Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Tọa đàm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và vinh danh Nhà giáo ưu tú

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi của ngành Giáo dục trong cả nước kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), ngày 20/11/ 2024 trường THCS Hoàng Xuân Hãn tổ chức tọa đàm và vinh danh Nhà giáo ưu tú Đặng Thị Trâm.

Xem tiếp...

Truyện ngắn: Thiên sứ cánh đen

Thứ sáu - 16/08/2019 05:07
Tạp chí Hồng Lĩnh số 156 giới thiệu truyện ngắn "Thiên sứ cánh đen" của em Phan Thị Thùy Trang, lớp 9A - Trường THCS Hoàng Xuân Hãn - Đức Thọ (Giải KK, Cuộc thi viết - vẽ tuổi học trò lần thứ XII)

- Dì! Dì ơi!

- Ô? Nhóc làm gì ở đây?

- Con đến tìm dì đó, con nhớ dì quá, dì đi với con…

Thằng bé vừa nói vừa kéo tay tôi, chìm vào màn đêm u uất. Thứ bóng tối đó, tôi không biết nên gọi nó là gì, địa ngục chăng? Tôi đã thấy... Những nỗi đau giày xéo cơ thể non nớt của một cậu bé hết ngày này qua ngày khác. Tiếng thét của em khiến tôi khiếp nhược tỉnh giấc, một hồi lâu mới hoàn hồn. Thằng bé thường xuất hiện như thế, trong giấc mơ của tôi.

Tôi có một đứa cháu trai. Hai năm trước, nó bốn tuổi. Nét thông minh lém lỉnh lộ rõ trên cái thân hình nhỏ thó, gầy còm, vốn dĩ chỉ có da bọc xương. Khuôn mặt hốc hác, tưởng như có thể nuôi được hai con cá cảnh hai bên hốc má, lại luôn bừng lên với đôi mắt sáng và nụ cười rạng rỡ như ánh dương.

Em thích vẽ, nhưng bố mẹ không có điều kiện đầu tư cho đứa con tội nghiệp.

Nhà em nghèo, có lẽ vì thế mà mẹ em đặt tên em là Lộc. Tôi yêu và thương em hơn bất cứ ai, nhưng đó là chuyện của bây giờ, hồi trước thì lại khác.

Một chiều tháng ba đẹp như trong cổ tích, những áng mây lững lờ trôi trên bầu trời cao xanh vời vợi. Mỗi lần ngước lên chiêm ngưỡng cái sắc trời xanh nhàn nhạt ấy, Lộc lại nói như người mê sảng: “Lớn lên tao vẽ mày nhé, bầu trời? Chỗ mày chắc chắn sẽ rất đẹp.” “Phốc! Đồ ngu ngốc!” - tôi nhìn Lộc mà cười thầm trong lòng, tiếng cười có chút gì khinh bỉ. Lũ trẻ xóm tôi lại kéo nhau đi thả diều, chiều nào cũng thế, nhưng niềm vui thú thì chưa từng phai nhạt.

Gió lướt qua triền đê, lùa bay những mái tóc tơ ngô ngố của đám trẻ chúng tôi. Những cánh diều đủ màu, bay cao vút trong gió, mang những ước mơ của chúng tôi bay xa. Tiếng cười đùa hòa với tiếng gió, tiếng rì rào cỏ cây, nhịp nhàng, đồng điệu, tạo nên bản hòa ca quen thuộc chốn làng quê. Đang vui vẻ, Lộc bỗng chạy ùa tới, ôm chầm lấy tôi, toe toét: “Dì xem, con có cái này hay lắm, đảm bảo dì thích mê!” Cái ôm được lấy đà rất mạnh, khiến cả tôi và nó chao đảo. Cái ống cuộn dây diều trên tay tôi theo quán tính mà rớt khỏi vị trí ấm áp cũ của nó, lăn dần xuống chân đê, con diều của tôi cũng theo đó mà bay mất. Tôi đánh nó một cái rõ đau, cái đét ấy dường như không đủ sức đè nén được nỗi uất ức và tức giận, nước mắt tôi ứa ra, hai mắt đỏ ngầu, tôi dùng hết sức mà hét lên: “Cúttt…ttt!!!”, nổi hết cả gân cổ, xanh lè. Thằng nhóc tím mặt, miệng nó mấp máy, tôi cảm nhận được hai hàm răng nó cứ va lập cập vào nhau. Nó luống cuống đến nỗi bức tranh trên tay nó rơi ra, dạo qua dạo lại trên không trung. Bức tranh chưa kịp tiếp đất, tôi đã giật lấy và xé tan: “Đừng bao giờ khoe với tao những thứ vở vẩn này nữa!” Mặt tôi đỏ bừng. Sau khi đã phát hết những bực bội, tôi bất giác chột dạ, nghĩ đến cảnh nó bù lu bù loa lên rồi chạy vào khóc với mẹ tôi. Tôi sợ. Tôi thấy nó buồn và kinh hãi, nhưng không biết nghĩ thế nào, nó chả thèm khóc. Nó lẳng lặng đi bộ về nhà, để lại tôi cứ đứng uất ức mãi bên lũ trẻ mặt mày tái mét. Đây không phải lần đầu tiên mâu thuẫn xảy ra giữa tôi với nó.

Mọi hành động của nó khiến tôi cảm thấy như nó đang chọc tức tôi. Tôi luôn là kẻ cầm đầu và cô lập nó với đám trẻ con hàng xóm. Mỗi lần chia kẹo, tôi đều dừng lại trước mặt nó: “Hết mất rồi, con xui xẻo quá.” Nó cứ thế cười cười rồi lảng đi, một lúc sau mới phụng phịu chực khóc. Vì nó nghèo, vì nó luộm thuộm, vì nó cứ quấn quýt làm phiền? Tôi chẳng biết vì lí do gì, nhưng tôi không ưa nó nổi. Sau cái vụ “tranh phá diều” (tôi gọi thế để nhắc cho thằng nhóc nhớ bức tranh nhảm nhí của nó đã phá hủy con diều của tôi), không thấy nó đến nhà tôi nữa. Một ngày, hai ngày, không thấy bóng dáng nó đâu, như trút được thứ gì đã đè nặng trên vai bấy lâu, tôi sung sướng. Mẹ tôi nói nó bị ốm, thúc giục tôi vào viện thăm. Tôi không đi. “Ốm thì đã sao? Nó đã nhập viện rồi mà, sẽ khỏi ngay thôi.” Tôi ung dung sống những ngày mà tôi cho là tự do. Một ý nghĩ xấu xa, phải nói là vô cùng xấu xa thoáng qua trong trí óc tôi: “Vài hôm nữa nó về, lại loạn hết cả lên cho xem, cứ ở trong đấy càng lâu càng tốt, đừng về sớm quá.”

Minh họa: HÀ LÊ

Đúng như tôi mong muốn. Một tuần, hai tuần, ba tuần, một tháng, nó vẫn chưa về. Tôi bắt đầu lo lắng. Nhớ lại cái suy nghĩ độc địa của mình, tôi bỗng chột dạ, tôi gặng hỏi mẹ về Lộc. Lần đầu tiên trong đời, tôi quan tâm em. Mẹ tôi vẫn một câu chắc nịch: “Ổn cả, ổn cả.” Tôi cứ ngờ ngợ về câu trả lời của mẹ. Chẳng ai cho tôi một chút tin tức gì, mọi chuyện cứ thế diễn ra một cách bình thường, tôi cũng dần quên đi. Có những lúc, tôi như quên đi sự tồn tại của Lộc. Một sáng tháng năm, bầu trời đẹp vô ngần, nhưng lòng tôi lại có chút gì khó chịu, bứt rứt. Mẹ tôi ra bệnh viện trung ương thăm Lộc rất nhiều lần, nhưng lần nào cũng chỉ nói với tôi là mọi việc đều ổn, trẻ con thì đừng có hỏi nhiều.

Đôi lúc mẹ cáu gắt khi tôi hỏi về em. Như mọi bận, hôm nay mẹ lại đi thăm Lộc. Lần này đi trông mẹ rất luống cuống. Tôi bất giác ngồi trước thềm đợi mẹ. Bấy giờ tôi mới để ý, bằng lăng tím đã nở rộ tự bao giờ. Tôi ngẩn ngơ co gối, khẽ tựa đầu lên, hình ảnh Lộc gài bằng lăng kín tóc tôi năm em hai tuổi chợt hiện lên rõ mồn một, tựa như mới chỉ vừa thoáng qua. Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi nhận ra rằng mình cũng yêu em. Mẹ tôi trở về, mặt mày ủ rũ bơ phờ, đôi mắt mẹ lờ đờ, thoáng nét gì đau thương. Mẹ nói từng tiếng lí nhí, không rõ ràng:

- Lộc mất..tt rồi,…con..n

- Mẹ lại cứ đùa con. - Tôi cười mà mặt nóng ran.

Mẹ tôi chẳng nói gì thêm. Sau câu nói của tôi, bà gục đầu xuống mà khóc. Nước mắt mẹ xé tim tôi thành từng mảnh. Tôi ôm lấy cánh tay gầy guộc của mẹ, run lẩy bẩy, có cái gì tức ở lồng ngực:

- Mẹ ơi, làm sao đây? Con còn chưa xin lỗi Lộc. Em sẽ không bao giờ tha thứ cho con. Con sai rồi, con phải làm gì, mẹ nói con nghe đi!

- Thái độ của con đối với Lộc đã cho mẹ biết, con gái mẹ không hề hoàn hảo, con cũng có phần ích kỉ, mẹ thấy nó tệ hại biết bao nhiêu. Nếu con thương mẹ thì đừng quên ngày hôm nay. - Mẹ tôi hạ giọng, vừa an ủi, vừa răn đe.

- Làm sao mà con quên được hả mẹ? - Tôi không sợ cái sự răn đe đó của mẹ, tràn ngập trong tôi lúc này là cảm giác tội lỗi ghê gớm.

Tôi tự hỏi, liệu con diều của tôi mất đi, có đau đớn bằng những mũi tiêm, những cuộc phẫu thuật mà em đã phải chịu đựng, bằng thể xác của một đứa trẻ bốn tuổi? Tất nhiên là không! Thế đấy, con người ta cứ cường điệu hóa nỗi đau của mình và đơn giản hóa nỗi đau của người khác, để rồi sống ích kỉ, chỉ biết có mình. Thiết nghĩ, tôi có ước mơ, em cũng có ước mơ, sao lúc đó tôi lại nỡ chà đạp mơ ước của em?

Tôi vô tình tìm thấy trong máy mẹ một clip. Là Lộc. Em vẫn nở nụ cười rạng rỡ như ánh mặt trời. Em nhí nhảnh như trong ký ức của tôi. Tôi lại nhớ về em những ngày quá khứ. Trong chỉ hơn 2 phút đó, tôi được gặp lại em. Em vui tươi, em bừng sáng. Em sung sướng khoe với mẹ tôi bức tranh vẽ một thiên sứ có đôi cánh trắng đang đùa vui cùng một lũ trẻ trên triền đê. Em nói với mẹ tôi:

“Bà không được mách với dì là Lộc vẽ dì đó! Lộc vẫn đang giận dì, không chơi với dì nữa. Nhưng Lộc cũng yêu dì lắm, dì là đẹp nhất luôn!” Thằng bé nói rồi cười khanh khách, tiếng cười hồn nhiên mà cả đời này tôi cũng không còn có thể nghe được. Tôi cứ ôm lấy cái điện thoại, ôm lấy nụ cười tươi rói của em mà khóc trong âm thầm. Trẻ em hồn nhiên và ngây thơ, như một món quà quý giá của thượng đế. Nhưng đôi lúc, sự hồn nhiên đó cho ta những bài học còn sâu sắc hơn cả những gì cuộc đời đã dạy.

Năm tôi mười hai tuổi, em lên bốn. Một năm sau, tôi mười ba, em bốn tuổi. Hai năm nữa, tôi mười bốn, em bốn tuổi. Ba năm sau, tôi bước vào tuổi trăng tròn, em vẫn bốn tuổi. Em mãi dừng lại ở cái ngưỡng bốn tuổi. Ước mơ của em, bức tranh thiên sứ của em mãi ám ảnh tôi như cái hình ảnh em cười rạng rỡ năm bốn tuổi. Con người ta chẳng bao giờ lo nghĩ về cái vạn biến của cuộc sống, cứ thế làm tổn thương người khác, để rồi khi mất đi lại loay hoay tìm kiếm hai chữ: “giá như”. Trong trái tim non nớt của em, tôi xuất hiện như một thiên sứ mang đôi cánh trắng hơn cả những áng mây trên trời. Nhưng chính tôi tự biết được rằng, đôi cánh trắng của tôi đã bị vẩy một vệt đen, cái màu đen của sự ích kỉ, của sự vô cảm với chính người thân của mình. Đôi cánh đen đó, có thể sẽ đè nặng tôi suốt cả cuộc đời. Nó đòi hỏi ở tôi sự sám hối mãnh liệt, để giành lại đôi cánh trắng mà Lộc từng tin yêu.

Tác giả bài viết: Phan Thị Thùy Trang - 8A

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 4 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Gửi phản hồi
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập220
  • Hôm nay44,724
  • Tháng hiện tại1,328,919
  • Tổng lượt truy cập39,800,066
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây