng. Trước tiên là chúng tôi thăm đèo Ngang ở Hà Tĩnh – Quảng Bình. “Đèo Ngang” của Bà huyện Thanh Quan và đèo Ngang bây giờ có khoảng cách gần ba trăm năm. Vậy mà cái hoang vu và xanh ngắt của rừng núi dường như vẫn vậy. Đèo Ngang là cầu nối giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình: Đèo Ngang nặng gánh hai vai. Một vai Hà Tĩnh, một vai Quảng Bình. Nếu đèo Hải Vân tách đôi miền Trung thì đèo Ngang chia đôi Bắc Trung Bộ, chỉ dài 6 km vậy mà nó lại vận vào số phận con người miền Trung một định phận: đang Nghèo !
      Nghèo thật đó nhưng con người miền Trung luôn có cốt cách tài hoa, đa tình và sâu lắng. Giữa một trưa trời hạ, tôi vẫn rảo bước lên một dốc rừng vì ở đấy có cả “gương mặt của lịch sử”, “chiến tích của quá khứ” – nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn (Quảng Trị). Trước mặt tôi và các bạn tôi là cả “rừng mộ”. Các anh nằm lại nơi đây khi tuổi đời còn rất trẻ, tuổi 20 -22. Nghĩa trang rộng mênh mông nhưng quy tập theo địa phương nên có thể tìm thấy “thân nhân” dễ dàng. Tôi tự ước mình là cô Hằng (nhà ngoại cảm PhanThị Bích Hằng) để được trò chuện với các anh về Tổ quốc hôm nay, lịch sử hôm qua và tương lai mai sau. Tới cầu Hiền Lương sông Bến Hải hôm nay đã liền bờ hai nhịp nhưng ta sẽ không quên được huyền thoại vĩ tuyến 17 anh dũng và thương đau.
      Cầu Hiền Lương là nhát chém thề lịch sử suốt 21 năm (1954 -1975) giữa hai bên Việt Nam Dân chủ cộng hòa (miền Bắc) của Chính phủ Hồ Chí Minh đấu tranh quyết liệt với Ngụy quyền Sài Gòn thân Mĩ (Việt Nam Cộng Hòa, miền Nam) để giành quyền làm chủ. Tạm biệt Quảng Trị, chúng tôi đến Huế. Huế có vẻ đẹp quyến rũ của phong cảnh thủy mặc mà thiên nhiên và lịch sử ưu ái cho mảnh đất sông Hương, núi Ngự này. Để rồi từ đó sản sinh ra một phong cách tâm tính con người xứ Huế êm dịu, sâu lắng như bản thân Thi Ca, Nhạc Họa. Chúng tôi đến Huế đón Ngày Cá Tháng Tư. Ngày 01/4/2001 là ngày Trở về Cát Bụi của một người con tài hoa xứ Huế - cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cuộc đời và sự nghiệp của Trịnh Công Sơn là một phần trầm tích của Cố đô Huế. Mảnh đất Huế nói riêng và miền Trung nói chung đã hoài thai nên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, con người của Thiền nhạc. Sông Hương êm đềm, thơ mộng đã góp phần tạo nên tính cách Huế: người Huế gần gũi và thân thiện với thiên nhiên và con người, kín đáo và trầm lắng, sống hoài cổ và thủ cựu, tiết kiệm và cầu kì trong chế biến ẩm thực. Các yếu tố chi phối tính cách của người Huế: Thứ nhất là yếu tố địa lí, miền Trung nắng gió gây nên bão lũ, đèo Hải Vân hiểm trở. Thứ hai là yếu tố lịch sử, Huế là thủ phủ của Đàng Trong suốt 300 năm (1645- 1945) và 143 năm là kinh đô của Triều Nguyễn (1802-1945), triều đại Phong kiến cuối cùng của Việt Nam nên vẫn còn chịu ảnh hưởng sâu sắc chế độ ấy, thể hiện cụ thể tính hoài cổ, thủ cựu nền nếp gia phong. Thứ ba là yếu tố tôn giáo,Huế là trung tâm Phật giáo lớn của cả nước với hàng trăm chùa lớn nhỏ. Chính những yếu tố này đã tạo nên tính cách người Huế. Chan hòa giữa lòng thiên nhiên, người Huế đắm mình trong không khí của văn hóa vườn trong lành và thanh thản: Sớm Đông Ba, chiều Vĩ Dạ! Tính cách người Huế thực sự là một “kho tàng lớn” về sự thú vị cho mọi người khám phá. Tính cách là một trong những nét đặc trưng của mỗi vùng miền và là cái để lại ấn tượng sâu sắc nhất cho mỗi du khách đến thăm vùng đất đó. Sông Hương là quà tặng của tạo hóa ban tặng Huế. Để rồi Hương giang bén duyên cùng núi Ngự làm thành một cặp tình nhân lãng mạn bậc nhất miền Trung sánh vai với núi Hồng – sông Lam, sông Dinh – núi Truồi, núi Ẩn - sông Trà.
             Nếu như chẳng có dòng Hương
             Câu thơ xứ Huế giữa đường đánh rơi.
      Sông Hương là bầu vú của thơ ca nhạc họa muôn đời. Huế là “ trái tim miềnTrung” là sự kết tinh hai dòng chảy văn hóa Bắc – Nam. Huế là miền đất hứa của nhiều thế hệ ông đồ Nghệ, Quốc học Huế là nơi cất cánh cho nhiều tâm hồn thơ xứ Nghệ như Xuân Diệu, Huy Cận và cả Bác Hồ kính yêu. Sinh viên Huế là một trong những lực lượng đi đầu trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước. Không chỉ có sông Hương trữ tình thơ mộng mà còn có một sông Hương của sức sống mãnh liệt, sục sôi. Nữ sinh Đồng Khánh là hiện thân của người con gái Huế thướt tha trong tà áo tím. Sắc tím Huế không những đã tồn tại và lan tỏa khắp mọi nơi trong không gian mà còn hòa vào tâm hồn người xứ Huế một sắc màu sâu kín, dìu dặt, trầm ngâm vàbạt ngàn thủy chung. Kinh thành đồ sộ, thành quách nguy nga, lầu son gác tía, đền vàng bệ ngọc trở nên khiêm nhường hẳn đi bởi được ôm gọn trên dải sông kéo dài một đường vòng cung từ cồn Dã Viên đến tận Cồn Hến. Núi Ngự bằng phẳng uy nghi, cân đối là quà tặng của thiên nhiên dành cho sông Hương và xứ Huế mộng và thơ.Mưa là “đặc sản” của Huế làm cho xứ sở này được gọi với cái tên rất đỗi đáng yêu là “nàng sùi sụt”! Đến Huế ta không chỉ bắt gặp bao nhiêu công trình kiến trúc hiện hữu mà còn biết những thăng trầm của xứ sở này. Chiều sông Hương thăm Hoàng Thành, Tử Cấm Thành là cái rốn của kinh đô Ngọ Môn vừa là cổng chính vừa là bộ mặt của Đại Nội. Mặc dù trải qua bao thăng trầm lịch sử nhưng Ngọ Môn vẫn đứng vững với thời gian. Lăng Tự Đức (Khiêm Lăng) là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Khiêm Lăng là sở nguyện của ông vua thi sĩ Tự Đức( 1848 – 1883) là con người có học vấn uyên thâm và lãng tử. Ta đứng trước lăng Tự Đức mà chợt nhớ tới câu thơ: Tứ bề núi phủ mây phong. Mảnh trăng thiên cổ bóng tùng vạn niên. Tiếng chuông chùa ngân nga sớm tối vọng lên từ hơn 100 mái chùa lớn nhỏ là một trong những biểu hiện độc đáo chung đúc nên bản sắc đẹp và thơ của Huế, cả về truyền thống Đạo pháp gắn bó với truyền thống yêu nước của dân tộc. Huế là thủ đô của Phật giáo, đến thăm Huế mái chùa sẽ là nơi ta tĩnh dưỡng tinh thần, ngõ hầu tịnh tâm suy nghĩ về Đạo và Đời. Chùa Thiên Mụ là ngôi chùa cổ nhất và đẹp nhất xứ Huế.Đàn Nam Giao là một đàn tế lộ thiên, mô thức kiến trúc mang ý nhĩa vừa tôn giáo vừa chính trị của nền Quân chủ Đông phương trong đó Vương quyền được kết hợp chặt chẽ với Thần quyền. Đàn Nam Giao gắn liền với thuyết Thiên mệnh của đạo Nho, nó cũng diễn tả được một cách rõ ràng vũ trụ quan bị hạn chế của bao triều đại ngày trước.
      Vườn Huế là ngọc là thơ, là khoảng xanh diệu vợi mà người Huế tạo ra.Huế là viên ngọc xanh khổng lồ và tươi mát, bình yên và sâu lắng. Huế tự hào là xứ sở nhà vườn bởi vườn cây xứ Huế là nơi trú ngụ của những tâm hồn người Cố đô, kín đáo, thanh tao và hồn hậu. Vườn cây xứ sở này có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của người Huế. Trong đó,nhà vườn Kim Long là mẫu mực cho kiến trúc này. Hình bóng thiếu nữ Huế thướt tha trong tà áo dài trắng cắp sách tới trường đã trở thành một biểu tượng của Huế mộng mơ. Ngày xưa nữ sinh trương Gia Long chọn áo dài xanh làm đồng phục vì trời Sài Gòn xanh ngát quanh năm, Đà Lạt thì buồn bởi những buổi chiều mây giăng mờ chân núi nên nữ sinh thành phố sương mù mặc áo dài tím trong đó nữ sinh Huế mặc áo trắng. Có một thời nữ sinh Huế cũng mặc áo dài tím nhưng sắc tím Huế không những tồn tại nà lan tỏa khắp mọi nơi mà còn hòa nhập vào tâm hồn người ân xứ Huế một sắc màu sâu kín, dìu dặt , trầm ngâm mà bạt ngàn thủy chung. Tôi không phải là con gái Huế nên cũng tự thưởng cho mình một tà áo dài Huế để làm kỉ niệm cho một lần đến Huế mộng mơ. Nón Huế là tặng vật tôn vinh mái tóc xõa bờ vai của con gái Huế. Xứ Nghệ quê tôi cũng là cái nôi của nghề làm nón nhưng thiên nhiên Nghệ Tĩnh khắc nghiệt nên chiếc nón quê tôi không lãng mạn như chiếc nón xứ Huế để con gái Huế giấu duyên thầm.
      Ca Huế - sự hòa nhập nghệ thuật cung đình và dân gian là sản phẩm của một vùng đất có những đặc trưng riêng biệt. Nếu ca trù phát sinh từ dân gian rồi tràn vào cung đình là loại nhạc thính phòng của giới Nho sĩ Bắc Hà thì ca Huế lại xuất phát từ cung đình rồi mới lan ỏa ra dân gian. Qua thử thách của thời gian ca Huế vẫn là món ăn tinh thần, là máu thịt của người Huế và những ai yêu mến Huế. Huế còn là mảnh đất của Văn hóa ẩm thực, món ăn Huế phong phú như cuộc sống con người nơi đây: cơm hến, món ăn chay, chè đậu huyết, chè bột lọc, chè đậu ngư, nem chua An Cựu,….
      Trên đây chỉ là một số kiến thức về văn hóa, lịch sử và đời sống mà tôi thu lượm được trong chuyến đi thực tế. Nó giúp tôi hiểu và yêu Huế hơn; nó giúp tôi tự tin hơn trong khi lĩnh hội các bài giảng văn chương. Viết đến đây tôi chợt nhớ bài thơ của ba tôi viết khi lần đầu đến Huế:

                                  Một lần đến Huế

                           Tôi mới lần đầu đến Huế
                           Mà lòng đã có sông Hương
                           Có một lời ca mách bảo
                           Mùa mưa xứ Huế rất buồn
                           
                           Vĩ Dạ chiều mưa kín lối
                           Đường lầy xe đợi ngoài xa
                           Đội mưa tôi tìm Hoàng Cúc
                           Từ lâu bà đã ở chùa
 
                           Tôi mới lần đầu đến Huế
                           Mà lòng mãi có sông Hương
                                                  

Tác giả bài viết: Dương Nguyễn Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập374
  • Hôm nay97,509
  • Tháng hiện tại1,529,450
  • Tổng lượt truy cập42,101,523
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây